• Tác giả: Samuel Smiles
  • Dịch giả: Phạm Viêm Phương
  • Đơn vị xuất bản: IRED Books & NXB Tổng hợp TP.HCM
  • Năm xuất bản: 2022

Đại tác phẩm “TINH THẦN TỰ LỰC – những tấm gương về phẩm hạnh và lòng kiên trì của tác giả Samuel Smiles được viết năm 1859 với tựa đề đầu tiên “Self-help”, là quyển sách best-seller ở Anh, Ý, Mỹ, vào thời điểm ra mắt tạo ảnh hưởng rất lớn đến với xã hội. Cho đến năm 1904 khi Smile mất, đã có 250.000 quyển bán tại Anh cuối thế kỷ 19, trong đó có Charles Darwin. Không chỉ có sức ảnh hưởng tại tại Phương tây, điều đáng kinh ngạc hơn là nó nhanh chóng được dịch ra tiếng Nhật đầu thời Minh Trị (1868) và bán hơn 1 triệu bản với dân số nước Nhật lúc đó chỉ khoảng 30 triệu người, và là một trong ba “Kinh thánh thời Meiji” ở Nhật, có thể nói đây là một quyển sách có ảnh hưởng lớn làm nền tảng cho người dân Nhật, thanh niên Nhật, ý chí độc lập, tự lực tự cường hòa cùng với “tinh thần võ sĩ đạo” của Nhật đã tạo nên sự thành công của cuộc “Duy Tân Minh Trị” cũng như một nước Nhật hiện đại. ‘1’.  Tại Việt Nam thì quyển sách “Tinh thần tự lực” được bình chọn  “SÁCH HAY” năm 2016 của Dự án sách hay.

Điều gì đã tạo nên thành công và sức ảnh hưởng lớn “khủng khiếp” đến vậy ở cả Anh, Mỹ và Nhật cách đây cả hơn 100 năm và đến tận ngày nay? Và câu hỏi đặt ra là những điều quyển sách viết ra có còn giữ nguyên giá trị hay không? Có còn phù hợp với thời đại hay không hay đã lỗi thời? Đây là điều mà chúng tôi đã suy ngẫm cẩn thận cũng như đọc quyển sách rất chuyên tâm để hi vọng có thể có thể thêm góc nhìn cũng như giải đáp cho câu hỏi lớn “Tại sao chúng ta nên đọc quyển sách này? Và tại sao bây giờ lại cần thiết hơn bao giờ hết?”

Quyển sách “Tinh thần tự lực – những tấm gương về phẩm hạnh và lòng kiên trì” là quyển sách để  “tu thân” “sửa mình” như chính tiêu đề của sách, tác giả muốn  bàn về “tinh thần tự lực”, tinh thần độc lập tự chủ của cá nhân, và từ đó làm cho quốc gia độc lập và tự chủ. 

Đọc “đại tác phẩm” của Samuel Smiles chúng ta như đang đọc một cuốn sách về những “Phẩm giá cao quý”  của con người được đúc rút cẩn thận, cần mẫn đầy tâm huyết của tác giả qua sự nghiên cứu cuộc đời của các bậc vĩ nhân đã góp phần làm thay đổi thế giới, từ những nhà khoa học, nhà văn, nhà địa chất học, thợ gốm, họa sĩ, thi sĩ, quý tộc hoàng gia, các tướng lĩnh vĩ đại, chiến lược gia,  doanh nhân xuất sắc thời đó. 

Qua 13 chương của quyển sách, đó chính là đại diện cho những phẩm giá, tính cách đã giúp cho những con người bình thường trở nên vĩ đại cho dù xuất thân từ mọi hoàn cảnh, nghịch cảnh khác nhau, quốc gia khác nhau nhưng với “tinh thần tự lực”  được thể hiện qua những phẩm giá cao quý như: tinh thần chuyên cần, kiên nhẫn, nhẫn nại, kiên trì, nỗ lực không ngừng nghĩ, chuyên tâm, chăm chỉ, nghị lực, tháo quát, can đảm, tính chính trực, tinh thần tự học… đã làm nên những con người vĩ đại lương thiện góp phần làm thay đổi thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Sau đây là ba bài học mà chúng tôi tâm đắc từ quyển sách này:

TINH THẦN TỰ LỰC – CẤP QUỐC GIA VÀ CÁ NHÂN

Ai trong đời cũng trăn trở cho những câu hỏi đời người: “Tương lai chúng ta sẽ đi đâu và về đâu? Quốc gia chúng ta sẽ đi đâu và về đâu?

