• Tác giả: Thu Giang Nguyễn Duy Cần
  • Năm xuất bản: 2021 (Xuất bản lần đầu 1958)
  • Đơn vị xuất bản:  NXB Trẻ

Tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần lấy nhan đề cho sách: Thuật xử thế của người xưa. Nói vậy rất đúng. Xử thế là một kỹ thuật, một nghệ thuật Tác giả vốn là một học giả đọc nhiều hiểu rộng Từ kho sách cổ kim đông tây, học giả chọn lọc những mẩu truyện chứa đựng những tư tưởng, cách ngôn, hành vi đặc sắc và sâu sắc để giúp cho độc giả suy ngẫm về cách xử thế.

Nhân vật trong các mẩu truyện đều là các danh nhân tên tuổi đã được ghi trong lịch sử. Như vậy, những cách xử thế của các vị thật đúng là những bài học có giá trị đối với chúng ta.

Huống nữa, những bài học này đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ, nghĩa là đã chấp nhận sự thử thách của thời gian tức thị không phải tầm thường.

“Ôn cố tri tân” là một việc rất bổ ích.

Tuy nhiên không nên quên quan điểm lịch sử cụ thể và luật tiến hóa.

Cũng là truyện xưa, có câu truyện đánh dấu mạn thuyền tìm gươm: Có một người đang ngồi trên chiếc thuyền ở giữa dòng lỡ tay đánh rớt thanh gươm xuống sông: anh ta vội đánh dấu chỗ mạn thuyền để nhớ chỗ gươm rớt đặng đến bờ thì cứ chỗ ấy mà lội xuống nước tìm gươm. Tất nhiên không tìm thấy gươm.

Xưa là xưa, nay là nay. Cái gì đúng với xưa vị tất đúng với nay. Cứ khư khư giữ lại cái xưa trong khi hoàn cảnh không gian thời gian đã đổi thay rồi, ấy là giáo điều, bảo thủ, nệ cổ một cách lố bịch, giống như người đánh dấu mạn thuyền tìm gươm nói trên.

Nếu vậy, những bài học của xưa có ích lợi gì cho nay? Giá trị của chúng là ở điểm phương pháp luận. Học xưa không phải là máy móc làm “nguyên xi” như người xưa mà là xem cách xử thế của người xưa trong các trường hợp cụ thể từ đó suy xét, rút kinh nghiệm cho mình trong những tình huống cụ thể mình gặp. Học bao giờ cũng bao hàm sáng tạo.

Đọc cuốn sách Thuật xử thế của người xưa, độc giả có thể trở thành một người gàn dở, lỗi thì, ăn cơm mới nói chuyện cũ, không thích ứng với hiện tại, một quái tượng, một chướng ngại, một trò cười cho những người chung quanh hoặc trở thành một người thông tuệ, khôn ngoan, biết giải quyết tốt đẹp mọi công việc, làm vừa lòng mọi người và tránh cho mình những lúng túng, vụng về, lỗi lầm đáng tiếc.

Trở thành thế này hay thế kia là do nơi độc giả biết hay không biết sử dụng sách. Con ngựa hay nếu vào tay người không biết cưỡi, thanh kiếm sắc nếu vào tay người không biết dùng, cũng trở nên vô dụng thậm chí có hại, ấy cũng là một lời nhận xét, một kinh nghiệm của người xưa để lại cho đời sau.

Nguồn: Giáo sư HOÀNG NHƯ MAI

_________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được sưu tầm,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7

Phan Thị Lan Anh
Nguyễn Phú Đức
Nguyễn Hoàng Huy
Nguyễn Trọng Khương
Nguyễn Thị Diệu Linh
Phạm Thị Thanh Nguyên