bvbd18014-1-.jpg
Nguồn: unplash.com

Lạy Chúa, cho con an tĩnh để chấp nhận những điều con không thể thay đổi,

Can đảm để thay đổi những điều con có thể,

Và sự khôn ngoan để nhìn thấy sự khác biệt giữa hai điều.

Câu nói trên được trích từ Lời Nguyện An Tĩnh, được sáng tác bởi nhà thần học người Mỹ Reinhold Niebuhr vào khoảng năm 1934, và sau đó thường được sử dụng bởi tổ chức Alcoholics Anonymous và các tổ chức tương tự. Lời nguyện này không chỉ là một bước quan trọng hướng đến việc cai nghiện, nó còn là công thức cho một cuộc sống hạnh phúc, nghĩa là một cuộc sống bình an mà chỉ có thể đạt được bằng cách đón nhận có ý thức những gì mà cuộc đời mang đến chúng ta với một sự bình thản.

Thực ra thì quan điểm trong lời nguyện cầu này đã xuất hiện từ xa xưa, trong những bài giảng của Đức Phật  ở thế kỷ thứ 8, hay trong triết lý của người Do Thái ở thế kỷ thứ 11. Tuy nhiên, phiên bản xưa nhất mà tôi có thể nhớ được đó chính là của triết gia Epictetus thuộc trường phái Khắc kỷ. Ông hoạt động rất tích cực tại Rome và sau đó là Nicopolis vào khoảng thế kỷ thứ 2. Epictetus cho rằng:

Có một số thứ ta có thể kiểm soát được và số khác thì không. Thứ ta có thể kiểm soát là cách nhìn nhận, động lực, mong muốn, cảm giác khó chịu và năng lực tư duy của ta nói chung; thứ ta không thể kiểm soát bao gồm thân thể, tài sản vật chất, danh tiếng, địa vị – nói chung là bất kỳ thứ gì không nằm trong quyền kiểm soát của ta… Nếu bạn có nhận thức đúng đắn về điều gì thật sự thuộc về mình và điều gì không, bạn sẽ không bao giờ làm nô lệ cho quyền lực hay đầu hàng trước thử thách, bạn sẽ không bao giờ đổ lỗi hay chỉ trích bất kỳ ai, và bạn sẽ hành động với một ý chí độc lập. Bạn sẽ không có lấy một kẻ thù, không ai có thể làm bạn tổn thương, bởi bạn không cho phép điều đó xảy ra.

Tôi gọi đây là Lời Hứa của Epictetus: nếu bạn thật sự biết được điều gì bạn có thể kiểm soát và điều gì không, cũng như hành động dựa trên sự hiểu biết ấy, thì bạn sẽ có một trạng thái tâm lý cực kỳ mạnh mẽ và gần như không bị ảnh hưởng bởi những thử thách của cuộc đời.

Dĩ nhiên nói thì dễ hơn làm. Điều này đòi hỏi bạn phải luyện tập chánh niệm rất nhiều. Nhưng từ kinh nghiệm cá nhân của mình, tôi bảo đảm với bạn rằng nó rất hiệu nghiệm. Một ví dụ đó là khi tôi du lịch đến Rome năm ngoái để viết một quyển sách về chủ nghĩa khắc kỷ. Buổi chiều muộn nọ, tôi đi đến trạm tàu điện ngầm gần Đấu trường La Mã. Ngay khi vừa bước vào xe điện ngầm chật cứng người, tôi cảm thấy có một lực cản rất mạnh ngăn tôi bước tiếp. Một chàng trai trẻ đang cản đường tôi và tôi không rõ là vì lý do gì. Tới khi tôi chợt nhận ra thì đã quá trễ. Trong khi toàn bộ sự chú ý của tôi đang tập trung vào cậu chàng này, đồng bọn của anh ta đã thò tay vào túi trước bên trái, móc lấy bóp của tôi rồi nhanh chóng bước ra khỏi xe cùng với đồng bọn của y. Cánh cửa đóng lại, tàu khởi hành, và tôi - không tiền mặt, không giấy phép lái xe, chỉ có vài cái thẻ tín dụng cần phải báo hủy và làm lại.

Trước khi tôi luyện tập chủ nghĩa Khắc kỷ, sự kiện này có thể là một trải nghiệm cực kỳ tồi tệ với tôi và có thể tôi đã không phản ứng tốt được. Tôi sẽ cực kỳ giận dữ và khó chịu. Tâm trạng bực bội này hẳn sẽ kéo dài suốt cả buổi tối. Hơn nữa, cú sốc của sự kiện này, dù cho không gây ra tổn hại nghiêm trọng, có thể sẽ kéo dài nhiều ngày liền với cảm xúc giận dữ và hối hận.

Nhưng thật may mắn là tôi đã luyện tập trường phái Khắc kỷ được một vài năm. Vì vậy, khi tình huống này xảy ra thì tôi nhớ ngay đến Lời Hứa của Epictetus. Tôi không thể nào kiểm soát những kẻ trộm cắp tại Rome, và tôi cũng không thể nào quay ngược quá khứ để thay đổi điều đã xảy ra. Tuy nhiên, tôi có thể chấp nhận rằng chuyện đã xảy ra và ghi nhớ nó để tránh trường hợp tương tự trong tương lai, sau đó tập trung tận hưởng quãng thời gian còn lại trong chuyến đi của mình. Suy cho cùng thì chuyện cũng không phải là kinh khủng cho lắm. Tôi đã nghĩ như vậy. Và nó thật sự hiệu quả. Tôi ăn tối với mọi người và kể lại chuyện đã xảy ra, sau đó tiếp tục tận hưởng bộ phim, bữa tối và cuộc trò chuyện của chúng tôi. Anh trai tôi rất ngạc nhiên khi thấy tôi đón nhận mọi chuyện với một thái độ thản nhiên và bình tĩnh như vậy. Nhưng đó chính xác là sức mạnh của việc luyện tập phân định hai cực của sự kiểm soát theo trường phái Khắc kỷ.

