[Gandhi đọc diễn văn tại Ủy ban Quốc Đại toàn Ấn Độ (A.I.C.C) tại Bombay vào ngày 8 tháng 8 năm 1942 vạch ra đường lối hoạt động của mình, bằng tiếng Hindu, như sau;]
Trước khi quý vị thảo luận về nghị quyết, hãy cho tôi làm rõ đôi điều, tôi muốn quý vị hiểu thật rõ hai điểm và xem xét theo góc nhìn của tôi. Lý do mà tôi yêu cầu quý vị phải có cùng góc nhìn với tôi, là vì nếu quý vị chấp thuận hai điểm này thì quý vị sẽ phải thực hiện những điều mà tôi nói. Đó sẽ là một trách nhiệm to lớn. Nhiều người hỏi tôi rằng tôi vẫn giống như năm 1920, hay tôi đã thay đổi. Quý vị đã đúng khi hỏi câu này.
Dù gì thì tôi vẫn muốn khẳng định rằng tôi vẫn là Gandhi năm 1920. Tôi không thay đổi về mặt bản chất. Tôi vẫn thấy tinh thần bất bạo động là quan trọng như lúc trước. Mà thậm chí bây giờ tôi còn thấy nó quan trọng hơn. Thật sự không có sự mâu thuẫn nào giữa nghị quyết hôm nay và những gì tôi đã viết, đã phát biểu trước đây.
Những thời khắc như hiện nay không phải ai cũng gặp được mà cũng rất hiếm đối với một số người. Tôi mong quý vị hiểu và cảm nhận được rằng trong những điều tôi nói và làm ngày hôm nay không có gì ngoài tinh thần bất bạo động [1] thuần khiết nhất. Bản thảo nghị quyết của Ủy ban Thực thi được dựa trên tinh thần bất bạo động, cuộc đấu tranh dự tính xảy ra cũng bắt nguồn từ tinh thần bất bạo động. Vì thế, nếu có bất cứ ai trong số quý vị không tin tưởng ở tinh thần bất bạo động hoặc cảm thấy chán nản, thì không nên để người đó bỏ phiếu cho nghị quyết này.
Tôi sẽ giải thích rõ quan điểm của mình. Thượng đế đã ban cho tôi một món quà quý giá chính là vũ khí bất bạo động. Và tôi đã cùng vũ khí này đi đến được ngày hôm nay. Nếu trong cuộc khủng hoảng hiện tại, khi trái đất đang bị thiêu rụi trong ngọn lửa của bạo lực[2] và cầu lạy sự giải thoát, mà tôi không sử dụng món quà của Thượng đế, chắc chắn Ngài sẽ không tha thứ, và tôi sẽ bị phán xét cho ra lẽ vì món quà to lớn kia. Tôi phải hành động. Tôi không thể chần chừ mà đứng nhìn, khi Nga và Trung Quốc đang bị đe dọa.
Thứ chúng ta muốn không phải là quyền lực, mà đây chỉ đơn thuần là cuộc đấu tranh bất bạo lực để dành lại độc lập cho Ấn Độ. Trong một cuộc chiến bạo lực, một vị tướng chiến thắng thường được biết đến là người có tài chỉ huy quân sự hiệu quả và sau đó thiết lập chế độ độc tài. Nhưng dưới chủ trương của Quốc hội, với tinh thần bất bạo lực là thiết yếu, không thể tồn tại chế độ độc tài. Một chiến binh bất bạo lực vì tự do không muốn gì cho bản thân mình, anh ta chiến đấu để đất nước được tự do. Khi sự tự do được tái thiết, Quốc hội sẽ không quan tâm đến việc ai sẽ cai trị. Quyền lực lúc này sẽ về tay của nhân dân Ấn Độ, và họ sẽ tự quyết định trao quyền cho ai. Có thể Parsi sẽ nắm quyền, chẳng hạn vậy, tôi cũng mong như vậy, hoặc dân chúng sẽ trao quyền cho những cái tên chưa có trong Quốc hội hôm nay. Bạn không thể phản đối mà nói rằng, “Cộng đồng này thật nhỏ bé. Đảng phải không đóng vai trò gì trong cuộc chiến đấu vì tự do; tại sao họ phải có quyền lực?” Từ trước đến giờ Quốc hội vẫn luôn độc lập khỏi những sự suy đồi xã hội. Họ vẫn nghĩ cho bức tranh xã hội lớn hơn và hành động tương ứng…
Tôi biết sự bất hại không hoàn hảo và chúng ta còn cách xa lý tưởng như thế nào, nhưng trong lòng bất hại không tồn tại kẻ thắng người thua. Cho nên, tôi có niềm tin rằng dù chúng ta có khiếm khuyết mà đại sự vẫn thành, thì Thượng đế đã muốn giúp chúng ta bằng cách đáp trả sự tu luyện thầm lặng, không ngừng của chúng ta suốt hai mươi hai năm qua.
Tôi tin rằng suốt chiều dài lịch sử thế giới, chưa có cuộc đấu tranh đòi tự do nào dân chủ giống như cuộc đấu tranh của chúng ta. Khi bị giam tôi đã đọc Cuộc Cách mạng Pháp của Carlyle, và Pandit Jawaharlal đã kể tôi nghe về cuộc Cách mạng Nga. Nhưng tôi tin rằng khi người ta đấu tranh với vũ trang bạo lực, họ sẽ không nhận ra lý tưởng của sự dân chủ. Trong nền dân chủ mà tôi đề ra, một nền dân chủ không dựa trên bạo lực, mọi người đều có quyền tự do như nhau. Mọi người dân đều có tự chủ. Hôm nay tôi mời quý vị tham gia cuộc đấu tranh dân chủ này. Một khi quý vị hiểu, quý vị sẽ quên đi sự khác biệt giữa Hindu giáo và Hồi giáo, mà chỉ thấy mình là người Ấn Độ, cùng tranh đấu giành độc lập.
Tiếp đến, có thắc mắc về thái độ của quý vị dành cho người Anh. Tôi thấy rằng nhân dân ta căm ghét người Anh. Người dân thấy những hành xử của người Anh là đáng ghê tởm. Họ không phân biệt được chủ nghĩa đế quốc Anh và người dân Anh. Đối với họ, tất cả đều như nhau. Hơn thế nữa sự căm ghét này khiến dân ta hoan nghênh người Nhật. Điều đó mới là đáng sợ nhất. Vì nó có nghĩa là họ sẽ thay thế chế độ nô lệ này bằng một chế độ nô lệ khác. Chúng ta phải bỏ ngay cảm giác đó. Sự tranh chấp của chúng ta không hướng đến người dân Anh, mà là đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc của họ. Đề nghị Anh quốc rút quyền kiểm soát không xuất phát tự sự căm giận. Nó tạo cơ hội cho Ấn Độ thực hiện quyền chính đáng của mình trong giai đoạn quan trọng này. Đó chẳng phải là một vị thế vui vẻ gì cho một nước lớn như Ấn Độ khi chỉ sung sướng nhận sự giúp đỡ về tiền bạc và vật chất dù muốn hay không trong khi Liên hiệp quốc đang xúc tiến cuộc chiến tranh. Chúng ta không thể thể hiện được tinh thần hi sinh và quả cảm đích thực khi chúng ta không có được tự do. Tôi biết rằng Chính phủ Anh Quốc sẽ không thể không trả lại tự do cho chúng ta, nếu chúng ta đủ vị tha. Vì vậy, chúng ta phải bỏ qua sự hận thù. Từ phía mình, tôi có thể nói rằng tôi chưa từng căm ghét họ. Mà sự thật là hơn bao giờ hết, tôi thấy mình như người bạn của nước Anh. Một lý do cho việc này là họ đang bị khủng hoảng. Tình hữu nghị đòi hỏi tôi phải giúp họ vượt qua sai lầm. Trong tình huống này, họ đang đứng trên bờ vực. Vì thế, bổn phận của tôi là phải cảnh báo cho họ thấy nguy hiểm mặc dù, trong lúc này, tôi khiến họ giận dữ đến mức cắt đứt mọi sự giúp đỡ từ phía tôi. Người ta có thể cười, nhưng đó là điều tôi muốn nói. Vào thời điểm tôi phát động cuộc đấu tranh lớn nhất đời mình, tôi vẫn sẽ không căm ghét bất cứ ai.
