Tên gốc: First Principles: Elon Musk on the Power of Thinking for Yourself
Tư duy căn nguyên, hay đôi khi được gọi là việc suy luận từ các nguồn khởi đầu tiên, là một trong những chiến lược hiệu quả nhất mà bạn có thể sử dụng để phá vỡ các vấn đề phức tạp và từ đó tạo ra các giải pháp gốc. Đó cũng có thể là cách tiếp cận tốt nhất để chúng ta học cách tự đi tìm lời giải cho chính mình.
Cách tiếp cận tư duy căn nguyên đã được sử dụng rất nhiều bởi các nhà tư tưởng vĩ đại, bao gồm: nhà phát minh Johannes Gutenberg, chiến lược gia quân sự John Boyd và nhà triết học cổ đại Aristotle, nhưng không có ai là hiện thân của triết lý tư duy căn nguyên này hiệu quả hơn Elon Musk.
Năm 2002, Musk khởi sự với nhiệm vụ đưa tên lửa đầu tiên lên sao Hỏa - một ý tưởng mà đến cuối cùng đã dẫn tới sự hình thành của công ty hàng không vũ trụ SpaceX.
Musk ngay lập tức đối mặt với một thách thức lớn. Sau khi ghé thăm một số nhà sản xuất hàng không vũ trụ trên thế giới, Musk phát hiện ra rằng chi phí để mua một tên lửa là vô cùng lớn - lên tới 65 triệu đô la. Với mức giá quá cao này, Mush bắt đầu suy nghĩ lại vấn đề.
“Tôi có xu hướng tiếp cận mọi thứ từ một khung vật lý,” Musk chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn. “Vật lý dạy bạn cách suy luận từ những yếu tố căn bản hơn là thông qua phép loại suy. Vì vậy, tôi đã nói, được rồi, hãy xem xét các yếu tố căn bản nào. Tên lửa được làm từ gì nhỉ? Một loại hợp kim nhôm dành riêng cho hàng không vũ trụ, cùng với một số titan, đồng và sợi carbon. Sau đó tôi hỏi tiếp, trị giá của những vật liệu đó trên thị trường là bao nhiêu? Hóa ra chi phí vật liệu của một tên lửa chỉ vào khoảng hai phần trăm so với giá thông thường”.
Vậy thì thay vì mua một tên lửa thành phẩm với giá hàng chục triệu đô la, Musk quyết định thành lập công ty của riêng mình, mua nguyên liệu thô với giá rẻ và tự chế tạo tên lửa. SpaceX ra đời.
Trong vòng vài năm, SpaceX đã giảm được giá phóng tên lửa xuống gần 10 lần, trong khi đó vẫn thu về được lợi nhuận. Musk đã sử dụng tư duy căn nguyên để chia nhỏ tình hình xuống thành các yếu tố cơ bản, vượt qua mức giá quá cao của ngành hàng không vũ trụ và tạo ra một giải pháp hiệu quả hơn nhiều.
Tư duy căn nguyên là việc phân tách một quá trình thành những cấu phần cơ bản mà bạn biết là đúng và từ đó mà tiếp tục xây dựng lên. Chúng ta hãy cùng thảo luận về cách mà bạn có thể ứng dụng tư duy căn nguyên vào trong cuộc sống và công việc của mình.
Định nghĩa Tư duy căn nguyên
Một yếu tố căn bản là một giả định cơ bản mà không thể suy luận thêm được nữa. Hơn hai nghìn năm trước, Aristotle đã định nghĩa yếu tố căn bản là “cơ sở đầu tiên mà từ đó một sự vật được biết đến”.
Tư duy căn nguyên là một cách nói hoa mỹ của câu “hãy suy nghĩ như một nhà khoa học”. Các nhà khoa học không giả định bất cứ điều gì. Họ bắt đầu với những câu hỏi như: Điều gì chúng ta hoàn toàn chắc chắn là đúng? Điều gì đã được chứng minh?
