Ngài Thủ Tướng Kohl, Thị Trưởng Diepgen, và quý vị thân mến: Cách đây 24 năm, Tổng Thống John F. Kennedy đã đến thăm Berlin, nói chuyện với người dân thành phố này và cả thế giới tại Toà Thị Chính. Và kể từ đó, hai vị Tổng Thống khác đã đến, từng người một trong nhiệm kỳ của họ, đã đến Berlin. Và hôm nay, tôi, chính tôi, đã đến đây lần thứ hai để thăm viếng thành phố này.

Chúng tôi đến Berlin, chúng tôi những người Tổng Thống Hoa Kỳ, bởi vì trách nhiệm của chúng tôi là phải nói, tại nơi này, về tự do. Nhưng tôi phải thú nhận rằng chúng tôi bị thu hút về nơi này bằng những thứ khác nữa: bởi cảm giác về lịch sử của thành phố này, hơn hẳn đất nước chúng tôi những 500 năm tuổi; bởi vẻ đẹp của Grunewald và Tiergarten ; và trên tất cả bởi lòng dũng cảm và sự quyết tâm của các bạn. Có lẽ nhà soạn nhạc Paul Lincke đã hiểu đôi điều về các vị Tổng Thống Mỹ. Các bạn thấy đó, giống như rất nhiều vị Tổng Thống tiền nhiệm trước tôi, tôi đến đây hôm nay bởi vì cho dù tôi đi đâu, cho dù tôi làm gì: Ich hab noch einen Koffer in Berlin. [Tôi vẫn còn để hành lý của mình ở Berlin]

Sự kiện chúng ta đứng cùng nhau ở đây hôm nay sẽ được truyền thông khắp Tây Âu và Bắc Mỹ. Tôi biết nó cũng sẽ được thấy và nghe ở phía Đông. Xin gửi tới những người đang lắng nghe phát thanh này ở khắp Đông Âu, một lời đặc biệt: Mặc dù chúng tôi không thể ở cùng với các bạn, tôi xem trọng các bạn ở nơi đó cũng như mọi người đang đứng đây, trước tôi. Vì tôi ở cùng với các bạn, khi tôi ở cùng với những người đồng hương của các bạn ở phía Tây trong một niềm tin mãnh liệt không dời đổi: Es gibt nu rein Berlin [Chỉ có một Berlin duy nhất]

Đằng sau lưng tôi đứng sừng sững bức tường bao quanh khu vực tự do của thành phố này, một phần rất lớn của bức tường ngăn đôi toàn thể lục địa của châu Âu. Từ biển Baltic, ở phía nam, bức tường này băng ngang qua nước Đức thành một vết cắt rất sâu với kẽm gai, bê tông, chó bảo vệ và các đồn canh. Đi xa hơn nữa về phía nam, không nhìn thấy một bức tường cụ thể nào ngay trước mắt. Nhưng những đồn kiểm tra và lính gác trang bị vũ khí quân sự ở đó cũng tương tự vậy thôi – vẫn là sự hạn chế quyền tự do đi lại, vẫn là phương tiện để bắt buộc những người dân bình thường hứng chịu một tình trạng chuyên chế. Nhưng chính là ở đây, Berlin, là nơi bức tường đứng sờ sờ ra đó rõ ràng nhất; ở đây, nó cắt ngang qua thành phố của các bạn mà tất cả các hình ảnh trên báo chí và ti vi đều chìa ra cho cả thế giới thấy sự chia cắt lục địa một cách nghiệt ngã. Đứng trước Cổng Brandenburg, tất cả mọi người Đức đều bị chia cắt bởi những người anh em cùng tổ quốc với mình. Tất cả mọi người Berlin đều bị ép buộc phải ngước nhìn lên một vết cắt.

Tổng Thống von Weizsacker từng nói, “Chừng nào Cổng Brandenburg còn đóng, khi đó vấn đề của người Đức vẫn còn để ngỏ”. Hôm nay tôi nói rằng: Ngày nào cánh cửa này còn đóng chặt, ngày đó vết cắt – bức tường – vẫn còn được phép ở đó, không phải chỉ là vấn đề của người Đức vẫn cứ còn để mở ngỏ mà là cả câu hỏi về quyền tự do của nhân loại còn chưa được giải đáp. Nhưng tôi không phải đến đây để than van và rên rỉ. Vì tôi tìm thấy ở nơi đây, Berlin, ngay cả dưới bóng mờ của bức tường này, thông điệp của hy vọng, thông điệp của vinh quang và chiến thắng.