II
[Gandhi đọc diễn văn tại Ủy ban Quốc Đại toàn Ấn Độ (A.I.C.C) tại Bombay vào ngày 8 tháng 8 năm 1942 bằng tiếng Hindu:]
Tôi xin được chúc mừng quý vị vì đã thông qua nghị quyết. Tôi cũng xin được chúc mừng ba đồng chí đã dũng cảm bổ sung cho sự phân cách, mặc dù họ biết rằng số đông sẽ đồng thuận với nghị quyết, và tôi cũng chúc mừng mười ba người bạn đã bỏ phiếu chống. Chẳng có gì là xấu hổ khi làm như vậy. Suốt hai mươi năm qua chúng ta đã cố gắng học rằng không được đánh mất dũng khí ngay cả khi chúng ta thuộc về nhóm thiểu số hết hy vọng và bị chế nhạo. Chúng ta học cách giữ vững niềm tin khi tự tin rằng chúng ta đúng. Hành xử này cho chúng ta lòng dũng cảm để thuyết phục, làm nên những con người cao quý và nuôi dưỡng tầm vóc đạo đức của anh ta. Vì thế, tôi rất vui khi thấy những người bạn này đã thấm nhuần nguyên tắc mà tôi đã nỗ lực theo đuổi suốt 50 năm qua và hơn thế nữa. Trong lúc chúc mừng sự dũng cảm của họ, tôi cũng muốn nói rằng sửa đổi mà họ yêu cầu Hội đồng phải chấp thuận thì không đại diện cho trường hợp này. Những anh bạn này nên suy nghĩ về điều đã hấp dẫn họ bởi Maulana để rút lại sửa đổi của họ; họ nên cẩn thận làm theo hướng dẫn của Jawaharlal. Nếu họ làm vậy, sẽ rõ ràng cho họ về quyền được yêu cầu Quốc hội phải chấp nhận nay đã được chấp nhận bởi Quốc hội. Đã có lúc những người Hồi giáo tuyên bố rằng Ấn Độ này là của anh ta. Suốt những năm tháng mà anh em Ali đồng hành với tôi, những giả định ẩn sau những cuộc nói chuyện và trao đổi của họ là về việc nếu Ấn Độ thuộc về người Hồi giáo bao nhiêu thì cũng thuộc về người Hindu bấy nhiêu. Tôi có thể chứng thực rằng đó là niềm tin sâu thẳm của họ chứ không phải những điều giả dối; Tôi sống cùng họ suốt nhiều năm. Tôi ở công ty của họ từ ngày này sang đêm nọ. Và tôi có thể khẳng định rằng những điều họ nói chính là những điều chân thật nhất xuất phát từ niềm tin của họ. Tôi biết có một số người cho rằng tôi quá dễ bị thu hút bởi vẻ bề ngoài của họ, và tôi quá cả tin. Tôi không nghĩ mình ngốc hay cả tin như người ta nói. Nhưng những phán xét của họ không khiến tôi thấy tổn thương. Tôi có thể bị xem là cả tin hay dối trá. Điều mà những người bạn Cộng sản đề xuất qua những sửa đổi của họ chẳng có gì mới. Nó được lặp lại dựa trên vô số nền tảng. Hàng ngàn người Hồi giáo nói với tôi rằng, nếu trăn trở về Hindu giáo – Hồi giáo có thể được giải quyết một cách mãn nguyện, thì điều đó phải xảy ra trong thời đại của tôi. Tôi nên cảm thấy hãnh diện về điều này, nhưng làm sao tôi có thể đồng ý một lời đề nghị mà không kêu gọi được động cơ của mình?
Sự thống nhất giữa Ấn và Hồi giáo không phải là điều mới mẻ. Hàng triệu người Ấn Độ giáo và Hồi giáo đã tìm kiếm sự thống nhất này. Tôi có chủ đích đấu tranh cho sự đoàn kết này từ khi còn trẻ. Ở trường, tôi chú tâm vào việc xây dựng tình hữu nghị giữa các học sinh Hồi giáo và Parsi. Tôi tin rằng ở độ tuổi đó mà người Ấn Độ giáo ở Ấn Độ muốn hòa bình và hữu nghị giữa các cộng đồng, thì họ cần cố gắng xây dựng những phẩm chất của tình làng xóm. Tôi cảm thấy cũng chẳng sao nếu tôi không nỗ lực để xây dựng tình hữu nghị với người Ấn Độ giáo, nhưng khi đó tôi sẽ chỉ có một ít bạn bè là người Hồi giáo. Theo lời khuyên của một thương gia người Hồi giáo, tôi đến Nam Phi. Tôi kết bạn với những người Hồi giáo khác ở đó, thậm chí là những kẻ thù của thân chủ tôi, và được tin tưởng về sự chính trực và thành ý tốt. Tôi có nhiều người bạn và đồng nghiệp là cả người Hồi giáo và Parsi. Tôi được họ yêu mến và khi tôi trở về Ấn Độ, họ cảm thấy buồn và thậm chí khóc khi phải chia tay.
Ở Ấn Độ tôi tiếp tục những nỗ lực của mình và tìm mọi cách để xây dựng tình hữu nghị ấy. Vì mong ước cuộc đời này mà tôi hợp tác hết mình với người Hồi giáo trong phong trào Khilafat. Người Hồi giáo cả nước đã chấp nhận tôi như người bạn thật sự của họ.
Vậy thì vì sao bây giờ tôi lại trở thành độc ác và đáng ghét? Việc hỗ trợ cho phong trào Khilafat mang lại lợi lộc gì cho tôi hay sao? Đúng, từ tận đáy lòng tôi nuôi hi vọng rằng việc này có thể giúp tôi cứu lấy bò. Tôi là người thờ bò. Tôi tin rằng bò và tôi đều được Thượng đế tạo ra, và tôi sẵn sàng hi sinh cuộc đời mình để cứu lấy bò. Nhưng, dù triết lý sống hay hy vọng của tôi có thế nào đi nữa, tôi tham gia phong trào trên tinh thần không mặc cả điều gì. Tôi hợp tác với phong trào Khilafat chỉ bởi vì tôi muốn thực hiện nghĩa vụ với những người hàng xóm mà tôi thấy rằng họ đang đau khổ. Anh em nhà Ali, nếu hôm nay họ vẫn còn sống, chắc hẳn sẽ làm chứng cho sự thật này. Và cũng có nhiều người đã xác mình rằng tôi không kiếm lợi gì từ việc cứu bò. Bò cũng như Khilafat. Vững chãi với chân giá trị của mình. Là một người chân thật, một người láng giềng thật sự và người bạn đánh tin cậy, tôi có phận sự phải sát cánh cùng người Hồi giáo trong những thời khắc nỗ lực của họ. Những ngày đó, tôi khiến người Ấn Độ giáo bị sốc khi ăn tối cùng tôi mà bây giờ họ đã quen rồi. Tuy nhiên, Maulana Bari nói với tôi rằng ông ấy không cho phép tôi ăn tối với ông, không thôi một ngày nào đó ông ấy sẽ bị kết tội vì có động cơ xấu. Và vì thế, bất cứ khi nào tôi có dịp ngồi cùng ông ấy, ông sẽ sắp xếp một đầu bếp Brahmana để nấu riêng. Firangi, Mahal, nơi ở của ông ấy, là một kiến trúc cũ kỹ với số phòng hạn chế; nhưng sự nhiệt tình và kiên trì của ông ấy khiến tôi không thể nào từ chối. Đó là tinh thần lịch sự, lòng tự trọng và cao quý mà chúng tôi trân trọng suốt thời gian đó. Họ tôn trọng cảm xúc tôn giáo của mỗi người, và xem việc đó như một đặc quyền. Không có sự ngờ vực nào ẩn trong tâm trí mọi người. Vậy mà bây giờ những chân giá trị, những tinh thần cao quý ấy biến mất đâu cả rồi? Tôi nên hỏi tất cả những người Hồi giáo, kể cả Quaid-I-Azam Jinnah, để gợi lại những ngày huy hoàng ấy và để tìm hiểu xem chuyện gì đã đẩy đưa chúng tôi đến thế cụt này. Bản thân Quaid-I-Azam Jinnah đã từng là Nghị sĩ. Nếu hôm nay Quốc hội phải chịu sự phẫn nộ của ông ta, thì cũng do sự nghi ngờ ăn sâu vào tâm trí của ông. Mong Thượng đế ban cho ông ta trường thọ, nhưng khi tôi ra đi, ông ấy sẽ nhận ra và thừa nhận rằng tôi chẳng có ý đồ gì với người Hồi giáo và rằng tôi chưa bao giờ phản bội lại lợi ích của họ. Lối