Nguồn ảnh: Freepik.com
 

Xuyên suốt sự nghiệp của mình, từ lúc ban đầu khi cần đưa ra các quyết định quan trọng trong các buổi họp nhóm, phát triển những cơ hội hợp tác nghiên cứu, tổ chức các hội thảo sinh viên, hay tới sau này khi trở thành người đứng đầu các phòng thí nghiệm, phụ trách các khóa học ở trường đại học, điều hành ủy ban trong các viện khoa học và tổ chức nghiên cứu, v.v., những phẩm chất của người lãnh đạo luôn hữu ích cho các nhà khoa học.

Các chuyên gia cho rằng không nên chần chừ lâu trước khi bắt đầu phát triển các kỹ năng lãnh đạo. “Trong suốt sự nghiệp nghiên cứu, bạn phải chú tâm vào nghiên cứu của mình, nhất là ở thời điểm bắt đầu, bởi vì khó để trở thành lãnh đạo nếu bạn không làm nghiên cứu tốt. Nhưng ngay từ giai đoạn khởi đầu, việc xây dựng kỹ năng lãnh đạo cũng là điều cần thiết. Chúng sẽ giúp bạn tạo thêm các cơ hội, phát triển các mối quan hệ hợp tác, và mở rộng mạng lưới”, theo nhận xét từ Hugh Kearns, chuyên gia về kỹ năng lãnh đạo trong học thuật, viết trong email cho tạp chí Science Careers. Còn theo lời Jeremy Mead, một chuyên gia về kỹ năng lãnh đạo, thì “ở bất kể vai trò gì trong công việc của các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực nào, họ đều có thể vận dụng kỹ năng lãnh đạo”.

Các chuyên gia cho rằng học để trở thành nhà lãnh đạo thành công chỉ cần sử dụng những kỹ thuật đã được dạy như khi học lái một chiếc ô tô. Bạn phải tự tìm ra phương pháp lãnh đạo của riêng mình nhờ vào những phẩm chất căn bản: tính chính trực, tinh thần trách nhiệm với công việc, hiểu rõ và tin vào chính mình, giao tiếp nhiệt tình và có khả năng phát triển tốt mối quan hệ công việc với những người khác.

Phát triển tầm nhìn

"Nhà khoa học trẻ cần xây dựng một quan điểm cá nhân về các giá trị trong cuộc sống, và phát triển một tầm nhìn rõ ràng từ khá lâu trước khi nhận một nhiệm vụ lớn đòi hỏi những phẩm chất của người lãnh đạo."
Điểm chung của các nhà lãnh đạo  – khi họ trong vai trò quản lý hay khi thực hiện phần việc của mình trong vai trò là thành viên của một nhóm – là có một cảm quan rõ ràng về định hướng, một phương pháp tiếp cận với ý tưởng hay dự án mà họ cảm nhận sâu sắc. “Phẩm chất lãnh đạo trong cá nhân” này sẽ được thể hiện ra “khi người ta xác định được điều gì là quan trọng với mình và từ đó hành động dựa trên những giá trị và niềm tin đó”, theo phân tích của Kearns, người đồng sáng lập Công ty đào tạo phát triển kỹ năng chuyên nghiệp “Suy nghĩ giỏi” và một trung tâm tư vấn trong Khoa Phát triển chuyên nghiệp tại đại học Flinder ở Adelaide, Australia.
Vì vậy, bạn nên xây dựng một quan điểm cá nhân về các giá trị trong cuộc sống, và phát triển một tầm nhìn rõ ràng từ khá lâu trước khi nhận một nhiệm vụ lớn đòi hỏi những phẩm chất của người lãnh đạo. Mead, người phụ trách bộ phận phát triển lãnh đạo ở công ty Unilever và đang điều hành công ty riêng Norfolk Light, gần Ipswich về phát triển kỹ năng lãnh đạo ở Anh đưa ra gợi ý: Nên bắt đầu bằng cách viết ra một danh sách các giá trị mà bạn cho là có thể quan trọng. Bao gồm tất cả mọi thứ bạn có thể nghĩ ra, cho dù chúng có phù hợp với hoàn cảnh thực tế của bạn hay không. Có thể bắt đầu từ một danh sách có sẵn mà bạn có thể tìm thấy trong cuốn sách nhỏ về sơ yếu lý lịch “Nhà nghiên cứu hàng đầu” mà Mead và Fiona Denney là đồng tác giả1, cụ thể như: danh sách của bạn có thể bao gồm: tính sáng tạo, quyết đoán, trung thực, công việc có ý nghĩa, có lợi ích tài chính, và nhiều điều khác. “Sau đó, hãy xem và xác định 10 điều ứng với bạn”, Mead khuyên.


