1. Khái quát các giai đoạn lịch sử Nam Bộ từ nghiên cứu Khảo cổ học

1.1 Môi trường sinh thái

Nam Bộ có địa hình tự nhiên khá đa dạng, có thể phân biệt ra ba dạng địa hình (hoặc ba vùng địa hình). Đông Nam bộ là vùng đất đỏ bazan, vùng phù sa cũ. Miền Tây Nam bộ, cũng được gọi là Châu thổ hoặc đồng bằng sông Cửu Long, Vùng thứ ba nằm trong hải phận Nam bộ Việt Nam, gồm hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ. Có thể coi đây là vùng địa hình biển đảo. Nghiên cứu khảo cổ học Nam bộ phải bắt đầu và dựa vào môi trường sinh thái. Trải qua thời kỷ phát triển địa chất lâu dài, cho đến nay trên đất liền Nam bộ có hai tiểu vùng sinh thái tự nhiên, cũng là hai tiểu vùng văn hóa phát triển liên tục từ thời cổ cho đến nay:

Đông Nam bộ gồm lưu vực Đồng Nai, Sài Gòn, sông Bé, Vàm Cỏ với các dạng địa hình – hệ sinh thái đồi núi rìa cao nguyên, châu thổ cũ và khu vực rừng ngập mặn ven biển.

Tây Nam bộ chủ yếu là châu thổ sông Cửu Long mới và đang thành tạo, với tứ giác nước Long Xuyên – Đồng Tháp Mười kéo dài tới vùng ngập mặn bán đảo Cà Mau. [6]

Sự phân chia tiểu vùng này tất nhiên chỉ là tương đối, với “ranh giới” chuyển tiếp Đông – Tây Nam bộ là Long An. Tuy ‘ranh giới” chỉ là tương đối nhưng trên quan niệm sinh thái nhân văn thì hai tiểu vùng sinh thái – văn hóa trên không thể gộp chung mà rõ ràng cần được nhìn nhận như một “phức hệ văn hóa” trên cơ sở sự đa dạng của địa hình – sinh thái.

1.2 Văn hóa Đồng Nai thời tiền sử (khoảng từ 2000 năm trước công nguyên đến Công nguyên)

Phân bố ở tiểu vùng văn hóa Đông Nam bộ. Sau thời đại Đồ Đá mà dấu vết phát hiện được còn khá ít ỏi, từ khoảng 4000 năm cách nay ở lưu vực sông Đồng Nai xuất hiện một lớp cư dân mới thuộc thời đại Kim khí – chủ nhân của văn hóa Đồng Nai. Sự phát triển của văn hóa Đồng Nai đã làm cho miền Đông Nam bộ trở thành một trong 3 trung tâm văn hóa lớn của Việt Nam trong thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên: Đông Sơn ở miền Bắc – Sa Huỳnh ở miền Trung – Đồng Nai ở miền Nam.

Hàng trăm di tích văn hóa Đồng Nai từ giai đoạn sớm đến muộn phân bố trên địa bàn rộng rãi khắp miền Đông Nam bộ từ vùng đồi gò cao đến vùng đất thấp ven biển. Trên quan điểm gắn liền việc nghiên cứu di tích khảo cổ với môi trường phân bố có thể nhận thấy các di tích khảo cổ văn hóa Đồng Nai chia thành 3 khu vực gắn liền với lưu vực ba dòng sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ.

Căn cứ vào hệ thống di tích và những chất liệu, loại hình di vật của văn hóa Đồng Nai tìm hiểu về đời sống của cư dân cổ Đông Nam Bộ, các nhà nghiên cứu cho rằng hình thức quan trọng và phổ biến nhất, trong đời sống kinh tế truyền thống ở đây là trồng trọt trên vùng bán sơn địa, nghề thủ công và giao thương trao đổi trong vùng và những vùng xa hơn ở ĐNA lục địa và hải đảo… Yếu tố qua trọng tác động đến sự phát triển của văn hóa Đồng Nai là các dòng sông và vùng ven biển. Văn hóa Đồng Nai là bước mở đầu cho truyền thống văn hóa phát triển rực rỡ vào khoảng thời gian trước – sau Công nguyên và sẽ trở thành nguồn gốc bản địa của một văn hóa cổ ở Nam bộ: văn hóa Oc Eo với trung tâm là đồng bằng sông Cửu Long và giai đoạn muộn có mặt ở miền Đông Nam bộ [3].