Về lý thuyết, tư duy căn nguyên đòi hỏi bạn phải đào sâu hơn và sâu hơn nữa, cho đến khi thứ còn lại là những chân lý nền tảng của một hoàn cảnh nào đó. Rene Descartes, nhà triết học và khoa học người Pháp, đã áp dụng cách tiếp cận này bằng một phương pháp mà bây giờ được gọi là “Hoài nghi Descartes”. Ở phương pháp này, ta sẽ “nghi ngờ một cách có hệ thống mọi thứ mà ta có thể nghi ngờ cho đến khi chỉ còn lại những gì mà ta coi là sự thật hoàn toàn không thể chối cãi”.
Trong thực tế, bạn không cần phải đơn giản hóa mọi vấn đề xuống mức nguyên tử để thụ hưởng những lợi ích mà tư duy căn nguyên mang lại. Bạn chỉ cần đi sâu hơn một hoặc hai cấp độ so với hầu hết mọi người mà thôi. Các giải pháp khác nhau thể hiện ở các cấp độ trừu tượng khác nhau. John Boyd, phi công chiến đấu và là nhà chiến lược quân sự nổi tiếng, đã tạo ra một thử nghiệm suy nghĩ trình bày về cách sử dụng tư duy căn nguyên trong thực tế.
Hãy tưởng tượng bạn có ba thứ sau:
-
Một chiếc thuyền máy với một người lướt sóng sau nó.
-
Một chiếc xe tăng quân sự.
-
Một chiếc xe đạp.
Bây giờ, hãy chia các vật thể này thành các cấu phần của chúng:
-
Chiếc thuyền máy: động cơ, thân thuyền và một đôi ván trượt.
-
Xe tăng: bệ kim loại, tấm giáp thép và súng.
- Xe đạp: tay lái, bánh xe, bánh răng và yên xe.
Bạn có thể tạo ra thứ gì từ những bộ phận riêng lẻ này? Một trong các lựa chọn là tạo ra một chiếc xe trượt tuyết bằng cách kết hợp tay lái và yên xe từ xe đạp, lốp kim loại từ xe tăng, động cơ và ván trượt từ thuyền.
Tóm lại, đây là quy trình của tư duy căn nguyên. Đó là một chu kỳ chia nhỏ một tình huống thành những phần cốt lõi và sau đó ghép chúng lại với nhau theo cách hiệu quả hơn. Tách rời rồi sau đó tái tạo lại.
Cách các yếu tố căn bản thúc đẩy sự cải cách
Ví dụ về xe trượt tuyết ở trên cũng nêu bật lên một dấu hiệu của tư duy căn nguyên, đó là việc kết hợp các ý tưởng từ những lĩnh vực dường như không liên quan gì tới nhau. Xe tăng và xe đạp dường như không có điểm chung nào, nhưng các mảnh của xe tăng và xe đạp có thể được kết hợp với nhau để tạo nên những cải tiến như xe trượt tuyết.
Các ý tưởng đột phá nhất trong lịch sử, phần nhiều là kết quả của việc phân tách mọi thứ xuống thành các yếu tố căn bản rồi sau đó sử dụng một giải pháp hiệu quả hơn để thay thế cho yếu tố quan trọng đó.
Ví dụ, Johannes Gutenberg đã kết hợp công nghệ của máy ép trục vít — một thiết bị dùng để làm rượu — với nút dập (movable type), giấy và mực in để tạo ra máy in. Mặc dù nút dập đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ nhưng Gutenberg là người đầu tiên xem xét các bộ phận cấu thành của nó và tùy chỉnh công nghệ từ một lĩnh vực hoàn toàn khác qua để làm cho việc in ấn trở nên hiệu quả hơn rất nhiều. Kết quả là một cải tiến thay đổi mang tầm thế giới và sự phổ biến thông tin một cách rộng rãi lần đầu tiên trong lịch sử.
Nút dập - Movable Type (Nguồn ảnh: Pinterest)
Giải pháp tốt nhất không nằm ở nơi mà tất cả mọi người đã đang nhìn thấy.