Khi bạn có một danh sách 10 điều, hãy chọn ra hai hoặc ba giá trị cốt lõi. Mead cho biết: một cách tốt để quyết định giá trị quan trọng nhất với mình là nghĩ về những giá trị ấy trong hoàn cảnh thực sự hệ trọng với bạn, chẳng hạn như phải vượt qua tình cảnh lúc một người thân bị ốm đau hoặc một trở lực trong nghiên cứu của mình. Nếu bạn có thể chữa khỏi bệnh cho người đó bằng cách hi sinh một giá trị trong danh sách đó thì giá trị đó sẽ là gì?”, Mead đặt câu hỏi.

Một cách tiếp cận khác để tìm ra các giá trị cốt lõi của bạn, theo lời khuyên của Kearns, là xác định những hoàn cảnh nào trong quá khứ là “khi bạn hài lòng với các phương pháp tiếp cận và quyết định của mình, và khi nào thì bạn không hài lòng“, từ đó xác định giá trị nào là yếu tố cơ bản trong từng trường hợp. Bên cạnh đó, nên suy ngẫm về người mà bạn ngưỡng mộ để xem họ có được những giá trị gì.

“Bây giờ, bạn có thể coi những giá trị đó là phẩm chất cần thiết để bạn trở thành một nhà lãnh đạo“, Mead nói. “Tất cả các quyết định của bạn đều được thực hiện trên cơ sở cân nhắc các giá trị này. Nếu bạn là người nhất quán thì mọi người sẽ biết có thể trông đợi điều gì ở bạn, nắm bắt sớm được quan điểm của bạn, và bạn có thể lãnh đạo ngay cả khi không có mặt trong phòng làm việc”.

Tiếp theo là xây dựng tầm nhìn và các mục tiêu. Một lần nữa, Mead khuyên nên xem xét tất cả những điều bạn có thể phấn đấu và đánh giá mức độ phù hợp với những giá trị mà bạn đã xác lập trên đây. Và có thể thêm vào bất cứ điều gì bạn đang tìm kiếm, như sự giàu có, tạo đột phá trong khoa học, hoặc sự nổi tiếng. Bạn cũng cần xem xét liệu mục tiêu của mình trong môi trường hiện tại có khả thi không, Mead nói. Bạn cần phải thực tế. Kearns cũng đồng tình: “Điều đầu tiên mà bất kỳ nhà khoa học nào đều cần là một ý tưởng hay một dự án hợp lý”.

Thu hút người khác

"Bản thân những người lãnh đạo cần tin tưởng vào dự án hoặc ý tưởng của mình. Nếu họ lãnh đạm hoặc không hoàn toàn quyết tâm thì sẽ rất khó để gắn kết mọi người với nhau. Những người khác sẽ cho rằng dự án sẽ sụp đổ ngay khi gặp trở ngại đầu tiên hoặc sẽ bị trì trệ”.
Khi bắt đầu lãnh đạo người khác, theo Kearns, “bản thân những người lãnh đạo cần tin tưởng vào dự án hoặc ý tưởng của mình. Nếu họ lãnh đạm hoặc không hoàn toàn quyết tâm thì sẽ rất khó để gắn kết mọi người với nhau. Những người khác sẽ cho rằng dự án sẽ sụp đổ ngay khi gặp trở ngại đầu tiên hoặc sẽ bị trì trệ” -  viết.

Nhưng tất nhiên tin tưởng và cam kết là chưa đủ. Sẽ là vô ích khi “ngồi trong phòng thí nghiệm cả ngày và hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến với mình. Bạn phải bước ra khỏi phòng thí nghiệm hoặc văn phòng và kết nối với mọi người”, Kearns nói. Để làm tốt điều này, bạn cần trình bày các ý tưởng và kế hoạch của mình với lòng nhiệt thành. Fiona Denney, trưởng nhóm Phát triển sau tốt nghiệp trong chương trình phát triển đội ngũ các nhà nghiên cứu tại Đại học King’s College London’s Graduate School ở Anh cho rằng nên sử dụng công cụ chỉ số nhân cách Myers-Briggs, hoặc các chương trình hướng dẫn làm lãnh đạo để tìm ra cách thức giao tiếp phù hợp với bạn.

Trung thành với những giá trị của mình và có một tầm nhìn rõ ràng không có nghĩa là phải cứng nhắc. Bạn cần phải sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch và ý tưởng của mình để tìm ra những điểm chung giữa tầm nhìn của bạn và của mọi người, và “Quan trọng là làm sao để người đồng hành với mình thấy tầm nhìn đó cũng là của họ. Điều này bạn đạt được khi thực sự lắng nghe người khác và sẵn lòng chân thành thay đổi tầm nhìn của mình trong quá trình tương tác với những người khác”. Mead nói; đồng thời “Bạn phải suy nghĩ rằng điều gì là quan trọng đối với người khác? Đó là: cơ hội tham gia vào một dự án thú vị, làm việc với những người giỏi, có được công trình xuất bản, hay để nâng cao nghề nghiệp của họ? Sau đó, bạn cần phải cho thấy rằng dự án của mình sẽ giúp họ đạt được những mục tiêu gì này cho riêng mình” (Kearns).

