- Tác giả: Phan Cẩm Thượng
- Đơn vị xuất bản: Phương Nam Book & NXB Tri Thức
- Năm xuất bản: 2011
- Giải thưởng: Giải Sách Hay hạng mục sách Nghiên cứu 2016 (Do Viện Giáo Dục IRED tổ chức)
Nếu bạn là một người Việt Nam hiện đại có đôi chút tò mò về quá khứ, hẳn sẽ không ít lần bạn nhìn vào những vật dụng xưa cũ như cái nón lá, cuốc xẻng, thuyền bè và tự hỏi người xưa đã chế tạo nó ra sao? Hay cũng có khi bạn tò mò vì trình độ công nghệ ngày xưa chưa phát triển, giao thương chưa nhiều, chưa có đồ đạc làm sẵn hàng loạt, từ cái nhà đến cái bàn cái tủ cũng tự làm thủ công, vật nhỏ nhặt như kem đánh răng còn không có, thì người Việt xưa đã làm cách nào để có nơi ăn chốn ở đàng hoàng ? Hay thông qua những hình vẽ, điêu khắc trên bao lam, tường cột của đình chùa, bạn muốn tìm hiểu và hình dung một bức tranh tổng thể về cuộc sống của người Việt xưa cùng những thứ vật dụng trong cuộc sống ngày xưa của họ, những thói quen sinh hoạt làm việc của họ qua từng giai cấp trong xã hội, hay từng giai đoạn trong lịch sử, thì cuốn sách “Văn minh vật chất của người Việt” là dành cho bạn.
MỘT TỪ ĐIỂN DỒI DÀO VÀ CHI TIẾT VỀ VẬT DỤNG CỦA NGƯỜI VIỆT XƯA
Tác giả đã mở đầu cuốn sách bằng việc mô tả cụ thể sinh hoạt thường ngày của từng giai cấp khác nhau trong xã hội xưa: Sỹ (Vua, quan, thầy,…) – Nông (nông dân) – Công (thợ thủ công) – Thương (nhà buôn). Từ lúc họ thức dậy, tiểu tiện, ăn uống, làm lụng, sinh hoạt đến khi đi ngủ lại. Với bức tranh tổng quát đó, ông mới tiếp tục đi sâu vào các phần tiếp theo: từ đồ vật thể hiện thói ăn nếp ở mở rộng ra đến ngôi nhà, đình chùa thể hiện phong tục lễ nghi của từng giai cấp, từng thời đại nước Việt xưa.
Bất kỳ vật dụng nào từ trong nhà ra ngoài sân ngày xưa, dù tầm thường nhất, cũng được Phan Cẩm Thượng chú ý và nghiên cứu hết sức cẩn thận. Điển hình như ba bài viết “Đồ dùng mây tre đan”, “Đồ gỗ gia dụng” và “Đồ gốm và đồ kim khí trong đời sống thường nhật” nghiên cứu về những đồ vật vẫn ít nhiều còn được sử dụng hằng ngày hay/và được tiếp tục làm ra cho đến ngày nay:
Trong mỗi bài, Phan Cẩm thượng liệt kê kỹ lưỡng kèm hình ảnh minh hoạ cụ thể: đồ dùng mây tre đan thì có cái rá vo gạo, rổ rửa rau, thúng để thóc gạo, nong nia dần sàng gạo, giỏ đựng cua cá, hom lờ đánh bắt cá, gùi, mẹt đựng đồ, bồ đựng nông sản và quần áo...; đồ gỗ gia dụng thì có bàn, tràng kỷ, tủ sách, rương, phản,...; đồ gốm có đủ các loại chum lớn nhỏ đựng từ nước uống, thóc giống đến quần áo, nồi niêu đất đựng nước tiểu, nấu cơm, sắc thuốc, vại muối dưa, chậu, ang để rửa vệ sinh cơ thể, bát, chén ăn cơm canh,... Từ ba loại tre, gỗ, đất, người xưa đã chế tạo ra hết tất cả những đồ dùng sinh hoạt cần thiết hằng ngày, thể hiện rõ sự sáng tạo và khéo léo của họ. Mỗi món đồ lại có công dụng riêng biệt, kích thước không phải do ngẫu nhiên mà đã được xem xét để phù hợp với chiều kích hoạt động của con người. Tuy vậy, khi nhìn lại, tác giả có những nuối tiếc vì những món đồ, cách làm đó không còn được lưu truyền. Có những món đồ gỗ của nhà giàu hoặc bát gốm của thời Lý Trần trong lịch sử được chế tác rất tinh tế, nhưng ngày nay không còn nơi nào làm nữa. Hay có những kiểu đan lát mà chỉ còn người dân tộc hiện nay mới nắm vững.