Cũng mùa xuân này năm 1945, người dân Berlin đã vùng dậy từ những hầm trú ẩn tránh bom để nhin thấy cảnh hoang tàn đổ nát. Và từ hàng ngàn dặm xa, người dân Hoa Kỳ đã vươn đến để trợ giúp. Rồi năm 1947, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ – như quý vị và các bạn đã được nghe – George Marshall đã tuyên bố sáng lập dự án được mọi người biết đến với tên gọi “Dự Án Marshall”. Chính xác mà nói, vào tháng này, cách đây 40 năm, ông đã tuyên bố: “Chính sách của chúng tôi không hướng đến chống lại bất cứ đất nước nào, chế độ nào mà chỉ chống lại đói, nghèo, tuyệt vọng, và mất trật tự”.

Chỉ mới cách đây vài khoảnh khắc trong ngôi nhà Reichstag, tôi đã thấy một trang trí tưởng niệm 40 năm “Dự Án Marshall”. Tôi đã rất ấn tượng bởi tấm bảng treo trên một kiến trúc đã bị cháy rụi và phá hủy đang được xây dựng lại. Tôi biết rằng người Berlin ở thế hệ của tôi có thể nhớ những tấm bảng như thế xuất hiện ở rất nhiều nơi ở phần phía Tây của thành phố. Trên đó đơn giản ghi: “Dự Án Marshall đang giúp đỡ nơi này nhằm mục tiêu củng cố sức mạnh cho thế giới tự do”. Một thế giới mạnh mẽ và tự do ở phương Tây, giấc mơ đã trở thành sự thật. Nhật Bản vươn lên từ đổ nát để trở thành một người khổng lồ về kinh tế. Ý, Pháp, Bỉ – rõ ràng mọi quốc gia Tây Âu đều đã nhìn thấy sự tái sinh về kinh tế và chính trị; Hội Đồng Chung Châu Âu đã được thành lập.

Ở Tây Đức và ở đây, Berlin, đã có những biến đổi kinh tế kỳ diệu như phép mầu, các nhà truyền thông hàng đầu như Wirtschaftswunder. Adenauer, Erhard, Reuter đã hiểu tầm quan trọng thực tiễn của tự do – nó cũng giống như sự thật chỉ nở rộ khi người làm báo được trao quyền tự do ngôn luận, cũng như thịnh vượng chỉ đến khi người nông dân và doanh nhân được hưởng tự do làm kinh tế. Những nhà lãnh đạo nước Đức đã giảm thuế xuất nhập khẩu, tăng cường mậu dịch tự do, giảm thuế trong nước. Chỉ từ năm 1950 đến 1960 thôi, tiêu chuẩn sống ở Tây Đức và Berlin đã tăng gấp đôi.

Ở nơi mà 4 thập niên trước đây chỉ là những hoang tàn đổ nát, ngày nay ở Tây Berlin đã xuất hiện các cơ sở dành cho công nghiệp lớn nhất đối với bất cứ thành phố nào trên nước Đức – các khu văn phòng bận rộn, những khu nhà và căn hộ đẹp đẽ, những đại lộ tràn đầy tự hào, và những bãi cỏ công viên trải dài tít tắp. Nơi mà văn hóa thành phố dường như đã bị phá hủy, ngày nay ở đó có 02 đại học lớn, các phòng hòa nhạc và nhà hát opera, không biết bao nhiêu rạp hát, và bảo tàng. Nơi mà ngày nào chỉ toàn là thiếu thốn, ngày nay đầy ắp mọi thứ – thực phẩm, quần áo, xe cộ – đầy những hàng hóa tuyệt vời ở Ku’damm . Từ tuyệt vọng, từ đổ nát hoàn toàn, các bạn – những con dân Berlin – trong tự do – đã xây dựng lại thành phố đã từng được và nay lại một lần nữa được xếp hạng trong số những thành phố vĩ đại nhất trên trái đất. Người Sô Viết có thể có những hoạch định khác. Nhưng các bạn của tôi ơi, có những thứ mà người Sô Viết không kể đến – Berliner Herz, Berliner Humor, ja, und Berliner Schnauze. [Tâm của người Berlin, sự hài hước của người Berlin, và vâng, Berlin Schnauze ].

