“Yêu nước là tự hào về những giá trị tốt đẹp và khao khát sửa chữa những yếu kém của nước mình; yêu nước không ngăn cản việc con người ta thừa nhận lòng yêu nước của người dân nước khác, với những giá trị tốt đẹp của riêng họ. Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc luôn thổi phồng những giá trị tốt đẹp và phủ nhận những yếu kém của nước mình, đồng thời khinh thường những giá trị tốt đẹp của nước khác. Chủ nghĩa dân tộc muốn, và luôn tự cho nước mình là “vĩ đại nhất”, nhưng một đất nước không cần phải vĩ đại, chỉ cần bản chất nó tốt là được rồi” – Sydney J Harris, nhà báo Mỹ.

 

Lòng tự hào về nước Mỹ vĩ đại

 

Tôi từng dạy một khóa học đại cương cho sinh viên một trường đại học công lập lớn tại Mỹ. Tôi mở đầu bài giảng về “Vai trò của Mỹ trên thế giới”, một trong những chủ đề chính của khóa học, bằng cách đưa lên máy chiếu hình ảnh một nhãn hiệu ô tô khá phổ biến ở Mỹ, trên đó in dòng chữ “Tự hào là một người Mỹ”.

Sau khi cho sinh viên vài giây để suy nghĩ, tôi hỏi họ có tự hào là người Mỹ không, và nếu có thì về điều gì và tại sao. Phần đông sinh viên trả lời có, đồng thời dùng những ví dụ để nhấn mạnh Mỹ là quốc gia “vĩ đại nhất thế giới”, “nhất của nhất”, “siêu cường”, với “vô vàn cơ hội phát triển”.

Xuất phát từ văn hóa đại chúng kết hợp với suy nghĩ hằn sâu trong tâm khảm người Mỹ về sự vượt trội so với các nền văn hóa khác, những câu trả lời nói trên là ví dụ điển hình của tư duy dân tộc chủ nghĩa. Những câu trả lời ấy được xem như điều hiển nhiên không có gì phải phản đối, và dần dần trở thành chân lý vĩnh cửu.

Không chỉ có những sinh viên ấy, một cuộc khảo sát gần đây ở phạm vi 23 quốc gia được thực hiện bởi YouGov – dự án Chủ nghĩa Toàn cầu của Cambridge phối hợp với tờ TheGuardian cho thấy 37% người Mỹ được hỏi cho rằng Mỹ là “quốc gia tốt nhất trên thế giới”, còn 28% cho rằng “tốt hơn hầu hết các quốc gia khác”. Ngược lại, chỉ có 6% người Pháp được hỏi cho rằng đây là nước tốt nhất trên thế giới và tỉ lệ tương ứng ở Anh là 10%. Thấp nhất là Đức, 5%. Còn người Việt Nam thì sao? Có lẽ đa phần người Việt Nam có niềm tin tương tự người Pháp và Đức.

Nếu bạn tin rằng đất nước bạn là “nhất”, thì bạn là người theo chủ nghĩa dân tộc, theo định nghĩa trong từ điển. Tiêu đề trên của tôi nói về người Mỹ tự hào dân tộc hơn mọi quốc gia khác. Thực ra, “lòng tự hào dân tộc” là một cách nói khác đi, bởi vì điều tôi đang đề cập đến chính là chủ nghĩa dân tộc. Điều này không có gì là lạ đối với bối cảnh nước Mỹ cho đến những thế hệ ngày nay.

Như những chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ đã đưa ra rõ ràng, quan điểm thống trị nước Mỹ là một quốc gia được Chúa ưu ái và có một nghĩa vụ thiêng liêng là phổ biến tư tưởng kinh tế, chính trị của mình sâu và rộng – như là một vận mệnh hiển nhiên – đã trở nên ăn sâu vào ADN chính trị của nước Mỹ.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc rất đa dạng và có nhiều cấp độ, trong đó bao gồm cả những người đang tự nhận mình là nhà giáo dục quốc tế. Đó là một trạng thái tâm lý vượt qua mọi sự khác biệt về giới tính, chủng tộc, địa vị xã hội hay hội đoàn chính trị. Chủ nghĩa dân tộc, như người ta đã cho rằng, là chất keo tâm lý gắn kết Hợp chủng quốc Hoa Kỳ với rất nhiều nhóm người khác biệt, có rất ít điểm chung, ở trong một quốc gia có nhiều thái cực khác biệt sâu sắc, một Hoa Kỳ chia rẽ, trên nhiều phương diện.

