Những bước đi quyết định

Trong bài trước, chúng ta đã ngược dòng lịch sử để trở về năm 1543, khi Nicolaus Copernicus xuất bản tác phẩm nổi danh làm đảo lộn những giá trị khoa học được tôn thờ cả 2000 năm trước. Sự biến đổi hệ hình đó trong ngành thiên văn học không những mang lại ánh sáng mới cho khoa học tự nhiên, mà còn làm nổi bật tầm quan trọng của sự giải phóng tư tưởng để thoát ra khỏi tù túng chật hẹp của ý thức hệ. Có như thế, sức sáng tạo của con người mới có thể phát triển mạnh mẽ. Phương pháp của Copernicus – dùng sự quan sát, đo đạc, thử nghiệm để tìm ra mối quan hệ tổng thể – đã chắp cánh cho khoa học để tạo nên những cuộc cách mạng tiếp theo mà chúng ta sẽ khảo sát trong những bài tiếp theo đây. 

***

Trong thế kỷ 16, có lẽ ngoại trừ Copernicus và một ít học giả gần gũi của ông, còn lại hầu hết mọi người đều xem con người và quả đất là trung tâm của vũ trụ, điều mà nền khoa học Hy Lạp cổ đại đã khẳng định và được thần học Kitô xem là nền tảng lý luận. Trong vũ trụ đó, con người là thước đo của một thế giới do Thượng Đế sáng tạo ra[1]. Copernicus phủ nhận luận cứ ấy và vẽ ra một mô hình vũ trụ hoàn toàn mới, trong đó quả đất chỉ là một hành tinh bình thường không khác gì những hành tinh khác, và con người là sinh vật biết suy nghĩ, biết sử dụng phương pháp khoa học để tìm ra bản chất thực sự của thái dương hệ. Thượng Đế không có vai trò gì trong quá trình tiến hóa của vũ trụ và con người.

Nhờ bước đi đầu tiên của Copernicus và sau đó được tiếp nối và hoàn thiện bởi Johannes Kepler (1571-1630) và Galileo Galilei (1564-1642), tư tưởng của khoa học gia đã được giải phóng khỏi những gò bó ý thức hệ. Vượt lên trên những định kiến tôn giáo, chủ nghĩa kinh viện (scholasticism) và những tri thức áp đặt bởi các thế lực thần quyền, học giả say sưa đi tìm cái mới bằng phong cách mới và phương pháp mới được khám phá bởi những học giả hàng đầu, được tóm tắt bằng những lý luận mang tính học thuật, vừa có ý nghĩa triết học, vừa phù hợp với đòi hỏi thực tiễn của khoa học tự nhiên. Francis Bacon (1561-1626) của thế kỷ 16 và René Descartes (1596-1650) thế kỷ 17 là hai gương mặt tiêu biểu, đại diện cho hai phương pháp tư duy – một bên là quy nạp, bên kia là diễn dịch – xem ra rất đối nghịch nhau nhưng lại bổ sung cho nhau để mang lại nhiều tiến bộ cho nền khoa học hiện đại.  

Kể từ đầu thế kỷ 17, phong cách suy nghĩ hiện đại về khoa học tự nhiên bắt đầu chiếm lĩnh trận địa nghiên cứu. Xuất phát từ hệ thống suy luận logic từng bước được xây dựng, cơn bão khoa học bắt đầu chuyển động và có xu hướng sẽ thay đổi bộ mặt xã hội châu Âu cũng như cả thế giới trong nay mai. Ngoảnh nhìn lại quá trình chuyển hóa đó, nhất là khi quan sát tốc độ và phương cách mà những điều mới mẻ thâm nhập vào ý thức con người và để lại dấu ấn mạnh mẽ lên đời sống xã hội, chúng ta cũng thấy mối quan hệ biện chứng giữa sự chuyển hóa nhanh chóng về mặt tư tưởng trong thế kỷ 16 với những phát minh, tiến bộ đạt được trong ba thế kỷ kế tiếp[2].