Tư duy căn nguyên giúp bạn thu thập thông tin từ các lĩnh vực khác nhau để tạo ra những ý tưởng và sự cải cách mới. Bạn bắt đầu bằng cách đi tới sự việc có thật. Khi bạn đã có nền tảng về sự việc đó, bạn có thể lập kế hoạch để cải thiện từng phần nhỏ. Quá trình này, một cách tự nhiên, sẽ dẫn đến việc khám phá các sản phẩm thay thế tốt hơn.
Thách thức của việc lập luận từ những yếu tố căn bản
Tư duy căn nguyên có thể dễ dàng để mô tả, nhưng lại khá khó khi thực hành. Một trong những trở ngại lớn đối với tư duy căn nguyên chính là xu hướng của chúng ta trong việc tối ưu hóa hình thức hơn là chức năng. Câu chuyện về chiếc vali là một ví dụ hoàn hảo.
Ở thời La Mã cổ đại, những người lính khi cưỡi ngựa qua vùng nông thôn thường sử dụng túi da và túi đeo chéo để mang thức ăn. Cùng thời điểm đó, người La Mã cũng đã sử dụng phương tiện có bánh xe như xe ngựa chiến (chariots), xe ngựa chở người (carriages) và xe ngựa kéo hàng (wagons). Tuy nhiên, trong hàng ngàn năm, không ai nghĩ đến việc kết hợp cái túi và cái bánh xe. Chiếc vali kéo đầu tiên không được phát minh cho đến năm 1970 khi Bernard Sadow đang vận chuyển hành lý của mình qua sân bay và nhìn thấy một công nhân đang lăn một chiếc máy nặng trên đường trượt có bánh xe.
Trong suốt những năm 1800 và 1900, những chiếc túi da được chuyên biệt cho các mục đích cụ thể như ba lô đi học, ba lô để đi bộ đường dài, va li để đi du lịch. Khóa kéo được thêm vào túi vào năm 1938. Ba lô nylon được bán lần đầu tiên vào năm 1967. Bất chấp những cải tiến này, hình thức bên ngoài của chiếc túi hầu như vẫn được giữ nguyên. Các nhà phát minh đã dành toàn bộ thời gian của họ để thực hiện các sự thay đổi lặp đi lặp lại trên cùng một đề tài.
Những thứ gì trông giống như sự cách tân thường là sự lặp lại các hình thức trước đó hơn là cải tiến cái chức năng cốt lõi. Trong khi những người khác tập trung vào việc làm thế nào để tạo ra một chiếc túi tốt hơn (hình thức), Sadow đã xem xét cách lưu trữ và di chuyển mọi thứ hiệu quả hơn (chức năng).
Cách đi tìm lời giải cho chính mình
Xu hướng bắt chước của con người là rào cản phổ biến đối với tư duy căn nguyên. Khi hình dung về tương lai, hầu hết mọi người phóng chiếu kiểu mẫu hiện tại thay vì chức năng và từ bỏ hình thức.
Ví dụ, một số người chỉ trích tiến bộ công nghệ đã hỏi rằng, "Những chiếc ô tô có thể bay đang ở đâu rồi?"
Vấn đề là: Chúng ta có ô tô bay rồi. Chúng được gọi là máy bay. Những người đặt câu hỏi như thế này chỉ tập trung vào hình thức (một vật thể bay trông giống như một chiếc ô tô) đến nỗi họ bỏ qua chức năng (vận chuyển bằng đường bay). Đây là những gì Elon Musk đang đề cập đến khi ông nói rằng mọi người thường "sống cuộc đời như một phép loại suy."
Hãy cảnh giác với những ý tưởng mà bạn được kế thừa. Ngày xưa, các quy ước cũ và các hình thức thường được chấp nhận mà không bị chất vấn, và một khi được chấp thuận, chúng sẽ đặt ra một ranh giới xung quanh sự sáng tạo.
Sự khác biệt này là một trong những điểm khác biệt chính giữa cải tiến liên tục và tư duy căn nguyên. Cải tiến liên tục có xu hướng xảy ra trong giới hạn mà ranh giới vạch ra dựa trên tầm nhìn ban đầu. Để so sánh, tư duy căn nguyên yêu cầu bạn từ bỏ lòng trung thành với các hình thức cũ và đưa chức năng lên vị trí hàng đầu và trung tâm. Bạn đang cố gắng đạt được điều gì? Kết quả của chức năng mà bạn đang muốn đạt được ra sao?