thoát nào cho tôi, nếu tôi xúc phạm động cơ hay phản bội lại lợi ích của họ? Cuộc đời tôi hoàn toàn là do họ định đoạt. Bất cứ khi nào họ muốn kết thúc cuộc đời tôi họ đều có toàn quyền làm điều đó. Tôi từng bị tấn công trong quá khứ, nhưng Thượng đế vẫn cứu tôi đến bây giờ, và những người muốn giết tôi đều hối hận vì đã hành động như vậy. Nhưng nếu một người nào đó muốn giết tôi với niềm tin rằng anh ta đang loại trừ một kẻ bất lương, thì anh ta đã không giết được Gandhi thật sự, mà chỉ giết người mà anh ta xem như kẻ bất lương. Tôi muốn nói với những người tham gia vào những phong trào lạm dụng và vu khống rằng, “Đạo Hồi bắt quý vị không được sỉ vả dù đối với kẻ thù. Nhà Tiên tri thậm chí còn đối xử với kẻ thù một cách tử tế và cố lấy lòng họ bằng tính công bằng và rộng lượng. Quý vị đang là tín đồ của đạo Hồi đó hay đạo nào khác vậy? Nếu quý vị là tín đồ của đạo Hồi thật sự, có phải quý vị đã mất niềm tin ở những lời của người đã công bố đức tin của ông? Một ngày nào đó quý vị sẽ thấy hối tiếc vì đã không tin tưởng và đã giết một người bạn thực sự hết lòng với quý vị.” Điều này khiến tôi nhanh chóng nhận ra rằng nếu tôi càng thấy kêu gọi thì Maulana càng giục giã, chiến dịch vu khống càng lớn mạnh vượt trội. Với tôi, những sự lăng mạ này như những viên đạn. Chúng có thể giết tôi, thậm chí như một viên đạn kết thúc cuộc đời tôi. Quý vị có thể giết tôi. Điều đó không làm tổn thương tôi. Nhưng đâu là những người thích thú việc lăng mạ? Họ khiến đạo Hồi bị tai tiếng. Để lấy lại sự công bằng cho Đạo hồi, tôi kêu gọi quý vị hãy chống lại chiến dịch lăng mạ và vu khống không ngừng này lại. Maulana Saheb đang trở thành mục tiêu của những lăng mạ tục tĩu. Tại sao? Bởi vì ông ta từ chối việc đặt lên tôi áp lực của tình bạn. Ông ta xem đó như là việc lợi dụng tình bạn để bắt một người bạn phải chấp nhận một điều anh ta biết không phải là sự thật.
Đối với Quaid-Azam tôi muốn nói rằng: Mọi sự thật và hợp lý trong việc giành độc lập cho Pakistan đều ở trong tay của ngài. Những điều sai trái và không thể giữ được thì không phải món quà của ai cả, nên nó có thể được trao cho ngài. Thậm chí có người nào đó muốn áp đặt một điều giả dối lên người khác, hắn ta cũng chẳng thể hưởng được lâu dài thành quả của sự áp bức đó. Thượng đế ghét sự tự cao và không để mình như vậy. Thượng đế sẽ không nhân nhượng cho việc áp đặt điều dối trá.
Quaid-Azam nói rằng ông ấy buộc phải nói ra những điều khó nghe nhưng ông ta không thể không giải bày những suy nghĩ và cảm nhận của mình. Tương tự, tôi cũng muốn nói: “Tôi xem mình như một người bạn của người Hồi giáo. Thế thì vì lý do gì tôi không nên nói ra lòng mình, ngay cả khi tôi làm họ phật ý? Tôi làm sao để che giấu họ những tâm tư thầm kín? Tôi thấy mừng vì Quaid-i-Azam đã thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ và cảm nhận của ông, kể cả khi điều đó khó nghe với mọi người. Nhưng dù như vậy thì tại sao những người Hồi giáo ở đây lại bị mắng khi họ không đồng tình với ông? Nếu hàng triệu người Hồi giáo ủng hộ ông thì liệu ổng có thể bỏ qua những người không đồng tình?
Tại sao một người được hàng triệu người ủng hộ lại phải sợ đám đông, hay thiểu số bị bao trùm bởi đa số? Nhà tiên tri làm việc của ông ta thế nào giữa người Ả rập và người Hồi giáo? Ông ta đã làm gì để truyền giáo đạo Hồi? Có phải ông ta bảo rằng ông đã truyền bá đạo Hồi khi ông đã chinh phục được đám đông? Tôi kêu gọi ngài vì đạo Hồi mà hãy suy nghĩ về những điều tôi vừa nói. Không thể có công bằng hay công lý khi nói Quốc hội phải chấp nhận một điều, ngay cả khi Quốc hội không tin vào điều đó và thậm chí nếu nó đi ngược là những nguyên tắc của chính mình. Rajaji đã nói rằng: “Tôi không tin vào Pakistan. Nhưng người Hồi giáo đã yêu cầu việc này, ngài Jinnah đã yêu cầu việc này, và điều này đã ám ảnh họ. Tại sao không nói “có với họ bây giờ? Ngài Jinnah cũng sẽ sớm nhận ra yếu thế của Pakistan và sẽ từ bỏ đòi hỏi.” Tôi nói: “Thật không công bằng nếu chấp thuận một điều mà tôi thấy là giả dối, và yêu cầu người khác nói rằng họ tin rằng yêu cầu không được thực hiện cho tới thời điểm thích hợp để cuối cùng được dàn xếp ổn thỏa. Nếu tôi thực hiện yêu cầu đó, tôi phải thừa nhận điều đó mỗi ngày. Tôi không nên đơn thuần chấp nhận để xoa dịu Jinnah Saheb. Nhiều người bạn đã đến và yêu cầu tôi đồng ý một thời gian để xoa dịu ngài Jinnah, cởi bỏ sự nghi ngờ của ông ấy và xem ông ấy phản ứng thế nào. Nhưng tôi không thể hành động phản bội lại lời hứa của mình. Bất cứ giá nào, đó không phải là cách của tôi.”
Quốc hội không chấp thuận điều gì ngoại trừ quyết định dựa trên đạo đức. Họ tin rằng chỉ có bất bạo động mới mang lại dân chủ thật sự. Cấu trúc của một liên minh toàn cầu chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng bất bạo động, và bạo lực phải bị tuyên bố từ bỏ hoàn toàn khỏi những vấn đề của thế giới. Nếu đây là sự thật, giải pháp cho vấn đề của người Ấn Độ giáo – Hồi giáo cũng vậy, không thể giải quyết bằng bạo lực. Nếu người Ấn Độ giáo cai trị người Hồi giáo, thì họ lấy mặt mũi ở đâu để nói chuyện liên minh toàn cầu? Đây cũng chính là lý do khiến tôi không tin vào tính khả thi của việc lập lại hòa bình thế giới thông qua bạo lực như người Anh và Mỹ đề xuất. Quốc hội đã đồng ý để mang những tranh cãi ra tòa án quốc tế công bằng và tuân theo phán quyết của tòa. Nếu đề xuất công bằng nhất này không được chấp thuận, thì chỉ còn cách duy nhất là dùng gươm đao, bạo lực. Làm sao tôi có thể thuyết phục chính mình đồng ý điều bất khả đó? Mổ xẻ một sinh vật sống là đòi lấy đi mạng của nó. Đó là tiếng gọi của chiến tranh. Quốc hội không thể là một phần của cuộc chiến tranh tương tàn đó. Những người Hồi giáo, như Tiến sĩ Moonje và Shri Savarkar, tin vào chủ nghĩa gươm đao có thể đưa người Ấn Độ giáo thống trị người Hồi giáo. Tôi không đại diện cho nhóm này. Tôi đại diện cho Quốc hội. Quý vị muốn chấm dứt Quốc hội, con gà đẻ trứng vàng. Nếu quý vị không tin Quốc hội, quý vị có thể chắc chắn về cuộc chiến không hồi kết giữa người Ấn độ giáo và Hồi giáo, và đất nước sẽ tiếp tục chìm trong chiến tranh và giết chóc. Nếu cuộc chiến này là số phận của chúng ta, tôi sẽ không sống tiếp để chứng kiến nó.