Những năm 1950, Khrushchev tiên đoán: “Chúng tôi sẽ chôn vùi mấy người”. Nhưng ở Tây Đức ngày nay, chúng ta nhìn thấy một thế giới tự do đã đạt được một mức độ thịnh vượng và hạnh phúc nhất định chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Trong thế giới Cộng Sản, chúng ta nhìn thấy tình trạng khánh kiệt, lạc hậu về công nghệ, tiêu chuẩn y tế giảm sút, thậm chí thiếu thốn cả nhu cầu cơ bản nhất – có quá ít thực phẩm. Ngay cả đến giờ này, Liên Bang Sô Viết vẫn không có đủ thức ăn cho chính họ. Sau bốn thập niên vừa qua, có thể thấy trước toàn thể thế giới một kết luận hết sức rõ ràng và không thể chối bỏ: Có tự do mới dẫn đến thịnh vượng. Tự do sẽ giúp mang đến sự thân thiện và hòa bình giữa các quốc gia thay cho lòng thù hận truyền kỳ. Tự do là chiến thắng.

Và bây giờ, chính người Sô Viết, theo một cách rất hạn chế, vẫn có thể đã hiểu hơn tầm quan trọng của tự do. Chúng ta đã nghe rất nhiều từ Matx-cơ-va về một chính sách mới về đổi mới và mở cửa.. Một số tù nhân chính trị đã được trả tự do. Một số báo đài tin tức nước ngoài không còn bị giấu nhẹm. Một vài công ty và cơ sở kinh tế đã được cho phép hoạt động tự do ngoài tầm kiểm soát của nhà nước hơn.

Đấy có phải là bước khởi đầu cho những thay đổi lớn lao ở Liên Bang Sô Viết? Hay là đó chỉ là những động tác giả tạo, với ý định nâng cao hy vọng giả tạo ở phương Tây, hay là để củng cố sức mạnh của hệ thống Sô Viết mà không cần tiến hành một sự thay đổi nào? Chúng ta chào đón thay đổi và cởi mở; vì chúng tôi tin rằng tự do và an ninh đi cùng với nhau, rằng tự do của con người càng cao chỉ có thể làm tăng động lực cho hòa bình thế giới. Đó chính là dấu hiệu mà người Sô Viết có thể làm mà không thể nhầm lẫn vào đâu được, nó sẽ giúp đẩy mạnh một cách đáng kể động lực cho tự do và hòa bình.

Tổng Thư Ký Gorbachev, nếu ông đi tìm hòa bình, nếu ông tđi tìm sự thịnh vượng cho Liên Bang Sô Viết và Đông Âu, nếu ông đi tìm sự giải phóng: Hãy đến cánh cổng này! Ông Gorbachev, hãy mở cánh cổng này! Ông Gorbachev, hãy giật sập bức tường này!

Tôi hiểu sự sợ hãi chiến tranh và nỗi đau ngăn cách đã làm khổ sở phần lục địa này – và tôi cam kết với các bạn những nỗ lực của đất nước tôi để giúp các bạn vượt qua những khổ đau nặng nề này. Để chắc chắn, chúng ta ở phía Tây phải nhất định kháng cự sự bành trướng của Sô Viết. Vì vậy chúng ta phải duy trì phòng vệ với sức mạnh không cho phép bất cứ sự tấn công nào. Nhưng chúng ta đi tìm hòa bình; vì vậy chúng ta phải đấu tranh để giảm bớt vũ trang ở cả 2 bên.

Bắt đầu từ cách đây 10 năm, người Sô Viết đã thách thức các đồng minh phương Tây với lời đe dọa khủng khiếp mới, hàng trăm tên lửa hạt nhân SS-20 và khả năng sát thương cao hơn, có đủ khả năng tấn công mọi thủ đô ở Châu Âu. Các đồng minh phương Tây phản ứng bằng cách cố tìm mọi cách để triển khai quân sự chống lại nếu như người Sô Viết không chịu đàm phán một giải pháp tốt hơn; thẳng ra, là kêu gọi loại bỏ những vũ khí kiểu như thế ở cả 2 phía. Nhưng nhiều tháng trôi qua, người Sô Viết vẫn từ chối thương lượng thật lòng. Và ngược lại, khi phe đồng minh chuẩn bị để tiến tới triển khai quân sự đối phó, đó quả là những ngày tháng khó khăn – ngày tháng của biểu tình kháng nghị ví dụ như năm 1982 khi tôi đến thăm thành phố này – và người Sô Viết sau đó bỏ bàn đàm phán ra đi.

