• Tác giả: Antoine de Saint-Exupéry
  • Năm xuất bản: 2020
  • Dịch giả: Trác Phong
  • Đơn vị xuất bản: Nhã Nam & NXB Trẻ

Hoàng Tử Bé là một tác phẩm gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều đứa trẻ, nhưng có lẽ đây là câu chuyện mà mỗi người lớn đều nên đọc lại một vài lần. Nếu như cuốn sách hấp dẫn trẻ con bởi cốt truyện đơn giản và những hình vẽ minh họa đặc sách, thì cuốn sách lại ám ảnh với người lớn bởi những bài học tưởng đơn giản nhưng lại hay bị lãng quên.

Mượn cái nhìn trong sáng và đầy tưởng tượng của trẻ con, tác giả người Pháp đã cho chúng ta du hành qua nhiều hành tinh khác nhau, để gặp những con người khác nhau. Người thì khoác lác, kẻ thì tham lam, nát rượu, nhưng tất cả họ đều không nhận ra một điều rằng hạnh phúc là cho đi chứ không phải nhận lại.

Qua từng trang sách, thông điệp sâu xa nhất mà tác giả gửi gắm cho những “người lớn”, đó là hãy yêu thương như cách những đứa trẻ yêu thương, hãy nhìn thế giới bằng cả trái tim, như cáo lông nói với hoàng tử “Bí mật của tớ đây. Rất chi là đơn giản: người ta chỉ nhìn rõ được bằng trái tim. Con mắt thường luôn mù lòa trước điều cốt tử.

Hơn 75 năm kể từ ngày ra đời của cuốn sách “Little Prince”, độc giả các lứa tuổi vẫn không ngừng quan tâm và suy ngẫm về câu chuyện trẻ con nhưng ý nghĩa người lớn của tác phẩm này. Trong một bài viết gần đây của The New Yorker, tác giả Adam Gopnik còn phân tích tác phẩm dưới một góc nhìn khác. “Phải mất nhiều năm, và nhiều lần đọc, để độc giả bắt đầu hiểu được rằng quyển sách này là một câu chuyện chiến tranh. Không phải là truyện ngụ ngôn chiến tranh mà đúng hơn là một câu chuyện đạo đức, trong đó các cảm xúc trung tâm của sự mâu thuẫn – sự cô lập, nỗi sợ hãi và sự không chắc chắn - được làm dịu đi chỉ bởi những lời nói thân thương và cả tình yêu. Nhưng “Hoàng tử bé” cũng là một câu chuyện chiến tranh theo đúng nghĩa đen, mọi thứ trong quá trình cuốn sách được viết ra không chỉ liên quan tới sự bắt đầu của cuộc chiến tranh mà còn là “sự thất bại kỳ lạ” của nước Pháp cùng với những trải nghiệm dưới thời chính phủ Vichy khi bị chiếm đóng. Nỗi xấu hổ và khó hiểu của Saint-Exupery về sự thất bại đó đã khiến ông sáng tác nên một câu chuyện cổ tích với những ý niệm trừu tượng trong tương quan đối lập với những tình yêu cụ thể. [...] Thế giới mưu toan làm chúng ta trở nên mù loà trước những sự vận hành của nó; và nhiệm vụ thực sự của chúng ta chính là nhìn thấy thế giới lại một lần nữa.”

_________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7

Trần Hồng Hạnh
Nguyễn Đức Hiếu
Lê Hoàng Mạnh Hùng
Nguyễn Thị Phương Thảo
Đặng Minh Quân
Tô Nghiệp Siêu
Trịnh Quang Đồng Thảo