- Tác giả: Trần Quang Đức
- Đơn vị xuất bản: Nhã Nam & NXB Thế Giới
- Năm xuất bản: 2013
- Giải thưởng: Giải Sách Hay hạng mục sáchPhát hiện mới 2014 (Do Viện Giáo Dục IRED tổ chức)
“Nhìn lại quá khứ, chúng ta không thể thù ghét quá khứ. Với những gì trong quá khứ thì thế hệ sau cần phải tôn trọng chứ không phải rũ sạch. Bởi nếu giờ ta không tôn trọng quá khứ của ta thì con cháu sau này cũng không tôn trọng ta”
Nếu như bạn đã từng thắc mắc: ngày xưa ông cha ta mặc gì? Trang phục cung đình Việt Nam có gì đặc biệt? Liệu trang phục Việt Nam có cầu kỳ như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản? Điểm khác biệt trong trang phục của nước ta là gì… thì Ngàn năm áo mũ là một tác phẩm rất đáng giá dành cho bạn. Đúng như tên gọi của sách, “Ngàn năm áo mũ” là công trình nghiên cứu là cuốn sách dày gần 400 trang mô tả sinh động về trang phục của người Việt trong gần 1.000 năm từ triều Lý đến triều Nguyễn (1009-1945).
Trang phục cung đình luôn được quy định nghiêm ngặt và có nhiều đổi thay qua các triều đại. Ngàn năm áo mũ phân khảo về trang phục năm triều đại: Lý, Trần, Lê, Tây Sơn và nhà Nguyễn. Trong mỗi triều đại, tác phẩm đã khảo luận về ba loại hình trang phục: cung đình, quân đội và dân gian. Cùng đó là lý giải và phân tích mức độ mô phỏng trang phục Trung Hoa trong quy chế trang phục của triều đại Việt Nam. Tác phẩm đã mô tả chi tiết, tỉ mỉ nhiều dạng trang phục như bộ Tế phục Cổn Miện uy nghi của các vị hoàng đế, các bộ Triều phục, Thường phục Lương quan, Củng Thần, Ô Sa, Bổ phục trang trọng của bá quan, hay Lễ phục Vĩ Địch, Phượng quan lộng lẫy của hoàng hậu v.v…
Song hành cùng các trang phục trong triều đình là các trang phục dân gian của quần chúng nhân dân. Phổ biến bao gồm các kiểu áo giao lĩnh, tứ thân, hay lối ăn mặc cởi trần đóng khố của đàn ông và yếm, váy giản tiện của đàn bà tồn tại qua hàng trăm năm. Sự kiện vua Minh Mạng cấm “quần không đáy” là một biến cố lớn lao, để rồi chiếc áo dài năm thân đi vào đời sống dân gian và bây giờ trở thành trang phục quan trọng bậc nhất của người Việt.
Triều đình Việt Nam trước đây hay coi thể chế, văn hóa Trung Hoa là nguồn tham khảo chính thống nhưng theo quy luật sáng tạo văn hóa, lại trên tinh thần tự chủ, triều đình Việt Nam trong hơn một ngàn năm phong kiến – quân chủ dù nhiều lần mô phỏng chế độ áo mũ, lễ nhạc, khoa cử của triều đại Trung Quốc vẫn luôn tạo nên những nét biến dị độc đáo, làm tôn thêm vẻ uy nghi, sang trọng của vua quan nước Việt. Trang phục Việt Nam thời phong kiến có nhiều nét giống với Trung Quốc, nhưng là giống với một tâm thế khác so với những gì người ta nghĩ ngày nay, đó là tâm thế coi mình ngang hàng với Trung Quốc.
Có thể nói, Ngàn năm áo mũ đã sinh động hóa, hoạt họa hóa lịch sử và bù đắp nhiều phần các khoảng trống mênh mông của lịch sử trang phục Việt Nam nói riêng, lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung. Cùng với những ý nghĩa xã hội sâu rộng, đây thực sự là một nghiên cứu quan trọng và có giá trị lâu dài. Vì đây là một dạng sách khảo cứu chuyên sâu nên chúng không thật sự dễ đọc cho những bạn chưa có những hiểu biết nhất định về các khái niệm lịch sử, về triều đình Việt Nam và ít phong phú trong sử dụng, thấu hiểu từ ngữ Hán Việt. Đặc biệt, dù đã được in màu với hình ảnh minh họa vô cùng chất lượng, sống động và đặc sắc nhưng với độ dày 400 trang của một quyển sách khổ lớn là một thử thách không dễ cho những bạn chưa có thói quen đọc sách. Đặc biệt, là một quyển sách dày đặc các thuật ngữ mới, phải tra cứu từng từ mỗi khi đọc qua để hiểu được nội dung khiến cho tốc độ “tiêu hóa” tác phẩm này có thể sẽ chậm và lâu hơn so với đọc các sách thông thường và cũng là một trở ngại cho các đọc giả nếu muốn cảm thụ và đọc qua hết tác phẩm này. Nhưng một khi đã thật sự bắt đầu, thì đây sẽ là một hành trình vô cùng thú vị không chỉ về trang phục và còn cả về nền văn hóa trù phú của dân tộc.