Thế kỷ 17 là thế kỷ của những biến đổi có ý nghĩa cách mạng về mặt khoa học, kinh tế cũng như về đời sống chính trị và tư tưởng trong xã hội[3]. Về mặt khoa học, thời gian này được định hình bởi những tư tưởng mới mẻ trong lĩnh vực toán học và cơ học được khám phá, để từ đó tác động lên mọi lĩnh vực khoa học khác. Nhưng sự tác động đó chỉ mới đạt đến một bộ phận nhỏ thuộc giới tinh hoa, chứ chưa thâm nhập được vào đại chúng, cũng chưa trở thành phổ biến rộng trong đám đông học giả. Ngay cả bản thân những người tiếp cận được nền khoa học mới cũng có một ý thức rất hạn chế. Họ say sưa nghiên cứu vì yêu thích, đam mê, chứ chưa có một viễn kiến nào về thành quả mà hậu thế có thể sẽ đạt được trong những thế kỷ tiếp theo xuất phát từ những khám phá mới mẻ của họ. Bên cạnh những nhân vật vĩ đại như René Descartes, Gottfried Leibniz, Isaac Newton v.v… còn xuất hiện rất nhiều khoa học gia có trình độ cao và có năng lực phát minh sáng chế trong nhiều lĩnh vực khác nhau như toán, thiên văn, vật lý, cơ học, hóa học, vi sinh học, y học v.v…

Thế kỷ 18, với khẩu hiệu phổ biến “thiên nhiên và lý tính”, phong cách mới mẻ trong khoa học đã thâm nhập vào số đông trong giới học giả bằng sự tương tác sống động giữa khoa học và triết học – nhiều trường hợp thì cả hai lĩnh vực tư duy đó ở trong cùng một con người. Đông đảo học giả dần dần cảm nhận được một sự chuyển hóa toàn diện sẽ đến nay mai trong thế giới khoa học. Và quả thật, điều đó cũng đã xảy ra một cách rõ rệt ở hậu bán thế kỷ 18, vốn là giai đoạn trổ hoa của trào lưu khai sáng. Một đặc tính của thế kỷ 18 là, các tiến bộ trong khoa học đã tác động mạnh mẽ lên lĩnh vực kỹ thuật. Khoa học đã tìm thấy khía cạnh ứng dụng trong kỹ thuật, nhờ thế tri thức đã biến thành công cụ, phương tiện để phục vụ sản xuất và đời sống. Hiện tượng này chúng ta có thể quan sát rõ trong ba thập niên sau cùng của thế kỷ 18, khi những phát minh quan trọng trong kỹ thuật được đem ra áp dụng trong thực tế sản xuất.

Dù xã hội chưa thừa hưởng một cách trọn vẹn thành quả của các phát minh mới, nhưng nền tảng cho các cuộc cách mạng công nghiệp, cách mạng kinh tế, cách mạng dân chủ đã được định hình vững chắc ở cuối thế kỷ 18. Nhiều phát minh mới mẻ và những sáng kiến về tư tưởng trong thời kỳ này vẫn còn giá trị trong xã hội hiện đại ở thế kỷ 21. Dưới góc nhìn đó, chúng ta khó có thể quên một vài nhân vật vĩ đại như: James Watt với việc phát minh máy hơi nước đã cống hiến lời giải cho những phương tiện sản xuất hiệu quả, làm nền móng vững chắc cho cuộc cách mạng công nghiệp; Adam Smith khởi động cuộc cách mạng kinh tế bằng những luận thuyết về thị trường tự do; Montesquieu đặt nền móng cho định chế chính trị của các quốc gia dân chủ sau này với lý thuyết tam quyền phân lập, vốn dĩ là nền móng của các nền dân chủ quan trọng nhất hiện nay trên thế giới.

Bệ phóng cho cuộc cách mạng công nghiệp, cách mạng kinh tế và cách mạng dân chủ đã được hoàn tất trong thời gian ba thập niên cuối của thế kỷ 18. Nhờ thế, bộ mặt xã hội phương Tây nhanh chóng thay đổi ngay trong các thập niên đầu tiên của thế kỷ 19. Những thành quả vĩ đại về khoa học, kỹ thuật và triết học trong thế kỷ 18 đã tạo nên một khoảng cách ngày càng dài, khó lòng lấp đầy giữa các nước phương Tây và các vùng đất còn lại trên thế giới.

Sang thế kỷ 19, nhiều kỹ thuật mới xuất hiện. Chúng là thành quả tất yếu của các phát minh khoa học trong hai thế kỷ trước. Sau hàng ngàn năm quen với sự vật lộn vì sinh kế, thuật ngữ phồn vinh[4] quả thật có thể được sử dụng lần đầu để chỉ đời sống châu Âu trong thế kỷ 19, sau khi cuộc cách mạng công nghiệp được tỏa sáng.

