Theo TS, Nguyễn Đức Thành, thế giới đang bị cuốn theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, blockchain và tiền ảo là thành tựu sáng chói nhất trong cuộc cách mạng này
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính là việc tích hợp công nghệ, giúp con người kết nối một cách trực tiếp nhất, thông qua những giải pháp công nghệ thông minh.
Theo ông Thành, "cách mạng công nghiệp 4.0" là thuật ngữ do một người Đức sáng tạo nên đầu thế kỷ này, đó là ông Klaus Martin Schwab, người sáng lập nên Diễn đàn kinh tế thế giới. Ông Schwab đã đưa thuật ngữ này vào chương trình của diễn đàn, sau đó nó lan rộng ra cả châu Âu, châu Á, trong đó có Việt Nam.
Nền tảng của nền công nghiệp 4.0 chính là sự ra đời của internet và công nghệ vệ tinh phủ sóng khắp toàn cầu khiến cho việc truyền tải thông tin dễ dàng và nhanh hơn.
Trước đây, ở cuộc cách mạng công nghiệp 3.0, tất cả đều rất rời rạc, mạnh ai người ấy làm không chỉ trong các ngành nghề khác nhau, mà ngay cả trong cùng ngành nghề cũng vậy.
Hiện nay thì ngược lại, tất cả đều được liên kết với nhau, những công nghệ trong sinh học có thể ứng dụng ở y học và ngược lại, tất cả ngân hàng và khách hàng đều dễ dàng liên thông với nhau…
"Tôi có vài người bạn ở Mỹ về chơi, họ đã rất ngạc nhiên khi đi đâu ở Việt Nam, cũng nghe về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thật ra, người Mỹ không biết đến hay nói nhiều về khái niệm này, mặc dù họ đang là người dẫn đầu trong cuộc cách mạng này", TS. Nguyễn Đức Thành chia sẻ.
3 đặc điểm nổi bật
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có 3 đặc điểm nổi bật. Đầu tiên, nó là làn sóng hủy diệt sự sáng tạo trong quá khứ.
Thứ hai, nó sinh ra một thứ gọi là big data có quyền năng to lớn. Cuối cùng, đỉnh cao chính là sự ra đời của blockchain, với ứng dụng sơ khai – tiền ảo, nguồn cơn thay đổi thế giới trong tương lai.
Ông Thành chia sẻ, sự ra đời của Uber và Grab đang "hủy diệt" ngành taxi truyền thống. Hết đi lại, sẽ đến chuyện ăn ở. Sự lớn mạnh của dịch vụ Airbnb, chia sẻ khách sạn – nhà ở, đang khiến ngành khách sạn thấy bất an. Liệu trong tương lai, họ còn có thể oai phong kêu gào như ở thời điểm hiện tại?
Cũng như thế, với hình thức học tập trực tuyến, liệu những trường đại học uy nghiêm to lớn hay những trung tâm Anh ngữ sang chảnh có còn cần thiết trong tương lai? Liệu thành trì của những ngành nghề cơ bản có thể tồn tại hay không?
"Trước đây, muốn có các số liệu chính xác về thị trường, người ta thường cho các sinh viên hoặc thuê công ty điều tra ra ngoài tìm hiểu. Nhưng bây giờ không thế nữa, người ta chỉ cần tới những công ty có bán big data. Facebook hay Amazone đang có một nguồn big data quý báu, nhờ chúng ta cung cấp đầu vào một cách vô thức. Big data hiện bán được rất nhiều tiền và ai nắm giữ big data, kẻ đó sẽ làm chủ tương lai", ông Thành nói.
Với internet, mạng xã hội và cảm biến (censor) có mặt khắp nơi trên trái đất, tất cả những hành vi của chúng ta, dù nhỏ nhất, cũng đã được lưu vào kho dữ liệu ở nhiều chỗ khác nhau. Nơi tập hợp tất cả những kho dữ liệu khác nhau đó được gọi là big data. Tất nhiên, big data chỉ là nơi chứa nguyên liệu thô, còn muốn những con số đó cho ra những kết quả cụ thể có thể sử dụng, chúng ta cần nhờ cậy đến nhiều thuật toán khác nhau.
Cuối cùng là sự ra đời của blockchain và kỷ nguyên về tiền mã hóa. "Tôi không thích từ tiền ảo, thật ra nó không hề ảo, nó có giá trị thật sự, nó có thể giao dịch. Tôi thích dùng từ tiền mã hóa hơn, nó đúng với bản chất của thứ tiền được tạo ra nhờ công nghệ blockchain", ông Thành cho biết.
Tiền ảo sẽ thay đổi thế giới
Viện trưởng VEPR cho rằng, blockchain và tiền mã hóa sẽ là những thứ tác động khủng khiếp nhất đến thế giới trong tương lai.
Năm 2017, tiền mã hóa đã có một cuộc bùng nổ, trên cả thế giới và tại Việt Nam. Nó là một đồng tiền có giá trị cao nhưng không biên giới, nó không bị tác động bởi địa lý, hành chính, quyền lực và chủ nghĩa dân tộc. Thế nên, tiền mã hóa có thể thống trị và "phá tan" thế giới này trong tương lai.
"Hiện tại, thế giới chúng ta đang sống đã rất khác cách đây 10 năm. Việt Nam đang rầm rộ gia nhập vào thế giới tiền mã hóa. Chúng ta có những nhóm công nghệ rất mạnh, có thể đưa ra các thuật toán để đào. Ai cũng muốn mình có được đồng tiền mã hóa mạnh nhất Việt Nam", TS. Nguyễn Đức Thành nhận định.
Việt Nam nên tận dụng tốt cơ hội này để bứt phá. Năm 2018, Chính phủ sẽ đưa ra khung pháp lý rõ ràng hơn cho tiền mã hóa. Bây giờ, Chính phủ Việt Nam chỉ đang phản ứng lại trước cái mới, như nhiều nước khác.
Theo ông Thành, đối với blockchain và tiền mã hóa, chúng ta không nên cấm, nếu cấm giới đầu tư sẽ sang Singapore hay Hàn Quốc để làm. Việt Nam sẽ mất nhiều hơn được!./.
Bài viết này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6
Lê Trọng Nam
Trần Lê Thiên Ân
Phan Anh Tuấn
Huỳnh Ngọc Nhật Vy
Nguyễn Thị Tường Vi