• Tác giả: Hans Rosling, Ola Rosling, Anna Rosling Ronnlund
  • Năm xuất bản: 2019
  • Dịch giả: Trần Thị Kim Chi, Hà Kim Ngân
  • Đơn vị xuất bản: NXB Trẻ

Có bao nhiêu thế giới? Với tôi, có bao nhiêu người đang sống thì có bấy nhiêu thế giới và tôi tin chắc thế giới mà bạn nhìn sẽ khác với thế giới mà tôi nhìn.

Vậy chúng ta đang sống trong những thế giới khác nhau hay điều chỉnh đã khiến cả bạn và tôi đều không xác định được đâu là thực tế (Factfulness)?

Trong cuốn sách “Tư duy nhanh và chậm” của tác giả Daniel Kahneman có nhắc đến hệ thống tư duy nhanh của con người - đó là những trực giác, những bản năng của con người giúp chúng ta có thể sinh tồn trong thế giới, giúp chúng ta có thể phản ứng nhanh trước các yếu tố tác động từ môi trường xung quanh. Hệ thống tư duy nhanh giúp chúng ta sống sót nhưng cũng mang đến cho chúng ta không ích phiền toái như “nhìn mặt mà bắt hình dong", dễ bị dẫn dắt bởi các ấn tượng, “vô cảm" với các con số, chỉ thấy mặt tích/ tiêu cực… Đây là những Human Error tự nhiên của con người. Và chính trực giác và bản năng của mỗi người đã phản ánh thực tế thành thế giới mà chúng ta đang nhìn và nghĩ.

Cuốn sách Factfulness (Sự Thực Tế) của tác giả Hans Rosling và cộng sự đã nêu ra 10 bản năng tự nhiên của con người trong việc biến đổi Factfulness thành thế giới của mỗi chúng ta. Ông trình bày và minh chứng sự hạn chế của bản năng và trực giác của con người thông qua các nội dung liên quan đến những vấn đề toàn cầu như dân số, dịch bệnh, thu nhập, tình trạng sinh, tình trạng tử… với các dữ liệu được phân tích đa chiều để giúp độc giả không chỉ nhận ra sự hạn chế của trực giác mà còn giúp độc giả hiểu thêm về các vấn đề toàn cầu với con mắt nhìn nhận sự thực tế.

Sach K7 N218 Content1
Hình 1: 10 lý do khiến chúng ta nhìn nhận sai về thế giới
(nguồn: https://professornerdster.com/synopsis-of-factfulness/)

Cuốn sách nêu ra 10 bản năng/ trực giác của con người gồm:

  1. Gap Instinct (bản năng về phân cực)

Chúng ta thường có khuynh hướng nhìn nhận mọi việc theo 2 hướng tốt hoặc xấu, cao hoặc thấp, giàu hoặc nghèo… và chúng ta cũng thường hay diễn giải mọi việc theo con số trung bình hoặc theo một con số tuyệt đối. Bản năng của chúng ta chỉ có khả năng nhìn nhận sự việc một cách “đơn nhiệm" với chỉ một tiêu chí và tự động chia về 2 cực hoặc đưa ra một con số trung bình làm đại diện hoặc một con số tuyệt đối làm đại diện.

Sach K7 N218 Content2
Hình 2: Bản năng phân cực và phân tích theo nhóm (Nguồn: https://saima.substack.com/)

Việc phân chia thế giới thành 2 cực về bản chất chỉ là 2 trong số nhiều nhóm (group) khác nhau như trong hình 2. Để vượt qua bản năng phân cực, chúng ta cần có thêm các tiêu chí phân nhóm các đối tượng liên quan để phân tích, khi phân nhóm chúng ta phải đưa thêm quy mô của mỗi nhóm vào để có cái nhìn đa chiều về một sự việc và từ đó tìm ra thực tế.

Sự quyến rũ và đơn giản của “Số trung bình" hoặc con số tuyệt đối cũng là một thứ khiến chúng ta dễ bị dẫn dắt và bản năng phân cực này. Với số trung bình, bản năng cố gắng đơn giản hóa các nhóm, gom các nhóm vào thành một nhóm đại diện dẫn đến chúng ta không còn thấy thực tế nữa. Điều tương tự với con số tuyệt đối.

  1. Negativity instinct (bản năng chú ý những điều tiêu cực)

Bản năng sinh tồn giúp con người chúng ta có thể sống sót và phát triển. Bản năng sinh tồn khiến chúng ta tập trung vào những thông tin/ tín hiệu tiêu cực mà bỏ lỡ nhiều tín hiệu khác. Như hình 3, bản năng về những điều tiêu cực sẽ chỉ tập trung thấy và lưu lại những điều tiêu cực, nguy hiểm mà bỏ lỡ những vạch xanh đi lên. Những tín hiệu tiêu cực này được não bộ “bỏ thêm vào trọng số cảm xúc" nên những mũi tên đen trở nên to lớn hơn, lấn át những đường màu xanh.

