Sự bùng phát của Virus Corona đã lôi kéo nhiều sự chú ý đến Trung Quốc và hơn nữa là khu vực Đông Bắc Á, đồng thời gây ra nhiều cuộc tranh luận về tác động tiềm ẩn của nó đối với nền kinh tế toàn cầu. Vào cuối tháng 2, các gã khổng lồ công nghệ như Apple, Google và Microsoft đã công bố kế hoạch di dời hoạt động lắp ráp sản phẩm từ Trung Quốc sang Đông Nam Á.

Đây không chỉ là sự kiện duy nhất gây chấn động thị trường công nghệ trong năm qua. Vào tháng 5 năm 2019, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã lên đến đỉnh điểm khi Tổng thống Donald Trump ban hành lệnh cấm các công ty Hoa Kỳ mua công nghệ hoặc thiết bị từ Huawei - bị cáo buộc là mối đe dọa đối với lợi ích và an ninh của Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ cũng áp đặt nhiều loại thuế cho các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có nguyên liệu thô. Tuy nhiên, Mỹ không áp thuế cho kim loại hiếm vì tỷ lệ phụ thuộc vào đó lên tới 80%.

Trong khi đó, một diễn biến căng thẳng khác giữa Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang diễn ra tại Châu Á. Vào tháng 7 năm 2019, Nhật Bản ban hành lệnh hạn chế đối với việc xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 nguyên liệu quan trọng để sản xuất thiết bị bán dẫn: hydro florua, fluorine polymer và chất cản quang. Quyết định này được đưa ra do mâu thuẫn kéo dài giữa Hàn Quốc và Nhật Bản về việc người Nhật sử dụng lao động Hàn Quốc trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Vấn đề này vốn dĩ còn rất nhạy cảm ở Hàn Quốc. Đó cũng là nguyên nhân tạo nên nhiều hành vi tiêu cực khác, điển hình như việc tẩy chay thương hiệu Nhật Bản Uniqlo do một đoạn phim quảng cáo của hãng này đã vô tình gợi lại ký ức chiến tranh cho một bộ phận người Hàn Quốc.

Ba sự kiện trên – dù bị tác động bởi những lý do khác nhau, và thuộc các phương diện khác nhau của mối quan hệ kinh tế chính trị, đã tác động đến một quá trình quan trọng, đó chính là quy trình sản xuất thiết bị bán dẫn và vi mạch. Quá trình này cung cấp vi mạch cho hầu hết tất cả các thiết bị điện tử thông minh trên toàn thế giới, và mọi mắt xích quan trọng của nó đều nằm ở khu vực Đông Bắc Á: từ việc khai thác nguyên liệu thô đến việc sản xuất các vi mạch có giá trị cao để lắp đặt vào thiết bị tiêu dùng.

Chất cản quang và hydro florua - những nguyên tố gây ra tranh chấp thương mại Hàn - Nhật, vốn dĩ được làm từ nguyên liệu thô từ Trung Quốc, chính xác hơn là kim loại đất hiếm.

Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về trữ lượng và sản xuất kim loại đất hiếm. Khi Đặng Tiểu Bình đến thăm khu vực sản xuất đất hiếm tại thành phố Bao Đầu trong Nội Mông vào năm 1987, ông đã đưa ra một nhận định rất chính xác: “Trung Đông có dầu mỏ, Trung Quốc có đất hiếm”. Năm 2017, một nhóm các quốc gia, được dẫn dắt bởi Hoa Kỳ, đã cố gắng đẩy mạnh tự sản xuất các nguyên liệu này. Tuy nhiên, đến năm 2019 Trung Quốc vẫn nắm khoảng 60% sản lượng toàn cầu, vượt trội hơn khoảng 5-6 lần so với các đối thủ cạnh tranh như Hoa Kỳ, Úc và Myanmar. Do đó, Trung Quốc vẫn là quốc gia chủ lực cung cấp nguyên liệu quý hiếm này cho tất cả các nước trên thế giới, bao gồm cả Nhật Bản - quốc gia sử dụng để sản xuất hóa chất bán dẫn. Vào năm 2010, một vụ việc tranh chấp lãnh thổ xảy ra đã khiến Trung Quốc quyết định cắt giảm xuất khẩu nguyên liệu quý hiếm sang Nhật Bản, nhưng sau đó, cả 2 bên đã giải quyết mâu thuẫn và phục hồi lượng hàng đầy đủ như ban đầu.

Sau khi Nhật Bản sử dụng đất hiếm của Trung Quốc để sản xuất ba loại hóa chất nêu trên, họ sẽ vận chuyển chúng đến các quốc gia sản xuất thiết bị bán dẫn và vi mạch lớn nhất thế giới, gồm Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc. Theo báo cáo của chính phủ, Nhật Bản sản xuất khoảng 90% fluorine polymer, khoảng 70% hydro florua và 90% chất cản quang. Nhật Bản gần như độc quyền trong lĩnh vực này, khiến các bên tiêu thụ rất khó khăn trong việc tìm kiếm sản phẩm thay thế hoặc xây dựng đủ năng lực để chấm dứt hợp tác với Nhật Bản. Về mâu thuẫn giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, các chuyên gia nhận xét rằng, Nhật Bản đã phát triển công nghệ xử lý trong nhiều thập niên và sẽ mất một thời gian dài để Hàn Quốc có thể bắt chước.

