2.4 Giao thông, giao thương sông nước/biển/ ghe xuồng, cởi mở và tiếp nhận

Từ thời tiền sử khu vực Cần Giờ (TPHCM) đã là một cảng thị sơ khai giao thương với các đảo, quần đảo ngoài biển Đông, chứng tích là tập hợp các di vật có nguồn gốc Ấn Độ và các đảo Đông Nam Á: đồ gốm, trang sứ mã não, thủy tinh, đá ngọc… [1]. Tập hợp di vật này tiếp tục được tìm thấy nhiều trong văn hóa Óc Eo với cảng thị Óc Eo – Ba Thê và nhiều đô thị cổ Nền Chùa, Cạnh Đền, Gò Tháp… Ngoài ra còn có ảnh hưởng mạnh mẽ của tôn giáo (Phật giáo, Bà La Môn) từ Ấn Độ thể hiện qua kiến trúc đền tháp và tượng thờ, linh vật, trang sức đá quý và chạm khắc vàng… Đặc biệt là hai đồng tiền của La Mã thế kỷ 2 và 3 sau công nguyên… Tất cả có mặt ở Óc Eo thông qua giao thương đường biển và đường sông vào nội địa. [2]

Thời kỳ khai phá vùng đất Nam bộ: Phần đông lưu dân Ngũ Quảng vào Nam một cách tự phát, họ tổ chức thành từng nhóm một vài gia đình hoặc cử những người khỏe mạnh đi trước đến vùng đất mới, tạo dựng cơ sở rồi đón gia đình vào sau. Phương tiện lưu chuyển chính là ghe – thuyền bởi lúc bấy giờ, việc đi lại giữa các phủ miền Trung với vùng Gia Định chủ yếu bằng đường biển. Tất nhiên cũng có những người chấp nhận mạo hiểm trèo đèo lội suối đi bằng đường bộ, có khi ở lại một địa phương nào đó một thời gian rồi lại tiếp tục tìm đến vùng đất mới Đồng Nai. Số này có lẽ ít hơn bởi đường đi quá gian nan và mất nhiều thời gian.

Tiến trình Nam tiến này ngày càng trở nên mạnh mẽ, quy mô hơn, nhất là sau khi các chúa Nguyễn thiết lập nền hành chính ở đất Gia Định. Câu ca dao: “Nhà Bè nước chảy chia hai, Ai về Gia Định – Đồng Nai thì về” đã cho chúng ta hình dung về con đường đi đến vùng đất mới là từ cửa Cần Giờ ngược sông Đồng Nai đến ngã ba Nhà Bè, từ đó hoặc theo sông Sài Gòn, hoặc theo sông Đồng Nai, các thế hệ lưu dân định cư trên các giồng đất cao ven sông, cù lao giữa sông rồi tiến dần khai phá vùng bán sơn địa. Không chỉ phát triển nông nghiệp, lưu dân còn phát triển các nghề thủ công và thương nghiệp. Chứng tích của cuộc sống sôi động này phần nào đã được phản ánh qua hàng ngàn đồ gốm cổ được người dân tìm thấy ở sông Đồng Nai [3, tr.133]. Gần đây trên sông Tiền, sông Hậu nhân dân cũng vớt được khá nhiều đồ gốm thuộc các thời kỳ khác nhau. Phần lớn cổ vật gốm này được Bảo tàng các tỉnh và nhiều sưu tập tư nhân lưu giữ.

Từ cuối thời Nguyễn ở Nam bộ hình thành các thị tứ. Vị trí của các đô thị Nam bộ thường ở trung tâm của mạng lưới giao thông đường thủy từng khu vực, tận dụng sự thuận tiện của hệ thống sông, kênh rạch, đường biển… và những bến – chợ trước đó để hình thành các bến cảng trong đó có những cảng thị quan trọng như Sài Gòn, Cù Lao Phố, Mỹ Tho, Ba Vát (Bến Tre), Hà Tiên…sau này như Cần Thơ, Long Xuyên, Sa Đéc… Có thể nói tính chất của đô thị Nam bộ là những “đô thị sông nước”, người ta biết đến đô thị không chỉ là những thành quách, các công trình hành chính hay tôn giáo mà còn được biết đến vì những bến – chợ nổi tiếng với sự phong phú của hàng hóa, sự giao lưu trao đổi buôn bán trù mật, sự đông đúc đa dạng của cư dân.