Đó là lý do tôi nói với Jinnah Saheb, “Ngài có thể lấy của tôi bất cứ thứ gì ngài muốn cho hiệp định Pakistan với những xem xét công bằng và bình đẳng trong thẩm quyền của ngài; bất cứ thứ gì trong yêu cầu đi ngược lại công bằng và bình đẳng ngài chỉ có thể có được nhờ gươm đao và không còn cách nào khác.”
Có nhiều điều từ đáy lòng tôi muốn bộc bạch trước hội nghị này. Một thứ mà đối với tôi là tối quan trọng và tôi đã đối diện. Quý vị có thể hiểu rằng đó là vấn đề sống còn với tôi. Nếu chúng ta, người Ấn độ giáo và người Hồi giáo muốn có được sự đồng tâm, mà không có sự ưu tiên nào dù là nhỏ nhất từ phía bên này hay bên kia, đầu tiên chúng ta phải đoàn kết trong nỗ lực giành lấy tự do khỏi gông xiềng của đế quốc. Nếu Pakistan cuối cùng trở thành một phần của Ấn Độ, điều gì có thể cản trở người Hồi giáo đấu tranh chống lại độc lập của Ấn Độ? Vì thế, Người Ấn độ giáo và Hồi giáo phải đoàn kết trong cuộc đấu tranh vì tự do. Jinnah Saheb nghĩ rằng chiến tranh sẽ kéo dài. Tôi không đồng ý với ông ấy. Nếu chiến tranh tiếp diễn thêm sáu tháng nữa, làm sao chúng ta có thể cứu Trung Quốc? Vì thế, nếu có thể tôi muốn có tự do ngay lập tức, ngay tối nay, trước bình minh. Bây giờ tự do chẳng thể chờ đợi hiện thực hóa việc gắn kết cộng đồng. Nếu không thể hòa hợp thì sẽ cần nhiều hy sinh hơn. Nhưng Quốc hội phải giành được tự do hoặc sẽ bị xóa tên khỏi nỗ lực này. Và cũng đừng quên rằng tự do mà Quốc hội đấu tranh để đạt được không chỉ dành riêng cho những người của Quốc hội mà cho tất cả dân Ấn Độ. Người của Quốc hội vẫn là người phụng sự khiêm nhường của nhân dân.
Quaid-i-Azam nói rằng Liên đoàn Hồi giáo đã chuẩn bị nhận lãnh quyền lãnh đạo từ người Anh nếu người anh sẵn sàng trao quyền cho Liên đoàn Hồi giáo, vì người Anh đã chiếm lấy đế quốc từ tay người Hồi giáo. Tuy nhiên, đây sẽ là chính quyền Hồi giáo. Đề nghị của Maulana Saheb và tôi không phải là thành lập chính quyền hoặc sự thống trị của người Hồi giáo. Quốc hội không tin vào sự thống trị của bất cứ tập thể hay cộng đồng nào. Quốc hội tin vào sự dân chủ trong đó bao gồm các tín đồ Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Thiên Chúa giáo, Parsi, Do Thái giáo – tất cả mọi người trong các cộng đồng sinh sống trên đất nước rộng lớn này. Nếu chính quyền Hồi giáo thống trị là không tránh khỏi, thì đành vậy; nhưng làm sao chúng tôi có thể đóng dấu phê chuẩn? Làm sao chúng tôi có thể đồng ý trước sự thống trị của cộng đồng này lên cộng đồng khác?
Hàng triệu người Hồi giáo trên đất nước này xuất thân là dân Ấn Độ. Làm sao mà Ấn Độ không phải là quê hương của họ? Con trai lớn nhất của tôi theo Hồi giáo vài năm trước. Vậy quê của nó là ở Porbandar hay Punjab? Tôi hỏi những người Hồi giáo: “Nếu Ấn Độ không phải là quê hương của quý vị, thì quý vị sẽ thuộc về đâu? Quý vị sẽ gọi đâu là quê của con trai tối nếu nó theo Hồi giáo?” Vợ tôi đã viết cho con trai tôi một lá thư sau khi đổi đạo, hỏi nó rằng nếu theo đạo Hồi thì có phải bỏ rượu hay không vì đạo Hồi cấm điều này. Với những người hả hê vì việc đổi đạo, vợ tôi viết: “Tôi không phiền việc nó trở thành người Hồi giáo bằng việc nó uống rượu. Quý vị, những người Hồi giáo, có tha thứ cho việc nó uống rượu sau khi đổi đạo hay không? Nó tự hạ thấp bản thân mình từ khi uống rượu. Nếu quý vị giúp nó lại trở thành một người đàng hoàng, việc đổi đạo này trở nên một việc tốt, Vì thế, quý vị hãy giúp nó tránh xa rượu và phụ nữ như một người Hồi giáo. Nếu nó không có sự cải thiện nào thì việc đổi đạo thật vô nghĩa và chúng tôi phải tiếp tục không hợp tác với nó.”
Không nghi ngờ gì, Ấn Độ chính là quê hương của người Hồi giáo sinh sống ở đây. Vì thế mỗi người Hồi giáo đều nên tham gia vào cuộc đấu tranh giành độc lập Ấn Độ. Quốc hội không phụ thuộc vào bất cứ tầng lớp hay cộng đồng nào; mà thuộc về cả quốc gia. Nó mở rộng cửa cho người Hồi giáo có được Quốc hội. Nếu họ muốn, họ có thể chiếm lấy số ghế của Quốc hồi, và từ đó định hướng theo con đường họ muốn. Quốc hội không đấu tranh trên quyền lợi của người Ấn Độ giáo mà trên quyền lợi của cả quốc gia, kể cả những dân tộc thiểu số. Tôi rất đau lòng khi nghe một trường hợp người Hồi giáo bị người của Quốc hội giết. Trong cuộc cách mạng sắp diễn ra, người Quốc hội sẽ hy sinh mạng sống của họ để bảo vệ người Hồi giáo trước sự tấn công của người Ấn giáo và ngược lại. Đó là một phần tín ngưỡng của họ, và là một trong những điều thiết yếu của bất bạo động. Mỗi thành viên Quốc hội, dù là người Ấn giáo hay Hồi giáo, đều mang bổn phận với tổ chức là phải thực hiện nghĩa vụ với Hồi giáo. Sự tin tưởng lẫn nhau là điều thiết yếu để làm nên thành công trong cuộc chiến đấu toàn quốc cuối cùng sắp xảy đến.
