Tên bài viết gốc: TO GRASP GEOPOLITICAL TRANSFORMATIONS, DON'T FORGET TO LOOK AT THE MAP

Tim Marshall là tác giả của cuốn sách SỨC MẠNH CỦA ĐỊA LÝ: Mười Bản đồ Tiết lộ Tương lai của Thế giới Chúng ta, hiện đang được bán trên Scribner. Marshall là chuyên gia hàng đầu về các vấn đề đối ngoại với hơn 30 năm kinh nghiệm làm báo. Ông từng làm việc tại đài BBC và LBC/IRN, là biên tập viên về chuyên mục ngoại giao của Sky News.

Nhập cụm từ “Bản đồ thế giới” vào một công cụ tìm kiếm ngẫu nhiên, nhấp vào phần “hình ảnh”. Hầu hết các kết quả sẽ hiển thị với châu Âu ở ngay chính giữa bản đồ - điều mà đã  trở nên lỗi thời.

Hiển nhiên là không có trung tâm địa lý nào trên một hành tinh, bạn cũng không thể mô tả chính xác quả địa cầu trên một mặt phẳng, vì vậy bạn phải chọn một nơi nào đó ở giữa. Nhưng tại sao lại là châu Âu?

Các nhà sử học biết đến nhà vẽ bản đồ vĩ đại người Flemish - Gerardus Mercator - với phép chiếu hình trụ năm 1569 của ông, được thiết kế với mục đích điều hướng hàng hải, nhưng đồng thời cũng trở thành cách mà chúng ta nhìn Trái Đất. Trong thế kỷ 21, hạn chế của bản đồ Mercator không chỉ là thổi phồng quá mức kích thước của Bắc Mỹ, Châu Âu và Greenland so với thực tế, mà còn ở chỗ nó mô tả dựa trên thế giới quan của những người đầu tiên đi vòng quanh thế giới và duy trì tiềm thức về một châu Âu thống trị mặc dù trung tâm kinh tế - chính trị hiện tại là khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương.

Cách hình thành một không gian địa lý theo các lý thuyết về địa chính trị có vẻ trừu tượng, nhưng nó định hình cách nghĩ của chúng ta. Kéo theo đó là sự hạn chế trong thay đổi tư duy về thế giới theo những hướng hữu ích hơn, nếu chúng ta vẫn sử dụng mẫu bản đồ cũ. Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một ý tưởng phù hợp với thời đại. Những tấm bản đồ mới mô tả khu vực này là trung tâm của thế giới giúp chúng ta hiểu rằng sân chơi đã dần thay đổi.

Việc này có thể mất chút thời gian. Vào tháng 9, Tổng thống Biden đã gọi Thủ tướng Úc Scott Morrison là “Người bạn Úc” và vô tình, việc này gợi nhớ đến nhà lập bản đồ người Hy Lạp, Claudius Ptolemy. Vào khoảng năm 150, ông ấy bắt đầu nghiền ngẫm về “Terra Australis Incognita” hay “Vùng đất phương Nam vô danh”. Ông lý luận rằng nếu thế giới có hình cầu và trên đỉnh là một vùng đất mà ông đã biết, thì theo đó, để ngăn không cho Trái Đất bị “lật” thì bên dưới nó cũng phải có một vùng đất. Theo một cách nào đó thì điều này hoàn toàn đúng. Úc vẫn luôn được coi là đất nước "phía bên dưới", điều này đúng nếu bạn ở Châu Âu, tuy nhiên đối với Úc thì "phía bên dưới" lại là Châu Âu và đối với Hoa Kỳ thì đó là Ấn Độ Dương.

Những tấm bản đồ không chỉ định hình trong tiềm thức về cách chúng ta nhìn thế giới, chúng còn rất quan trọng trong việc cung cấp câu trả lời toàn diện về “tại sao” và “như thế nào” của nhiều sự kiện và thời đại lịch sử. Một sinh viên nghiên cứu lịch sử về sự trỗi dậy của Đế quốc Anh sẽ hiểu ngay từ phần đầu bài đọc nếu anh ta được xem một tấm bản đồ về những cây sồi Anh vào những năm 1500. Henry VIII đã chặt hơn 100.000 cây (chủ yếu là gỗ sồi) để xây dựng Hải quân Hoàng gia Anh. Gỗ sồi là loại gỗ có thể đi biển với cấu trúc chắc chắn, cứng hơn hầu hết các loại gỗ, vì thế nó có thể chịu được đạn đại bác tốt hơn. Nước Anh có nhiều sồi hơn phần còn lại của Tây Âu, kết hợp với các cảng nước sâu và tiếp giáp với các đại dương đã mang lại cho nước này một lợi thế sẵn có khi Thời đại Khám phá đến. Bài hành khúc chính thức của Hải quân Hoàng gia Anh tên là “Tâm gỗ sồi”. Khi chúng ta chuyển sang bản đồ của những năm 1800, lần này về là các mỏ than của Anh, cũng sẽ giúp cung cấp kiến thức về cách mà Đế quốc Anh đạt đến thời kỳ hoàng kim.

