- Tác giả: E.F. Schumacher.
- Người dịch: Nguyễn Văn Trọng
- Đơn vị xuất bản: NXB Tri Thức
E.F. Schumacher, một người Anh gốc Đức, sinh năm 1911 tại Đức và mất năm 1977 tại Thụy Sĩ.
Vào năm 1930, ông nhân học bổng Rhodes Scholar sang học tập tại Anh. Ông từng đảm nhận các vị trí quan trong Nhóm cố vấn kinh tế cho Chính Phủ Anh cũng như Cố vấn kinh tế cho ngành công nghiệp than của nước này.
Ông nổi tiếng với tác phẩm Small is Beautiful (Nhỏ là đẹp) (1977) được The Times Literary Supplement xếp hạng là một trong số 100 quyển sách có ảnh hưởng nhất đối với Thế giới, kể từ sau Thế Chiến Thứ II. Quyển sách như một lời cảnh báo cho lối sống của con người hướng về vật chất mà xem nhẹ giá trị đạo đức nhân bản.
Tuy nhiên, tác phẩm được xem là thành tựu quan trọng nhất của ông lại là tác phẩm A Guide for the Perplexed (Một chỉ dẫn cho người bị bối rối) được hoàn tất trước khi ông mất (1977).
“Cả đời ba sống chỉ để làm cuốn sách này,” ông dặn dò cô con gái khi trao tay cho cô bản thảo. Chỉ năm ngày sau, ông bị đau tim khi đang đi trên tàu và qua đời.
Giới Thiệu Nội Dung Chính Quyển Sách
“Một chỉ dẫn cho người bị bối rối” là tác phẩm đề cập đến một trạng thái tinh thần mà con người hiện đại đang gặp phải: bối rối và hoang mang, do bị nhào nặn và theo đuổi bởi một thế giới quan lầm lạc mà tác giả E.F. Schumacher gọi là Chủ Nghĩa Khoa Học Duy Vật Luận (Materialistic Scientism).
Chính tác phẩm với vai trò như một lời kêu gọi hay như một lời cầu xin rằng con người chúng ta, hãy luôn giữ được tỉnh táo trong một xã hội mà mọi thứ đang bị ám ảnh bởi Chủ Nghĩa Khoa Học Duy Vật Luận này, một thứ Chủ Nghĩa mà cá nhân ông cho rằng, nó đang hủy hoại mọi điều tốt đẹp – mọi tàn dư đang còn sót lại của một nền minh triết cổ đại.
Qua tác phẩm này, bằng quan sát và trải nghiệm sống của mình, ông đã cho chúng ta nhận thấy rằng có 04 trình độ hiệu hữu:
(1) Khoáng vật
(2) Thực Vật
(3) Động Vật
(4) Con Người
Theo đây, trình độ hiện hữu cao hơn sẽ bao hàm những trình độ thấp hơn:
- Khoáng vật cộng thêm phần sự sống thì sẽ thành thực vật;
- Thực vật cộng thêm phần ý thức thành động vật;
- Động vật cộng thêm phần tự nhận thức thành con người;
- Con người có hiện hữu cao hơn tất cả (mặc dù vẫn có những ý kiến không đồng ý với nhận định này), con người có cho riêng mình “sự tự ý thức”, và ở vị trí cao nhất của các trình độ hiện hữu này, con người bao gồm cả khoáng vật, thực vật và động vật.
Nhưng khi ý thức được những điều bất toàn mà mình phải gánh chịu, con người đặt câu hỏi rằng “Liệu có những Trình độ hiện hữu nào ở trên con người nữa chăng?”
Liệu trong thế giới ngày nay, khi con người đang bị ấn tượng bởi các thành tựu khoa học kỹ thuật và tin vào sức mạnh toàn năng của khoa học khiến vô tình con người bị “thao túng” bởi những vật chất vô tri và quên đi vai trò của tôn giáo, như một chỉ dẫn con người tiến bước lên một hành trình hướng thượng và tìm kiếm những giá trị hạnh phúc đích thực và ý nghĩa trong cuộc sống của chính mình.
“Tôn giáo (Religion) là sự kết nối lại (re-legio) con người với Hiện thực, bất kể Hiện thực ấy được gọi là Thượng đế, Sự thật, Allah, Sat-Chit-Ananda hay Niết Bàn.”
____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6
Lê Trọng Nam
Trần Lê Thiên Ân
Huỳnh Ngọc Nhật Vy
Nguyễn Thị Tường Vi
Phan Anh Tuấn