1.3 Văn hóa Óc Eo thời Vương quốc Phù Nam (thế kỷ 1 -7)

Phân bố ở tiểu vùng văn hóa Tây Nam bộ. Đây là một nền văn hóa cổ với trung tâm là tứ giác Long Xuyên, vùng trũng ngập lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay có nhà nghiên cứu đã nhận diện được ba “tiểu quốc” của Phù Nam phân bố tại vùng Nam bộ – Việt Nam là: tiểu quốc Na Phất Na (khu vực Óc Eo – Ba Thê, An Giang); tiểu quốc “chinh phục đầm lầy” khu vực Gò Tháp, Đồng Tháp và tiểu quốc Cát Tiên (Lâm Đồng) [7].

Môi trường của văn hóa Oc Eo là vùng sông rạch, đầm đìa, bưng biền… một số đồi núi như Núi Sam, Núi Sập, Bảy Núi, Ba Thê, những giồng, gò nổi cao giữa vùng thấp trũng ngập nước hàng năm. Đây là vùng chịu ảnh hưởng rất lớn của các đợt biển tiến thời Holocene từ khoảng 5000 năm trước công nguyên đến khoảng 1200 năm sau công nguyên (thế kỷ 12). Thời kỳ trước công nguyên biển tiến Holocene đã ngăn chặn sự lan tỏa của văn hóa Đồng Nai xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long, vì vậy ở miền Tây Nam bộ tìm thấy khá ít ỏi di tích khảo cổ thời Tiền sử. Chỉ đến khoảng đầu công nguyên nước biển rút thì các nhóm cư dân bản địa của văn hóa Đồng Nai bắt đầu mở rộng địa bàn cư trú xuống vùng này cùng với một bộ phận cư dân từ hải đảo vào.

Các cuộc khai quật từ thời L.Malleret (1944) đã tìm thấy dấu tích khoảng 30 “đường nước cổ” là các kênh đào ngang dọc ở vùng thấp trũng tứ giác Long xuyên. Đây vừa là hệ thống đường giao thông lợi dụng thủy triều ra vào cảng thị Oc Eo, vừa là hệ thống thủy lợi thoát nước trong mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long. Trên vùng trung tâm khảo cổ học đã phát hiện những cổ vật quý giá, nhiều di vật như tượng thờ ngay trong các di tích đền tháp, mộ táng, vật dụng phục vụ sinh hoạt vật chất, sinh hoạt tinh thần tồn tại khá nhiều tại các di chỉ cư trú và di tích kiến trúc tôn giáo [2].

Trong thời kỳ hình thành và phát triển của văn hóa Oc Eo từ thế kỷ 1 -7 khu vực Oc Eo – Ba Thê được nhìn nhận là một cảng biển – đô thị của vương quốc cổ Phù Nam, trạm dừng chân quan trọng trên tuyến đường biển nối liền Nam Á và Bắc Á với hai trung tâm văn minh lớn của nhân loại là Ấn Độ và Trung Hoa. Để có thể tồn tại và phát triển, cư dân Oc Eo đã tạo ra những điều kiện sống thích hợp, chấp nhận và khai thác những mùa nước nổi theo chu kỳ hàng năm. Đặc điểm nổi bật của lối sống cư dân văn hóa Oc Eo là tiếp tục cuộc sống trên nhà sàn ven hệ thống sông rạch tự nhiên và nhân tạo, chọn các vùng đất cao như đồi, gò, giồng…để cư trú và canh tác [3].