Đây là một cuốn sách tư liệu rất quý cho nhà làm phim, đạo diễn kịch nói, đạo diễn sân khấu khi xây dựng các tác phẩm cổ trang xưa về lịch sử Việt Nam; cho các nhà thiết kế mong muốn làm ra các bộ quần áo “đúng lịch sử” mà tránh bắt chước quá đà các trang phục của Trung Quốc, làm nổi bật nét văn hiến của Việt Nam xưa. Lâu nay khi làm các phim giả sử cổ trang, các tác phẩm Việt thường bị khán giả trong nước khắt khe đánh giá khi trang phục và bối cảnh “quá Trung Hoa” mà không thấy được nét Việt Nam trong tác phẩm. Để trở lời và làm căn cứ cho việc phân định những điều đó thì ta có thể xem tác phẩm này như một tài liệu rất đáng tham khảo. Đây cũng là một phương thức giáo dục lịch sử, văn hóa và lòng tự hào dân tộc rất tốt cho các trường học, tổ chức giáo dục khi phong trào “dân ta yêu sử ta” đang ngày càng mạnh mẽ bằng hình thức tái diễn các hoạt cảnh lịch sử trong hoạt động của nhà trường.
Nhà nghiên cứu Trịnh Bách đã nhận xét trong lời đề tựa của tác phẩm: “Có lẽ đây là một trong những tập tài liệu văn hóa, lịch sử trang phục được nghiên cứu sâu và được biên soạn kĩ nhất ở Việt Nam, nếu không nói là quốc tế, cho đến nay”. Cuốn sách đã thể hiện được (1) tính công phu khi đã liệt kê được một cách hệ thống, khoa học, logic các loại trang phục của nước ta trải dài suốt 1000 năm sau thời kỳ Bắc thuộc; (2) là tính khách quan khi tác phẩm sử dụng rất nhiều nguồn tư liệu khác từ các nước có tương đồng văn hóa với Việt Nam (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), có trích dẫn chính danh nguồn gốc từ ngữ nước ngoài với cái nhin rất khách quan (thể hiện qua lời kết của tác giả ở cuối tác phẩm) cùng lời tự sự: “mỗi luận điểm mà không đối chứng được ít nhất với 5 nguồn tài liệu khác nhau thì luận điểm đó chưa thể kết luận và đưa vào sách” của chính tác giả; và (3) là tính xác thực khi chủ yếu dựa vào các cứ liệu được ghi chép trong lịch sử chứ không chỉ dựa vào các bài viết nghiên cứu một chiều, mang đậm dân tộc tính của các tác giả trong nước lẫn nước ngoài. “Ngàn năm áo mũ” của Trần Quang Đức đã cho thấy một nền văn hóa áo mũ Việt Nam rất đáng tự hào, tự chủ. Đọc Ngàn năm áo mũ, người ta không chỉ xem, mường tượng được trang phục cung đình và trang phục dân gian của người Việt qua gần 1.000 năm mà những trang sách thấm đẫm tinh thần ngàn năm tự chủ về văn hóa.
Như tác giả đã viết, mỗi thời đại đều có giá trị, thế giới quan, thẩm mỹ riêng. Mọi nhận xét đều mang tính nhất thời. Vì vậy, việc nhận xét đánh giá một cách công tâm, bĩnh tĩnh với văn hóa, trang phục Việt, đặc biệt là với những thành tố văn hóa có gốc gác Trung Hoa dung chứa trong văn hóa Việt, là hết sức cần thiết. Đây thật sự là sản phẩm văn hóa giá trị mà bất kì người trẻ nói riêng và người Việt nói chung, cần có trong gia đình mình để có hiểu biết toàn diện, khách quan và minh định về thế nào cái gọi là “bản sắc” của dân tộc Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- 1/ https://www.phunuonline.com.vn/van-hoa-giai-tri/di-tim-ngan-nam-trang-phuc-viet-48035
- 2/ https://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/chang-trai-8x-me-chuyen-ngan-nam-n20130713143232181.htm
- 3/ https://tuoitre.vn/di-tim-ngan-nam-ao-mu-654967.htm
- 4/ https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C3%A0n_n%C4%83m_%C3%A1o_m%C5%A9#cite_note-tt1-3
- 5/ http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/chang-trai-di-suot-ngan-nam-143205.html
____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5
Lê Nguyễn Trần Huỳnh
Nguyễn Hoàng Bảo Huy
Phạm Thị Quỳnh Mai
Huỳnh Diệp Mỹ Ngọc
Nguyễn Đình Quý
Trần Minh Dạ Thảo