Một điều thú vị khác, đọc cuốn sách, bạn không những có thêm rất nhiều kiến thức về những vật dụng xung quanh mà còn biết được thêm ý nghĩa đúng của một số từ trước nay hay nghe mà không để ý nguồn gốc: ví dụ như “đểu cáng” không phải là lường gạt, “hộ tịch” không hẳn chỉ những sự kiện của đời người do luật pháp quản lý như kết hôn, khai sinh,… theo như cách nghĩ ngày nay. Ý nghĩa ban đầu của chúng, phát hiện ra bạn sẽ thấy hiểu thêm về lịch sử.
Do lượng kiến thức quá lớn và quá phong phú, cuốn sách không phải là dạng đọc một lần mà nắm hết được. Nên bạn có thể đọc từ từ từng bài viết một, và vừa đọc vừa tham khảo thêm những nguồn tài liệu khác nữa, mới hiểu cho trọn vẹn và thấu đáo.
VĂN MINH XƯA – BÀI HỌC NAY
“Khi viết về cái rìu, tôi cảm nhận sự sinh ra từ bàn tay con người của chúng. Những chiếc rìu thông thường cũng chỉ to cỡ một lòng bàn tay và mọi động tác của rìu đều là mô phỏng chuyển động của bàn tay. Điều này khiến tôi nghĩ đến hình như mọi công cụ lao động khác cũng vậy, đều là kết quả của quá trình nối dài cánh tay và mô phỏng hành vi của bàn tay. Chúng ta phải lần ra điều đó, bàn tay đã sinh ra các công cụ cơ bản, cộng theo bản năng của từng tộc người mà công cụ khác đi ở từng tộc người.”
Đọc “Văn minh vật chất của người Việt”, ta cảm tưởng rằng mỗi đồ vật, từ to lớn như cái thuyền, đến nhỏ bé như cái bát, với những hình dáng và hoa văn riêng biệt, đều chứa đựng cả một câu chuyện về văn hoá của thời kỳ nó được tạo thành. Nó khiến ta khi nhìn một món đồ, ta không còn đơn thuần là thấy nó như một vật để sử dụng nữa mà có cái nhìn quan sát tỉ mỉ hơn về xuất xứ, ý niệm và tài nghệ của người làm ra nó. Từ đó ta biết trân trọng và giữ gìn những đồ vật xung quanh ta hơn, những đồ vật tuy im lặng nhưng biết cất tiếng nói về thời đại.
Xa hơn nữa, qua đó ta tìm lại được cội nguồn văn minh và văn hoá của dân tộc mình, để biết rằng văn hoá của chúng ta cũng vô cùng phong phú, và hiểu được văn hoá ta thì dễ dàng phân biệt được ta với các nước láng giềng tưởng như giống nhưng mà lại thật khác ta.
Biết để ý, biết phân biệt và biết trân trọng, để ta có thể tránh khỏi những câu than tiếc của Phan Cẩm Thượng:
“Bây giờ thời này ai cũng để ý ăn nhưng chẳng ai để ý bát như thế nào”
____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5
Lê Nguyễn Trần Huỳnh
Nguyễn Hoàng Bảo Huy
Phạm Thị Quỳnh Mai
Huỳnh Diệp Mỹ Ngọc
Nguyễn Đình Quý
Trần Minh Dạ Thảo
Với sự hỗ trợ từ Cộng tác viên Nguyễn Trần Khánh Ngọc