Sự phân biệt chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân tộc có ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển của công dân toàn cầu. Lòng yêu nước được định nghĩa đơn giản là “tình yêu hay sự tận tụy với một đất nước”. Ngược lại, chủ nghĩa dân tộc được định nghĩa là sự “trung thành và tận tụy” với một quốc gia; đặc biệt là ý thức quốc gia đề cao một quốc gia trên tất cả các quốc gia khác và đặt ưu tiên vào việc thúc đẩy văn hóa và lợi ích của nó đi ngược với quyền lợi các quốc gia hoặc các nhóm siêu quốc gia khác.

Trong cuốn sách Nước Mỹ Đúng hay Sai, tác giả Anatol Lieven nhấn mạnh sự cần thiết của việc người Mỹ xem xét lại tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của mình. Ông mô tả đó là “khả năng bước ra khỏi văn hóa đại chúng của Mỹ để nhìn lại đất nước mình một cách khách quan, chứ không phải một quốc gia biệt lệ trên đỉnh nhân loại”, không tự nhìn mình với tư cách “những người được chọn, những người xuất chúng, hay một Israel của thế giới đương đại”. Như Herman Melville đã nói, họ phải coi nước Mỹ là “một quốc gia bình thường như mọi quốc gia khác”.

Nói thẳng ra, thì những người theo chủ nghĩa dân tộc một cách thụ động đơn giản chỉ tin vào sự vượt trội của văn hóa nước Mỹ so với các nền văn hóa khác, trong khi những người theo chủ nghĩa dân tộc theo kiểu truyền giáo thì tìm cách thể hiện “đức tin” của họ bằng hành động vượt ra ngoài lãnh thổ Mỹ, sao cho những người dân nước khác có thể “thấy được khai sáng”, “trở thành một phần của chúng ta”, và được hưởng nhiều lợi ích từ việc Mỹ hóa và một thế giới quan lấy Mỹ làm trung tâm (US-centric). Nếu cần, các động thái quân sự sẽ được sử dụng để đạt được mục đích này.

Còn những người yêu nước thì luôn “đặt đất nước lên trên chính bản thân mình; lòng yêu nước không phải chỉ là những khoảnh khắc thể hiện cảm xúc điên cuồng nhưng ngắn ngủi, mà là sự cống hiến thầm lặng nhưng đều đặn trong suốt cuộc đời”, như Adlai Stevenson đã từng nói.

BAI-VIET-SUU-TAM_CHU-NGHIA-DAN-TOC-VA-CONG-DAN-TOAN-CAU_THAI-PHUOC-NGUYEN-1-.jpg
Nguồn ảnh: Pexels

 

Từ quốc gia dân tộc và chủ nghĩa dân tộc tới vấn đề công dân toàn cầu 

 

Khái niệm công dân toàn cầu có ý nghĩa quốc tế hóa khái niệm cổ điển về công dân, trong đó bao gồm các quyền lợi và trách nhiệm nhất định khi một người tuyên bố trung thành với một nhà nước có chủ quyền. Thay vì chỉ tuyên bố trung thành với một quốc gia nhất định, công dân toàn cầu sở hữu một tầm vóc trí tuệ, một “la bàn đạo đức”, một tư duy kết nối vươn rộng ra cả nhân loại.

Trung thành và cống hiến cho nước nhà không tước đi quyền lợi và nghĩa vụ của các công dân toàn cầu với tư cách là thành viên của một cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh mới này, “lợi ích quốc gia” không còn là tối thượng, mà phải được đặt lên bàn cân cùng với lợi ích của người dân các nước khác.

Sẽ không thể có công dân toàn cầu nếu trước đó ta không chỉ rõ những điểm sai trong một số tư duy văn hóa đại chúng nhất định, chứng minh rằng những điều tưởng chừng “hiển nhiên” hóa ra lại vô lý, và những “chân lý vĩnh cửu” thực chất là giả dối. Việc giáo dục công dân toàn cầu nhằm thách thức lại những tư duy sai lệch đó, giúp trang bị cho họ kiến thức, công cụ để mở rộng tư tưởng.

