- Tác giả: Thiền sư Thích Nhất Hạnh
- Đơn vị xuất bản: Phuongnambooks & NXB Hồng Đức
Truyện Kiều, một danh tác để lại nhiều suy ngẫm trong lòng người đọc với những góc nhìn về câu chuyện thế sự nhân sinh. Kiều có khi là một khúc đoạn trường của cuộc đời người con gái tài hoa bạc mệnh, có lúc được nhìn như một câu chuyện tình dang dở những vẫn trọn lòng thủy chung son sắc, có lúc Kiều như tiếng lòng của chính Nguyễn Du mượn ý mà tỏ lòng vậy.
Và cũng có một góc nhìn, một cách đọc Kiều, hiểu Kiều rất đời thường, rất gần gũi mà đâu đó cuộc đời Kiều chính là những chặng đường của cuộc đời người mà chúng ta cũng đã vài lần đi qua trong đời mình. Thả một bè lau - Truyện Kiều dưới góc nhìn thiền quán của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thổi vào Kiều một luồng sinh khí mới, bớt u uất, bớt bi thương mà một sự bình an, như nhiên đến lạ.
Kiều không chỉ là đời Kiều, là tiếng lòng của Nguyễn Du mà còn chính là câu chuyện nhân sinh của mỗi mỗi người giữa cái phàm tục, nhiễu nhương của thế sự. Bằng con mắt “trạch pháp tức là con mắt có khả năng nhận xét và phân biệt”, Thiền sư đã vẽ nên một bức tranh về cuộc đời nàng Kiều nhiều màu sắc hơn và cũng có phần hài hước, dí dỏm một cách khác đi.
Kiều dưới sự nhìn nhận của một tâm thức bình lặng, một khía cạnh của lẽ vô thường thì có lẽ đời Kiều không quá bi thương mà hay chăng đó là những đoạn hành trình trên con đường mưu cầu hạnh phúc, Không chỉ Kiều, mà mỗi chúng ta ai cũng đều đi qua những đoạn cuộc đời ấy, quan trọng là nằm ở cách chúng ta nhìn nhận và phản ứng lại với những chướng duyên ấy.
Bình an hay sóng gió âu cũng ở cách mỗi người đón nhận và phản ứng lại. Bình tâm mà nhìn nhận thì đời Kiều cũng lắm những đoạn vinh hoa, cũng mấy khi được phần gọi là hạnh phúc. Nhưng vì tâm thức nhìn Kiều là người con gái “mười lăm năm đoạn trường” để nhìn vào thì ta thấy mỗi mỗi đoạn đều là sự ép buộc, là tình thế đẩy đưa mà không thấu được cái lẽ nhân sinh rằng là vô thường mà chẳng mấy khi thường hằng.
“Thả một bè lau” không chỉ diễn xuôi Truyện Kiều mà đã đưa chúng ta đến một thế giới mới của bình an nội tại khi đọc Kiều, cảm Kiều và thấy trân quý cái giá trị của Kiều hơn là thương cảm. Với một góc nhìn bình thản và như nhiên, ta thấy cuộc đời này “như nước chảy hoa rơi” đều thuận lẽ tự nhiên. Đọc sách rồi, nhìn lại mới giật mình rằng bấy lâu nay ta bị bó buộc, dẫn dắt bởi một sợi dây vô hình mà cứ ngỡ là tự thân đang được tự do, tự chủ.
Tinh thần “mỗi người làm chủ chính cuộc đời mình, đau khổ hay hạnh phúc đều do tay mình nắm giữ” chứ không có một thiên ý hay số mệnh nào là bất biến. Với tinh thần đó, Kiều được nhìn với góc nhìn mới hơn, và mỗi người cũng soi chiếu lại tự thân để thấy rằng “khổ - vui chính ở tâm mình” vậy.
Bằng ngôn ngữ bình dị, cách kể chuyện hóm hỉnh và một tâm thế bình an, Thiền sư đã cho chúng ta một trải nghiệm mới, một câu chuyện mới, một màu sắc mới khi nhìn về Truyện Kiều. Có như vậy mới thấy hết được cái giá trị của Truyện Kiều và sự tài tình của cụ Nguyễn Du. Bằng một câu chuyện đã thỏa tiếng lòng với tri âm thiên cổ, bàn chuyện nhân sinh mà còn để lại nhiều suy nghiệm về triết lý nhân sinh cho cuộc đời về lẽ sống, về hạnh phúc, về lẽ nhân sinh.
____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6
Đặng Xuân Hải
Mai Thị Như Thảo
Hồ Đông Thụ
Lê Trung Thu
Nguyễn Hữu Ý