Nhưng dù thế nào đi nữa, phe đồng minh vẫn giữ vững lập trường. Và tôi mời những người đã từng biểu tình kháng nghị lúc đó – Tôi mời những người biểu tình ngày hôm nay – hãy đánh dấu sự thật rằng: Vì chúng ta giữ vững lập trường một cách mạnh mẽ, người Sô Viết đã quay trở lại bàn đàm phán. Và bởi vì chúng ta giữ vững lập trường một cách mạnh mẽ, hôm nay chúng ta mới đến gần khả năng, không chỉ đơn thuần hạn chế vũ khí phát triển, mà còn lần đầu tiên loại bỏ được toàn bộ một lớp vũ khí hạt nhân ra khỏi bề mặt trái đất.

Khi tôi đang phát biểu ở nơi này, các đại diện các quốc gia ở NATO đang tiến hành cuộc họp ở Iceland để xem xét tiến trình bảng kiến nghị của chúng ta về việc loại bỏ những vũ khí này. Tại bàn đàm phán ở Geneva, chúng ta cũng đã đề xuất cắt giảm rất nhiều đối với các vũ khí tấn công chiến lược. Và các nước đồng minh phương Tây cũng tương tự đã đề xuất những mục tiêu rất cao để cắt giảm mối nguy xảy ra chiến tranh đánh trận truyền thống và áp đặt một lệnh cấm hoàn toàn đối với vũ khí hóa học.

Trong khi chúng ta đang theo đuổi những đề xuất cắt giảm vũ khí vừa nêu, tôi cam kết với các bạn rằng chúng ta vẫn sẽ tiếp tục duy trì khả năng phát hiện sự tấn công của phía Sô Viết ở bất kỳ mức độ nào. Và khi hợp tác với rất nhiều đồng minh của chúng tôi, nước Mỹ đang theo đuổi Sáng Kiến Phòng Thủ Chiến Lược – một nghiên cứu ngăn chặn không dựa vào tấn công những đe dọa trả đũa mà vào phòng thủ thực sự; nói đơn giản, sẽ là những hệ thống không nhắm vào con người mà che chở cho con người. Với những phương tiện này chúng tôi mong muốn gia tăng an ninh ở châu Âu và cả thế giới. Nhưng chúng ta phải nhớ một sự thật quan trọng là: Đông và Tây không tin tưởng lẫn nhau vì chúng ta đều có trang bị vũ trang; mà chúng ta trang bị vũ trang vì chúng ta không tin tưởng nhau. Và sự khác biệt của chúng ta [với phe phía Đông] không phải là vũ khí mà chính là sự tự do. Khi Tổng Thống Kennedy phát biểu tại Tòa Thị Chính cách đây 24 năm, tự do đã bị bao vây, Berlin đã bị vây hãm. Và ngày hôm nay, bất chấp tất cả áp lực đè lên thành phố này, Berlin đứng an toàn trong sự độc lập của mình. Và chính sự tự do đang làm chuyển đổi thế giới.

Ở Philippines, ở Nam và Trung Mỹ, dân chủ đã được tái sinh. Khắp Thái Bình Dương, thị trường tự do đang là phép màu nhiệm sau phép màu phát triển kinh tế. Ở các nước công nghiệp, cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra – một cuộc cách mạng được đánh dấu bởi những phát triển nhanh và đầy kịch tính trong công nghệ computer và viễn thông.

 

Ở Châu Âu, chỉ có một quốc gia và những nước mà quốc gia đó kiểm soát từ chối gia nhập cộng đồng tự do. Nhưng trong thời đại phát triển kinh tế mạnh mẽ, thời đại của đổi mới và thông tin, Liên Bang Sô Viết đối diện với 1 lựa chọn: họ phải tiến hành một sự thay đổi cơ bản, hoặc là họ sẽ trở nên lỗi thời.