Nhưng yếu tố nào đã làm cho những phát minh khoa học có thể biến thành tiến bộ kỹ thuật để làm đòn bẩy cho việc tăng trưởng sản xuất? Câu trả lời thật rõ ràng: Tri thức khoa học và kỹ thuật đã thâm nhập vào đám đông. Ý thức yêu khoa học và kỹ thuật của người dân được nâng cao, cho nên lối suy nghĩ mới của học giả thời đại dễ thâm nhập đến từng con người bình thường trong xã hội, nhờ thế mới có sự tương tác hữu hiệu giữa một bên là khoa học vốn mang bản chất khái quát và bên kia là kỹ thuật với tính chất thực tiễn, để từ đó các nhà kỹ thuật sáng chế ra nhiều công cụ sản xuất hiệu quả phục vụ cho nền công nghiệp và nâng cao chất lượng sống. Khái niệm “kỹ sư” vốn đã bắt đầu xuất hiện từ cuối thế kỷ 18, nay trở thành một nghề nghiệp được trọng vọng trong thế giới khoa học và kỹ thuật.

Nếu dùng phong cách ẩn dụ để diễn tả sự phát triển khoa học tự nhiên trong ba thế kỷ, thì chúng ta có thể dùng hình ảnh người nông dân canh tác vụ mùa để so sánh: Thế kỷ 16 là giai đoạn chọn giống, ươm mầm và gieo hạt. Thế kỷ 17 chứng kiến sự đâm chồi và cây cối bắt đầu nảy nở tạo thêm cảm hứng cho mọi người tiếp tục chăm bón. Thế kỷ 18 là giai đoạn phát triển mạnh mẽ, cành lá đã thành hình, nụ hoa đã sum suê và người ta có thể hy vọng một vụ mùa thu hoạch lớn sắp tới. Sau cùng đến cuối thế kỷ 18, và kéo dài suốt thế kỷ 19, là thời đại của sự đơm hoa kết trái mà con người có thể gặt hái về làm giàu cho đời sống xã hội. Nước nào theo kịp đà tiến hóa này, nước đó có may mắn sớm đạt đến phồn vinh cao. Trong thực tế, đa số các quốc gia nhạy bén đi trước đã giữ vững vị trí dẫn đầu cho đến bây giờ.

Hầu hết tất cả những thành quả mà chúng ta hưởng hôm nay, đều có nguồn gốc từ ba thế kỷ nói trên. Một thí dụ cụ thể: không có sự phát minh về năng lượng điện bởi William Gilbert từ đầu thế kỷ 17, sau đó được triển khai và đưa vào ứng dụng từ giữa thế kỷ 18 bởi Franklin, Galvani, Volta v.v…, thì cũng khó lòng có ngành vi điện tử vào thế kỷ 20, cũng sẽ không có computer, internet; từ đó, những ứng dụng quen thuộc hiện nay như điện thoại thông minh, Youtube, Facebook vẫn chỉ là những giấc mơ. Thí dụ thứ hai: Nếu không có lý thuyết về hệ thống nhị phân và mã hóa số nhị phân (binary number coding) của Leibniz vào cuối thế kỷ 17, thì chắc hẳn chúng ta khó lòng thiết kế được những máy tính điện tử hiện đại trong thế kỷ 20.

Để đánh giá tác động của khoa học và kỹ thuật trong trào lưu khai sáng, chúng ta thử phóng tầm mắt về vài thế kỷ trước đó. Trong thế kỷ 15, sự chênh lệch về mặt tư tưởng, ý thức, tri thức cũng như về mức độ phồn vinh giữa châu Âu và các lục địa khác chưa nhiều. Nhưng chỉ 300 năm sau, đến thế kỷ 19 thì sự chênh lệch ấy đã trở nên rõ rệt và khoảng cách giữa hai thế giới, một bên là châu Âu, Bắc Mỹ và bên kia là các lục địa khác dường như khó lòng được lấp kín. Tất cả đều xuất phát từ sự chuyển biến tư tưởng và phong cách nghiên cứu bắt đầu từ thời đại hậu phục hưng, dẫn đến những thành quả lớn lao đạt được trong thời đại khai sáng, trong đó phương pháp tư duy đóng vai trò then chốt, lối suy nghĩ tự do đã nâng cao tính sáng tạo, vun bồi sức sống cho các khoa học gia với những phát triển vũ bão của khoa học và kỹ thuật để làm giàu cho xã hội.

Bảng thống kê sau đây, dù mang tính chất tương đối nhưng có thể tham khảo để thấy tác dụng của trào lưu khai sáng lên một số quốc gia và so sánh với các quốc gia khác, nơi trào lưu khai sáng chưa có nhiều ảnh hưởng:

Thu nhập đầu người (GDP per capita) từ năm 1500 đến 1913.