Sach K7 N218 Content3
Hình 3: Bản năng chú ý những điều tiêu cực (Nguồn: www.anesu927.medium.com)

Để vượt qua bản năng này, sách gợi ý một số cách như phương cách gồm bad & better - những tin có thể tệ, nhưng vẫn có thứ tốt hơn, nhưng cũng không hẳn là tốt nhưng chắc chắn các thứ đó có gì đó tốt hơn so với trước đây. Cách thứ hai là tìm kiếm các thông tin tích cực. Báo chí thường thu hút và dẫn dắt người dùng bằng những tin “nóng", tệ, nguy hiểm… nên chúng ta ít thấy các tin tốt. Chúng ta có thể thử tìm kiếm xung quanh những tin tích cực.

  1. The straight line instinct (bản năng về đường thẳng)

Bản năng về tư duy đường thẳng thể hiện con người thường có xu hướng nghĩ rằng mọi xu hướng sẽ tiếp tục đi thẳng về phía trước (có thể là đường thẳng tăng hoặc giảm) và hầu như không có bất cứ một cảm giác nào về việc các xu hướng có theo S-line, đi ngang, đổi hướng, đa hướng…

Sach K7 N218 Content4Hình 4: Sự khác biệt giữa bản năng và thực tế về các đường xu hướng
(Nguồn: https://saima.substack.com/)

  1. The fear instinct (bản năng về những nỗi sợ hãi)

Liên quan đến Negativity Instinct (2), bản năng sinh tồn khiến chúng ta luôn bị thu hút và “làm quá" với một số yếu tố, thông tin gây “sợ hãi". Mỗi chúng ta sẽ có một trải nghiệm khác nhau nên trọng số sợ hãi sẽ được “phân bổ” khác nhau với các yếu tố mà mỗi người tiếp nhận. 3 trong số nhiều yếu tố kích thích bản năng sợ hãi gồm những yếu tố liên quan đến những nguy hiểm vật lý như bạo động, hành động bạo lực,v.v… Thứ hai là các yếu tố liên quan đến việc mất kiểm soát, mất tự do, giam giữ, bẫy, vào tù… Cuối cùng là các yếu tố liên quan đến dịch bệnh…

Như hình số 5 minh hoạ, vì bản năng nhạy cảm với các yếu tố kích thích bản năng sinh tồn nên chúng ta không thấy được giải pháp như hình bên phải (hình chìa khóa, thay vì hàm cá sấu).

Sach K7 N218 Content5
Hình 5: Sự khác biệt giữa bản năng sợ hãi và thực tế
(Nguồn: https://saima.substack.com/)

Vì thế để nhìn nhận đúng sự thật, chúng ta cần phân biệt giữa “Frightening" - sợ hãi với “Dangerous" - nguy hiểm. “Something frightening" - thứ khiến chúng ta sợ hãi - thường là những nguy hiểm ở mặt nhìn nhận, nhận thức của mỗi người. Nhưng “Something dangerous" - thứ nguy hiểm - là những rủi ro thực tế có thể gây hại đến chúng ta. Vì thế chúng ta phải dựa vào các số liệu thống kê và kiến thức để có thể điều hướng bản năng sợ hãi một cách hiệu quả và giúp chúng ta tránh xa hoặc thoát khỏi những điều nguy hiểm, thay vì những thứ gây ra sợ hãi không thực tế.

  1. The size instinct (bản năng về quy mô, kích cỡ)

Khi chúng ta nhận được một con số, bản năng chúng ta lập tức đưa ra nhận định là lớn hay nhỏ dựa trên trải nghiệm của chúng ta với con số đó. Ví dụ khi chúng ta nghe đến con số 10,000 thì thường có cảm giác nhỏ hơn một chút so với người phương tây nghe đến con số này đặc biệt là liên quan đến tiền bạc vì ở Việt Nam chúng ta quen với các con số có đơn vị hàng ngàn rồi (ví dụ 10K đồng).