Tôi đã nói rằng sẽ cần sự hy sinh to lớn trong cuộc chiến này bời vì sự phản đối của Liên đoàn Hồi giáo và của người Anh. Quý vị cũng đã thấy thông tư bí mật do Ngài Frederick Puckle ban hành. Hành động của ông rõ là tự sát. Thông tư chứa đựng sự xúi giục công khai những tổ chức đang mọc lên như nấm cùng hợp tác để chống lại Quốc hội. Vì thế, chúng tôi phải đối phó với một đế quốc có lối hành xử không thẳng thắn. Trong khi chúng tôi lại chọn con đường ngay thẳng đến mức chúng tôi có thể nhắm mắt lại mà đi. Đó là cái hay của Satyagraha. Đối với Satyagraha (chân lý), không có đất cho sự gian lận hay lừa dối, hoặc bất cứ điều sai sự thật nào. Ngày nay gian lận và lừa dối đang rình rập khắp thế giới. Tôi không thể trở thành một nhân chứng vô dụng trước những tình huống này. Tôi phải đi khắp Ấn Độ mà có lẽ không ai trong giai đoạn này đi nhiều như vậy. Hàng triệu người không có tiếng nói trên khắp lãnh thổ xem tôi là bạn và đại diện cho họ, và tôi xác định bản thân mình với họ tới mức mà một con người còn có thể. Tôi thấy ánh mắt tin tưởng ở họ, mà tôi bây giờ muốn dựa vào đó để đấu tranh chống lại đế quốc vốn chỉ có sự giả dối và bạo lực. Dù đế quốc có những trang bị khổng lồ đến đâu, chúng ta cũng phải giải phóng mình khỏi sự giật dây của họ. Làm sao tôi có thể vẫn im lặng trong thời khắc cao cả này và giấu đi những hiểu biết của mình? Tôi có nên yêu cầu người Nhật trì hoãn thêm một chút nữa? Nếu hôm nay tôi ngồi yên và không làm gì, Thượng đế sẽ phạt tôi vì đã không dùng đến món quà quý mà Ngài đã tặng tôi, trong khi xung đột đang bao phủ lấy cả thế giới. Nếu điều kiện có khác đi, tôi chắc hẳn đã xin quý vị chờ đợi thêm. Nhưng tình thế hiện nay đã không còn có thể nhân nhượng, và Quốc hội đã không còn cách nào khác nữa. Tuy nhiên, lúc này cuộc đấu tranh thật sự vẫn chưa diễn ra. Quý vị chỉ mới trao quyền cho tôi. Tôi bây giờ chờ Phó vương và cầu xin ông ấy chấp thuận yêu cầu của Quốc hội. Quy trình này thông thường sẽ mất hai đến ba tuần. Khi đó quý vị sẽ làm gì? Trong lúc chờ đợi, chương trình để tất cả chúng ta tham gia là gì? Như quý vị biết, bánh xe quay là thứ đầu tiên hiện ra trong tôi. Tôi trả lời tương tự với Maulana. Ông ấy không đồng ý, dù sau này ông mới hiểu được tầm quan trọng của nó. Dĩ nhiên, có mười bốn chương trình được xây dựng để quý vị thực hiện. Quý vị còn có thể làm thêm gì nữa? Tôi sẽ cho quý vị biết. Từ giờ phút này, mỗi người trong quý vị nên xem mình là người tự do, và cư xử như thể chúng ta tự do và không còn lệ thuộc dưới gót giày của chủ nghĩa đế quốc. Đó không phải là chuyện bịa đặt mà tôi gợi ý cho quý vị. Đó là điều rất cốt lõi của tự do. Gông cùm nô lệ bị bẻ gãy vào khoảnh khắc con người thấy mình được tự do. Anh ta sẽ nói một cách đơn giản với ông chủ của mình: “Tôi đã là nô lệ của ông tới lúc này, nhưng bây giờ không còn nữa. Ông có thể giết tôi nếu ông thích, nhưng nếu ông để tôi sống, tôi muốn nói với ông rằng nếu ông trả tự do cho tôi, và là ông tự nguyện làm như thế, tôi sẽ không đòi hỏi thêm bất cứ điều gì từ ông. Ông từng cho tôi miếng cơm manh áo, mặc dù tôi lẽ ra có thể tự kiếm ăn kiếm mặc bằng chính khả năng lao động của mình. Tôi đã lệ thuộc vào ông thay vì Thượng đế, để có thức ăn và quần áo. Nhưng Thượng đế đã truyền cho tôi cảm hứng về tự do và hôm nay tôi được tự do, tôi không còn phụ thuộc vào ông nữa.”
Quý vị có thể tin tưởng ở tôi rằng tôi không mặc cả với Phó vương về các chức bộ trưởng hay tương tự như vậy. Tôi không thỏa mãn với điều gì ngoài sự tự do trọn vẹn. Có lẽ, ông ấy sẽ đề xuất bỏ thuế muối, thuế rượu, vâng vâng. Nhưng tôi sẽ nói rằng: “Không có gì ngoài tự do.”
Có một câu châm ngôn ngắn mà tôi muốn nói với quý vị. Quý vị có thể thuộc lòng và hãy nhớ câu này trong từng hơi thở. Câu châm ngôn là: “Hành động hay là chết”. Chúng ta hoặc giành lấy độc lập cho Ấn Độ hoặc sẽ hi sinh trong nỗ lực; chúng ta sẽ không sống nhìn chế độ nô lệ tồn tại mãi. Mỗi người Quốc hội chân chính sẽ tham gia cuộc đấu tranh với sự quyết tâm kiên định mà không sống nhục nhìn đất nước chịu cảnh nô lệ. Chúng ta hãy xem đó như lời thề. Đừng để hình ảnh nhà tù ám ảnh quý vị. Nếu Nhà nước để tôi được tự do, tôi sẽ không bắt Nhà nước phải chịu sự căng thẳng vì lượng tù nhân lớn vào thời điểm có biến. Từ nay mỗi người đàn ông và phụ nữ hãy sống từng giây phút cuộc đời mình trong sự ý thức rằng anh ta hoặc cô ta ăn hoặc sống để hướng tới tự do hoặc sẽ chết đi, nếu cần thiết, để đạt được mục tiêu. Hãy nguyện thề, có Thượng đế và lương tri của chính mình làm chứng, rằng quý vị sẽ không ngơi nghỉ tới khi được giải phóng và sẽ sẵn sàng nằm xuống trong nỗ lực đạt được nó. Người tưởng chừng đánh mất cuộc đời mình thật ra mới có được nó. Người cố gắng giữ nó sẽ mất nó. Tự do không phải cho người hèn hạ hoặc nhát gan.
Tôi có điều muốn nói với cánh nhà báo. Tôi biết ơn quý vị vì đã hỗ trợ cho yêu cầu của quốc gia. Tôi hiểu những khó khăn và trở ngại mà các bạn phải chịu đựng. Nhưng bây giờ tôi muốn yêu cầu quý vị hãy tháo gỡ những gông xiềng đang trói quý vị. Thật tự hào cho ngành nhà báo nếu đi đầu và làm gương trong việc hy sinh cho tự do.
Quý vị có ngòi bút mà Nhà nước không thể đàn áp. Tôi biết quý vị có khối tài sản lớn dưới hình thức báo in, vâng vâng, và quý vị có thể sẽ phải lo sợ rằng Nhà nước sẽ tịch biên tài sản đó. Tôi không yêu cầu quý vị tự nguyện mời người khác tịch biên tòa soạn của mình. Đối với tôi, tôi sẽ không trấn áp ngòi bút của mình cho dù tờ báo có bị tịch biên. Như quý vị cũng biết tờ báo của tôi bị tịch biên trong quá khứ và sau đó đã quay trở lại. Nhưng tôi không đòi hỏi quý vị phải hy sinh đến mức như vậy. Tôi đề xuất một cách trung gian. Bây giờ quý vị nên triệu hồi ủy ban của mình, và tuyên bố rằng quý vị chỉ gác bút khi Ấn Độ được tự do. Quý vị có thể nói Ngài Frederick Puckle rằng ông ấy không thể trông chờ người khác làm việc theo mệnh lệnh, rằng những tờ báo của ông ta chỉ toàn giả dối, và quý vị sẽ từ chối xuất bản chúng. Quý vị sẽ tuyên bố thẳng thắn rằng quý vị ủng hộ Quốc hội. Nếu làm như vậy, quý vị sẽ làm thay đổi được tình hình trước khi cuộc chiến thật sự bắt đầu.
Đối với các Hoàng tử, tôi trân trọng yêu cầu một việc nhỏ. Tôi là người có ý tốt với các Hoàng tử. Tôi được sinh ra ở một bang. Ông tôi từ chối chào bằng tay phải với mọi Hoàng tử trừ Hoàng tử của bang ông. Nhưng ông không nói với Hoàng tử của mình, mà lẽ ra ông nên nói, rằng ngay cả vua của ông cũng không thể bắt ông hành động trái với lương tri của mình. Tôi ăn muối của Hoàng tử và tôi sẽ không phụ ngài. Là một người phục vụ trung thành, nghĩa vụ của tôi là cảnh báo cho các Hoàng tử rằng nếu họ hành động khi tôi còn sống, các Hoàng tử có thể có một vị thế danh dự trên nước Ấn Độ tự do. Trong kế hoạch giải phóng Ấn Độ của Jawaharlal, không có đặc quyền hay giai cấp đặc biệt nào.