Ví dụ như Gia Định thành có cấu trúc giao thông đường thủy : Sông Sài Gòn là giao thông đường thủy quan trọng nhất, cảng Bến Nghé xưởng đóng tàu Ba Son là vị trí tiền tiêu, cửa ngỏ giao dịch buôn bán với những tàu nước ngoài. Hệ thống kho bãi, nhà máy dọc theo kênh rạch dày đặc như rạch Thị Nghè, kênh Bến Nghé, kênh Tẻ, rạch Cầu Kho. Kênh Tàu Hủ nối liền các tỉnh miền Tây và cảng Bến Nghé, là con đường huyết mạch để vận chuyển lúa gạo, lương thực… làm nên nền ngoại thương từ rất sớm. [3, tr.303]

3. “Văn hóa sông nước” ở Nam Bộ có thể thích nghi với điều kiện “Biến đổi khí hậu” để “phát triển bền vững”: nhìn từ vài ví dụ trong khu vực.

3.1 Nhìn lại lịch sử khai thác đồng bằng sông Cửu Long từ khi lưu dân người Việt vào khẩn hoang lập ấp, đến thời kỳ triều Nguyễn đẩy mạnh di dân, thời Pháp thuộc lập đồn điền tích tụ ruộng đất: Chúng ta đều thấy một đặc điểm là toàn vùng chưa bao giờ chỉ độc canh cây lúa dù trồng lúa là kinh tế chính. Dân cư chọn phương thức sống thích ứng với những “tiểu vùng” sinh thái ở đây (mà ở Nam bộ có một từ rất hay là “miệt”): miệt ruộng (tứ giác Long Xuyên), miệt bưng biền (Đồng Tháp Mười), miệt U Minh (rừng ngập mặn, Cà Mau) và miệt vườn (hạ lưu sông Tiền), miệt rẫy (Đông nam bộ). Nam bộ có hai mùa mưa nắng, lượng nước ngọt cho trồng trọt và sinh hoạt chủ yếu từ nước mưa và từ sông Cửu Long, trước đây khi diện tích trồng lúa có hạn thì lượng nước ngọt đủ cung cấp cho những cánh đồng trồng lúa, phần khác cho miệt vườn cây ăn trái. Nay dân số và diện tích trồng lúa đều tăng nhiều lần, mùa vụ cũng tăng trong điều kiện nguồn nước đang cạn kiệt, nước mặn xâm lấn, vì vậy phương thức trồng trọt “độc canh cây lúa” và chỉ nhằm mục đích tăng sản lượng (để xuất khẩu) cần phải xem xét lại.

Với tính cách thực tiễn, dám nghĩ dám làm… người dân Nam bộ có thể “tự cứu” mình trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, nhưng chỉ là trước mắt và mang tính tạm bợ (sự xuất hiện của loại xuồng “năm quăng” hay thực trạng nhà cửa sơ sài như hàng trăm năm qua, kể cả “khu dân cư vượt lũ”…). Để Nam bộ có thể phát triển bền vững bắt từ đời sống của người dân, cần một quan điểm nhận định mới về Nam bộ: không còn là vùng “thiên nhiên uu đãi, làm chơi ăn thiệt…” nữa, do dân số, mật độ dân số đã tăng lên rất nhiều, trong đó có sự thay thế và tăng dân số từ công đồng dân cư có tư duy và lối canh tác nông nghiệp khác phương thức truyền thống ở Nam bộ. Và nhất là phải bắt đầu từ việc đầu tư lại, đầu tư thêm cho vùng này cả về cơ sở hạ tầng và cơ sở an sinh xã hội cho xứng đáng với tiềm năng và sự đóng góp của vùng Nam bộ cho cả nước.

3.2 Ví dụ về một sự thích nghi truyền thống: Ở Campuchia, bất cứ nơi đâu cũng có thể nhìn thấy nhà sàn truyền thống. Đặc trưng là kiểu nhà trên những cây cột nhỏ và sàn khá cao, cách mặt đất đến 3 – 4m, cầu thang gỗ dốc đứng bên ngoài ngôi nhà. Những ngôi nhà sàn xây bằng vật liệu kiên cố (cột bê tông, tường gạch) thì cầu thang xây có thêm bậc “chiếu nghỉ” để giảm độ dốc. Với sàn nhà cao như vậy, ngôi nhà là sự thích nghi một cách “tối ưu” với điều kiện tự nhiên: mùa nắng thì tránh được hơi nóng hầm hập bốc lên từ mặt đất nứt nẻ, đồng thời đón gió mát cho cả trên nhà dưới sàn, mùa nước ngập thì nhà luôn cao vượt mặt nước nên không phải “chạy lũ”, lại còn tránh được hơi ẩm, chuột bọ, rắn rít. Dưới sàn nhà vẫn là không gian có thể sinh hoạt và để đồ đạc (ghe xuồng, nông cụ, có khi là bộ ván hay bộ bàn ghế, chiếc võng mắc toòng teng…). Khi cần thiết có thể dừng vách là tầng dưới trở thành ngôi nhà một trệt một lầu khá tiện nghi! [9]

Gần đây, câu chuyện xuất khẩu lúa gạo của Campuchia cũng không khỏi làm “giật mình” nhiều người Việt Nam. Có những nơi đã cử người sang tìm hiểu cách làm, kinh nghiệm từ giống, phân bón, cách xây dựng thương hiệu… của gạo Campuchia. Nhưng có một điều quan trọng: Campuchia không “tham” tăng vụ và không trồng giống lúa “năng xuất” cao, họ chú trọng quy trình phát triển tự nhiên của cây lúa và chất lượng lúa gạo. Đây chính là kinh nghiệm “thích nghi” và “duy trì” điều kiện tự nhiên qua canh tác.