Như câu trích dẫn ngay từ chương đầu tiên của sách của John Stuart Mill, On Liberty:

“Giá trị của một quốc gia, về lâu dài, chính là giá trị của những cá nhân tạo nên quốc gia đó”. 

Điều đó có nghĩa là Tinh thần tự lực là nền tảng cốt lõi sự tiến bộ của mỗi cá nhân, là nguyên khí của quốc gia, là tinh thần của dân tộc. Một quốc gia là phản ánh của những con người tại quốc gia đó, sự thịnh vượng, hùng mạnh của một quốc gia cũng chính là nhuệ khí, ý chí, tinh thần dân tộc cá nhân tại quốc gia đó.

Tác giả cũng chỉ ra Tinh thần tự lực này sinh ra từ đâu? Nó không phải được tạo ra từ chính quyền, thể chế, pháp luật dù cho độc tài, nghiêm khắc đến đâu cũng không thể biến đổi một con người và cho họ sự “tự lực”, “ý chí” được,  lịch sử đã chứng minh điều đó. Tinh thần tự lực cũng không chỉ xuất phát từ những người có địa vị, tầng lớp thượng lưu, một hoàn cảnh thuận lợi, tác giả đưa ra rất nhiều dẫn chứng cụ thể từ những con người vĩ đại, các nhà tư tưởng lớn, các triết gia, nhà quân sự, khoa học, hội hội, nhà chiến lược lừng lẫy họ xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau, địa vị khác nhau, hoàn cảnh khác nhau. Thậm chí ông còn nhấn mạnh một điều rằng chính sự nghịch cảnh là một điều may mắn, là tác nhân mạnh mẽ để hun đúc ý chí độc lập, tinh thần, sự vươn lên, khả năng chịu đựng của những con người vĩ đại. Sự thoải mái, ý lại, sinh ra trong hoàn cảnh thuận lợi đôi khi còn là rào cản cho sự vĩ đại vì nó có thể đánh mất đi bản năng sinh tồn, nghị lực của con người.

Trường học lớn nhất chính là cuộc sống, tác giả gọi nó là “nền giáo dục của loài người”, chú trọng vào hành động, hạnh kiểm, tự học, tự chủ, tất cả những gì có xu hướng rèn luyện con người thực sự, và giúp họ thực hiện đúng mực các trách nhiệm và công việc của cuộc sống. Một kiểu học vấn không thể học từ sách, hoặc thu đạt được thông qua bất kỳ sự huấn luyện từ chương trình đơn thuần nào. “Trường học lớn nhất này là những nơi làm việc, công xưởng, nhà máy, trang trại, phòng làm việc nơi chúng ta dành toàn tâm, toàn lực của mình để làm việc”. Điều này cho chúng ta một điều rằng sự vĩ đại của một con người có thể đạt được thông qua sự tinh tấn rèn luyện nỗ lực không ngừng nghĩ từng giây phút, chứ không phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh, vị thế, xuất thân giàu sang quý tộc hay nghèo hèn. Tác giả đưa ra nhiều dẫn chứng các bậc vĩ nhân từ các nhà khoa học, nghệ thuật, chính trị gia, tướng lĩnh minh chứng cho điều ngược lại đó chính là “nghịch cảnh là may mắn”, là tác nhân tích cực cho sự vĩ đại bởi vì nó hun đúc lòng nhiệt thành, vượt khó, bản lĩnh, những phẩm giá cao đẹp của con người qua sự rèn luyện. Chính quá trình rèn luyện đó trau dồi ý chí, tinh thần tự lực của mỗi cá nhân.

GIÁ TRỊ BỀN VỮNG, NGUYÊN LÝ VƯỢT THỜI GIAN

Với “đại tác phẩm” với hơn 150 tuổi này chắc hẳn chúng ta cũng tự đặt câu hỏi cho chính mình rằng:  Tại sao chúng ta nên đọc quyển sách này? Và tại sao bây giờ lại cần thiết hơn bao giờ hết?

Đứng trước bối cảnh của một thời đại thông tin bùng nổ, tràn ngập trên internet và các dòng sách Self-help nhiều vô kể như hiện này thì việc tìm một quyển sách không khó nhưng để tìm được quyển giá trị nhất thì không hề dễ dàng.  Thế nào là một quyển sách giá trị? Theo quan điểm của chúng tôi đó là những quyển sách chứa đựng bài học phổ quát, những nguyên lý cốt lõi nhất, những nguyên lý bền vững vừa có tính nhân bản, có giá trị vượt thời gian và không gian. Tức là phương đông đúng, phương tây cũng đúng, 100  năm trước đúng thì bây giờ cũng đúng và 1000 năm sau cũng đúng. Nước Anh dùng được, Nhật dùng được thì Việt Nam chúng ta cũng dùng được. Bởi vì là nguyên lý bền vững thì thời gian có lẽ là bài kiểm tra tốt nhất cho chúng ta, những thế hệ đi sau có thể học hỏi và đúc rút cho cá nhân mình cũng như cho dân tộc mình. 