Jawaharlal xem xét việc tất cả tài sản đều thuộc sở hữu Nhà nước. Ông ấy muốn kế hoạch hóa nền kinh tế. Ông ấy muốn tái cấu trúc Ấn Độ theo kế hoạch. Ông ấy thích bay nhảy; tôi thì không. Tôi giữ chỗ đứng cho các Hoàng tử và Zamindars ở Ấn Độ như kế hoạch tôi vạch ra. Tôi xin yêu cầu các hoàng tử hãy khiêm nhường mà vui vẻ quên đi thân mình. Các hoàng tử có thể từ bỏ quyền sở hữu tài sản và trở thành người quản lý chúng một cách hợp lý. Tôi thấy Thượng đế đang ở trong nhân dân. Hoàng tử có thể nói với nhân dân: “Các người là chủ của các bang còn chúng ta là người phục vụ.” Tôi muốn yêu cầu các Hoàng tử trở thành người phục vụ của nhân dân và phụng sự nhân dân. Đế quốc cũng cho các Hoàng tử quyền lực, nhưng hãy để người dân trao cho các ngài quyền lực đó; và nếu họ muốn hưởng thụ những lạc thú vô hại, thì cứ để họ làm vậy như một người phục vụ nhân dân. Tôi không muốn các Hoàng tử phải sống nghèo khổ. Nhưng tôi muốn hỏi họ: “Liệu các ngài có muốn bị nô dịch suốt đời? Tại sao các ngài không chấp nhận chủ quyền của nhân dân mình thay vì phụ thuộc vào thế lực ngoài nước?” Quý ngài có thể viết cho Bộ Chính trị: “Nhân dân giờ đây đã thức tỉnh. Làm sao chúng ta có thể ngăn chặn cao trào trước khi đế quốc hùng mạnh sụp đổ? Vì thế, từ hôm nay chúng ta nên thuộc về nhân dân. Chúng ta có thể cùng chìm hoặc cùng bơi với họ.” Hãy tin tôi, trong những đề xuất của tôi không có gì là vi hiến. Theo tôi biết, không có hiệp ước nào cho phép đế quốc ép buộc các Hoàng tử. Nhân dân của mỗi Bang cũng sẽ tuyên bố rằng dù họ là thần dân của các bang, họ cũng là một phần của nước Ấn Độ và rằng họ chấp thuận sự lãnh đạo của các Hoàng tử, nếu Hoàng tử đứng về phía nhân dân, sau cùng sẽ hi sinh anh dũng và không ngần ngại, nhưng không bao giờ phản bội lời hứa của mình.
Tuy nhiên, không nên làm việc trong bí mật. Đây là một cuộc nổi dậy công khai. Giữ bí mật trong cuộc đấu tranh này là một tội lỗi. Người tự do sẽ không có những cử chỉ mờ ám. Cũng như khi quý vị được tự do quý vị sẽ có thanh tra của chính mình, dù lời khuyên của tôi đi ngược lại. Nhưng trong cuộc đấu tranh hiện tại, chúng ta phải hành động công khai và nhận những phát đạn vào ngực, mà không bị dẫm đạp.
Tôi cũng có điều muốn nói với các công chức Nhà nước. Nếu họ muốn, họ không nhất thiết phải từ chức. Cố thẩm phán Ranade đã không từ chức, nhưng ông tuyên bố công khai rằng ông là người của Quốc hội. Ông đã nói với nhà nước rằng ông là một thẩm phán, ông là một thành viên Quốc hội và sẽ tham dự công khai các buổi họp của Quốc hội, nhưng cùng lúc ông sẽ không để những quan điểm chính trị của mình ảnh hưởng đến sự công mình ở tòa. Ông ấy đã tổ chức Hội nghị Cải cách Xã hội trong những ngôi đền của Quốc hội. Tôi muốn kêu gọi tất cả công chức Nhà nước hãy nối gót Ranade và tuyên bố lòng trung thành với Quốc hội như câu trả lời cho thông tư bí mật mà Ngài Frederick Puckle ban hành. Đây là tất cả những điều tôi yêu cầu quý vị bây giờ. Giờ tôi sẽ viết thư gửi Phó vương. Quý vị có thể đọc thư tôi gửi nhưng không phải bây giờ mà sau khi tôi được Phó vương chấp thuận. Nhưng quý vị toàn quyền tự do để nói rằng quý vị ủng hộ đề nghị được nêu trong thư của tôi. Một thẩm phán đến gặp tôi và nói rằng: “Chúng tôi nhận được thông tư bí mật từ lãnh đạo cao cấp. Chúng tôi nên làm gì?” Tôi trả lời: “Nếu tôi ở vị trí của các ông, tôi sẽ không quan tâm đến các thông tư. Các ông có thể công khai với Nhà nước rằng: ‘Tôi đã nhận được thông tư kín. Tuy nhiên, tôi thuộc Quốc hội. Mặc dù tôi phục vụ Nhà nước để kiếm sống, nhưng tôi sẽ không tuân theo những thông tư bí mật hoặc thực hiện những cách thức mờ ám.”
Những người lính cũng nằm trong chương trình hiện tại. Ngay bây giờ tôi không yêu cầu họ từ chức và rời quân ngũ. Những người lính đến gặp tôi, Jawaharlal và Maulana và nói rằng: “Chúng tôi ủng hộ các ông hoàn toàn. Chúng tôi đã quá chán chường sự độc tài của Nhà nước.” Với những người lính này tôi muốn nói rằng: Anh có thể nói với Nhà nước như vầy. “Trái tim của chúng tôi đã thuộc về Quốc hội. Chúng tôi không dự định rời bỏ quân ngũ. Chúng tôi sẽ phục vụ miễn là chúng tôi nhận được lương. Chúng tôi sẽ tuân theo mọi mệnh lệnh, ngoại trừ việc nã súng vào người dân mình.”
Gửi đến những người còn thiếu dũng khí để hành động như thế thì tôi không có gì để nói. Họ sẽ có con đường riêng của mình. Nhưng nếu quý vị có thể làm những điều trên, quý vị có thể tin tưởng khi tôi nói rằng tình hình sẽ được khởi động. Hãy cứ để Nhà nước dội bom nếu họ muốn. Nhưng không có quyền lực nào trên hành tinh có thể gông xiềng quý vị thêm phút giây nào nữa.
Nếu những sinh viên cũng muốn tham gia vào cuộc chiến đấu chỉ để quay lại việc học trong một thời gian, tôi không muốn mời họ tham gia. Tuy nhiên, lúc này, cho đến khi tôi lên xong chương trình cho cuộc đấu tranh, tôi muốn yêu cầu các sinh viên hãy nói với giáo sư của họ rằng: “Em thuộc về Quốc hội. Thầy thuộc về Quốc hội hay Nhà nước? Nếu thầy cũng thuộc về Quốc hội, thầy không cần phải rời bỏ công việc của mình. Thầy hãy vẫn đứng trên bục giảng dạy chúng em và định hướng chúng em tìm đến tự do.” Trên toàn thế giới, trong tất cả những đấu tranh cho tự do, sinh viên có những đóng góp to lớn. Nếu trong giai đoạn ngưng nghỉ trước khi cuộc đấu tranh thực sự bắt đầu, các bạn hãy làm những điều nhỏ bé mà tôi gợi ý là đã đủ thay đổi tình thế và chuẩn bị nền tảng cho bước đi tiếp theo.
Còn nhiều điều mà tôi muốn nói nữa. Nhưng lòng tôi nặng trĩu. Tôi đã làm mất nhiều thời gian của quý vị. Bây giờ tôi sẽ nói vài điều bằng tiếng Anh. Tôi rất biết ơn sự kiên nhẫn và chăm chú lắng nghe của quý vị vào giờ giấc trễ nãi thế này. Đây là điều mà chỉ có người chiến binh thật sự mới làm. Trong suốt hai mươi năm qua, tôi đã kiểm soát những bài nói, ngòi bút và dữ trự năng lượng. Người đứng trước quý vị là kẻ tu hành không phung phí năng lượng của mình. Vì thế, người đó sẽ kiểm soát bài phát biểu. Đó là một nỗ lực được tôi nhận thức suốt nhiều năm nay. Nhưng hôm nay thời khắc đã đến khi tôi phải cháy hết mình trước quý vị. Tôi phải làm điều này, dù điều này thách thức sự kiên nhẫn của quý vị; và tôi không hối tiếc. Tôi đã gửi gắm thông điệp của mình và nhờ quý vị mà tôi đã gửi thông điệp này đến cả nước Ấn Độ.