1.4 Thời kỳ vùng đất Nam bộ hoang hóa và bắt đầu khai phá (từ thế kỷ 8 – 19)

Đợt biển tiến Holoxene IV ở đồng bằng sông Cửu Long đã là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho nền văn hóa Oc Eo rực rỡ “đột ngột biến mất”, vì phần lớn cư dân buộc phải dần dần rời bỏ địa bàn cư trú thấp trũng, tìm các gò giồng cao để ở hay tiến lên vùng cao miền Đông Nam bộ hoặc xa hơn. Vì vậy di tích văn hóa Óc Eo miền Đông Nam bộ thường có niên đại muộn từ thế kỷ 5- 6 đến thế kỷ 12 -13, thời điểm mà theo ghi chép của Châu Đạt Quan trong Chân Lạp phong thổ kí đây vẫn là vùng hoang vu hầu như không có người sinh sống [5]. Giai đoạn “hậu Óc Eo” từ thế kỷ 8 đến khoảng thế kỷ 12 truyền thống văn hoá Óc Eo vẫn được cư dân Nam bộ bảo lưu và có sự phát triển nhất định trong hoàn cảnh lịch sử – xã hội có nhiều biến đổi.

Người Việt ở Nam bộ tạo lập cộng đồng vào khoảng thế kỉ 17, cùng với các tộc người bản địa và cộng đồng người Hoa, chỉ trong vòng từ cuối thế kỉ 17 đến giữa thế kỉ 19 đã biến cả vùng đất Gia Định phủ (1698) trở thành một Gia Định thành, một Nam kỳ lục tỉnh trù phú, giàu sản vật, có vị thế kinh tế – chính trị hàng đầu khu vực.

Kết quả nghiên cứu khảo cổ học thời kỳ này gồm những phát hiện di vật dưới lòng sông, những vật dụng sinh hoạt trên gò, giồng đất… phản ánh đời sống các cộng đồng dân cư trên vùng đất hầu như không thay đổi về môi trường sinh thái nhưng đã có những thay đổi về sinh hoạt kinh tế – văn hóa. Đặc biệt từ cuối thế kỷ 19 là sự ra đời của các “thị tứ” Nam bộ ven các con sông.

2. Những biểu hiện của “Văn hóa sông nước” ở Nam Bộ qua Khảo cổ học.

2.1 Cư trú

Cư dân văn hóa Đồng Nai thời tiền sử chọn những gò cao ven sông Đồng Nai, Sài Gòn làm nơi cư trú. Hàng chục di tích khảo cổ học trải dọc đôi bờ Đồng Nai từ thượng nguồn đến hạ lưu và tận vùng cửa biển… Ví dụ như trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có những nhóm di tích Bến Đò – Hội Sơn – Long Bửu là những đồi gò laterite kề sát sông Đồng Nai, huyện Hóc Môn có di tích Rỏng Bàng (rỏng: đường nước chảy) gần Rạch Tra một nhánh của sông Sài Gòn, đặc biệt nhóm di tích hơn 30 địa điểm ở huyện Cần Giờ đều phân bố trên những giồng đất giữa vùng rừng ngập mặn ven biển… Riêng tại huyện Bình Chánh có di tích ND11 tìm thấy những cọc gỗ nhà sàn trên vùng ngập nước [1].

Đồ gỗ tìm thấy khá nhiều ở các di tích bưng lầy vùng sinh thái ngập mặn như Bưng Bạc, Bưng Thơm…gồm nhiều loại công cụ lao động, chưa kể dấu tích cọc nhà sàn dày đặc ở đây [4]. Đồ xương và vỏ nhuyễn thể cũng phổ biến ở những di tích ven biển các tỉnh Đông Nam bộ. Hiện nay tại một số di tích ở Bến Tre, trong vùng Đồng Tháp Mười (Long An) cũng tìm thấy nhiều vỏ nhuyễn thể biển như ốc, hàu, mai rùa… bên cạnh di cốt động vật rừng.

Đến thời kỳ văn hóa Óc Eo những di chỉ khảo cổ ở đồng bằng Nam bộ chủ yếu được phân bố ở các điểm tụ, đầu mối của những tuyến giao thông đường thủy và được nối liền với nhau bằng những kênh đào cổ tạo thành một hệ thống thủy lợi rộng lớn, đặc biệt là trên phần châu thổ phía nam sông Hậu. Mạng lưới kênh đào lớn này cho thấy tầm quan trọng của công trình thủy lợi trong hoạt động nông nghiệp của xã hội Phù Nam. Trong việc chinh phục tự nhiên đáng lưu ý nhất là cư dân Óc Eo đã làm thủy lợi khá mạnh mẽ. Lợi dụng địa hình sông rạch tự nhiên họ đã đào, khai để có một hệ thống thủy đạo phát triển như những con đường nước. Các nhà sàn, các điểm cư trú đều lấy đường nước làm trục tỏa ra hai bên. Các di tích như Óc Eo, Ba Thê, Nền Chùa, Gò Tháp… là những trung tâm dân cư nằm ở vùng có nhiều đường nước cổ [8].