Một yếu tố thiết yếu để trở thành một công dân toàn cầu toàn diện là năng lực liên văn hóa (intercultural competence- IC), hay năng lực toàn cầu (global competence-GC), thường được xem là một bộ công cụ cho phép một người hoạt động hiệu quả trong môi trường liên văn hóa. Báo cáo “Giáo dục năng lực toàn cầu: Chuẩn bị cho giới trẻ của chúng ta bước ra thế giới” của Hiệp hội châu Á đã lưu ý rằng học sinh, sinh viên cần phải có kiến thức và kỹ năng như sau:

1. Nghiên cứu thế giới: Năng lực toàn cầu bắt đầu bằng cách nhận thức, tò mò và thích tìm hiểu về thế giới và cách nó vận hành.

2. Tôn trọng các quan điểm: Các sinh viên có năng lực toàn cầu nhận ra rằng họ có một quan điểm riêng biệt và người khác có thể không cùng chia sẻ quan điểm đó.

3. Trao đổi ý tưởng: Sinh viên có năng lực toàn cầu hiểu rằng các đối tượng có nền tảng khác nhau về văn hóa, địa lý, đức tin, ý thức hệ, của cải và các yếu tố khác có thể sẽ có nhận thức khác nhau đối với cùng một thông tin.

4. Hành động: Việc tìm hiểu về thế giới nhằm tạo ra sự khác biệt trên thế giới sẽ tạo ra những kiến thức và kỹ năng gì? Đầu tiên, cần phải hiểu rằng mỗi ai đều có thể tạo ra sự khác biệt.

5. Áp dụng kiến thức chuyên ngành và liên ngành: Năng lực toàn cầu đều là kỹ năng và không cần kiến ​​thức? Hầu như không. Sự thật là bây giờ cũng như mọi thời điểm khác, nội dung học tập rất quan trọng.

 

Chủ nghĩa dân tộc và ngành giáo dục quốc tế

 

Tuy nhiên, nhiều năm qua tôi đã nhận ra một điều rằng đa số đồng nghiệp của tôi ở các trường đại học không muốn thảo luận về vấn đề dân tộc chủ nghĩa. Dân tộc chủ nghĩa ở Mỹ cũng là một tư tưởng chính thống, bị nhiều người Mỹ hiểu nhầm và gán sai cho cái mác yêu nước. Bàn luận về dân tộc chủ nghĩa cũng đồng nghĩa với việc bị coi là một kẻ ngoại đạo. Đề cập tới chủ đề dân tộc chủ nghĩa trong một cuộc trò chuyện “có học”, hay nói cách khác là khi thảo luận với một nhóm tự cho mình là tri thức, đồng nghĩa với nguy cơ bị gán cho cái mác không yêu nước, hay thậm chí phản quốc.

Bất cứ ai đi ngược lại với tư tưởng chính thống đều bị “bịt miệng” với hiệu quả bất ngờ. Một quan điểm trái chiều không bao giờ được lắng nghe một cách công bằng, dù là trên các phương tiện thông tin đại chúng hay các tạp chí nghiên cứu của giới tri thức.”

Sự im lặng thì muôn hình vạn trạng nhưng đều đi đến một kết quả duy nhất – các vấn đề quan trọng đáng thảo luận thì luôn chìm trong bóng tối, trừ một nhóm nhỏ những cá nhân thực sự quan tâm.

 

Ảnh hưởng sâu sắc tới Việt Nam

 

Một biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc ở những người mà thế giới quan của họ đang chìm trong hệ tư tưởng này, bao gồm cả các quan chức Mỹ làm việc tại Việt Nam và các nước khác, là niềm tin ngạo mạn rằng cách làm của họ là tốt nhất vì họ có văn hóa “ưu việt”. Một thí dụ cho thấy sự ngạo mạn này là một thông tin ngoại giao từ Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã rò rỉ trước vụ Wikileaks. Đó là, Biên bản ghi nhớ về Giáo dục Việt – Mỹ”, đã được gửi một cách bí ẩn, đến nhiều địa chỉ email, trong đó có của tôi (sau này tôi có viết trong một bài cho Inside Higher Ed – một cơ quan truyền thông giáo dục đại học Mỹ).