Đơn vị: US$, sức mua so sánh (PPP) quy chiếu vào năm 1990 ở New York[5].

 

                         1500                1600                1700                1820                1913

 

Anh                  714                  974                  1250                1707                4921

Hà Lan            754                  1368                2110                1821                4049

Pháp                727                  841                  986                  1230                3485

Đức                  676                  777                  894                  1058                3648

Ý                       1100                1100                1100                1117                2564

Tây Âu             774                  894                  1024                1232                3688

 

Hoa Kỳ            400                  400                  527                  1257                5301

Nam Mỹ          416                  437                  529                  665                  1511

Trung Hoa      600                  600                  600                  600                  552

Nhật                 500                  520                  570                  665                  1387

                                                                                                                                                                  
Nguồn: Xem A. Maddison, thống kê trang 264.

 

Qua bảng thống kê trên, chúng ta có thể rút ra một vài kết luận liên quan đến tác dụng của trào lưu khai sáng, đặc biệt từ các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, lên phồn vinh người dân ở các quốc gia khác nhau. Ở đây, chúng ta chú trọng xét riêng hai thế kỷ từ năm 1600 đến 1800:

Hà Lan, xứ Tin Lành nhỏ bé này phát triển nhanh nhất, điều rất phù hợp với chế độ chính trị khoan dung nhất ở châu Âu lúc ấy. Với niềm hưng phấn do công cuộc giải phóng khỏi Tây Ban Nha mang lại, tư tưởng khai sáng được tiếp thu ở đó rất đa dạng, mọi tác phẩm của trào lưu khai sáng bị cấm ở các nước khác, đều được cho phép in và phát hành tại Hà Lan, trong đó vai trò lịch sử của nhà xuất bản Elsevier xứng đáng được gọi là công đầu; học giả của nước nào bị truy lùng vì tư tưởng khai sáng, đều được nhà nước Hà Lan cưu mang: John Locke, René Descartes, Pierre Bayle là vài thí dụ. Hà Lan với những thử nghiệm tiên phong về tự do và khoan dung đã được đền bù tương xứng: Đến cuối thời đại khai sáng, Hà Lan có thu nhập đầu người cao nhất châu Âu.

Tại Ý, sau thế kỷ huy hoàng trong thời đại phục hưng đã đưa Ý lên vị trí dẫn đầu châu Âu, thì các tư tưởng mới mẻ của trào lưu khai sáng dường như khó lòng phát triển ở Ý. Lý do có thể là, giáo hội và Giáo Hoàng vẫn còn ngự trị ở La Mã, vì thế tư tưởng của học giả khó lòng vượt qua khuôn khổ gò ép của thần học Công giáo. Nước Ý từ vị trí số một của châu Âu trong thời đại phục hưng, giờ dẫm chân tại chỗ suốt 300 năm. Mãi đến khi cuộc cách mạng công nghiệp phát triển khắp nơi, Ý mới bắt đầu tiến lên để từ từ đuổi theo các nước khác.

Hoa Kỳ là một quốc gia đặc biệt, mới được thành lập cuối thế kỷ 18, nhưng đã tiếp thu đầy đủ tinh thần khai sáng của châu Âu. Hoa Kỳ là quốc gia dân chủ đại nghị đầu tiên trên thế giới[6]. Hiến pháp của họ lấy cảm hứng từ tư tưởng khai sáng, vì thế đã trở thành nguồn tham khảo cho hiến pháp các nước khác khi thành lập các định chế dân chủ. Học giả Hoa Kỳ tiếp thu có chọn lọc triết lý chính trị của John Locke, Jean Jacques Rousseau và Montesquieu để xây dựng thể chế chính trị hiện đại. Được lãnh đạo bởi những nhà khai sáng hàng đầu như chính trị gia Thomas Jefferson, nhà phát minh khoa học Benjamin Franklin, Hoa Kỳ tiếp thu rất nhanh chóng các thành quả triết học, khoa học và kỹ thuật của trào lưu khai sáng, biến chúng thành các định chế chính trị dân chủ, từ đó mở đường cho các chính sách kinh tế, phương pháp hoạt động và sản phẩm thực tiễn phát triển hơn để phục vụ cho con người và xã hội.

Hơn nữa, sau khi trở thành độc lập đối với Anh, nước Mỹ từ chối chế độ phong kiến, giữ thái độ độc lập với giáo hội Công giáo và tách rời ảnh hưởng của tôn giáo ra khỏi guồng máy chính trị. Tinh thần tự do của Hoa Kỳ là yếu tố quan trọng hàng đầu để nâng cao lực lượng sản xuất và năng suất toàn xã hội. Chỉ hơn một thế kỷ sau khi lập quốc, họ đạt được mức thu nhập đầu người hơn hẳn các nước châu Âu và tiếp tục phát triển để trở thành cường quốc số một cho đến ngày nay.