Do đó ngày hôm nay đại diện cho khoảnh khắc của hy vọng. Chúng ta ở phương Tây đứng lên sẵn sàng hợp tác với phương Đông để đi đến một sự cởi mở chân thành, để phá vỡ những hàng rào ngăn cách đã chia cách con người với con người, để tạo nên một thế giới an toàn hơn và tự do hơn. Và chắc chắn rằng không có nơi nào tốt đẹp hơn Berlin, nơi phương Tây gặp gỡ phương Đông, để khởi đầu cho sự hợp tác đó. Hỡi những con người tự do của Berlin: Hôm nay, cũng như hôm qua, Nước Mỹ sẽ tuân thủ chặt chẽ và đảm bảo thực hiện hoàn toàn tất cả các phần của Bản Hiệp Ước Bốn Bên năm 1971. Hãy cho phép chúng tôi nhân dịp này, kỷ niệm thành phố 750 tuổi, để mở ra một kỷ nguyên mới, để tìm đến một đời sống mới toàn hảo hơn và thịnh vượng hơn cho Berlin trong tương lai. Cùng với nhau, chúng ta hãy duy trì và phát triển mối quan hệ bền chặt giữa Cộng Hòa Liên Bang và Tây Berlin đã được Bản Hiệp Ước 1971 cho phép.

Và tôi gọi mời Tổng Thống Gorbachev: Hãy để chúng tôi mang hai phía Đông Tây của thành phố này đến gần hơn với nhau, để tất cả cư dân của toàn Berlin có thể tận hưởng những lợi ích đi kèm với đời sống của một trong những thành phố lớn và tuyệt vời trên thế giới.

Để mở cửa Berlin xa hơn đến toàn Châu Âu, Đông và Tây, chúng ta hãy mở rộng đường bay cần thiết đến thành phố này, tìm cách để dịch vụ hàng không thương mại của Berlin tiện lợi hơn, thoải mái hơn, và giá thấp hơn. Chúng tôi mong được có một ngày khi Tây Berlin có thể trở thành một trong những trạm vận chuyển hàng không trung tâm nhất trong khu vực trung tâm của Châu Âu.

Cùng với các đồng minh Anh và Pháp của chúng tôi, nước Mỹ đang chuẩn bị giúp mang các cuộc họp quốc tế đến Berlin. Chỉ có Berlin là nơi phù hợp nhất để tổ chức các cuộc họp của Liên Hiệp Quốc, hoặc các hội nghị toàn cầu về nhân quyền và kiểm soát vũ trang hoặc các vấn đề kêu gọi hợp tác quốc tế.

Không có cách nào tạo ra niềm hy vọng cho tương lai tốt hơn là mở rộng và phát triển đầu óc của giới trẻ và chúng tôi rất hân hạnh tài trợ cho những chương trình trao đổi thanh thiếu niên trong mùa hè, các sự kiện văn hóa cũng như những chương trình khác cho các thanh thiếu niên Berlin ở Đông Berlin. Các bạn Anh và Pháp của chúng ta, tôi chắc chắn sẽ cũng làm những điều tương tự. Và tôi hy vọng rằng sẽ có một chính quyền phía Đông Berlin cũng tài trợ để cho phép các cuộc viếng thăm của các thanh thiếu niên ở phía Tây Berlin.

Lời đề nghị cuối cùng, lời đề nghị rất gần với trái tim tôi: Thể thao là nguồn vui và nguồn sinh lực sảng khoái, và các bạn chắc cũng đã chú ý rằng Cộng Hòa Triều Tiên – Nam Hàn – đã đưa ra đề nghị cho phép một số sự kiện nhất định trong Olympic 1988 được diễn ra ở phía Bắc. Các cuộc thi thể thao quốc tế đủ thể loại có thể diễn ra ở cả 2 phần của thành phố. Và cách nào tốt hơn để minh họa sự cởi mở của thành phố này với cả thế giới hơn là đề nghị tổ chức, trong vài năm tới, một Thế Vận Hội Olympic ở tại đây, Berlin, cả Đông và Tây?

 

Trong 4 thập niên vừa qua, như tôi đã nói, các bạn những người Berlin đã xây dựng một thành phố tuyệt vời. Các bạn đã làm được bất chấp những đe dọa – Sô Viết đã cố gắng để tác động mạnh lên các bạn với những dấu vết của phía Đông, sự bao vây và phong tỏa. Ngày nay thành phố vươn lên thịnh vượng bất chấp những thách thức tiềm tàng trong sự hiện diện của bức tường này. Điều gì đã giữ các bạn ở đây giờ này? Chắc chắn có rất nhiều điều để nói về sự mạnh mẽ và sự gan dạ không chùn của các bạn. Nhưng tôi tin rằng còn có thứ khác sâu thẳm hơn, thứ mà có mối liên hệ với cái nhìn và cảm xúc và đời sống của một Berlin toàn thể – không hoàn toàn chỉ là cảm tính. Không ai có thể sống lâu lại Berlin mà không hoàn toàn tỉnh thức. Thay vào cho những ảo tưởng là những điều nào đó ở các bạn, cái đã chứng kiến được những khó khăn trong đời sống ở Berlin nhưng chọn chấp nhận chúng, và tiếp tục giúp xây dựng một thành phố tốt đẹp và tự hào ngược lại với sự hiện diện của chế độ chuyên chế ở xung quanh từ chối thả tự do cho năng lượng hay khát vọng của con người. Một điều gì đó vang lên bằng một giọng khẳng định mạnh mẽ, trả lời có với thành phố này, có với tương lai, có với tự do. Chỉ 1 từ thôi, tôi dám nói đó là những gì giữ các bạn ở lại với Berlin, đó là tình yêu – một tình yêu sâu thẳm và không đổi dời.