Các vùng địa lý không tự nhiên mà hình thành; có nhiều yếu tố quyết định lí do xảy ra các sự kiện và tại sao các nhà lãnh đạo của các quốc gia đưa ra quyết định trong quá khứ, nhưng trong đó, yếu tố bị bỏ qua nhiều nhất, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông, là yếu tố địa lý. Hầu như không thể hiểu được lịch sử hay địa chính trị hiện đại mà không có bản đồ và sự giải thích về địa lý. Ngôn từ có thể trả lời cho câu hỏi “cái gì” nhưng bản đồ mới có thể giải thích rõ ràng cho câu hỏi“tại sao”.

Nước Nga là ví dụ rõ ràng về ảnh hưởng của địa hình. Họ đã bị xâm lăng nhiều lần bởi những người đến từ vùng đất bằng phẳng của Đồng bằng Bắc Âu, vì vậy những người cai trị nước Nga tìm cách thống trị phần không gian đó, biến nó thành một vùng đệm chống lại các cuộc xâm lược tiếp theo. Một số cảng của Nga bị đóng băng vào mùa đông và các con tàu phải đi vào Tảng băng Bắc Cực. Do đó, cảng Sebastopol của Crimean trên Biển Đen có tầm quan trọng sống còn. Khi Ukraine “trở mặt” và về phe NATO vào năm 2014, trong khi hợp đồng thuê cảng của Nga chỉ còn 28 năm, Tổng thống Putin cảm thấy địa lý không cho ông lựa chọn nào khác ngoài xâm chiếm và thôn tính lãnh thổ.

Theo cách nhìn này, các bản đồ địa hình thế giới cũng quan trọng như bản đồ địa chính trị. Tất nhiên, các đường biên giới quan trọng nhưng hướng mà một dòng sông chảy qua chúng cũng vậy, như nhà lý thuyết địa chính trị người Mỹ gốc Hà Lan Nicholas Spykman (1893-1943) đã viết: “Địa lý không tranh cãi.”

Cách tiếp cận của tôi khi viết lách là bắt đầu với địa lý của một quốc gia, vùng đất hoặc khu vực tranh chấp để xem điều gì có thể và không thể. Sau đó, nếu chúng ta thêm vào yếu tố lịch sử và cuối cùng là tình hình chính trị hiện tại, thì mọi chủ đề đều trở nên dễ hiểu hơn. Trong cuốn sách mới của tôi “Sức mạnh của Địa lý”, tôi cũng sử dụng cùng công thức đó bao gồm cả chương cuối cùng về Không gian. Thật hữu ích khi đóng khung Không gian dưới dạng một vị trí địa lý với “đại dương”, núi và các điểm án ngữ của riêng nó, đặc biệt là ở quỹ đạo tầm thấp.

Hai mươi năm trước, một giáo sư người Mỹ - Everett Dolman đã viết một cuốn sách có tựa đề là Astropolitik - Địa chính trị cổ điển trong thời đại vũ trụ. Hầu hết các dự đoán của ông đều chính xác. Đã có sự cạnh tranh quyền lực lớn và bắt đầu quân sự hóa trong không gian. Dolman lập luận rằng sự cạnh tranh này sẽ dẫn đến một hiệp ước Westphalia về vũ trụ. Điều này cũng đã xảy ra khi một số quốc gia đồng ý về “vùng an toàn” trên Mặt trăng, một cụm từ có âm hưởng của “phạm vi ảnh hưởng”. Sau tất cả, khi viết nên lịch sử, rất có thể mặt trăng sẽ chỉ như là một viên đá lót đường, vì chúng ta luôn cần một bến cảng để tiến vào trên đường đến một nơi khác.

Các tổ chức quân sự và các nhà sử học nằm trong số những người hiểu rõ nhất về ảnh hưởng của địa lý đối với các sự kiện, nhưng nhiều ngành học không biết đến điều đó. Để hiểu đúng “lý do” của một sự kiện địa chính trị lớn, cần phải đọc thông tin chính trị, xem qua các số liệu thống kê và xem bản đồ. Đôi khi điều hiển nhiên lại không rõ ràng. Như George Orwell đã nói: “Để nhìn rõ những gì trước mắt chúng ta cần phải đấu tranh không ngừng”.

Nguồn bài viết gốc: http://historynewsnetwork.org/article/181836

_____________________________________
Bài viết này được chọn lọc, biên dịch,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7

Trần Hồng Hạnh
Nguyễn Đức Hiếu
Lê Hoàng Mạnh Hùng
Nguyễn Thị Phương Thảo
Đặng Minh Quân
Tô Nghiệp Siêu
Trịnh Quang Đồng Thảo