Tài liệu này yêu cầu bổ sung một loạt các hoạt động liên quan đến giáo dục mà sẽ “định hình lại quốc gia này (Việt Nam), theo một cách đảm bảo là sẽ tác động sâu sắc, tích cực trong vài thập kỷ tới đây. Nếu chúng ta muốn năm 2020 Việt Nam giống Hàn Quốc hơn Trung Quốc, thì bây giờ là lúc hành động”. Văn bản này được soạn chính thức bởi Michael Michalak, đại sứ Mỹ thời điểm đó, để thay đổi bối cảnh là “cuộc khủng hoảng của hệ thống giáo dục ở mọi cấp độ đang gây nguy hại đến tiến trình phát triển kinh tế và hội nhập toàn cầu”.

Khi ông ta nói về việc “định hình lại” người Việt Nam, có nghĩa là trong sự tưởng tượng của Mỹ, là để làm cho họ (Việt Nam) trông giống chúng ta hơn (Mỹ). Tài liệu này cũng đề cập thẳng là “chúng ta nắm lấy cơ hội ngày hôm nay và tận dụng cả hai phía – yêu cầu từ phía thủ tướng cũng như sự ngưỡng mộ của người Việt Nam đối với nền giáo dục Mỹ. Nếu chúng ta bước qua cánh cửa mở này, chúng ta sẽ giành được một cơ hội duy nhất để tạo ra tầm ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thống giáo dục của Việt Nam, với sự hỗ trợ của các nhà lãnh đạo hàng đầu”.

Văn bản này tiếp tục “ít nhất, chúng ta có thể giúp Việt Nam đào tạo các nhà quản lý và công nhân lành nghề để tiếp tục phát triển kinh tế và giúp người dân thoát khỏi đói nghèo. Nhìn rộng hơn, Mỹ có cơ hội định hình hệ thống giáo dục Việt Nam theo cách lâu dài, đem lại một Việt Nam dân chủ hơn, tôn trọng quyền con người và tự do ngôn luận hơn, và do đó gắn chặt hơn với Mỹ. Trên phương diện này, hỗ trợ cải cách giáo dục đồng nghĩa với các mục tiêu của Sứ mệnh cơ bản nhất của chúng tôi”.

Hơn nữa, nó cũng viết rằng (tôi tiếp tục in nghiêng) “thêm các nguồn viện trợ nước ngoài mới và hỗ trợ tạo quan hệ đối tác công tư chiến lược sẽ tối đa hóa ảnh hưởng của Mỹ lên hệ thống giáo dục Việt Nam và từ đó định hình tương lai xã hội Việt Nam”.

Nước Mỹ được miêu tả như một hiệp sĩ trong bộ áo giáp sáng ngời, với thái độ và tinh thần hào hiệp như đã từng được biết, đến giải cứu hàng triệu học sinh và phụ huynh đang tuyệt vọng của Việt Nam. Thực sự là, giáo dục được coi là công cụ quyền lực mềm tối thượng, tạo hiệu quả cao và là tác nhân thay đổi sâu sắc trong một chiến lược dài hạn nhằm định hình hình ảnh Mỹ ở Việt Nam.

Giống như bất kỳ quốc gia nào, nước Mỹ có những thế mạnh và thành công – với những mô hình, cách tiếp cận, cách nghĩ – có thể được Việt Nam rút kinh nghiệm và học hỏi. Mỹ cũng có những giới hạn, những sai lầm và những vấn đề mang tính cảnh báo. [Do vậy] Quan niệm rằng trao đổi giáo dục quốc tế có thể góp phần định hình các xã hội khác trong sự hình dung của nước Mỹ không chỉ đáng hoài nghi và sai lầm, nó còn là sự ảo tưởng và một minh họa điển hình cho việc truyền bá chủ nghĩa dân tộc.

 

Một thế hệ người Việt bước ra toàn cầu

 

Một trong những điểm mạnh của Việt Nam hiện nay là một thế hệ công dân toàn cầu đang dần trưởng thành, những người trẻ tuổi cởi mở với thế giới và hào hứng trải nghiệm và học hỏi những gì có thể mang lại lợi ích cho bản thân và đất nước. Một trong những lợi thế quan trọng của Việt Nam là người dân không bị đè nặng bởi tư tưởng mạnh mẽ và âm ỉ của chủ nghĩa dân tộc – không giống như một số quốc gia khác, là trở ngại cho sự phát triển của công dân toàn cầu.