III
[Phần sau đây là đoạn kết của bài diễn văn của Gandhi trước Ủy ban Quốc Đại toàn Ấn Độ (A.I.C.C) tại Bombay vào ngày 8 tháng 8 năm 1942 bằng tiếng Anh:]
Tôi đã lấy đi của quý vị quá nhiều thời gian để trút hết tâm sự, về những điều khuấy động tâm hồn tôi, đến những người tôi đã vinh hạnh được phụng sự. Tôi được kêu gọi trở thành lãnh đạo của họ, hay nói theo ngôn ngữ quân sự, là chỉ huy của họ. Nhưng tôi không nhìn vị trí của mình trong ánh hào quang đó. Tôi chẳng có gì làm vũ khí ngoại trừ tình yêu mà tôi dùng để thể hiện quyền năng của mình. Tôi không vung một cây gậy mà quý vị có thể dễ dàng đập ra thành từng mảnh. Nó chỉ là một công cụ giúp tôi đi bộ. Chẳng có gì để tự hào với sự tàn tật này, khi tôi được trao cho gánh nặng to lớn nhất. Quý vị chỉ có thể chia sẻ gánh nặng khi tôi xuất hiện trước quý vị không phải với tư cách người chỉ huy mà là người đầy tớ khiêm cung. Và người phụng sự tốt nhất thì luôn dẫn đầu giữa những người giống nhau. Vì thế, tôi muốn chia sẻ với quý vị những tư tưởng ngập tràn trong ngực tôi và nói với quý vị, bằng cách nói ngắn gọn nhất tôi có thể, về điều tôi chấp nhận quý vị là như bước khởi đầu. Hãy để tôi nói cho quý vị biết rằng cuộc đấu tranh thật sự chưa bắt đầu ngày hôm nay. Tôi phải thực hiện các nghi thức mà tôi vẫn làm. Như tôi thú nhận, gánh nặng này thật sự quá sức chịu đựng. Tôi phải tiếp tục nói chuyện lý lẽ với những người mà tôi đã mất lòng tin hoặc đã không còn tin tưởng ở tôi. Tôi biết chỉ trong vài tuần qua tôi đã mất uy tín với rất nhiều bạn hữu, đến mức họ bắt đầu nghi ngờ không chỉ trí tuệ mà còn sự chân thành của tôi. Bây giờ tôi không còn giữ trí tuệ của mình như tài sản vô giá mà tôi không thể đánh mất; nhưng với tôi sự chân thành của mình là một tài sản quý giá mà có ngã xuống tôi cũng phải giữ. Tuy nhiên, có vẻ như lúc này tôi đang tạm thời đánh mất nó.
________________________________________
Bằng hữu của Đế quốc
Những cơ hội như thế này chỉ xảy đến trong đời những người thật tâm tìm kiếm chân lý và những người muốn phụng sự loài người cũng như dân tộc của người đó với năng lực lớn nhất mà không phải lo sợ hay giả tạo. Năm mươi năm qua tôi đã biết không còn cách nào khác. Tôi trở thành người đầy tớ khiêm cung của nhân loại và nhiều hơn một lần tôi phụng sự Đế quốc trong khả năng của mình, và ở đây tôi muốn nói mà không sợ bị phản đối rằng suốt sự nghiệp của mình tôi chưa từng đòi hỏi quyền lợi cá nhân nào. Tôi luôn được hưởng đặc quyền của tình bằng hữu như việc tôi làm bạn với Lord Linlithgow. Đó là tình bạn vượt khỏi mối quan hệ thông thường. Liệu Lord Linlithgow có đồng tình với tôi không thì tôi không rõ, nhưng luôn có sự gắn kết cá nhân giữa ông ấy và tôi. Có lần ông ấy đã giới thiệu tôi với con gái mình. Con rể của ông ấy, một người sĩ quan đã tâm sự với tôi, rằng anh ta đã yêu Mahadev hơn Lady Anna và đã đến gặp tôi. Đó là một cô con gái rượu ngoan ngoãn. Tôi được lợi từ sự hạnh phúc của họ. Trong quyền tự do của mình tôi kể về câu chuyện cá nhân và thầm kín này chỉ để chứng minh cho quý vị rằng những mối quan hệ cá nhân không bao giờ cản trở cuộc đấu tranh bền bỉ, mà nếu tôi phải quyết định, tôi buộc phải chống lại Lord Linlithgow, là người đại diện của Đế quốc. Tôi sẽ phải chống lại sức mạnh của Đế quốc với sức mạnh của hàng triệu người mà chẳng có gì giới hạn họ trừ tinh thần bất bạo động như nguyên tắc của cuộc đấu tranh. Thật là một việc kinh khủng khi phải chống lại Phó vương người mà tôi thân thiết. Hơn một lần ông ấy tin những gì tôi nói, thường là về nhân dân ta. Tôi muốn kể lại trải nghiệm này, vì nó đại diện cho sự tín cậy của ông ấy. Tôi muốn nhắc đến với niềm tự hào và vui sướng to lớn. Tôi muốn nhắc đến như khát khao cháy bỏng của tôi để được thành thật với Đế quốc khi tôi không còn niềm tin ở Đế quốc và Phó vương của người Anh đã biết điều này.
________________________________________
Charlie Andrews
Rồi có đó những ký ức thiêng liêng về Charlie Andrews đầy ắp trong tôi. Vào lúc này tinh thần của Andrews lởn vởn quanh tôi. Vì đối với tôi ông ấy đại diện cho những truyền thống tươi sáng nhất của văn hóa Anh quốc. Tôi và ông ấy có mối quan hệ thân thiết hơn với bất cứ người Ấn Độ nào. Tôi thích sự tự tin của ông ấy. Không có bí mật nào giữa chúng tôi. Chúng tôi tâm sự với nhau mỗi ngày. Bất kỳ điều gì ở trong tâm trí mình, ông ấy đều tâm sự không chút ngại ngần. Sự thật rằng ông ấy là bạn của Gurudev nhưng ông lại kính phục Gurudev vô cùng. Ông ấy có sự khiêm nhường đến kỳ lạ. Nhưng tôi xem ông ấy là bạn thân nhất. Nhiều năm trước ông ấy đến tìm tôi với một bức thư giới thiệu từ Gokhale. Pearson và ông ấy thuộc tầng lớp thượng đẳng của người Anh. Tôi biết rằng linh hồn của ông đang nghe tôi nói. Và tôi nhận được một lá thư nhiệt liệt chúc mừng từ người dân của thành Calcutta. Tôi tin rằng ông ấy là người của Thượng đế. Hôm nay ông ấy chống lại tôi.
________________________________________
Tiếng gọi của Lương tri
Trước bối cảnh này, tôi muốn tuyên bố với thế giới, mặc dù tôi có thể phải mất lòng những người bạn Tây phương và phải cúi đầu; nhưng thậm chí với tình bạn và tấm lòng của họ tôi cũng không muốn đè nén tiếng gọi của lương tri – thôi thúc những điều tự nhiên cơ bản bên trong tôi hôm nay. Có gì đó bên trong thôi thúc tôi phải thốt ra nỗi đau đớn của mình. Tôi hiểu về tính nhân văn. Tôi học một vài thứ liên quan đến tâm lý. Là người biết chính xác đó là gì. Tôi không bận tâm quý vị diễn tả nó thế nào. Tiếng nói bên trong mách bảo tôi, “Bạn phải đứng lên chống lại cả thế giới dù bạn chỉ có một mình. Bạn phải nhìn thằng vào mặt của cả thế giới dù họ có thể nhìn lại bạn với cặp mắt viên đạn. Đừng sợ. Hãy tin tưởng vào giọng nói bé nhỏ bên trong tâm trí bạn.” Nó nói: “Hãy quên bạn bè, vợ và tất cả đi; nhưng hãy chứng minh về điều khiến bạn sống và chết. Tôi muốn sống cuộc đời trọn vẹn. Và với tôi cuộc đời sẽ trọn vẹn khi 120 tuổi. Khi đó Ấn Độ được tự do, thế giới được tự do.”
________________________________________
Tự do thực sự
Tôi muốn nói với quý vị rằng tôi không xem nước Anh hay Mỹ là những đất nước tự do. Họ tự do theo cách riêng của mình, tự do xem các dân tộc da màu trên trái đất là nô lệ. Nước Anh và Mỹ có đang đấu tranh cho tự do của các dân tộc này không? Nếu không, đừng bắt tôi đợi đến khi chiến tranh kết thúc. Quý vị không thể giới hạn định nghĩa tự do của tôi. Những giáo viên người Anh và Mỹ, lịch sử của họ, những bài thơ tuyệt tác của họ hẳn đã không nói rằng quý vị không được mở rộng khái niệm tự do. Và theo cách tôi diễn giải về tự do mà tôi buộc phải nói rằng họ chẳng hiểu được khái niệm tự do mà thầy cô hay những bài thơ miêu tả. Nếu họ hiểu tự do đích thực là gì họ nên đến Ấn Độ. Họ không nên mang theo sự tự cao hay ngạo mạn đến đây mà thay vào đó là khát khao tìm kiếm chân lý. Đó chính là chân lý nền tảng mà Ấn Độ đã trải qua suốt 22 năm qua.