Có lẽ điều này sẽ chạm đến gốc rễ của vấn đề, đến cái nền tảng riêng biệt cơ bản nhất của tất cả những gì giữa Đông và Tây. Thế giới chuyên chế tạo ra sự thụt lùi bởi vì nó cưỡng bức tinh thần, ngăn trở nhiệt huyết của con người không cho họ sáng tạo, hưởng thụ hay thờ phượng. Thế giới chuyên chế cho rằng ngay cả biểu tượng của tình yêu và sự tôn kính tôn giáo là sỉ nhục. Cách đây nhiều năm, trước khi người Đông Đức xây dựng lại các nhà thờ, họ đã dựng một kiến trúc vĩnh cửu: tháp ti vi tại Quảng trường Alexander Platz. Gần như kể từ ngày đó, các nhà cầm quyền đã cố gắng chỉnh sửa cái họ xem như 1 lỗi quan trọng của cái tháp, họ tìm mọi cách sơn và sử dụng đủ loại hóa chất lên quả cầu kính trên đỉnh. Nhưng ngay cả hôm nay, khi mặt trời rọi vào quả cầu – quả cầu vượt cao lên hẳn khắp Berlin – tạo ra tia sáng mang hình thập tự. Đó chính là Berlin, giống như chính thành phố, những biểu tượng của tình yêu, biểu tượng của tôn kính tôn giáo không thể bị đàn áp.

Khi tôi ngắm vài khoảnh khắc trước đây từ Reichstag, hiện thân của một nước Đức thống nhất, tôi chú ý những chữ được phun xịt bằng sơn nguệch ngoạc trên bức tường, có lẽ bởi một bạn trẻ người Berlin: “Bức tường này sẽ sụp đổ. Niềm tin trở nên hiện thực”. Vâng, xuyên qua Châu Âu, bức tường này sẽ sụp đổ. Vì nó không thể kháng cự lại đức tin; nó không thể kháng cự lại sự thật. Bức tường không thể kháng cự được tự do.

Và tôi muốn, trước khi tôi kết thúc, phát biểu một thứ. Tôi đã đọc và tôi đã thắc mắc từ khi tôi đến đây về các cuộc biểu tình chống đối cuộc đến thăm của tôi ở Berlin. Và tôi chỉ muốn nói chỉ một thứ, và gửi đến những người biểu tình. Tôi tự hỏi nếu họ có bao giờ thử hỏi lại chính họ rằng nếu họ có được loại chính quyền mà họ đang mong muốn, liệu có ai có thể làm cái điều mà họ đang làm thêm lần nữa không.

Trân trọng cám ơn và cầu mong Thượng Đế chúc phúc cho tất cả các bạn.

Tổng Thống Ronal Reagan – 12 Tháng 6 Năm 1987

 

(Phạm Hồng Quyên dịch)

 

Nguồn: http://www.historyplace.com/speeches/reagan-tear-down.htm , March 4, 2012.


Ghi chú thêm: 02 năm sau, Tháng 11 Năm 1989, người Đông Đức ban ra một nghị định mở cửa bức tường, cho phép người dân đi lại tự do sang Tây Đức. Trong một số trường hợp, các gia đình đã bị ly tán nhiều thập kỹ cuối cùng đã được sum họp. Bức tường được giật sập hoàn toàn vào cuối năm 1990 theo sau sự sụp đổ của Chủ nghĩa Cộng sản ở Đông Âu và ngay tại Nga Sô Viết, đánh dấu kết thúc thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.
Bài viết này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Đặng Xuân Hải
Mai Thị Như Thảo
Hồ Đông Thụ
Lê Trung Thu
Nguyễn Hữu Ý