- Tác giả: Vũ Minh Khương
- Năm xuất bản: 2011
- Đơn vị xuất bản: Tri Thức
Sinh ra ở đời, ai cũng có ước mơ. Ước mơ không chỉ là kim chỉ nam cho mục tiêu hướng tới mà còn là động lực mạnh mẽ thôi thúc người ta vượt qua mọi trở ngại trên hành trình cuộc đời của mình. Trong muôn vàn ước mơ của mình, người Việt Nam ta, có lẽ ai cũng chia sẻ và thôi thúc bởi một ước mơ chung được khao khát từ ngàn đời về một dân tộc ngẩng cao đầu, một quốc gia phồn vinh, một xã hội chứa chan tình yêu thương và ý thức trách nhiệm trong sự sâu sắc về đạo lý và anh minh về công lý. Những hy sinh vô bờ bến của biết bao thế hệ người Việt Nam trong hàng nghìn năm qua là những minh chứng mạnh mẽ về sức mạnh vô song của dân tộc trong thực hiện ước mơ mãnh liệt này. Thế nhưng, xót xa thay, người Việt Nam ta, trong hòa bình và trước những cơ hội lớn lao cho phát triển, thường lại thấp kém đi một cách kỳ lạ. Hạn hẹp về tầm nhìn, yếu mềm về bản lĩnh, say sưa với phô trương, mê mẩn với danh tước, vụ lợi cá nhân bất chấp những tổn thất khôn lường của cộng đồng và đất nước. Bởi vậy, có một nghịch lý là, dường như khi đất nước càng có nhiều thuận lợi, con đường đi đến ước mơ chung của dân tộc càng dài ra với nhiều gian khó trắc trở mới do chính chúng ta tạo ra (cho dù hầu như không ai trong chúng ta thấy trong đó có phần lỗi của mình).
Sự tồn tại và thắng thế của nghịch lý này có căn nguyên từ ba yếu tố có liên quan tương tác khăng khít với nhau. Đó là, Khiếm khuyết trong tư duy phát triển của xã hội, Hạn chế trong phẩm chất hợp tác của cộng đồng, và Tính thiếu ưu tú của bộ phận tinh hoa.
Khiếm khuyết trong tư duy phát triển của xã hội thể hiện ở sự thiên lệch coi phát đạt cao hơn phát triển. Phát đạt là sự gia tăng về thu nhập, nâng cấp về điều kiện vật chất (như của cải dự trữ, nhà cửa, trang thiết bị, và hạ tầng cơ sở), và mở rộng về thanh thế- quan hệ. Trong khi đó, phát triển được đo bằng tính tự trọng chính mình và lòng tôn trọng người khác, tầm nhìn và khả năng sáng suốt trong tổng hợp thông tin để ra các phán xét và quyết định, biết trân trọng cái mình đang được hưởng, và ý thức tự đánh giá lại mình trong trách nhiệm với bản thân, tập thể, và xã hội. Trong khi phát đạt có thể được tạo ra nhờ những nỗ lực nhất thời hoặc may mắn, phát triển tạo nên nền tảng căn bản có tính cấu trúc cho một sự thịnh vượng lâu dài. Thiên lệch về phát đạt, coi nhẹ phát triển, có thể làm mạnh lên những yếu tố đi ngược lại sự phát triển, gây nguy cơ tiềm ẩn cho sự suy tàn. Đây cũng chính là lý do mà nhiều gia đình phát đạt mà con cái hư đốn; nhiều công ty ăn nên làm ra một thời mà bị sa lầy vào đấu đá nội bộ hoặc các thương vụ làm ăn chụp giật phi pháp; đất nước có tăng trưởng cao mà nền tảng phát triển lâu dài mỗi ngày một suy yếu.
Bộ phận tinh hoa đại diện bởi các chính trị gia, các nhà lãnh đạo, giới trí thức và doanh nhân đóng một vai trò quyết định trong thúc đẩy công cuộc phát triển của một xã hội. Họ có những khả năng tiềm tàng trong việc tạo nên những thông điệp và động lực mạnh mẽ giúp toàn xã hội vượt qua hai trở ngại lớn nói trên của một tiến trình phát triển – thiên lệch về phát đạt, coi nhẹ phát triển và thiếu phẩm chất hợp tác cộng đồng cho những mục tiêu lớn.
Thế nhưng, cũng chính bộ phận tinh hoa này, do sự thiếu ưu tú của mình, họ có thể sa lầy vào hai khuyết tật nói trên và trở thành trở lực trong con đường cải biến phát triển để đi đến phồn vinh của dân tộc. Sự ưu tú của bộ phận tinh hoa thể hiện ở ba thước đo chủ yếu: khát vọng dân tộc; ý chí học hỏi tinh hoa nhân loại; và ý thức tìm chân lý từ thực tế với tinh thần cầu thị chân thành và sâu sắc trong tiếp nhận các ý kiến phản biện để không ngừng hoàn thiện những nỗ lực đóng góp cho đất nước của mình.
Ý thức rõ những khó khăn trở ngại nêu trên, với tinh thần “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách,” tác giả biên soạn quyển sách này để chia sẻ cùng bạn đọc những suy tư, trăn trở nhằm góp sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chung biến khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam ta thành hiện thực huy hoàng trong nửa đầu của thế kỷ 21. Quyển sách này là tập hợp có hệ thống các bài viết trong thời gian qua của tác giả trên các báo trong nước, theo bốn chủ đề: Ước mơ không bao giờ tắt (Chương 1), Những trăn trở khôn nguôi (Chương 2), Tìm chân lý từ thực tế cuộc sống (Chương 3), và Lớp trẻ và gánh nặng tương lai (Chương 4). Lời kết của quyển sách chia sẻ với bạn đọc đôi lời tâm huyết và chiêm nghiệm từ cuộc sống.
Nguồn: Vũ Minh Khương (2011), Việt Nam hành trình đi đến phồn vinh. TPHCM: Tri Thức. Trích lược Lời mở đầu
_________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được sưu tầm,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7
Phan Thị Lan Anh
Nguyễn Phú Đức
Nguyễn Hoàng Huy
Nguyễn Trọng Khương
Nguyễn Thị Diệu Linh
Phạm Thị Thanh Nguyên