________________________________________
Quốc hội và Bất bạo động
Trong tiềm thức từ rất lâu về trước, Quốc hội được xây dựng dựa trên tinh thần bất bạo động như một điều trong hiến pháp. Dadabhai và Pherozeshah những người lập ra Quốc hội Ấn Độ đã trở thành phần tử nổi loạn. Họ là những tín đồ của Quốc hội. Họ cũng là chủ nhân của Quốc hội. Nhưng trên tất cả họ là những người phụng sự thật thụ. Họ không bao giờ ủng hộ việc giết chóc, sự mờ ám và những thứ tương tự thế. Tôi thú nhận rằng có nhiều phần tử bất hảo trong Quốc hội. Nhưng tôi tin rằng tất cả người dân Ấn Độ ngày nay sẽ đấu tranh với chủ trương bất bạo động. Tôi tin tưởng vì bản chất của tôi dựa trên bản tính thiện ở bên trong mỗi người mà nhận ra được chân lý và vượt qua khủng hoảng một cách bản năng. Nhưng thậm chí nếu tôi bị lừa gạt thì tôi vẫn không xoay chuyển. Tôi sẽ không chùn bước. Từ khi bắt đầu Quốc hội đã dựa trên nguyên tắc về phương pháp hòa bình, bao gồm Swaraj và thế hệ bất bạo động kế tiếp. Khi Dadabhai tham gia Nghị viện Anh, Salisbury gọi anh ta là một người da đen; nhưng người Anh đã đánh thắng Salisury và Dadabhai được bầu vào Nghị viện. Ấn Độ hân hoan cuồng nhiệt. Dù gì thì những điều này cho thấy Ấn Độ đã phát triển nhanh hơn.
________________________________________
Tôi sẽ tiếp tục dấn bước
Tuy nhiên, trước bối cảnh này tôi muốn người Anh, người Châu Âu và Liên Hiệp Quốc tự hỏi tâm tư của họ rằng Ấn Độ đã làm gì sai khi đấu tranh giành độc lập. Tôi hỏi, quý vị có thấy hợp lý không khi nghi ngờ một tổ chức với nền tảng, truyền thống và thành tựu suốt nửa thế kỷ và không đại diện cho những nỗ lực của họ trước toàn thể thế giới với những phương tiện quyền lực trong tay? Có hợp lý không khi bằng mọi giá, được báo chí nước ngoài hậu thuẫn, được Tổng thống Mỹ hậu thuẫn, hay thậm chí được ông Tổng tư lệnh Trung Quốc người chưa đạt được vinh hiển gì cũng hậu thuẫn, mà quý vị lại thể hiện cuộc đấu tranh của Ấn Độ hiện tại trong biếm họa gây sốc. Tôi đã từng gặp Tổng tư lệnh. Tôi biết đến ông ấy nhờ Madame Shek là phiên dịch của tôi; và mặc dù với tôi ông ấy có vẻ khó hiểu, nhưng Madame Shek thì không; ông đã cho phép tôi hiểu ông ấy hơn thông qua bà ấy. Nơi nào trên thế giới cũng có những điệp khúc bác bỏ và phản đối chúng tôi. Họ bảo chúng tôi sai rồi, cuộc cách mạng là không có cơ hội. Tôi vô cùng mến mộ nền ngoại giao nước Anh mà đã giúp họ có thể giữ Đế quốc được lâu như vậy. Nhưng bây giờ với tôi nó thật bốc mùi, và cả những người khác nghiên cứu rồi thực hành nền ngoại giao này. Trong một thời gian, họ có thể thành công nhờ phương pháp này bằng cách tận dụng dư luận của thế giới ủng hộ họ; nhưng Ấn Độ sẽ lên tiếng để phản đối những dư luận toàn cầu đó. Ấn Độ sẽ lên tiếng chống lại tất cả những tuyên truyền có tổ chức. Tôi sẽ lên tiếng phản đối. Dù Liên Hiệp Quốc có bác bỏ tôi, thậm chí cả nước Ấn Độ có lãng quên tôi, tôi sẽ nói, “Quý vị sai rồi. Ấn Độ sẽ giành lấy tự do từ những bàn tay miễn cưỡng trong bất bạo động.” Tôi sẽ dấn thân không chỉ cho Ấn Độ, mà còn cho toàn thế giới. Ngay cả khi tôi nhắm mắt trước khi giành được tự do, thì bất bạo động cũng không kết thúc. Họ sẽ đánh đòn chí tử vào Trung Quốc và Nga nếu hai nước này phản đối tự do không bạo lực của Ấn Độ đang khụy gối để đòi lại món nợ lâu năm. Có chủ nợ nào đối xử với con nợ như thế không? Và ngay cả khi, Ấn Độ phải gặp sự phản đối đầy giận dữ, họ nói “Chúng tôi sẽ không tọng vào dưới thắt lưng, chúng ta đã học được tính quân tử. Chúng tôi thề không có bạo động.” Tôi trở thành tác giả của chính sách Quốc hội không khiến ai phải xấu hổ và giờ quý vị thấy tôi phát ngôn hùng hồn thế này. Tôi nói nó đồng nhất với danh dự của chúng ta. Nếu một người chụp lấy cổ và muốn vật tôi xuống, tôi có nên trực tiếp đấu tranh để trả tự do cho mình hay không? Không có gì là thiếu nhất quán trong quan điểm của chúng tôi hôm nay.
________________________________________
Kêu gọi Liên Hiệp Quốc
Ở đây hôm nay có những đại diện của báo giới nước ngoài. Tôi muốn họ giúp tôi nói với thế giới rằng các Cường quốc thống nhất, những đất nước từng nói họ cần Ấn Độ, giờ đây có cơ hội để tuyên bố Ấn Độ được tự do và chứng tỏ tinh thần thiện chí của mình. Nếu họ bỏ lỡ, tức là họ bỏ lỡ cơ hội cả đời, và lịch sử sẽ ghi nhận rằng họ không thực hiện nghĩa vụ với Ấn Độ đúng lúc, và thất bại trong cuộc chiến đấu. Tôi mong cả thế giới sẽ cầu nguyện để tôi cùng họ chiến thắng. Tôi không muốn các Cường quốc thống nhất đi quá xa giới hạn của mình. Tôi không muốn họ phải chấp nhận bất bạo động và phi quân sự ngay hôm nay. Có sự khác biệt nền tảng giữa chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa đế quốc mà tôi đang đấu tranh. Trả lại cho người Anh những gông xiềng mà họ gắn cho Ấn Độ. Hãy nghĩ đến những khác biệt sẽ xảy ra nếu Ấn Độ tham gia như một đồng minh tự do. Tự do đó, nếu có đến, thì phải là hôm nay. Sẽ thật vô vị nếu hôm nay những người có quyền không thể giúp gì được. Nếu quý vị có thể giúp, dưới ánh sáng của tự do những điều có vẻ như là bất khả hôm nay sẽ trở thành khả thi vào ngày mai. Nếu Ấn Độ cảm nhận được tự do sẽ lan tỏa sang Trung Quốc. Hành trình vận động sự giúp đỡ của Nga cũng rộng mở. Người Anh sẽ không chết trên đất Malaya hay Burma. Điều gì sẽ giúp chúng ta làm chủ được tình thế? Tôi sẽ đi đến đâu, và sẽ mang cả dân tộc Ấn Độ này đi đến đâu? Làm thế nào để sự nhân văn rộng lớn soi rọi trong động cơ giải cứu thế giới, nếu thế giới không chạm tay đến và không cảm thấy được tự do? Hôm nay họ không còn chạm được vào cuộc sống. Nó đã vắt kiệt sức họ. Sự vinh quang sẽ sáng lên trong mắt họ, tự do sẽ chẳng đến vào ngày mai, mà là hôm nay.
________________________________________
Đấu tranh hay là Chết
Tôi cam kết với Quốc hội và Quốc hội sẽ đấu tranh hay là chết.
Ghi chú
[1] Ahimsa – sự bất hại, không sát sanh, bạo lực, là tinh thần được sử dụng trong Phật giáo, Hindu giáo, Jain giáo,… Ở đây, Gandhi dùng Ahimsa làm nền tảng cho tinh thần bất bạo động của ông, nên người dịch dịch là tinh thần bất bạo động.
[2] Himsa – ngược lại với Ahimsa, là sự bạo lực.
Nguồn: https://www.mkgandhi.org/speeches/qui.htm
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5
Văn Thị Ngọc Dung
Trần Đỗ Tâm Giao
Phan Duy Khánh
Hoàng Thị Thanh Thảo
Lê Nguyên Thông
Nguyễn Ngọc Trâm