Một bài viết đăng trên tờ Wall Street Journal vào cuối năm 2016 đã trích dẫn một số nguồn người Trung Quốc nói rằng Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình muốn “tiếp tục (điều hành đất nước) sau năm 2022 và tìm hiểu về một hệ thống lãnh đạo như mô hình của Putin.”
Sau chiến thắng bầu cử của Donald Trump ở Mỹ và Rodrigo Duterte ở Philippines, và sự củng cố quyền lực của Recep Tayyip Erdoğan ở Thổ Nhĩ Kỳ, có thể thấy rõ một số cường quốc đang dần dần tiến tới hiện tượng chính trị được biết đến là “Chủ nghĩa Putin” (“Putinism”), đôi khi được gọi là “Chủ nghĩa Trump” (“Trumpism”). Hiện tượng này xảy ra ở Châu Á và các nước không thuộc Phương Tây khác, nơi mà dân chủ tự do có nguồn gốc còn non trẻ, lẫn ở cả Phương Tây.
Liệu chủ nghĩa Putin có phải là con đường mà các quốc gia sẽ đi trong thế kỷ này, chứ không phải chỉ là một hiện tượng tạm thời? Và nếu vậy, thì tại sao? Lịch sử thể hiện rằng những sự kiện như thế đã từng xảy ra vào các thời điểm biến động, đổi thay và phức tạp trong quá khứ, như là sự chuyển đổi từ Cộng hòa La Mã sang Đế quốc La Mã ở thời kỳ cai trị của Augustus, sự trỗi dậy của vương quốc Hồi giáo nhà Umayyad, hay việc Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa. Tất cả đều là sự tập trung quyền lực vào những cá nhân hay triều đại mạnh sau một thời gian quyền lực phân tán.
Chủ nghĩa Putin đã được miêu tả theo nhiều cách, như là chủ nghĩa dân tộc, liên minh với tôn giáo, chủ nghĩa bảo thủ xã hội, chủ nghĩa tư bản nhà nước, và sự chi phối truyền thông bởi nhà nước, nhưng về thực chất, nó là một chế độ chuyên quyền dựa vào chủ nghĩa dân túy, với sự nhân cách hóa quyền lực chính trị vào trong một cá nhân. Trong các xã hội ngày càng quan liêu và phức tạp, ngày càng nhiều người tìm kiếm một nhà lãnh đạo mà họ có thể “có một sự liên kết cá nhân mạnh mẽ”, như lời của David Bell viết cho tờ Foreign Policy.
Điều này càng đúng ở các nước chỉ vừa hiện đại hóa như Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ, nơi những mẫu hình quan hệ quyền lực thời tiền hiện đại vẫn còn quen thuộc. Lãnh đạo không được coi là đầy tớ của nhân dân, mà là một vị cha già, điều hành đất nước như một gia đình lớn. Không bất ngờ mấy khi trong thời kỳ toàn cầu hóa, xung đột sắc tộc, và sự bất an về trật tự thế giới ngày một gia tăng, nhiều cá nhân lại quay trở về với cách nghĩ này.
Như tư tưởng chính trị Hồi giáo đã chứng minh trong thời kỳ nhà Umayyad và nhà Abbasid, điều quan trong nhất là phải có một lãnh đạo mạnh mẽ, lôi cuốn và quyết đoán, thay vì một lãnh đạo cứ dựa sách mà làm, để đặt được nền móng cho một quốc gia an ninh và thịnh vượng. Một lãnh đạo như vậy có thể kêu gọi được dân chúng để thay đổi định hướng nhà nước; và nếu được vậy, thì sự nhân cách hóa quyền lực không phải là điều xấu. Cứ mỗi Stalin, thế giới lại có một Peter Đại Đế.
Vì vậy, hiện tượng lãnh đạo thép hiện nay, nay xuất hiện tại Hoa Kỳ và Trung Quốc, có nguồn gốc lâu đời trong lịch sử và xuất phát từ nhu cầu xã hội của nhân loại, và về căn bản là biểu hiện thời hiện đại của những động lực đã dẫn tới vai trò của các vua chúa thời xưa, tuy rằng ngày nay nó ít dựa vào cha truyền con nối hơn. Nên nhớ rằng đã mất rất lâu để những cá nhân với quyền lực mơ hồ chuyển hóa thành các hoàng tộc bền vững. Ở thời hiện đại, có lẽ các ông hoàng với quyền lực mơ hồ này sẽ phổ biến hơn.
Theo cuốn sách War in Human Civilization (Chiến tranh trong nền văn minh nhân loại) bởi sử gia Azar Gat, ở các bộ lạc thời nguyên thủy trên đà chuyển biến thành các quốc gia phức tạp theo sau sự phát triển của nông nghiệp, có xuất hiện nhiều “đại nhân”. Địa vị của những “đại nhân” này “xuất phát từ đầu óc sắc sảo về xã hội, tinh thần kinh doanh, tính cách thu hút, năng lực khác thường và cách dùng tài sản khéo léo”. Thêm nữa, “họ cung cấp sự bảo trợ và che chở, hỗ trợ kinh tế vào thời điểm khó khăn, và các lợi ích nói chung… để đổi lại, họ nhận được…sự ủng hộ và quy phục.” Rốt cuộc, quyền lực, địa vị và tài sản tích tụ lại và các “đại nhân” chuyển hóa thành “tầng lớp quý tộc sơ khai”.
Nhiều khả năng là bất cứ chế độ nào theo thời gian đều có thể bị thao túng bởi những cá nhân muốn sử dụng sự thu hút, giàu có, và sự bảo hộ để điều khiển nhiều người khác. Thế nên không ngẫu nhiên mà chế độ quân chủ hoặc độc đoán thống trị gần hết lịch sử loài người. Tuy rằng ước muốn cá nhân góp phần thúc đẩy hiện tượng này, nó còn được hiện thực hóa bởi ước muốn của cộng đồng về một cá nhân vĩ đại.
Thế giới quá phức tạp và con người quá sôi nổi cho nên nền tự do dân chủ và thể chế mạnh không phải lúc nào cũng hiệu quả và tồn tại lâu dài. Các hệ thống chính trị toàn cầu giờ đang quay lại “trạng thái tự nhiên” của nó. Không bất ngờ khi thấy Trump và Tập (và một ngày nào đó, Abe và Modi) làm việc dựa trên “chủ nghĩa Putin”. Có lẽ đây là định mệnh của con người ở thể kỷ 21, chứ không phải là tự do dân chủ hay thể chế hoàn thiện. Nếu vậy, những người coi trọng công bằng và công lý nên tập trung vào việc phát triển những giá trị đó trong những hệ thống chính trị mới này, bằng việc thúc đẩy việc áp dụng các nguyên tắc và thực tiễn công bằng.
Nguồn: Akhilesh Pillalamarri & Nam, Lê & Hiệp H. Lê. Putin, Trump, Tập và sự trở lại của các Quân vương. Trích từ: http://nghiencuuquocte.org/2017/02/03/putin-trump-tap-su-tro-lai-cua-quan-vuong/
Bài viết này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 5
Văn Thị Ngọc Dung
Trần Đỗ Tâm Giao
Phan Duy Khánh
Hoàng Thị Thanh Thảo
Lê Nguyên Thông
Nguyễn Ngọc Trâm
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 5
Văn Thị Ngọc Dung
Trần Đỗ Tâm Giao
Phan Duy Khánh
Hoàng Thị Thanh Thảo
Lê Nguyên Thông
Nguyễn Ngọc Trâm