- Tác giả: Haruki Murakami
- Người dịch: Cao Việt Dũng
- Đơn vị xuất bản: Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn
Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời là câu chuyện trải dài từ quá khứ năm 1973 đến hiện tại – những năm cuối thế kỷ 20. Nửa đầu tựa đề, "Phía Nam biên giới" dịch từ tên một một ca khúc nhạc jazz nổi tiếng South of the Border được hát bởi Nat King Cole mà nhân vật chính Hajime nghe hồi còn nhỏ, còn nửa sau tựa đề, "Phía Tây mặt trời" ám chỉ tên một hội chứng của nhóm người Inuit có tên Piblokto, hay còn có tên chứng cuồng loạn Siberia. Đó là một hội chứng thường xảy ra với những người nông dân ở Siberia - những người ngày nào cũng làm ruộng và sống một mình trên thảo nguyên. Xung quanh họ hoàn toàn không có gì khác ngoài đường chân trời. Họ thức dậy và làm việc khi mặt trời hiện ra ở phía Đông, và về nhà ngủ khi mặt trời biến mất ở đường chân trời phía Tây. Cuộc sống của họ cứ lặp đi lặp lại như thế, cho đến một ngày họ vứt cái cuốc xuống đất, không còn nghĩ ngợi gì nữa, cứ đi thẳng về phía Tây, không ăn không uống, như thể bị bỏ bùa, cho đến khi gục xuống đất và chết.
Tựa đề thật ra là tiền đề cho câu chuyện xoay quanh nhân vật Hajime, từ lúc còn trẻ đến khi trở thành một người đàn ông trung niên thành đạt. Chàng trai nhạy cảm Hajime vẫn luôn mặc cảm vì là con một. Xã hội Nhật Bản khi đó luôn có định kiến với chuyện này, như thể vì đó là dấu hiệu của những bất hòa hay một mái ấm không có hạnh phúc. Ở những năm 12 tuổi, Hajime có những rung động đầu đời với cô bạn Shimamoto, một cô bé tật nguyền có cùng hoàn cảnh như cậu. Cả hai đã mất liên lạc khi Shinamoto chuyển nhà. Trong suốt thời thanh niên, Hajime đã có những cuộc tình chóng vánh với vô số cô gái – chủ yếu vì tình dục. Nhưng sự cô độc và nỗi trống vắng luôn ngự trị và làm Hajime chao đảo. Sự nuối tiếc mối tình với Shimamoto, sự ân hận khi đã làm tổn thương Izumi… không thể lấp đầy nỗi cô đơn trong Hajime. Ra trường, anh làm việc ở một nhà xuất bản nhỏ cho đến khi gặp và kết hôn với Yukiko ở tuổi 30 tuổi. Vào tuổi 37, Hajime là một ông chủ có tiếng với chuỗi quán bar nhạc jazz nổi danh tại Aoyama, anh có một gia đình hạnh phúc với Yukiko cùng hai con gái. Nhưng định mệnh thêm một lần nữa trêu đùa đưa anh gặp lại Shimamoto. Từ đây những cảm xúc sâu kín của Hajime như bừng tỉnh sau từng ấy năm tháng ngủ yên. Việc gặp lại Shimamoto đã đặt Hajime trước lựa chọn: gia đình hiện tại hay cô bạn của quá khứ đầy nuối tiếc. Cuối cùng, sau một đêm bên nhau với những ái ân đầu tiên, Shimamoto đã biến mất hoàn toàn khỏi cuộc đời của Hajime, để lại cho anh vô vàn những câu hỏi không lời giải đáp.
Khi Hajime trở về từ chuyến đi ấy, trái tim anh đã trở thành một sa mạc gió cát. Ai cũng thấy Hajime yêu Yukiko Yukiko yêu Hajime, nhưng chỉ giống cũng như cái cách Yukiko yêu Hajime Hajime yêu Yukiko. Họ sinh ra là để làm vợ chồng - không phải là người tình, mà là vợ chồng. Yukiko thừa hiểu Hajime có những việc phong lưu bên ngoài như bố cô, nhưng khi anh yêu say đắm Shimamoto, Yukiko nói: “Anh có gì lạ lắm”. Đó là bản năng của người vợ. Có một điều, có lẽ Hajime không phải là người cô yêu nhất. Chàng trai làm cô muốn tự tử lúc còn trẻ mới chính là tình yêu say đắm của Yukiko. Nhưng sau cùng, Hajime là người nằm cùng cô hàng đêm, nên cô yêu anh với tình yêu hòa lẫn tình nghĩa. Yukiko nói: “Anh không phải là người duy nhất theo đuổi những lý tưởng xa xôi của anh đâu, anh biết không”. Điều đó chứng tỏ tỏ rằng, tình yêu say đắm, giấc mộng xa xôi của Yukiko cũng vẫn đang giày vò cô như Hajime vậy. Dưới sự bình tĩnh, nhẹ nhàng, Yukiko cũng vật vã với những ám ảnh của riêng mình. Nhưng cô chọn hiện thực, cô chọn Hajime, chọn các con, chọn sự bình yên. Câu chuyện là một chuyến phiêu lưu dài. Chúng ta cũng sẽ thấy các sai lầm chính là một phần của cuộc đời mình. Để được là chính mình thì phải phạm sai lầm. Dù có luyến tiếc quá khứ bao nhiêu thì hiện thực bao giờ cũng là thứ đáng được tôn trọng nhất bởi hạnh phúc thật sự chỉ có thể đến từ một cuộc sống hiện hữu.
