• Tác giả: Dr. Mortimer J. Adler
  • Người dịch: Phạm Viêm Phương, Mai Sơn
  • Đơn vị xuất bản: NXB Văn Hóa - Thông Tin
  • Năm xuất bản: 2003

“Dân hai nhăm triệu ai người lớn,
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”.
(Tản Đà)

Bản chất con người vốn là vị kỷ và mông muội, người Phương Tây đã ý thức được điều này một cách rất rõ ràng và họ đã biết dùng Triết học - Một thứ đặc sản tinh thần có tính minh triết do Tổ tiên của họ để lại từ thời Hy Lạp cổ đại cho đến tận bây giờ để làm cho con người trở nên vị tha và sáng suốt hơn.

Việt Nam chúng ta là một nước Á Đông mà suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm, phần lớn văn hóa tư tưởng của người Việt đều gắn liền với Dân tộc Trung Hoa ở Phía Bắc. Chúng ta bị ảnh hưởng nhiều bởi các giá trị văn hóa Nho giáo như: Quân tử, Tiểu nhân, Tam Cang, Ngũ Thường, Tam Tòng, Tứ Đức…

Trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI) hôm nay, thế giới đã phẳng hơn bao giờ hết. Chúng ta đã vươn mình ra xa để giao lưu, kết bạn, hợp tác và làm ăn với hầu hết các Quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là các nước văn minh như Hoa Kỳ và các nước Châu Âu. Nhưng để hiểu và có thể tranh đua được với họ trên trường quốc tế, chính mỗi con người Việt Nam chúng ta phải học tập họ về mặt tinh thần và tư tưởng. Bắt đầu bằng việc tìm về các giá trị phổ quát và nguyên lý trường tồn được cả thế giới văn minh thừa nhận.

Những ngày tháng đầu tiên chập chững bước vào khu rừng kiến thức trù phú của lý tính phương Tây, tôi không khỏi đau đầu bởi có quá nhiều Nhà Tư tưởng vĩ đại từ Socrates, Plato, Aristotle của Hy Lạp cổ đại đến Thánh Augustine, Thánh Thomas Aquinas của thời Trung cổ cho đến những Triết gia như Bacon, Hobbes, Descartes, Spinoza, Rousseau và Locke, Kant, Hegel thời cận đại và Karl Marx, Nietzsche, Whitehead thời hiện đại cùng vô vàn những khái niệm vô cùng mới mẻ như: Ý niệm tuyệt đối, lý tính thuần túy hay cấu trúc của thực tại… qua nhiều tác phẩm triết học phương Tây khác nhau. Những cuốn sách này thực sự rất khó đọc và mang tính rời rạc không đồng nhất và dễ đọc như các tác phẩm minh triết phương Đông. Tuy nhiên, Tuân Tử đã từng nói:

“Đường tuy ngắn, không đi không đến
Việc tuy nhỏ, không làm không nên”.

Con đường cầu tìm tri thức chưa bao giờ là đơn giản, nếu không đủ ý chí và nghị lực thì khó có thể chinh phục được kho tàng tri thức của văn minh nhân loại. Con đường đó có lẽ sẽ còn dài và gian nan nếu như tôi không may mắn được một người Chị mà tôi rất yêu quý giới thiệu cuốn sách Những tư tưởng lớn từ các tác phẩm vĩ đại.

Cuốn sách này là một tập hợp những câu hỏi và câu trả lời. Những câu hỏi này được đặt ra cho Dr. Mortimer J. Adler - một chuyên gia về lịch sử tư tưởng phương Tây, từ những độc giả thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội Mỹ muốn tìm hiểu về đủ loại vấn đề. Nhìn chung, đông đảo độc giả đều muốn biết các nhà tư tưởng trong quá khứ suy nghĩ và lý giải thế nào về những vấn đề mà con người hôm nay đang phải đối mặt. Họ không mưu cầu một câu trả lời dứt khoát, một giải pháp rốt ráo, mà thường họ muốn hiểu rõ vấn đề và muốn rút được bài học từ các nhà tư tưởng lớn trong truyền thống triết học phương Tây. Đối với người Việt, văn minh phương Tây nói chung và triết học phương Tây nói riêng không phải là đề tài học tập bắt buộc và cũng không phải là nguồn cội tư tưởng giúp chúng ta định hướng cuộc sống và giải quyết những vấn đề trong cuộc sống bấy lâu nay. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận rằng chính những tư tưởng của các Triết gia Tây phương đã định hình nền văn minh phương Tây vốn đã đạt nhiều giá trị mà hiện đã trở thành phổ quát đối với phần còn lại của thế giới, nên triết học phương Tây thực sự xứng đáng được người Việt chúng ta quan tâm đúng mức. Các câu hỏi trong sách này trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ đạo đức, chính trị, xã hội đến kinh tế và nhiều vấn đề thiết thực trong đời sống như mỹ học, nghệ thuật, giáo dục, quan hệ nhân sinh… cho đến những vấn đề của cá nhân như tình yêu, tình dục. Điều đó chứng tỏ người Phương Tây họ rất lý tính nên trong bất cứ chuyện gì họ cũng có triết lý. Sách này không bao quát toàn bộ triết học phương Tây, mà chỉ xoay quanh những vấn đề được nhiều con người bình thường quan tâm. Cũng chính vì thế mà tác phẩm này bổ ích cho tuyệt đại đa số chúng ta - những người không chuyên nghiên cứu triết học.

Đọc xong tác phẩm này, không ít thì nhiều chúng ta cũng sẽ lý giải được những vấn đề khúc mắc xung quanh cuộc sống của mình bấy lâu nay như Bản chất của linh hồn là gì? Lương tâm là gì? Thành công có cần thiết không? Mục đích của cuộc sống là gì? Nếu không tìm được câu trả lời trọn vẹn. Chí ít, tôi cũng tin rằng bạn cũng sẽ học được đôi chút về cách nghĩ, cách sống và cách làm của người phương Tây.

____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Đinh Hải Đăng 
Trương Nguyễn Nhật Hoàng 
Trần Thị Thảo Phương 
Lê Chiêu Trung 
Đặng Phương Uyên 
Trần Thị Hồng Xuyến