Hiệu quả của nó không chỉ giới hạn trong những sự kiện nhỏ trong cuộc sống như câu chuyện được mô tả ở trên. James Stockdale là một phi công lái máy bay chiến đấu trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Ông từng bị bắn rơi và sau đó phải trải qua bảy năm rưỡi tù ngục tại Hỏa Lò – nơi mà ông phải chịu nhiều đợt tra tấn và thường bị nhốt biệt giam. Ông cho rằng nhờ Epictetus mà mình mới có thể sống sót qua quãng thời gian khắc nghiệt ấy bằng cách áp dụng khả năng phân định hai cực của kiểm soát vào trường hợp của mình. Điều này không chỉ cứu mạng ông, mà còn cho phép ông điều phối một cuộc phản kháng ngay trong tù với cương vị là sĩ quan cấp cao.

Hầu hết chúng ta đều sẽ không rơi vào hoàn cảnh như đô đốc Stockdale. Nhưng một khi ta bắt đầu để ý, ta sẽ thấy rằng sự phân định hai cực của kiểm soát có thể ứng dụng vào rất nhiều trường hợp trong đời sống hàng ngày. Và tất cả chúng đều đòi hỏi ta thực hiện một việc trọng yếu: chuyển hướng các mục tiêu của ta từ kết quả bên ngoài sang những kết quả bên trong.

Giả dụ như bạn đang chuẩn bị hồ sơ để ứng tuyển vào một vị trí cao hơn. Nếu như mục tiêu của bạn là được thăng chức thì bạn có thể sẽ tự đưa mình vào một tình huống dễ gặp phải sự thất vọng. Không có gì đảm bảo bạn sẽ đạt được mục tiêu này, bởi vì kết quả này hoàn toàn không nằm trong khả năng kiểm soát của bạn. Dĩ nhiên bạn có sự ảnh hưởng lên nó, nhưng kết quả còn phải dựa vào một số những biến số khác - những thứ nằm ngoài khả năng của bạn, bao gồm sự cạnh tranh từ các ứng viên khác, hay có thể là do sếp của bạn không thích bạn mà chẳng vì lý do gì cả.

Nếu như bạn theo đuổi triết lý của chủ nghĩa Khắc kỷ, mục tiêu của bạn cần phải đến từ bên trong. Trước hết bạn sẽ dốc hết tâm trí của mình để tạo nên một bản hồ sơ tốt nhất có thể, và sau đó chuẩn bị tinh thần để đón nhận bất kỳ kết quả gì với một sự bình thản, vì bạn biết rằng đôi lúc vũ trụ sẽ đáp lời bạn nhưng cũng có những lúc không. Có ích gì khi cứ lo lắng về một thứ mà bạn không thể kiểm soát được, đúng không? Hay cảm thấy tức giận vì một kết quả mà không phải do mình gây ra? Làm vậy chỉ khiến cho bạn đang tự gây ra tổn thương cho chính mình và làm ảnh hưởng đến sự hạnh phúc và an tĩnh của bạn.

Đây không phải là kiểu chấp nhận thụ động mọi thứ ra sao thì ra. Như tôi đã nói, mục tiêu của bạn đó là tạo nên bản hồ sơ tuyệt vời nhất có thể! Nhưng một người thông thái sẽ nhận ra rằng không phải lúc nào “nhân định” cũng “thắng thiên”. Nếu mọi thứ không như ý mình muốn, cách tốt nhất là học hỏi từ thất bại, và tiếp tục bước tiếp.

Bạn có muốn chiến thắng trận tennis đó không? Điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Nhưng việc chơi trận đấu ấy tốt nhất có thể thì lại nằm trong khả năng kiểm soát của bạn. Bạn có muốn vợ/chồng của bạn yêu bạn không? Bạn chẳng thể kiểm soát được điều đó. Nhưng có rất nhiều cách mà bạn có thể chọn để thể hiện tình yêu với đối phương – đây là điều nằm trong sự kiểm soát của bạn. Bạn có muốn một đảng chính trị cụ thể nào đó giành được chiến thắng không? Đây cũng là điều nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn (trừ khi bạn là Vladimir Putin!) Nhưng bạn có thể chọn tham gia vào những hoạt động chính trị, và bạn có thể đi bầu. Đây là những khía cạnh mà bạn có thể làm chủ được. Nếu như bạn chuyển hướng tập trung của mình vào bên trong một cách thành công, bạn sẽ không bao giờ đổ lỗi hay chỉ trích ai, và bạn sẽ không có một kẻ thù nào, bởi vì những gì người khác làm phần lớn nằm ngoài khả năng kiểm soát của bạn và vì thế bạn chẳng có gì phải lo lắng cả. Kết quả là bạn sẽ có một thái độ bình thản trước những đổi thay của cuộc đời và điều này sẽ giúp bạn có được một cuộc sống an tĩnh.

 
Bài viết này được chọn lọc, biên dịch, thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 5

Đinh Hải Đăng
Trương Nguyễn Nhật Hoàng
Trần Thị Thảo Phương
Lê Chiêu Trung
Đặng Phương Uyên
Trần Thị Hồng Xuyến