Thể hiện khả năng lãnh đạo trong các cuộc họp

“Sự tôn trọng xuất phát từ việc người khác cảm thấy được năng lực giỏi của bạn”, nhưng “như vậy vẫn chưa đủ để xây dựng niềm tin. Nó đòi hỏi một nhà lãnh đạo cởi mở về những gì họ đang làm - như thế nào, tại sao họ lại làm, và đồng thời tìm kiếm sự cởi mở từ những người khác".

Các cuộc họp là một trong những nơi quan trọng nhất để bạn có thể thể hiện ý tưởng và tầm nhìn của mình, do đó hãy chắc chắn để không bỏ lỡ cơ hội.

Hãy chuẩn bị cho cuộc họp, điều đó sẽ giúp bạn thể hiện tốt hơn và cũng tránh được căng thẳng. “Trước khi bước vào bất kỳ cuộc họp nào, hãy viết ra những gì bạn muốn đạt được từ cuộc họp, và phải tìm hiểu xem những người khác trong cuộc họp có thể làm gì để đóng góp cho mục đích đó”, Mead khuyến nghị. Nếu có thể, nên có một bản sao của chương trình họp để bạn có thể xác định các mục quan trọng và suy nghĩ nên phát biểu điều gì. “Nếu bạn đã nắm được các vấn đề từ trước, bạn có thể đề xuất giải pháp hoặc lựa chọn thay thế”, Kearns khuyên.

Kearns cho rằng nên lên tiếng sớm. “Những người đóng góp đầu tiên, thậm chí chỉ cần thể hiện sự tán đồng với một quan điểm nào đó, dường như sẽ được nhìn nhận là tham gia tích cực và sẽ được yêu cầu đóng góp nhiều hơn. Nếu bạn không nói gì thì sẽ bị mặc định là không có gì để nói”. Mead thì khuyên nên lắng nghe người khác và chắc chắn rằng bất kỳ đóng góp nào của bạn cũng tích cực đối với mục tiêu của cuộc họp.

Tạo sự tôn trọng

Để trở thành một nhà lãnh đạo, bạn cũng cần phải truyền cho người khác lòng tin và sự tôn trọng. Phần lớn điều này thông qua việc chứng minh được khả năng chuyên môn. “Là một nhà lãnh đạo, bạn sẽ phải thuyết phục mọi người ủng hộ ý tưởng của bạn, tài trợ cho các dự án của bạn, và ủng hộ quan điểm đánh giá của bạn. Nếu bạn không được nhìn nhận là nhà nghiên cứu giỏi, bạn sẽ không nhận được sự hỗ trợ và tin tưởng” - Kearns viết. Tuy nhiên, Mead cho rằng dù “sự tôn trọng xuất phát từ việc người khác cảm thấy được năng lực giỏi của bạn”, nhưng “như vậy vẫn chưa đủ để xây dựng niềm tin. Nó đòi hỏi một nhà lãnh đạo cởi mở về những gì họ đang làm - như thế nào, tại sao họ lại làm, và đồng thời tìm kiếm sự cởi mở từ những người khác“. Sự cởi mở này, Mead nói thêm, có nghĩa là trong thảo luận của bạn có cả cảm xúc lẫn logic, và biểu hiện cả điểm yếu cũng như điểm mạnh của bạn.

Việc tạo được sức hút cũng sẽ rất hữu ích. Đây là phẩm chất rất khó để xác định và cũng khó có thể học được. Nhưng để lãnh đạo, bạn cũng không nhất thiết luôn phải tạo cảm hứng mạnh mẽ ở người khác, và cũng không cần lúc nào cũng gây ồn ào. “Một nhà lãnh đạo im lặng cũng có thể có sức mạnh như một người ăn to nói lớn,” theo lời ông Denney, người phát triển các chương trình lãnh đạo cho các nhà nghiên cứu.

Còn theo Kearns, “hầu hết mọi người có những ý tưởng không thực tế về năng lực lãnh đạo. Họ có xu hướng nghĩ rằng họ phải là Nelson Mandela hoặc một nhân vật tầm cỡ đại loại như vậy. Trong thực tế, việc lãnh đạo cần đến những điều bình thường hơn nhiều: ví dụ, chuẩn bị cho cuộc họp của bạn, giao tiếp với mọi người, và lắng nghe. Mặc dù không phải tất cả chúng ta đều có thể trở thành Nelson Madenla, nhưng chúng ta đều có thể cải thiện các kỹ năng cơ bản của mình”.

Nguồn bài viết: http://tiasang.com.vn/-khoa-hoc-cong-nghe/nha-nghien-cuu-co-can-pham-chat-lanh-dao-5115 

 
Bài giảng này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5
 Văn Thị Ngọc Dung

Trần Đỗ Tâm Giao
Phan Duy Khánh
Hoàng Thị Thanh Thảo
Lê Nguyên Thông
Nguyễn Ngọc Trâm