Từ Nhật Bản, chuỗi giá trị này chuyển tiếp đến nơi sản xuất vi mạch và thiết bị bán dẫn lớn nhất thế giới: Samsung và SK Hynix của Hàn Quốc – đều trong mảng thiết kế và sản xuất. Còn Trung Quốc và Đài Loan có các xưởng sản xuất thiết bị bán dẫn cho các nhà sản xuất toàn cầu, chẳng hạn như NVidia hoặc Qualcomm. Vốn dĩ, quy trình sản xuất thiết bị bán dẫn được chia thành hai giai đoạn chính, quá trình nghiên cứu phát triển và thiết kế được thực hiện ở một công ty, trong khi đó, quy trình lắp ráp sẽ diễn ra tại một công ty sản xuất khác. Ví dụ, Apple, NVIDIA và Qualcomm phải thuê Công ty Sản xuất Thiết bị bán dẫn Đài Loan để sản xuất vi mạch đồ họa mà họ thiết kế. Điều này có nghĩa là, bất kể loại công nghệ kĩ thuật cao siêu nào, dù được thực hiện ở đâu thì về mặt vật lý, nó vẫn phải được lắp ráp ở Châu Á.

Tại sao điều này lại quan trọng đến vậy? Sự có mặt của thiết bán dẫn trên thị trường toàn cầu là vô cùng quan trọng đối với quá trình phát triển của các công nghệ đột phá, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và Internet Vạn Vật (IoT). Trong khi trí tuệ nhân tạo thường được coi là một phần mềm phức tạp, thì các thiết bị phần cứng kết hợp nó cũng quan trọng không kém. Các phiên bản phần cứng mới mà các nhà phát triển AI cần đều sở hữu một số đặc điểm chính bao gồm sức mạnh tính toán lớn hơn và hiệu quả năng lượng tốt hơn. Một báo cáo gần đây của Deloitte đã dự đoán sự bùng nổ tăng trưởng của loại vi mạch AI. Thị trường vi mạch AI dự kiến sẽ chiếm hơn 12% tổng thị trường AI vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 54%.

Ngày nay, các công ty khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đóng góp gần như tương đương với các tập đoàn lớn trong sự phát triển công nghệ toàn cầu, điều này cũng gần đúng đối với các nhà phát triển AI. Một báo cáo gần đây của CB Insights đã ghi nhận 635 thương vụ mua bán trí tuệ nhân tạo kể từ năm 2010, đứng đầu là Apple với 20 thương vụ. Điều đáng lưu ý là trong khi các tập đoàn chủ yếu sử dụng phần cứng riêng của mình, ví dụ như Google đã sản xuất Bộ xử lý căng (TPU) của riêng mình và không bán lẻ ra thị trường, thì các công ty khởi nghiệp lại phải dựa vào những thiết bị có sẵn. Chính vì lẽ đó, công ty khởi nghiệp vẫn dễ dàng bị ảnh hưởng bởi các biến động của thị trường. Có thể thấy, quyền tiếp cận toàn cầu vào phần cứng, vi mạch và thiết bị bán dẫn cho cho AI là yếu tố rất quan trọng cho sự phát triển AI trên toàn cầu.

Tuy nhiên, dù nhiều quốc gia đã áp dụng chiến lược về trí tuệ nhân tạo từ những năm gần đây, không nhiều nước quan tâm đến việc phát triển phần cứng AI của riêng họ, hoặc ít nhất là đảm bảo quyền truy cập cho các kỹ sư và chuyên gia công nghệ thông tin trong nước vào các thiết bị điện toán. Trên thực tế, trong số các cường quốc, Trung Quốc là nước duy nhất công nhận rằng, họ phải nghiên cứu và phát triển các hệ thống và vi mạch máy tính thông minh. Việc chính phủ thực hiện những bước đầu tiên trong việc hỗ trợ các nhà phát triển AI đã thể hiện rõ các chiến lược và chiến thuật cũng sẽ được điều chỉnh theo nhu cầu và yêu cầu của thị trường. Rất có thể các biện pháp thiết thực hơn để đảm bảo quyền truy cập vào phần cứng AI cũng sẽ được thực hiện.

Tình hình hiện tại được định hình bởi quá trình phát triển công nghệ diễn ra hàng thập kỷ, nhưng dường như nó vẫn khá mong manh và dễ bị lung lay bởi vô số yếu tố bên ngoài. Một số quốc gia, bị thúc đẩy bởi những yếu tố này, đã bắt đầu thực hiện vài bước nhằm hạn chế sự phụ thuộc của họ vào nguồn cung cấp một số hàng hóa cụ thể, như việc Hoa Kỳ đang lên kế hoạch khai thác đất hiếm trong nước, hoặc Hàn Quốc đang tìm cách đa dạng hóa nhập khẩu hóa chất cần thiết cho sản xuất thiết bị bán dẫn. Tuy nhiên, những kế hoạch này sẽ mất rất nhiều thời gian, trong khi nhiều việc khác còn chưa được bắt đầu.

Từ những điều này có thể suy ra, tương lai của AI và các công nghệ hiện đại khác dù là quy mô quốc gia nói riêng hay là toàn cầu nói chung, sẽ không chỉ phụ thuộc vào khả năng phát triển các giải pháp mới của các chuyên gia công nghệ, mà còn phụ thuộc vào sự ổn định của khu vực Đông Bắc Á, ít nhất là trong khoảng thời gian trước mắt.

Helena Domashneva là Giám đốc các dự án quốc tế tại VEB Ventures.

Bài viết này được chọn lọc, biên dịch, thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Lê Trọng Nam
Trần Lê Thiên Ân
Huỳnh Ngọc Nhật Vy
Nguyễn Thị Tường Vi
Phan Anh Tuấn
và sự hỗ trợ từ Cộng tác viên Lâm Thị Hiếu Hạnh