- Tác giả: Khaled Hosseini.
- Người dịch: Nguyễn Bản
- Đơn vị xuất bản: Nhã Nam & NXB Phụ nữ
“Người đua diều” là một trong những tác phẩm đem lại tiếng vang lớn cho nhà văn người Mỹ gốc Afghanistan - Khaled Hosseini.
Câu chuyện kể về 2 đứa trẻ sinh ra trong cùng một mái nhà, bú chung một bầu sữa ở một thị trấn Kabul. Một tình bạn khác thường bắt đầu từ đó. Afghanistan của hơn 30 năm về trước là một đất nước yên bình, tuổi thơ của 2 đứa trẻ là những ngọn đồi, những con phố sực nức mùi cừu non nướng, là những buổi chiều lang thang trên một đồi cỏ, chúng đọc cho nhau nghe những mẩu truyện thần thoại và những vị anh hùng. Mỗi năm, Kabul đều tổ chức lễ hội đua diều, và tất nhiên 2 đứa trẻ là những tay đua diều kiệt xuất. Và cũng chính mùa đông năm đó, cuộc đời của 2 đứa trẻ đã rẽ sang 1 hướng khác.
Con người ta sinh ra được nối với nhau bởi một sợi dây vô hình, những mối quan hệ không sao giải thích được. 2 đứa trẻ, 1 chủ - 1 tớ. 2 số phận gắn liền với những năm tháng chiến tranh của Afghanistan. Chiến tranh giống như một căn bệnh âm ỉ, ăn dần ăn mòn cả một đất nước. Chúng cướp đi tuổi thơ của những đứa trẻ và để lại nỗi đau ở những ngôi nhà mà chúng đi qua.
Cuốn sách còn là bối cảnh về nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt giai cấp. Để rồi nhận ra, con người đối xử với nhau thông qua địa vị xã hội và tiền. Nhưng đâu đó, tình cảm giữa người với người vẫn là thứ gắn kết họ lại, giữa chủ và tớ. Từng sự thật lần lượt được vén qua những trang sách và khiến người đọc phải ngẫm nghĩ.
Cái kết như một chiếc chìa khóa mở ra sự thật của quá khứ và bắt đầu cho một tương lai mới ở nơi mà người ta bỏ lại quê hương để tới một đất nước xa lạ chỉ vì sự bất lực trước xã hội, trước chiến tranh.
“Người đua diều” để lại cho chúng ta nhiều bài học về tội lỗi, danh dự và sự tha thứ. Sự thật lúc nào cũng phũ phàng và cuối cùng con người vẫn cố gắng làm tất cả để nhận được sự tha thứ, sự thanh thản của chính bản thân mình. Và không phải lúc nào cũng là một cái kết có hậu, hối cải và hạnh phúc đã không đến cùng nhau, không trọn vẹn. Nhưng con người có quyền được tha thứ, tha thứ cho chính bản thân mình, tha thứ cho cả người khác để chuộc lại mỗi tội lỗi mà họ đã gây ra.
Bầu trời Kabul – thị trấn yên bình với hàng trăm con diều được thả. Tất cả chỉ còn trong ký ức của lũ trẻ vào mùa đông năm 1975 ấy.
Những câu trích dẫn hay:
“Khi con giết một người, con ăn cắp một cuộc đời, con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp cha của lũ trẻ. Khi con nói dối là con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi con lừa bịp, con ăn cắp quyền được ngay thẳng. Con có hiểu không?"
“Vì cậu, cả ngàn lần rồi, Amir!!”
____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6
Nguyễn Thúy Duy
Nguyễn Thúy Hằng
Hoàng Tuấn Nam
Thái Phước Nguyền
Phạm Xuân Thành