(TBKTSG) – Kiến thiết một nền giáo dục đại học thực thụ và tạo sinh khí cho nó là điều kiện tiên quyết để đưa nước ta trở nên giàu mạnh và văn minh. Không thể có một nền đại học thực thụ nếu không có tự do học thuật.

Tuy có hơn 300 trường đại học nhưng nước ta vẫn chưa có một nền đại học thực thụ. Do vậy không đáng ngạc nhiên khi các trường đại học của ta lạc hậu ngay cả với các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á. Với một đất nước hơn 90 triệu dân, lại đang ở cuối thời kỳ dân số vàng, đây là một cơ hội bị bỏ lỡ, đồng thời là một bất lợi to lớn khi hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. Kinh nghiệm thế giới cho thấy bên cạnh năng suất và thể chế, giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng là một trụ cột cho phát triển kinh tế.

Tự do học thuật – thành tố thiết yếu của một nền đại học thực thụ

Khác với giáo dục phổ thông, mục đích của giáo dục đại học không dừng lại ở việc truyền trao tri thức có sẵn mà quan trọng hơn là đi tìm chân lý thông qua việc phát triển tri thức mới. Để thực hiện mục đích này, tự do học thuật – được hiểu là tự do giảng dạy, nghiên cứu và thảo luận khoa học, tự do công bố kết quả nghiên cứu, và tự do diễn ngôn trên tinh thần khoa học – trở thành một tiền đề thiết yếu.

Rõ ràng không thể đi đến chân lý nếu không có sự cọ xát và kiểm định các học thuyết hay quan điểm khác nhau. Điều này phụ thuộc vào quyền lựa chọn chủ đề nghiên cứu không bị giới hạn bởi những cấm kỵ và kiểm duyệt, cũng như quyền tự do công bố kết quả nghiên cứu, ngay cả khi chúng không cổ xúy cho những giáo điều định sẵn.

Những hạn chế trong tự do học thuật ở Việt Nam chủ yếu xuất phát từ tình trạng chính trị hóa và can thiệp quá mức của Nhà nước vào đại học, từ đó dẫn tới sự thiếu tự chủ của các cơ sở đào tạo đại học và mất dần ý thức tự do học thuật của giới hàn lâm cũng như của toàn xã hội.

Tương tự như vậy, chân lý cũng sẽ không được hiển lộ trong môi trường bị chính trị hóa hay hành chính hóa cao độ, khi ngân sách nghiên cứu bị phân bổ thiên lệch, không dựa vào chuẩn mực khoa học, hay khi giảng viên và nhà nghiên cứu có thể dễ dàng bị cách chức hay hủy văn bằng chỉ vì diễn ngôn các quan điểm không chính thống.

Tự do học thuật, trách nhiệm học thuật và dấu ấn nhà nước

Cũng như các quyền tự do khác, tự do học thuật luôn đi đôi với trách nhiệm học thuật, trong đó quan trọng nhất là sự khách quan và trung thành với chân lý, sự tuân thủ các chuẩn mực về đạo đức và chuyên môn, sự tôn trọng quyền tự do học thuật của những thành viên khác trong cộng đồng học thuật và đối xử công bằng với những quan điểm học thuật khác biệt.

Việc thực hiện quyền tự do học thuật phụ thuộc rất nhiều vào ý chí và chính sách của nhà nước.

Ở một thái cực, các nhà nước không có tự do học thuật thường cai trị bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi trong xã hội và giới hàn lâm.

Ở một cực khác, trong các xã hội tiên tiến, quyền tự do học thuật được nhà nước bảo vệ vì nó được coi là nền tảng thiết yếu để phát triển tri thức và phụng sự xã hội, và do đó là trụ cột quan trọng của mọi xã hội dân chủ và văn minh. Ở các nước này, chính quyền kiềm chế can thiệp vào quyền tự chủ đại học và tự do học thuật vì họ biết rằng tri thức là nền tảng của sức mạnh quốc gia, đồng thời họ có niềm tin vào bản chất lành mạnh, năng lực tự quản và tự sửa sai của cộng đồng học thuật.

Những nút thắt của Việt Nam

Ở Việt Nam hiện nay có nhiều nút thắt đối với về tự do học thuật. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất lý giải cho sự lạc hậu của nền đại học nước ta, đặc biệt là của các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Một hệ quả là các ngành này không đáp ứng được nhu cầu phát triển chung của đất nước cũng như nhu cầu của bản thân hệ thống chính trị và Nhà nước.

Một ví dụ gần đây là khi phải đối diện với Trung Quốc trong các tranh chấp chủ quyền trên biển, các nhà khoa học ở các trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam nhìn chung phản ứng kém hiệu quả trên các diễn đàn học thuật quốc tế bởi nhiều vấn đề từ lâu chỉ được thảo luận chủ yếu trong nội bộ Đảng – Nhà nước, và do vậy nằm ngoài địa hạt nghiên cứu của các nhà khoa học xã hội Việt Nam nói chung.

Bản thân xã hội Việt Nam cũng ít coi trọng tự do học thuật. Nếu như trước đây, mục đích chủ yếu của việc đi học là để đỗ đạt ra làm quan, trở thành tôi trung, thì hiện nay mục đích chủ yếu của việc học đại học là có tấm bằng để tìm việc làm. Những giảng viên mà mối quan tâm hàng đầu chỉ là giữ được chỗ làm và thăng quan tiến chức thì cũng chẳng cần đến tự do học thuật. Với các đại học tư thục, mà ở Việt Nam vốn được tổ chức và quản trị như những công ty cổ phần, thì tối đa hóa lợi nhuận, chứ không phải tự do học thuật, trở thành mục tiêu hàng đầu.