2.2 Sinh hoạt

Đồ gia dụng của cư dân Nam bộ từ thời tiền sử đến gần đây vẫn bảo lưu một số vật dụng đặc trưng cho lối sống sông nước (ghe xuồng, bếp cà ràng…). Trong các di tích khảo cổ học bên cạnh rất nhiều hiện vật bằng các chất liệu khác nhau, có thể nhận thấy đồ gốm là loại hình hiện vật thể hiện truyền thống bản địa nhất. Bộ ba hiện vật bằng gốm/đất nung tồn tại lâu dài đến tận thế kỷ 17-18, đó là cà ràng /bếp gốm; các loại nắp vung, nắp hũ và đèn gốm. 

* Bếp lò (cà ràng): Đây là di vật tiêu biểu được tìm thấy trong nhiều di tích, là vật dụng quen thuộc và rất cần thiết của cư dân sống ở vùng ven biển và sông rạch, trên nhà sàn hay trên ghe xuồng. Bếp lò gốm đã xuất hiện trong các di tích cư trú và cả trong mộ táng (với chức năng là đồ tùy táng) từ thời tiền sử trước đó ở lưu vực sông Vàm Cỏ- Đồng Nai và đến văn hóa Óc Eo đã trở thành di vật đặc trưng của văn hóa này. Tuy chỉ còn các mảnh vỡ nhưng có thể nhận dạng di vật này qua sự so sánh với loại bếp lò bằng gốm hiện nay vẫn phổ biến ở Nam bộ. Di vật này có một số kiểu dáng:

– Ở giai đoạn sớm: Bếp lò hình chảo đáy rộng và khá bằng, trong lòng có 3 giá kê (hình trụ đầu hơi nhọn như sừng bò).

– Ở giai đoạn muộn: Bếp lò hình khay thắt ở giữa giống số 8. Có chân đế và thành lò cao, từ thành lò nhô ra 3 giá kê. Phần ngoài có thể để than tro nướng thức ăn.

Dù hình thức nào thì bếp lò gốm đều giống nhau ở chỗ cấu tạo phù hợp để có thể đặt trên nhà sàn hay ghe xuồng mà vẫn an toàn, di chuyển dễ dàng. Điều đặc biệt là loại bếp lò gốm này đã được tìm thấy rất nhiều trong các di tích thuộc văn hóa Đồng Nai thời tiền sử (niên đại từ 3000 – 2000 năm cách ngày nay) vừa là vật dụng tìm thấy tại nơi cư trú, vừa là đồ tùy táng trong các ngôi mộ chum chôn ở vùng ngập mặn ven biển. Như vậy loại bếp lò gốm (cà ràng) này đã tồn tại và phổ biến trong đời sống cư dân vùng sông nước suốt từ thời xa xưa. Vì vậy, việc gọi nó là “cà ràng” như cách gọi của người Khmer Nam bộ không có nghĩa là nó là di vật của người Khmer, mà chỉ là sự ghi nhận tên gọi hiện nay của loại bếp lò này. Hiện nay bếp lò gốm có thể khác nhau chút ít về hình dáng nhưng phổ biến nhiều nơi trong vùng Đông Nam Á.

* Các loại nắp vung bằng gốm khá đặc biệt vì là nắp đậy ngửa (núm cầm trên mặt lõm của nắp). Loại nắp này đặc biệt thích hợp đậy nồi, bình hũ sử dụng trên ghe xuồng, khi di chuyển tròng trành không bị rơi bể.