Tối ưu hóa chức năng. Bỏ qua hình thức bên ngoài. Đây là cách bạn tự đi tìm lời giải cho chính mình.
Sức mạnh của những yếu tố căn nguyên
Trớ trêu thay, có lẽ cách tốt nhất để phát triển những ý tưởng tiên tiến là bắt đầu chia nhỏ mọi thứ xuống thành các nền móng cơ bản. Ngay cả khi bạn không có cố gắng để phát triển những ý tưởng đổi mới, việc hiểu những yếu tố căn nguyên trong lĩnh vực của bạn là một cách sử dụng thời gian một cách thông minh. Nếu không nắm chắc các kiến thức cơ bản, sẽ có rất ít cơ hội để nắm vững các chi tiết tạo nên sự khác biệt ở các cấp độ cạnh tranh ưu tú.
Mọi đổi mới, kể cả những đổi mới đột phá nhất, đều đòi hỏi một thời gian dài cho việc lặp lại và cải tiến. Công ty ở đầu bài viết này, SpaceX, đã chạy nhiều cuộc mô phỏng, thực hiện hàng nghìn lần điều chỉnh và yêu cầu hàng tá lần thử nghiệm trước khi họ tìm ra cách chế tạo một tên lửa có giá cả phải chăng và có thể tái sử dụng.
Tư duy căn nguyên không loại bỏ nhu cầu cải tiến liên tục, nhưng nó làm thay đổi hướng cải tiến. Chưa cần phải suy luận theo yếu tố căn bản, bạn đã dành thời gian của mình để thực hiện những cải tiến nhỏ cho một chiếc xe đạp thay vì một chiếc xe trượt tuyết. Tư duy căn nguyên đưa bạn vào một quỹ đạo khác hẳn hoàn toàn.
Nếu bạn muốn nâng cao quy trình hiện tại, cải tiến liên tục là một lựa chọn tuyệt vời. Nếu bạn muốn học cách tự đi tìm câu trả lời, lập luận từ những yếu tố căn bản là một trong những cách tốt nhất để làm điều đó.
CHÚ THÍCH
-
Khi Musk ban đầu xem xét việc thuê một công ty khác để đưa tên lửa từ Trái đất lên sao Hỏa, ông đã được báo giá lên tới 65 triệu USD. Ông cũng đã tới Nga để xem liệu mình có thể mua một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), thứ mà sau đó có thể được trang bị thêm cho các chuyến bay vào vũ trụ hàng không. Nó có giá rẻ hơn, nhưng vẫn nằm trong khoảng 8 triệu đến 20 triệu đô la.
-
“Elon Musk's Mission to Mars,” Chris Anderson, Wired.
-
“SpaceX and Daring to Think Big,” Steve Jurvetson. January 28, 2015.
-
“The Metaphysics,” Aristotle, 1013a14–15
-
Bài viết trên Wikipedia về các yếu tố căn nguyên.
-
Ví dụ về chiếc xe trượt tuyết, tôi tìm thấy ở The OODA Loop: How to Turn Uncertainty Into Opportunity by Taylor Pearson.
-
Trích từ “Where Good Ideas Come From,” Steven Johnson
-
Trích từ “Reinventing the Suitcase by Adding the Wheel,” Joe Sharkey, The New York Times
-
“A Brief History of the Modern Backpack,” Elizabeth King, Time
-
Hat tip to Benedict Evans for his tweets that inspired this example.
-
Những người có định kiến rơi vào phong cách tư duy như này. "Ồ, tôi đã từng biết một người nghèo rất ngu ngốc, vì vậy tất cả những người nghèo đều ngu ngốc." Và như thế. Bất cứ khi nào chúng ta đánh giá ai đó bằng địa vị của họ thay vì đặc điểm cá nhân, chúng ta đang suy luận về họ bằng phép loại suy.
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6
Đặng Xuân Hải
Mai Thị Như Thảo
Hồ Đông Thụ
Lê Trung Thu
Nguyễn Hữu Ý