Tại châu Á, Nhật Bản dẫm chân tại chỗ suốt 200 năm và bắt đầu có tăng trưởng trong thế kỷ 18, dù rất khiêm tốn. Mãi đến lúc triết lý khai sáng được Fukuzawa Yukichi đưa vào chính sách xây dựng quốc gia dưới triều đại Minh Trị Thiên Hoàng (Meiji Tenno từ 1867-1912), Nhật Bản mới nhanh chóng bắt kịp các nước phương Tây chỉ sau một nửa thế kỷ.

Trong lúc đó ở Trung Hoa, nhà Minh suy tàn để cho nhà Mãn Thanh bắt đầu thống trị Trung Nguyên và đi chinh phục các nước chung quanh. Về mặt tư tưởng, Trung Hoa vẫn duy trì hệ tư tưởng khép kín với tư duy trực giác từ ngàn xưa. Dù Thanh Triều đã xây dựng nên một đế chế lớn nhất lịch sử với vùng đất rộng hơn 13 triệu cây số vuông, nhưng họ lại áp dụng chính sách bế quan tỏa cảng, cắt đứt mọi giao tiếp với bên ngoài làm kìm hãm sự phát triển, tiếp tục tình trạng nghèo nàn lạc hậu trong suốt thời gian dài đến hậu bán thế kỷ 20, mặc dù trước đó, họ đã có một nền văn minh rực rỡ lâu đời.

Cũng qua thống kê của Angus Maddison, chúng ta thấy rằng, trong thời gian dài từ năm 1000 đến 1500, mọi quốc gia đều nghèo nàn lạc hậu như nhau, sức mua so sánh (PPP) dao động ở khoảng 400 – 450 US$ mỗi năm ở khắp mọi vùng trong suốt 1000 năm[7]. Sự chênh lệch giữa châu Âu và các nơi khác chỉ bắt đầu xuất hiện một cách mờ nhạt ở điểm uốn lịch sử đâu đó vào đầu thế kỷ 16. Từ đó cho đến giữa thế kỷ 19, trong lúc châu Á dẫm chân tại chỗ với hệ tư tưởng khép kín đã có từ ngàn xưa và một nền khoa học phi thực nghiệm, thì hệ tư tưởng châu Âu đã đảo lộn tận gốc, bắt đầu từ giả tư duy trực giác để từng bước xây dựng hệ thống suy luận logic, làm bệ phóng cho những tiến bộ vô tiền khoáng hậu trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và kinh tế vốn dĩ được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ các định chế chính trị lấy tự do và dân chủ làm gốc.

Tiếc thay, nền giáo dục của Việt Nam hiện nay không đào tạo thật căn bản về tiến trình phát triển văn minh phương Tây để tạo cảm hứng cho thanh niên sinh viên tiếp cận thâm sâu và học hỏi những kinh nghiệm quý báu của thời đại khai sáng, vốn dĩ là giai đoạn quan trọng nhất trong lịch sử văn minh loài người.

Nguồn gốc sâu xa của các tiến bộ vũ bão trong thời đại khai sáng là phương pháp luận mà các nhà khoa học, với sự tác động mạnh mẽ của triết gia đương thời, sớm nhận thức để biến chúng thành kim chỉ nam hướng dẫn các hoạt động nghiên cứu.

Mọi sự bắt đầu bằng sự giải phóng tư tưởng con người ra khỏi tù túng của giáo điều ý thức hệ để tự đào luyện cho mình một phong cách tự chủ về mặt tư tưởng, từ đó tinh thần sáng tạo được nâng cao. Trong nhiều khía cạnh, sự phát triển tốt đẹp đó có thể ít nhiều mang tính chất ảo tưởng. Tuy nhiên, khi sự chuyển hóa tư tưởng đã lây sang phạm vi phát minh khoa học và kỹ thuật, thì tác dụng của chúng không còn mang tính chất viển vông nữa, vì những khám phá của họ, vốn dĩ bắt đầu tràn ngập trong thế kỷ 17, đã trở thành hiện thực và tác động trực tiếp đến đời sống hàng ngày, cho dù một vài khám phá của họ nhiều lúc vẫn mơ hồ và chưa được người đương thời am hiểu thấu đáo[8]. Tuy nhiên, các sáng kiến về khoa học và kỹ thuật nhiều lúc cũng xuất phát từ những phỏng đoán viễn vông; nếu không có chúng thì làm sao có được những khám phá vĩ đại mang tính chất biến đổi hệ hình? Và trong thực tế vẫn tồn tại nhiều công trình đáng giá mà trong điều kiện của thế kỷ trước còn bị xem là viển vông, chưa đủ chín mùi để giải quyết.

