- Tác giả: Mitch Albom
- Người dịch: Nguyễn Hữu Gia Bảo
- Đơn vị xuất bản: NXB Kim Đồng
- Năm xuất bản: 2022
Tôi tin rằng một cuốn sách hay là một cuốn sách mà mỗi lần đọc là một lần giúp cho người đọc khai mở những góc nhìn, những cảm xúc tươi mới hay bồi đắp thêm lên những điều tốt đẹp đang hiện hữu. “Những ngày thứ Ba với thầy Morrie” là một cuốn sách như thế. Cuốn sách xoay quanh lớp học đặc biệt của thầy trò Morrie Schwartz và Mitch Albom. Lớp học diễn ra vào mỗi thứ Ba hằng tuần tại tư gia trong phòng làm việc của của thầy Morrie. Môn học là “Ý nghĩa của cuộc sống”. Buổi học cuối cùng rất chóng vánh và cả thầy lẫn trò chỉ nói với nhau được một vài lời. Lễ tốt nghiệp chính là lễ tang của thầy Morrie. Và bài tốt nghiệp của Mitch chính là cuốn sách mà tôi và nhiều độc giả rất may mắn mới có cơ hội được cầm trên tay.
Morrie mong muốn mình được nhớ đến như một người thầy giáo cho đến giờ phút cuối cùng (Nguyên gốc: a teacher to the last). Ngày mà Morrie biết được tin mình bị mắc căn bệnh quái ác ALS. Thầy đã quyết định biến bản thân thành đối tượng nghiên cứu cho đề tài cuối cùng của đời mình, đó là về cái chết. Vì thầy biết rằng chúng ta ai rồi cũng sẽ ra đi và vì căn bệnh này cho phép thầy có thời gian để quan sát cái chết và học hỏi từ nó. Mitch đã nói rằng “Morrie sẽ bước qua cây cầu cuối cùng giữa sự sống và cái chết, và sẽ tường thuật lại hành trình đó.” Liệu có ai trong chúng ta có đủ can đảm để đối diện cái chết theo cách như vậy không?
Henry Adams từng nói “A teacher affects eternity; he can never tell where his influence stops.” (Lược dịch: Một người thầy có thể có khả năng ảnh hưởng vĩnh cửu; ông ấy không tài nào biết được điểm dừng của tầm ảnh hưởng đó).
Không chỉ Mitch Albom, một người tưởng chừng “sống như đã chết” được cứu rỗi bởi một người mà sự sống chỉ còn tính từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây. Nếu bạn có dịp quan sát những ai đã có cơ duyên được biết đến những bài học cuối cùng của thầy Morrie thì thông thường quyển sách của họ sẽ được gạch dưới, đánh dấu khắp nơi. Vì chúng tôi cũng là những học trò của người thầy đáng kính Morrie. Xin cho phép tôi gọi Morrie là thầy để tỏ lòng quý trọng một người mà đạo làm nghề còn sáng mãi dù đã khuất.
Mười bốn ngày thứ Ba xoay quanh các chủ đề về thế giới, lòng trắc ẩn với bản thân, những hối tiếc, cái chết, gia đình, cảm xúc, sự già đi, vật chất, tình yêu thương, hôn nhân, văn hóa, sự thứ tha, một ngày lý tưởng và lời chia tay. Biết bao bài học quý giá đang chờ bạn khám phá. Tôi chỉ xin phép được bật mí một số câu hỏi mà thầy Morrie đặt ra cho Mitch vì tôi tin có câu hỏi đúng vẫn luôn quan trọng hơn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi sai.
Bạn đã tìm ra được một nửa của đời mình chưa? (Nguyên gốc: Have you found someone to share your heart with?)
Bạn có đang cống hiến cho cộng đồng không? (Nguyên gốc: Are you giving to your community?)
Bạn có cảm thấy tâm an không? (Nguyên gốc: Are you at peace with yourself?)
Bạn có đang nỗ lực để là một con người chân chính không? (Nguyên gốc: Are you trying to be human as you can be?)
Tôi xin được phép trích dẫn lại một câu chuyện mà thầy Morrie kể cho Mitch nghe vào một ngày nọ. Câu chuyện về một ngọn sóng nhỏ vô tư dạo chơi trong đại dương cho đến một ngày nọ, nó để ý thấy các con sóng khác vỗ bờ cát và tan biến đi. Điều này khiến nó rất sợ hãi. Nó trò chuyện với một ngọn sóng khác và ngọn sóng đó nói rằng: “Bạn hiểu sai rồi. Bạn không phải là một con sóng. Bạn là một phần của biển cả.” (Nguyên gốc: No, you don’t understand. You’re not a wave, you’re part of the ocean.”)
Câu chuyện này chính là lời kết mà tôi muốn gửi gắm đến bạn. Đó cũng là sợi chỉ xuyên suốt cuốn sách này. Câu nói của thầy Morrie vẫn còn văng vẳng bên tai tôi: “Love each other or perish.” (Lược dịch: Hãy yêu thương đồng loại, nếu không thì chúng ta sẽ chết).
Loài người chúng ta được liên kết bởi một tình yêu thương vô điều kiện hơn chúng ta tưởng tượng rất nhiều. Như thầy Morrie đã nói rằng: “Learn how to die, and you learn how to live.” (Lược dịch: Khi bạn học được cách mình sẽ chết, bạn sẽ học được cách thật sự sống). Con người cũng là loài động vật duy nhất trên Trái Đất có ý thức về việc mình sẽ chết. Có một câu nói rất hay trong cuốn sách Thế giới của Sophie như thế này: “Giống như 2 mặt sấp và ngửa của cùng một đồng tiền. Cuộc sống và cái chết đấu lưng nhau ngang ngửa. Khi tập trung nghĩ về cuộc sống của mình thì sẽ nghĩ ngay đến kết thúc của nó. Khi chấp nhận rằng cuộc sống rồi sẽ kết thúc vào một ngày nào đó, sẽ nhận ra rằng được sống quả là điều may mắn phi thường.” (Jostein Gaarder, 1991).
____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5
Đinh Hải Đăng
Trương Nguyễn Nhật Hoàng
Trần Thị Thảo Phương
Lê Chiêu Trung
Đặng Phương Uyên
Trần Thị Hồng Xuyến