Vậy thì trong câu chuyện này, liệu ai đúng ai sai? Có nên đồng cảm với một Hajime chung tình đến ám ảnh hay trách cứ vì sự bị động và hèn nhát của chính anh ta? Xuyên suốt cuộc đời Hajime là hình bóng của ba người phụ nữ mà chắc rằng có lẽ đây cũng là ba người phụ nữ điển hình trong bất cứ cuộc đời của một người đàn ông nào. Shimamoto là mối tình đầu đẹp đẽ và ám ảnh. Izumi là hiện thân của sự ân hận và day dứt. Yukiko là lựa chọn cuối cùng, bến đỗ cuộc đời. Ba người phụ nữ với ba tính cách, ba hoàn cảnh khác nhau. Không dễ gì để có thể giữ gìn những cảm xúc về mối tình đầu suốt 25 năm, trước nhiều sóng gió xảy ra trong cuộc đời. 12 tuổi là quá nhỏ để có thể bất chấp theo đuổi tình yêu, nhưng trong suốt những tháng ngày sau, Hajime đã từng làm gì để kiếm tìm Shimamoto? Hajime chỉ ngày ngày ngặm nhấm nỗi nhớ nhung Shimamoto trong kí ức. Hajime vẫn yêu những cô gái khác. Với Izumi hay Yukiko anh cũng khẳng định rằng mình yêu họ và nhân danh sức mạnh của “mối tình đầu” để cho mình cái quyền lừa dối và tổn thương họ. Nhân vật Shimamoto cũng đem đến nhiều nghi vấn. Shimamoto như một hình ảnh nhập nhằng, hư ảo. Hành động tìm kiếm, hẹn hò và thậm chí là đề nghị Hajime đi cùng mình đến một vùng đất xa xôi, vụng trộm và làm tình dù biết Hajime đã có gia đình thì cũng thật sự khó thông cảm. Những ám ảnh của mối tình đầu không thể trở thành lí do để trở thành người thứ ba, chen chân vào gia đình của người khác.
Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời đã phản ánh rõ nét một xã hội Nhật Bản trong thập kỷ 80 – thời kỳ nước Nhật tư bản hóa. Khắp những góc nhỏ của Tokyo cũng như bao thành phố khác người ta tìm đến tình dục để khỏa lấp sự cô đơn, nghe nhạc Jazz trong những không gian đặc quánh để thỏa mãn khát khao tự do. Hajime là nhân vật đại diện cho thanh niên Nhật Bản thời kỳ ấy. Những kẻ luôn bị ám ảnh, day dứt bởi quá khứ, chết đuối, lạc lối trong hiện tại và cuối cùng bơ vơ, tuyệt vọng khi đứng trước tương lai. Họ sở hữu một lối sống nhàm chán, đều đặn như những vòng lặp, luôn đau đáu tìm kiếm mảnh còn khuyết của mình. Mỗi người sẽ thấy một chút Hajime phảng phất trong bản thân mình phảng phất trong Hajime. Những bế tắc của các nhân vật trong tiểu thuyết Haruki Murakami, phải chăng cũng chính là những bế tắc trong đời sống tình cảm của một bộ phận người Nhật lúc bấy giờ và cũng là của chính chúng ta.
Mọi thắc mắc nảy sinh từ cuốn sách tuy rất day dứt, khó chịu, nhưng không thể phủ nhận rằng đều rất “người”. Điều cốt yếu, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục sống với những day dứt ấy, để một ngày bị cuốn vào hố sâu quá khứ, đến mức không nhận ra nó đã bóp nghẹt mình như thế nào? Hay chúng ta sẽ tìm một hướng đi khác, sống theo một cách khác hơn? Không được chuyển thể thành phim như Rừng Na-uy hay có một chiến dịch quảng bá rầm rộ như 1Q84 nhưng tờ New York Observer đã phải thốt lên: “Ám ảnh và tự nhiên - Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời êm ái đưa người đọc từ những mối bận tâm thường nhật đến chứng điên tiềm ẩn, như thể thách thức niềm tin của mỗi chúng ta vào thế giới vật chất…chứa đựng những đoạn văn thuộc loại hay nhất của Murakami.”
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- 1/https://news.zing.vn/phia-nam-bien-gioi-phia-tay-mat-troi-su-ho-nghi-dep-de-post722419.html
- 2/http://tranhamy.com/2017/02/16/review-phia-nam-bien-gioi-phia-tay-mat-troi-phan-1-3-nguoi-phu-nu-trong-doi-dan-ong
____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5
Lê Nguyễn Trần Huỳnh
Nguyễn Hoàng Bảo Huy
Phạm Thị Quỳnh Mai
Huỳnh Diệp Mỹ Ngọc
Nguyễn Đình Quý
Trần Minh Dạ Thảo