Về mặt phương pháp luận trong nghiên cứu khoa học, thế kỷ 17 chứng kiến những bước đi vững chắc, mặc dù chưa được phổ biến rộng. Mỗi một hiện tượng thiên nhiên quan sát được, người ta thích đặt nghi vấn. Người ta đặt ra những câu hỏi chưa hề được trả lời. Và làm sao có thể trả lời trong trình độ hiểu biết của thế kỷ 17? Chẳng hạn, chân không có hiện hữu hay không? Tại sao trong trái cây có sâu bọ? Tại sao có loài cá phát lân tinh khi chúng ở trong nước, nhưng ra ngoài khí trời thì không? Chồi cây nảy nở thế nào giữa thân và lá, cành? Tại sao trái táo rụng xuống đất? Tại sao ánh sáng mặt trời không có màu, nhưng qua một lăng kính thủy tinh lại lóng lánh nhiều sắc?

Trước đây người ta tin rằng, Thượng Đế sinh ra như thế, giống như đã sinh ra loài người với các bộ phận tinh vi trong cơ thể. Cách thức con người đi, đứng, ăn uống đã được Thượng Đế định đoạt. Trước đây, không ai thắc mắc, và nếu ai có hoài nghi đặt vấn đề thì cũng thường bị chế giễu. Giờ đây, với phương pháp suy luận mới “quan sát – thử nghiệm – phán đoán và kết luận”, người ta nghiên cứu và nghiên cứu. Không cần phòng thí nghiệm và áo choàng trắng, người ta vẫn nghiên cứu. Nếu không có thiết bị, người ta tự tạo lấy thiết bị và nghiên cứu. Với tinh thần suy luận và phong cách hành xử mới, khoa học gia đã khám phá biết bao điều ích lợi cho cuộc sống con người.

Giáo sư Paul Hazard đề cập đến một truyền thuyết nổi tiếng về Newton: Khi ông ngồi đọc sách dưới cây táo trong vườn nhà, bỗng nhiên thấy trái táo rơi xuống đất và tự hỏi, điều gì đã khiến nó rơi xuống. Câu hỏi xem ra có vẻ „ngớ ngẩn“, nhưng cách đặt vấn đề của Newton là một phương cách suy luận mới mẻ. Mọi chuyện khởi đầu bằng sự quan sát hiện tượng thực tế, rồi với sự hỗ trợ của lý trí để tìm cách cắt nghĩa hiện tượng bằng những bước đi kế tiếp có tính chất kiểm nghiệm: đó chính là cách diễn đạt rõ ràng về định luật của khoa học mà giới học giả thế kỷ 17 bắt đầu từng bước xây dựng[9]. Từ câu hỏi „ngớ ngẩn“ đó mà Newton có sáng kiến nghiên cứu thêm để cuối cùng hiểu thấu đáo các nguyên lý của trọng lực[10] (Gravity), sau đó khám phá ba định luật căn bản về chuyển động của vật chất[11], một bước đi ngàn dặm trong việc kiến tạo ngành cơ học cổ điển.

Bên cạnh phương pháp quan sát – thử nghiệm để đi đến chân lý, giới nghiên cứu còn được trang bị phương pháp và công cụ toán học để chứng minh các luận đề. Khi nguyên nhân của một hiện tượng vật lý đã được xác định, người ta có xu hướng sử dụng công cụ toán học để diễn đạt tác động của nó ra thế giới bên ngoài. Và khi quá trình chứng minh bằng toán học đã hoàn tất, không còn gì để hoài nghi, thì việc khám phá tác động này trong thiên nhiên đã trở thành luận chứng cho sự đúng đắn của việc tìm thấy nguyên nhân của hiện tượng. Thời kỳ dùng phương pháp diễn giải bằng lời để chứng minh một giả thuyết khoa học đã vĩnh viễn chấm dứt, thay vào đó, việc chứng minh một giả thuyết phải theo quy tắc chính xác của các định luật thiên nhiên, có sử dụng các công cụ toán học vốn dĩ đã trở thành ngôn ngữ của khoa học[12]. Đấy là sự thắng thế của tinh thần thực nghiệm trong các công trình nghiên cứu khoa học tự nhiên, với sự hỗ trợ của toán học làm công cụ để nghiên cứu.