Chương trình đào tạo đại học hiện nay còn nhiều gò bó. Trong một thời gian dài, các yêu cầu bắt buộc về đào tạo chính trị, việc áp đặt chương trình khung cùng với thủ tục xin phép mở ngành mới phiền phức khiến cho các trường đại học trên thực tế không có nhiều “bậc tự do” trong việc thiết kế chương trình và nội dung đào tạo.

Nguồn tài chính eo hẹp cũng góp phần hạn chế nhu cầu tự do học thuật. Vì hầu hết các trường đại học phụ thuộc vào chỉ tiêu tuyển sinh để cải thiện thu nhập nên một mặt họ sa đà vào hoạt động giảng dạy, ít nghiên cứu, do vậy xem nhẹ nhu cầu tự do học thuật; mặt khác sinh ra động cơ tuân thủ thay vì đổi mới. Hơn nữa, với nguồn tài chính hạn chế, các trường đại học Việt Nam khó tuyển được những giảng viên và nhà quản lý đại học xuất sắc nhất, những người quyết định chất lượng dạy và học của trường đại học. Việc thiếu vắng tài năng vừa kìm hãm sinh khí của các trường đại học vừa hạn chế nhu cầu và khả năng theo đuổi tự do học thuật của các trường đại học Việt Nam.

Cuối cùng, tự do học thuật phụ thuộc vào sự lành mạnh của giới hàn lâm. Đáng tiếc là ở Việt Nam chưa có một cộng đồng học thuật hay giới hàn lâm thực thụ. Hệ quả là sự thiếu vắng hệ thống chuẩn mực và tiếng nói chung để tạo động lực và nhu cầu cho tự do học thuật cũng như đảm bảo tự do học thuật được sử dụng vì lợi ích chung của toàn xã hội nhờ khả năng tự nhận thức và tự sửa sai của cộng đồng học thuật.

Không thể không gỡ…

Tuy gần đây có một số cải thiện, song tự do học thuật trong các trường đại học Việt Nam còn nhiều hạn chế trên hầu hết các phương diện quan trọng, từ nghiên cứu và thảo luận khoa học đến công bố kết quả và diễn ngôn. Những hạn chế này chủ yếu xuất phát từ tình trạng chính trị hóa và can thiệp quá mức của Nhà nước vào đại học, từ đó dẫn tới sự thiếu tự chủ của các cơ sở đào tạo đại học và mất dần ý thức tự do học thuật của giới hàn lâm cũng như của toàn xã hội.

Nền giáo dục đại học Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải thực sự tôn trọng tự do học thuật, không chỉ để giúp nền kinh tế trở nên năng động, sáng tạo, có năng lực cạnh tranh hơn trong nền kinh tế tri thức toàn cầu ngày nay mà còn tạo ra nền tảng và sinh lực trí tuệ vững chắc giúp bảo vệ độc lập và chủ quyền quốc gia.

Các yếu tố của tự do học thuật

1. Tự do giảng dạy bao gồm quyền được chọn giáo trình và tài liệu tham khảo, xây dựng chương trình và đề cương môn học, lựa chọn phương pháp giảng dạy, và đánh giá học viên. Tự do giảng dạy gắn liền với trách nhiệm đảm bảo tính chính xác, khách quan, không thiên lệch của nội dung giảng dạy và đánh giá học viên, cũng như sự phù hợp của phương pháp giảng dạy.

2. Tự do nghiên cứu bao gồm quyền được lựa chọn chủ đề và phương pháp nghiên cứu cũng như quyền tiếp cận các nguồn tài trợ nghiên cứu một cách công bằng. Quyền tự do nghiên cứu đi đôi với quyền tự do công bố và xuất bản kết quả nghiên cứu.

3. Tự do diễn ngôn là quyền thảo luận và phát biểu mà không bị kiểm duyệt và áp đặt về các vấn đề chuyên môn, các vấn đề của bản thân trường đại học nơi người phát ngôn làm việc, cũng như các vấn đề chung của toàn xã hội.

 

Tự do học thuật là giá trị cốt lõi trong các nền đại học tiên tiến

Đại hiến chương Đại học (Magna Charta Universitatum) của Hiệp hội các đại học châu Âu (1988) tuyên bố “tự do trong nghiên cứu và đào tạo là nguyên tắc cơ bản của cuộc sống đại học, các chính phủ và các trường đại học, trong phạm vi tối đa của mình, phải đảm bảo tôn trọng yêu cầu cơ bản này.” Nguyên tắc này sau đó được ghi rõ trong hiến pháp của Liên hiệp châu Âu. Hiệp hội Giáo sư đại học Hoa Kỳ và Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Hoa Kỳ cũng đưa ra Tuyên bố về các nguyên tắc tự do học thuật và biên chế giảng viên, theo đó, “các tổ chức giáo dục đại học hoạt động vì lợi ích chung chứ không vì lợi ích cá nhân của giáo viên hay của trường. Lợi ích chung này phụ thuộc vào sự tự do truy tìm và diễn bày chân lý. Tự do học thuật, áp dụng cho cả giảng dạy và nghiên cứu, có vai trò thiết yếu cho những mục đích này”.

 

Link bài gốc: https://www.thesaigontimes.vn/135167/Kien-tao-mot-nen-dai-hoc-thuc-thu.html

 

----- Hết -----

Bài giảng này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Đinh Hải Đăng
Trương Nguyễn Nhật Hoàn
Trần Thị Thảo Phương
Lê Chiêu Trung
Đặng Phương Uyên
Trần Thị Hồng Xuyến