Đọc quyển sách “Tinh thần tự lực” cái mà chúng ta nhận được không phải là những chiêu thức, thủ thuật, cách thức, phương pháp hay kỹ năng mà là đúc rút được những nguyên lý bền vững (đó chính là phẩm giá đạo đức của con người). Đây cũng không đơn thuần là  sách “kiến thức” chỉ đọc một lần mà đây là quyển sách xứng đáng đặt trong mỗi tủ sách của mỗi cá nhân, mỗi gia đình để chúng ta có thể đọc đi đọc lại nhiều lần.

Hi vọng  rằng cuốn sách nhỏ nhưng tầm vóc lớn này có thể  hun đúc và lan tỏa “tinh thần tự lực” cho mỗi người trẻ Việt Nam chúng ta. 

Sau đây là một vài trích dẫn đặc sắc của quyển sách:

“Kẻ nô lệ lớn nhất không phải là kẻ bị một bạo chúa cai trị, tuy cái xấu là rất lớn, mà là kẻ trở thành nô lệ cho thói ngu dốt đạo đức, ích kỷ và trụy lạc của chính mình” (Chương 1)

“Rằng không phải con người có sức mạnh và năng lực tự nhiên lớn nhất sẽ đạt thành quả cao nhất, mà chính những kẻ sử dụng năng lực của mình với sự chuyên cần cao nhất và kỹ năng được rèn luyện cẩn thận nhất thứ kỹ năng xuất phát từ lao động, chú tâm và kinh nghiệm, mới đạt được điều đó.” (Chương 2)

“Vì không một ai từng trở nên nổi bật trong bất kỳ bộ môn nghệ thuật nào mà không sớm xây dựng khả năng chịu đựng cái nóng, lạnh, đói khát, và những thứ khó chịu khác; ngược lại những con người này phủ nhận hoàn toàn những kẻ cho rằng trong khi hưởng nhàn hạ và chìm trong mọi lạc thú họ vẫn có thể đạt được sự lỗi lạc nhanh chóng – vì không phải bằng cách ngủ, mà bằng cách tỉnh thức, quan sát, và lao động người ta mới đạt được tài năng và thu được danh tiếng”. (Chương 3)

“Hugh Miller nói ngôi trường duy nhất mà ông được dạy dỗ tử tế là ngôi trường toàn thế giới trong đó cảnh cực nhọc và gian nan là người thầy nghiêm khắc nhưng cao quý. Ai để sự chuyên tâm của mình dao động, hoặc tránh né công việc vì những lý do vặt vãnh, thì đang trên con đường chắc chắn dẫn tới thất bại sau cùng. “ (Chương 8)

“Vì ý chí, nếu không  xét tới đường hướng của nó, chỉ là tính nhất quán, vững chắc, kiên trì, nên hiển nhiên rằng mọi thứ tùy thuộc vào đường hướng và động cơ đúng.  Đường hới tới lạc thú của các giác quan, ý chí mạnh sẽ là một con quỷ; và trí tuệ chỉ là kẻ nô lệ hạ giá của nó; nhưng khi được hướng tới điều tốt, ý chí mạnh là ông vua, và trí tuệ là kẻ chăm lo hạnh phúc cao nhất của con người.” (chương 8)

“Rất có thể người lương thiện tuyệt đối không giàu nhanh như kẻ bất lương và vô liêm sỉ; nhưng thành công sẽ thuộc một kiểu đích thực hơn; giành được mà không chút gian dối hoặc sai trái. Và cho dù một người nhất thời thất bại, người đó vẫn phải lương thiện: mất tất cả mà giữ được tư cách thì vẫn hơn. Vì tư cách tự nó đã là một tài sản; và nếu những người giữ nguyên tắc cao cứ can đảm kiên trì theo con đường của mình, thành công chắc chắn sẽ đến với họ, mà phần thưởng cao nhất cũng không thoát khỏi tay họ.”

____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Đặng Xuân Hải
Mai Thị Như Thảo
Hồ Đông Thụ
Lê Trung Thu
Nguyễn Hữu Ý