Bên cạnh sự thắng thế của phương pháp luận, sự phát triển khoa học được sự hỗ trợ bởi một khung hoạt động mới mẻ: các viện hàn lâm, viện nghiên cứu quốc gia và các hiệp hội khoa học thuộc mọi cấp bậc từ vương triều đến tư nhân.

Thế kỷ 17 cũng chứng kiến những nỗ lực đầu tiên của các vương triều đưa khoa học vào các hoạt động thuộc cấp quốc gia. Những nỗ lực đó đã trở thành hiện thực phổ biến trong thế kỷ 17 và 18 với sự thành lập các viện hàn lâm thuộc nhà nước và các hiệp hội khoa học được thành lập bởi nhà nước cũng như tư nhân. Viện hàn lâm Pháp (Académie Française) thành lập năm 1635, Hàn lâm viện Khoa học Quốc gia Đức (Nationale Akademie der Wissenschaft zu Halle) năm 1652, Hội đồng Hoàng gia Anh (Royal Society) năm 1660 là những mẫu mực đầu tiên và vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay trong thế kỷ 21. Những tổ chức này kích thích sự chú ý và đánh thức các hành động hỗ trợ từ những nhà chuyên chế ở cấp cao nhất. Điều đáng ca ngợi là, các tổ chức này ngay từ đầu đã định hướng đi rất rõ ràng, không những hỗ trợ các phát minh mới, mà còn tổ chức việc nghiên cứu thực nghiệm, sử dụng các tri thức mới cho những áp dụng thực tiễn trong đời sống[13], mở đường cho cuộc cách mạng công nghiệp từng bước được thành hình.

Thời đại khai sáng quả đúng là một thời đại của các viện hàn lâm. Mặc dù lúc đầu chỉ với một số ngành hạn chế như y khoa, nông nghiệp và văn chương, nhưng sự thành lập các Viện Hàn Lâm đã gợi cảm hứng cho giới khoa học gia, đánh dấu một giai đoạn mới trong nỗ lực tìm kiếm, phát minh. Người ta ghi nhận rằng, trong suốt một thế kỷ từ 1660 đến 1760, trung bình mỗi thập niên chỉ có 60 bằng phát minh; nhưng từ 1760 đến cuối thế kỷ, trung bình mỗi thập niên có đến 325 bằng sáng chế được ghi nhận[14]. Phát minh kỹ thuật quan trọng nhất tất nhiên là máy hơi nước của James Watt được cấp bằng sáng chế vào năm 1769, mở đầu cho giai đoạn thay đổi tận gốc quá trình sản xuất công nghiệp. Lao động tay chân trong mọi ngành dần dần được thay thế bằng máy móc, làm phát sinh những thành quả to lớn về kinh tế đi kèm với những hệ lụy không nhỏ hơn về mặt xã hội. Nhưng dù sao, với máy hơi nước, cuộc cách mạng công nghiệp ở châu Âu đã đi vào một khúc quanh mới.

Tôn Thất Thông

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Brinton, Crane, Christopher, John B. và Wolff, Robert Lee: A history of civilization – 1715 to the present. ISBN 0-13-389593-9. (Lịch sử văn minh – 1715 đến hôm nay).

  2. Challoner, Jack: 1001 Inventions that changed the world. ISBN 978-1-84403-611-0. (1001 phát minh thay đổi thế giới).

  3.  Gay, Peter: The enlightenment: An Interpretation. The science of freedom (Dẫn luận về khai sáng – Khoa học của tự do). ISBN 0-393-00875-4.

  4.  Hazard, Paul (1): Die Krise des Europäischen Geistes 1680-1715 (Khủng hoảng lương tâm ở châu Âu 1680-1715). NXB Hoffmann und Campe Hamburg 1939 (Harriet Wegener dịch từ tiếng Pháp: La Crise de la Conscience Européenne 1680-1715).

  5.  Hazard, Paul (2): European Thought in the Eighteenth Century (Tư tưởng châu Âu thế kỷ 18). Pelican Book 1965 (J. Lewis May dịch từ tiếng Pháp: La Pensée européenne au XVIIIè siècle: de Montesquieu à Lessing).

  6.  Hill, Christopher: Reformation to Industrial Revolution. ISBN 0-1402-0897-6. (Từ cải cách tôn giáo đến cách mạng công nghiệp).