3.3 Ví dụ về sự thích nghi hiện đại: Singapore là thành phố của nhà cao tầng với kính màu và bê tông nhưng hầu như không kiến trúc nào giống nhau, rất đa dạng và đẹp mắt. Singapore là một quốc đảo xanh không chỉ để cho khí hậu môi trường trong sạch hơn mà còn nhằm tiết kiệm nước bằng việc tận dụng nước mưa cho thấm xuống mạch nước ngầm. Đồng thời đẩy mạnh kỹ thuật lọc nước biển cung cấp cho sinh hoạt. Bởi vì Singapore không có nguồn nước ngọt phải mua và dẫn từ Malaysia qua.

Những khu nhà hiện đại mới xây gần đây và đang được xây dựng đều cao hai ba mươi tầng, có chung đặc điểm: tầng trệt khá cao và để trống làm gare xe cho cả khu nhà, lầu 1 hoặc lầu 2 là không gian công cộng: có bể bơi, vườn cây nhỏ, khu cho trẻ em vui chơi… Cấu trúc như vậy rất tiết kiệm đất, đồng thời chuẩn bị thích nghi với sự biến đổi khí hậu: nước biển dâng hay có sóng thần cũng giảm thiểu được tác hại. Sự ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai đến từng dự án xây dựng một cách cụ thể như vậy, qua đó người dân cũng dần có sự hiểu biết và ý thức với tình trạng này trong tương lai không xa. Nhìn những tòa nhà xây dựng vững chãi trên những dãy cột cao có thể thấy kiến trúc này đã tận dụng đặc tính “nhà sàn truyền thống” của Đông Nam Á là thích nghi và đương đầu với sự thách thức của thiên nhiên. “Sống chung với lũ” bắt đầu từ ý tưởng thích nghi với nó chứ không lo “chạy” vào vùng cao. [10]

 

***

Địa hình sông nước ở Nam bộ là điều kiện tự nhiên vốn có và bền vững. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã trở thành hiện thực và thời đại “toàn cầu hóa”, sự tồn tại của một dòng sông dù lớn như Mekông hay chế độ nước, chất lượng nước của các con sông lớn ngày nay không còn là vấn đề chỉ của Nam bộ hay Việt Nam mà nó là vấn đề của khu vực, thậm chí của thế giới. Vì vậy, “văn hóa sông nước” của Nam bộ cần được thích ứng với hoàn cảnh mới từ từ kinh nghiêm lịch sử: Sống tại chỗ, tận dụng, thay đổi lối sống, phương thức sản xuất để thích ứng với môi trường tự nhiên chứ không sợ hãi, bi thảm hóa những khó khăn nhưng cũng không thể chống đối một cách duy ý chí.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bảo tàng lịch sử VN và Bảo tàng LSVN.TPHCM. Khảo cổ học tiền sử và sơ sử TPHCM. NXB Trẻ, 1998.

2. Lê Xuân Diệm – Đào Linh Côn – Võ Sĩ Khải. Văn hoá Oc Eo những khám phá mới. NXB KHXH, 1995.

3. Nguyễn Thị Hậu – Lê Thanh Hải. Khảo cổ học bình dân Nam bộ Việt Nam, từ thực nghiệm đến lý thuyết. NXB Tổng hợp TPHCM, 2010.

4. Phạm Đức Mạnh. Di tích khảo cổ học Bưng Bạc Bà Rịa – Vũng tàu. NXB KHXH, 1996.

5. Châu Đạt Quan – Hà Văn Tấn dịch. Chân Lạp phong thổ ký. NXB Thế giới và Dân trí books, 2017

6. Lê Bá Thảo. Thiên nhiên Việt Nam. NXB Giáo dục, 2004

7. Đặng Văn Thắng (chủ biên). Các tiểu quốc thuộc vương quốc Phù Nam ở Nam bộ. NXB Đại học quốc gia TPHCM, 2017.

8. Trần Quốc Vượng chủ biên. Cơ sở văn hóa Việt Nam. NXB Giáo dục, 2000.

9. Khảo sát của tác giả vào năm 2008, 2017

 
Bài viết này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Nguyễn Thúy Duy
Nguyễn Thúy Hằng
Hoàng Tuấn Nam
Thái Phước Nguyền
Phạm Xuân Thành