Một yếu tố quan trọng đối với bổn phận công dân một quốc gia là ý thức mạnh mẽ về bản sắc dân tộc, điều đó dựa trên kiến ​​thức đầy đủ về văn hóa và xã hội của một quê hương mình. Để trở thành một công dân toàn cầu (global citizen), trước tiên, người ta phải là một công dân quốc gia (national citizen) tốt, hoặc một người yêu nước, theo định nghĩa của từ điển – là người hiểu điều tốt, xấu và cả điều tồi tệ về đất nước của mình. Nhưng một trong những thách thức mà nhiều người trẻ Việt Nam phải đối mặt là thiếu kiến ​​thức về đất nước của mình, bao gồm cả lịch sử gần đây.

Nếu bạn không có hiểu biết, thông tin đầy đủ và chắc chắn về bản sắc quốc gia dân tộc mình, bạn sẽ dễ dàng tin vào những điều hư cấu (myths) và những lời dối trá, sự thao túng từ phía bên ngoài.

Khi Việt Nam mở rộng cửa hơn bao giờ hết cả về kinh tế và văn hóa, thì nhận thức quốc tế về đất nước này cũng sẽ có lợi hơn bao giờ hết. Có một quyết tâm mạnh mẽ hòa nhập với thế giới để gặt hái những lợi ích của toàn cầu hóa đồng thời giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của nó, từ thúc đẩy nền kinh tế thịnh vượng đến sự chấp nhận và thừa nhận về tính chính đáng trên trường thế giới. Hôm nay, những người trẻ tuổi ở Việt Nam, ngày mai là các doanh nhân, người đổi mới, người có tầm nhìn và là công dân toàn cầu – thì việc đại diện cho quốc gia của mình hay không – sẽ đóng một vai trò cốt lõi trong hành trình sống còn đang diễn ra này.

Còn đối với nước Mỹ, cho đến khi chúng ta giải quyết được vấn đề dân tộc chủ nghĩa và nhìn nhận một cách kĩ lưỡng và sắc bén về những gì giới trẻ Mỹ đang được dạy về đất nước mình và vị thế trên trường quốc tế, hay vai trò của giáo dục quốc tế trong việc tái định hướng thế giới quan cho giới trẻ và ý nghĩa thực sự của việc trở thành công dân toàn cầu, thì chúng ta vẫn chưa làm tròn trách nhiệm của những nhà giáo. Điều này đối với tôi là một vấn đề quá lớn để có thể nhắm mắt cho qua trong ngành giáo dục: nó quá hiển nhiên, nó cần sự quan tâm của chúng ta, nhưng lại đang bị bỏ mặc hoàn toàn.

Giáo dục công dân toàn cầu, nếu được theo đuổi tới cùng, sẽ thay đổi ngành giáo dục quốc tế cả về lý thuyết cũng như thực hành, nhất là tại Mỹ, và đóng góp phần nhỏ của mình trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, hợp lẽ, và công bằng hơn.

 

Giáo sư Mark Ashwill là Giám đốc điều hành Capstone Việt Nam, một công ty tư vấn giáo dục cung cấp dịch vụ toàn diện, có văn phòng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Để tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề được nhắc tới trong bài viết trong bối cảnh đa văn hóa, hãy tìm đọc chương sách với nhan đề “Đào tạo các Công dân có Năng lực Toàn cầu: Những trường hợp đối lập tại Mỹ và Việt Nam”, do Mark Ashwill và Dương Thị Hoàng Anh đồng tác giả, chương sách này nằm trong cuốn Sổ tay SAGE về Năng lực tầm Quốc tế (2009), do Darla K Deardoff làm chủ biên. Ông Ashwill viết blog trên trang Một Nhà giáo Quốc tế tại Việt Nam (An International Educator in Vietnam).

 

Bài viết này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của

Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Nguyễn Thúy Duy
Nguyễn Thúy Hằng
Hoàng Tuấn Nam
Thái Phước Nguyền
Phạm Xuân Thành