  7.  Im Hof, Ulrich: Das Europa der Aufklärung (Châu Âu trong thời đại khai sáng). ISBN 3-406-37091-8.

  8.  Kuhn, Thomas S.: Die Struktur wissenschaftlicher Revolution (Cấu trúc của cách mạng khoa học). ISBN 3-518-07625-6 (Kurt Simon dịch từ tiếng Anh: The structure of scientific revolution)

  9.  Maddison, Angus: The World Economy – Volume I & II (Kinh tế thế giới – Tập I và II). ISBN 92-64-02261-9.

  10.  Pleticha, Heinrich (1) chủ biên và nhiều tác giả: Aufklärung und Revolution – Europa in 17. und 18. Jahrhundert (Khai sáng và Cách mạng – Châu Âu trong thế kỷ 17 và 18). ISBN 3-577-15008-4 (Bertelsmanns Weltgeschichte – Band 8).

  11.  Pleticha, Heinrich (2) chủ biên và nhiều tác giả: Reformation und Gegenreformation 1517-1648 (Cải cách tôn giáo và chống cải cách 1517-1648). ISBN 3-570-00955-6 (Bertelsmanns Deutsche Geschichte – Band 6).

  12.  Porter, Roy (1): Enlightenment – Britain and the creation of the modern world (Khai sáng – Anh quốc và sự thành lập thế giới hiện đại). ISBN 0-14-025028-X.

  13.  Porter, Roy (2): Kleine Geschichte der Aufklärung (Lịch sử ngắn về Khai sáng – Ebba D. Drolshagen dịch từ tiếng Anh: The enlightenment, xuất bản 1990). ISBN 3-8031-2192-2.

  14.  Störig, Hans Joachim: Weltgeschichte der Wissenschaft (Lịch sử khoa học thế giới). ISBN 3-89350-519-9.

  15.  Wendel, Günter chủ biên và nhiều tác giả: Naturwissenschaftliche Revolution im 17. Jahrhundert (Cách mạng khoa học tự nhiên trong thế kỷ 17). ISBN 3-326-00386-2.

  16.  Westfall, Richard: Isaac Newton. ISBN 978-0199-21355-9.

CHÚ THÍCH

[1] Xem R. Porter (2) trang 23.

[2] Xem H. J. Störig trang 301-302.

[3] Xem thêm G. Wendel – Regina Meyer, trang 55.

[4] Phồn vinh trong thế kỷ 19 vốn là tiến bộ to lớn trong lịch sử nhân loại, nhưng nó cũng đi kèm với chênh lệch giàu nghèo, bất công xã hội ở mức độ khó tả.

[5] Phương pháp thống kê của A. Maddison là tính GDP trên đầu người theo sức mua so sánh (PPP) với sự qui chiếu về thời điểm 1990 ở New York. Lúc đó, 400 US$ là nhu cầu tối thiểu để sinh sống, vừa đủ ăn, áo quần giản dị, ở nhà thuê xây bằng vật liệu thô sơ (xem hàng Hoa Kỳ, cột 1600, lúc người châu Âu chưa đặt chân đến).

[6] Trên quan điểm lịch sử, Anh là quốc gia dân chủ đầu tiên, nhưng chỉ là hình thức. Lúc ấy, Vương quốc Anh vẫn còn giữ chế độ quân chủ. Ngoài ra, những qui định ứng cử và bầu cử làm cho thành phần nghị viên chỉ đại diện cho một tầng lớp thiểu số. Trong lúc Hoa Kỳ ngay từ đầu đã thành lập chế độ dân chủ đại nghị (ngoại trừ người da đen phải đợi đến thập niên 1960 mới được hưởng quyền bình đẳng).

[7] Xem A. Maddison, thống kê trang 264.

[8] Xem U. Im Hof trang 172.

[9] Xem P. Hazard trang 364-365.

[10] Thực ra, trọng lực trái đất đã được hai khoa học gia khác đặt giả thuyết rất sớm: Giovanni Alfonso Borelli (Ý) năm 1666 và Robert Hooke (Anh) năm 1666, nhưng chỉ mới là giả thuyết chứ chưa tìm được câu trả lời. Không sử gia khoa học nào biết sáng kiến của hai vị này ảnh hưởng thế nào lên quá trình nghiên cứu của Newton.

[11] Xem đề mục „Isaac Newton, nhà khoa học đa dạng“.

[12] Xem Franz-Josef Teufel trong H. Pleticha (1), trang 184.

[13] Xem G. Wendel – Martin Guntau, trang 12.

[14] Xem P. Gay trang 9-10

 

Bài viết này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Đặng Xuân Hải
Mai Thị Như Thảo
Hồ Đông Thụ
Lê Trung Thu
Nguyễn Hữu Ý