* Đèn gốm: làm bằng chất đất chắc nặng, đế hình đĩa có vành và đường kính lớn hơn đĩa đèn để hứng tàn bấc. Chân cao để tiện cầm nắm và tạo độ cao cho đèn. Phía trên đặt một đĩa đèn đường kính nhỏ hơn đế, đĩa này có chỗ lõm để gác bấc đèn. Khi cần thì có thể đặt chiếc đĩa đèn này trên sàn nhà, sàn ghe xuồng hay trên bàn cũng được. Với chất liệu nặng và chân đế rộng nên tạo sự chắc chắn nhất là khi ghe xuồng di chuyển.

 2.3 Lối sống

Cư dân Óc Eo – điển hình là tại tiểu vùng thượng châu thổ – đã tạo dựng một lối sống thích hợp với những điều kiện đặc thù, biết và dám chấp nhận đồng thời khai thác những mùa nước nổi, nước lên theo chu kỳ hàng năm để mang lại nguồn lợi cho mình. Đặc điểm nổi bật của cư dân văn hóa Oc Eo là lối cư trú trên nhà sàn ven hệ thống sông rạch tự nhiên và nhân tạo, hoặc chọn các gò, giồng cao xây dựng những trung tâm sinh hoạt tinh thần, mở rộng khu vực xung quanh làm nơi cư trú, tiến đến mở rộng địa bàn canh tác. Cư dân cổ đã duy trì và phát triển cuộc sống này, trở thành một “truyền thống” thể hiện qua hệ thống di tích kiến trúc và những di vật khảo cổ có niên đại từ đầu Công nguyên đến thế kỷ 10 – 12.

Từ đó hình thành hai phương thức kinh tế chủ yếu là làm ruộng ở vùng thấp miền Tây sông Hậu – miệt ruộng và làm vườn ở vùng cao ven hạ lưu sông Tiền – văn minh miệt vườn. Cảnh quan làng Nam bộ theo đó cũng có nét độc đáo riêng: phân bố trải dài theo sông rạch, nhà cửa quay mặt ra sông rạch đón gió mát khi nước lớn. Phương tiện giao thông chủ yếu là ghe xuồng nương theo con nước thủy triều lên xuống, chờ con nước lớn nước ròng các bến neo đậu ghe xuồng dần trở thành thị tứ, chợ búa. Tính chất cởi mở, giao lưu rộng rãi là đặc điểm xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế – văn hóa Nam bộ ít nhất là từ thời văn hóa Oc Eo đến nay.

(Khái niệm “sống chung với lũ” chỉ mới xuất hiện từ khoảng năm 1996 với những ám ảnh tiêu cực, thiệt hại vật chất và sinh mạng. Vì vậy, chúng ta thường ứng xử một cách lúng túng và bi thảm hóa một hiện tượng bình thường của tự nhiên mà ông cha ta trước đây đã bình tĩnh khai thác làm lợi cho mình).

Cho đến thời kỳ khai phá vùng đất Nam bộ, phổ biến một hiện vật khảo cổ phản ánh môi trường và sinh hoạt của lưu dân: lu gốm. Đây là vật dụng cho đến nay còn phổ biến ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu vùng xa Nam bộ, chức năng cơ bản là chứa và lọc nước (nước mưa, nước sông) trong điều kiện khí hậu Nam bộ có hai mùa mưa nắng và nước nhiễm phèn.

Một phần “Xóm Lò Gốm” của Sài Gòn xưa đã được tìm thấy tại làng Hòa Lục – Phú Định (quận 8). Đó là khu lò Hưng Lợi sản xuất từ giữa thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Giai đoạn đầu của khu lò gốm này sản xuất lu đựng nước là chính, khu di tích cũng được hình thành từ Lò Lu này. Nửa đầu thế kỷ XX do quá trình đô thị hoá nên vùng gốm Sài Gòn không còn điều kiện để phát triển sản xuất, truyền thống và kỹ thuật sản xuất “gốm Sài Gòn” – nhất là lu gốm – sau đó hiện diện ở khu lò lu Tân Vạn gốm Biên Hòa (Đồng Nai) và khu lò lu gốm Lái Thiêu (Bình Dương)… [3, tr.284].

 
Bài viết này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Nguyễn Thúy Duy
Nguyễn Thúy Hằng
Hoàng Tuấn Nam
Thái Phước Nguyền
Phạm Xuân Thành