- Tác giả: Andrea Hirata
- Năm xuất bản: 2012
- Dịch giả: Dạ Thảo
- Đơn vị xuất bản: Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn
“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mênh mang của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”. Đó là đoạn mở đầu cho tác phẩm “Tôi đi học” của Thanh Tịnh, gắn liền với ký ức những ngày đầu thu đến trường của hàng triệu học sinh Việt Nam qua các thế hệ. Được giáo dục, được đến trường là quyền của mọi trẻ em trên thế giới mà qua đó, bọn trẻ bước những bước chân chập chững đầu tiên trong hành trình nhận biết, tìm kiếm và chinh phục tri thức. Tuy nhiên, không phải mọi nơi trên thế giới này hành trình đó đều thuận lợi, dễ dàng. Cách Việt Nam hơn 5.000Km, ở Belitong – Indonesia, có một câu chuyện của 10 đứa trẻ nghèo khổ, 1 ngôi trường có nguy cơ bị giải thể, 1 cô giáo tâm huyết với đám trẻ và 1 hiệu trưởng luôn đau đáu vì sự nghiệp trồng người.
Chiến binh cầu vồng được viết bởi nhà văn Andrea Hirata, là tác phẩm văn học tiêu biểu của Indonesia trong lĩnh vực giáo dục và cũng là tác phẩm khơi dậy tinh thần và ý chí vượt khó của những ai từng mở sách, đắm chìm và rơi nước mắt khi lướt qua câu chuyện nhọc nhằn của những đứa trẻ nơi này.
Ngôi trường Muhammadiyah vốn đã xập xệ chỉ có thể khai giảng và không bị giải thể bởi nhà chức trách địa phương nếu có đủ 10 học sinh. Thầy Harfan (Hiệu trưởng) và cô Mus (Giáo viên duy nhất) đã không bị mất việc vì ngay giờ phút cuối cùng, câu bé thứ 10 đã xuất hiện cứu rỗi ngôi trường và cuộc đời lem luốc bùn than Belitong của 9 đứa trẻ còn lại. Dù rằng, cậu bé thứ 10 ấy mắc chứng thiểu năng trí tuệ.
Áp lực từ những đợt kiểm tra của chính quyền địa phương, nỗi sợ một ngày nào đó ngôi trường sẽ bị xới tung lên để nhường chỗ cho máy móc khai thác mỏ chì dưới lòng đất, nỗi sợ đói no mỗi ngày, những lần đầu tranh vì quãng đường có khi đến 40 cây số với đầm lầy và cá sấu,… không thể ngăn cản được những nỗ lực, ước mơ chinh phục tri thức của thầy cô và 10 đứa trẻ ở Belitong.
Chiến binh cầu vồng làm vút lên một thứ tình cảm nhiệm màu tô hồng cuộc đời xám xịt của bọn trẻ - tình thầy trò. Chúng ta sẽ thấy tâm huyết vô bờ của thầy Harfan hiệu trưởng. Chúng ta cũng sẽ thấy những giằng xé, đau khổ, quên mình vì học trò của mô Mus. Và chúng ta cũng sẽ thấy niềm vui khi một trong số họ nhìn thấy những đứa trẻ của mình lớn lên từng ngày bằng tri thức và nền tảng giáo dục mà họ đà dày công vun đắp.
Câu chuyện không những khắc họa sự chênh lệch về hoàn cảnh của những đứa trẻ ở trường Muhammadiyah và những cô, câu học sinh trong một ngôi trường khác ở Belitong mà còn cho chúng ta một sự so sánh về ngôi trường mà chúng ta – những người đang đọc câu chuyện này một sự so sánh và đôi chút là một sự hổ thẹn vì những lần bỏ học chỉ vì lười biếng. Để rồi, sau khi gấp quyển sách ấy lại, chúng ta lại muốn giở quyển sách ấy ra để đọc lại từ đầu, chuyền tay cho người khác như một cách để truyền cảm hứng, để tự nhắc nhở mình về ý chí, về sự nỗ lực cho hành trình chinh phục tri thức không bao giờ ngơi nghỉ và cũng tin rằng giáo dục là nguồn cội của hạnh phúc. Tôi mong Chiến binh cầu vồng sẽ là một chất xúc tác để mỗi mùa thu đến, mọi trẻ em đều có được niềm vui đến trường như đoạn mở đầu trong “Tôi đi học” của Thanh Tịnh.
“Nhưng trên tất cả, chúng tôi vẫn đứng vững trước những khó khăn cận kề nhất: sự đe dọa từ chính bản thân chúng tôi, đó là thiếu tin tưởng vào sức mạnh của giáo dục, và tự ti” – Trích “Chiến binh cầu vồng” – Andrea Hirata.
Nguồn ảnh: jourjourney.com
_________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7
Hồ Tấn Hùng
Nguyễn Thị Kim Thương
Võ Thị Yến Nhi
Hoàng Mạnh Cường
Lâm Trọng Kha
Đinh Thị Nho
Đinh Nguyễn Nhã Thanh