Sach K7 N218 Content6
Hình 6: Bản năng về quy mô và kích cỡ so với việc so sánh để thấy thực tế
(Nguồn: https://saima.substack.com/)

Do đó để vượt qua bản năng về quy mô và kích cỡ, sách đề xuất 2 phương pháp chính như sau. Một là phương pháp so sánh - so sánh với quá khứ, với các nơi tương tự, với các tình huống tương tự… Phương pháp thứ hai là chia tách - chia ra các nhóm và áp dụng phương pháp 80/20 hoặc chia nhỏ trên một mẫu, trên mỗi người/ vật, chia thành các hệ số để so sánh … rồi sau đó chúng ta mới xác định mức độ quan trọng của con số đó.

  1. The generalization instinct (bản năng khái quát hóa)

Bản năng của con người là khái quát hóa mọi việc để có thể tự động đưa ra nhận định một cách đơn giản nhất và từ đó nhanh nhất. Vì thế bản năng chúng ta vừa phân loại và khái quát mọi việc cùng lúc. Vấn đề là bản năng luôn cố gắn làm đơn giản mọi vấn đề nên dẫn đến việc phân loại không chính xác và khái quát hóa sự việc đó cũng không chính xác theo.

Sach K7 N218 Content7
Hình 7: Minh họa về việc phân loại phải có giá trị, thay vì theo bản năng
(nguồn: https://professornerdster.com)

Để vượt qua việc này, sách đề xuất phương thức phân loại phải có giá trị:

   6.1 Tìm kiếm sự khác biệt trong cùng nhóm, thậm chí có thể chia nhóm nhỏ hơn để có thể phản ánh được sự khác biệt này. (Tìm kiếm tiêu chí phân loại)

    6.2 Tìm sự giống nhau giữa các nhóm. Nếu các nhóm có nhiều điểm tương đồng, chúng ta có thể cân nhắc lại tiêu chí phân nhóm này có giá trị không.

    6.3 Tìm sự khác nhau giữa các nhóm.

   6.4 Cẩn trọng với nhóm “Đại đa số” vì đại đa số diễn tả sự đóng góp tỷ lệ từ 51% đến 99%. Vậy với nhóm đại đa số này có cần phải chia nhỏ hơn nữa (mục 6.1) để ra được các nhóm có giá trị không?

    6.5 Cẩn trọng với hình ảnh/ ví dụ minh họa vì những minh họa này có thể không đại diện cho nguyên tắc phân nhóm mặc dù nó dễ nhớ.

  1. The Destiny instinct (Bản năng “vô cảm” với sự thay đổi chậm)

Bản năng của chúng ta khiến chúng ta học tập rất nhanh từ những sự thay đổi bất ngờ, đặc biệt là những khác biệt và tạo được sự bất ngờ so với những gì chúng ta đã biết. Tuy nhiên, với những thay đổi qua thời gian, thay đổi dần dần mà chúng ta không “thấy" được một cách rõ ràng (giống như sự việc con ếch trong nồi nước và được hâm nóng dần) thì chúng ta trở nên “vô cảm” với chúng.

Sach K7 N218 Content8
Hình 8: Sự khác biệt giữa bản năng vô cảm với sự thay đổi chậm và sự thực tế
(Nguồn: https://saima.substack.com/)

Sách đề xuất một số phương pháp để giúp chúng ta vượt qua như sau:

   7.1 Kiểm tra những tiến bộ theo định kỳ.

   7.2 Cập nhật kiến thức mới thường xuyên.

   7.3 Nói chuyện với các thế hệ trước để tìm ra và thấy sự khác biệt và thay đổi.

  7.4 Thu thập những ví dụ về sự thay đổi giữa thế hệ trước, thế hệ hiện tại và thế hệ sau này.

  1. The single perspective instinct (Bản năng về định kiến)

Factfulness là việc chúng ta nhận ra những định kiến của mỗi người sẽ giới hạn chính khả năng của người đó và tốt hơn là chúng ta nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ để hiểu chính xác hơn và có thể đưa ra những giải pháp hiệu quả.

Sách dùng hình ảnh cái búa (hammer) tượng trưng cho việc chúng ta thường có một định kiến nhất định trong khi điều chúng ta cần là cả một bộ dụng cụ (toolbox).

Sách đưa ra một số đề xuất để có thể vượt qua việc này:

   8.1 Kiểm chứng ý tưởng. Điều quan trọng của việc này là tìm kiếm những điểm yếu, những điều chưa ổn của ý tưởng; không phải tìm kiếm các bằng chứng chứng minh ý tưởng của ta là đúng. Liên hệ với cuốn sách Lean Startup, cuốn sách đưa ra phương pháp giúp chúng ta kiểm chứng ý tưởng một cách khoa học và có thể đo lường được, đặc biệt là mục tiêu là học hỏi không phải chứng minh mình đúng.

   8.2 Giới hạn của chuyên môn. Việc thiếu chuyên môn là chuyện rất bình thường nên chúng ta nên khiêm nhường với những điều chúng ta chưa biết. Bên cạnh đó chúng ta cũng đừng quá tôn sùng chuyên môn của những người khác và luôn tìm kiếm các giới hạn.

   8.3 Hammers and nails (búa và đinh). Nếu chúng ta giỏi một việc gì đó (cây búa), chúng ta có xu hướng dùng nó cho mọi việc (đinh - ý tác giả muốn nói nếu dùng búa giỏi thì bạn sẽ có xu hướng dùng cây búa đó và biến mọi thứ thành những cây đinh để đóng dù cho nó không phải là cây đinh). Vì thế việc lắng nghe và thu thập ý kiến của đồng nghiệp là rất quan trọng để chúng ta có nhiều ý tưởng và góc nhìn.

   8.4 Số liệu, nhưng không chỉ là số liệu. Thế giới không thể được hiểu nếu thiếu các con số và ngược lại thế giới không thể được hiểu chỉ với những con số. Chúng ta chỉ nên sử dụng những con số có giá trị và phản ánh được cuộc sống thực tế.

   8.5 Chú ý với “simple ideas and simple solutions". Bản năng của chúng ta có xu hướng đơn giản hóa mọi việc thông qua bản năng khái quát hóa (bản năng 6) và lịch sử đã chứng minh việc đơn giản hóa này đã gây ra nhiều hành động tệ hại. Hãy làm quen với sự phức tạp, sự kết hợp các ý tưởng, giải quyết các vấn đề từng trường hợp một.

  1. The blame instinct

Bản năng của chúng ta thường hướng đến việc chỉ trích, gán tội cho một cá nhân, một sự vật hữu hình (scapegoat - con dê tế thần) thay vì những nguyên nhân khác từ đó chúng ta sẽ khó có thể tránh được những vấn đề tương tự trong tương lai

Để kiểm soát bản năng chỉ trích này, chúng ta cần chấm dứt việc tìm kiếm scapegoat ngay:

    9.1 Tìm kiếm nguyên nhân, thay vì thủ phạm. Khi vấn đề xảy ra, chúng ta cần thừa nhận rằng dù là ai trong hoàn cảnh này đều có thể trở thành “thủ phạm” vì thế hãy dành thời gian, công sức để tìm hiểu nguyên nhân gây ra vấn đề như hệ thống, quy trình…

     9.2 Tìm kiếm hệ thống, thay vì người hùng. Cũng như trên, nếu một kết quả tốt đến thì thay vì tìm kiếm người hùng, chúng ta cũng nên dành thời gian và công sức để hiểu được hệ thống, quy trình , nguyên nhân nào có thể mang đến kết quả này.

  1. The urgency instinct (bản năng về khẩn cấp)

“Now or never" - “Bây giờ hoặc không bao giờ", chắc hẳn chúng ta không dưới một lần nghe đến những khẩu hiệu như thế này. Hoặc những lần chúng ta nghe/ nói “hết hy vọng rồi, hết cách rồi v.v…” hay như “hành động ngay đi, đừng chần chừ nữa, gấp lắm rồi, nước đến chân rồi v.v…” tất cả những câu này đều đưa chúng ta đến bản năng khẩn cấp, khiến chúng ta không còn khả năng phân tích và để cho bản năng dẫn dắt và quyết định.

Sự thực tế là khi chúng ta nhận ra những điều cấp bách thật sự thay vì chỉ là cảm giác khẩn cấp thông qua một vài cách sau như

   10.1 Hãy hít thở sâu và tự hỏi có thật sự “now or never" không?

  10.2 Dựa trên dữ liệu. Nếu một việc trở nên cấp bách và quan trọng, vậy dữ liệu nào thể hiện được điều này

  10.3 Cảnh giác với “thầy bói". Tương lại thì bất định nên phải đặt ra càng nhiều các tình huống giả định, không chỉ những tình huống tốt nhất hay tệ nhất.

   10.4 Hành động quyết liệt. Hãy cẩn trọng với các hành động này.  Chúng ta nên tự hỏi làm cách nào để kiểm chứng những ý tưởng này, những cải thiện từng bước, những đánh giá về các tác động của hành động v.v…

Nào cùng bắt tay thực hành những điều trên để có thể thấy được thế giới như chính nó.

_________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7

Trịnh Thanh Hà
Trần Ngọc Hiếu
Nguyễn Thị Kim Lài
Nguyễn Đức Máy
Nguyễn Trọng Nam
Dương Nguyễn Hồng Nhung
Đinh Huỳnh Mai Tú