- Tác giả: Yuval Harari
- Năm xuất bản: 2021
- Dịch giả: Dương Ngọc Trà
- Đơn vị xuất bản: Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn
Những ai đã đọc qua Lược sử loài người (Homo Sapiens), Lược sử tương lai (Homo Deus) của Yuval Harari đều bị ấn tượng sâu sắc bởi những phân tích sâu sắc và đa chiều của ông đối với quá khứ, hiện tại và tương lai của loài người trên trái đất. Không dừng lại ở đó, chúng ta sẽ luôn đặt ra câu hỏi để làm rõ những ẩn số cho những sự kiện đã qua và dự đoán điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, thậm chí chúng ra hoài nghi về tương lai.
Thế giới ngày nay biến đổi không tính bằng thập kỷ mà phải tính bằng ngày, bằng tháng, quý, năm. Điều này đặt con người vào một trạng thái phải thích nghi cao độ với những gì đang diễn ra và dự phòng cho những gì sẽ diễn ra trong tương lai mơ hồ mà họ không đoán định được chắc chắn.
21 bài học cho thế kỷ 21 xuất bản lần đầu tiên năm 2018 – thời điểm mà cách mạng công nghệ 4.0 đang trở thành “bữa cơm hàng ngày” trong đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội của thế giới. Qua góc nhìn của tác giả với tư cách là một nhà nghiên cứu lịch sử thế giới, ông gợi mở những “bài học” mang tính chất lưu ý, cảnh tỉnh chúng ta trước sự thay đổi nhanh chóng của thế giới hiện đại.
Tác phẩm gồm 5 chương mở đầu bằng (i) thách thức công nghệ, sau đó là (ii) thách thức chính trị, (iii) tuyệt vọng và hy vọng, (iv) sự thật và kết thúc bằng (v) bền bỉ. Ở đó, tác giả phơi bày, phân tích, dự đoán có cơ sở về 21 chủ đề khác nhau, bao quanh con người trong thế giới hiện tại và tương lai như sự tự do, công việc, chủ nghĩa dân tộc, chiến tranh, khoa học viễn tưởng, “hậu – sự thật”, giáo dục, thiền.
Tương lai xa có thể không có chúng ta, như vậy thì chúng ta phải chuẩn bị gì cho chính mình vào tương lai gần, và chúng ta phải dạy gì cho những đứa trẻ để chúng có nền tảng, biết cách đi vào tương lai của chúng với những nguy cơ từ chiến tranh hạt nhân, chủ nghĩa khủng bố, biến đổi khí hậu và những đứt gãy của khoa học công nghệ? Ít nhất, qua góc nhìn của tác giả, chúng ta có được một cái nhìn toàn cảnh về những cái có khả năng xảy ra dựa trên việc phân tích dữ liệu từ quá khứ đến hiện tại.
Tiêu đề quyển sách là “21 bài học cho thế kỷ 21” nhưng thực chất, chúng ta dường như không tìm thấy đúng 21 bài học như định nghĩa thông thường. Trong quyển sách này, các nhận định của tác giả chủ yếu là tiếng chuông cảnh tỉnh con người trước những thực tế mà chúng ta cố úy hoặc vô tình tô vẽ màu hồng cho chúng. Liệu rằng hòa bình, thịnh vượng mà chúng ta đang thấy có bền vững thực sự hay không hay chỉ là một thứ giả hiệu dễ lung lạc trước bá quyền, chủ nghĩa dân tộc hay chiến tranh luôn chực chờ trước sự bành trướng của sự độc tài, phát xít đang lăm le bén rễ trở lại? Liệu công nghệ có thực sự được con người làm chủ hay sự phụ thuộc quá mức vào thành tựu công nghệ đã vô tình biến con người thành công cụ của công nghệ, bị công nghệ kiểm soát? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra mà câu trả lời cho mỗi người phụ thuộc vào mức độ được thức tỉnh sau mỗi vấn đề trong quyển sách này. Duy nhất hai bài học được tác giả hàm ý rõ ràng trong quyển sách này là (i) phương thức giáo dục, (ii) ý nghĩa cuộc đời và tìm ý nghĩa cuộc đời thông qua giáo dục.
Chúng ta là ai và chúng ta đến thế giới này để làm gì và sau này, khi thế giới biến đổi nhiều hơn, chúng ta sẽ làm gì? Hãy cùng đọc “21 bài học cho thế kỷ 21”.
_________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7
Hồ Tấn Hùng
Nguyễn Thị Kim Thương
Võ Thị Yến Nhi
Hoàng Mạnh Cường
Lâm Trọng Kha
Đinh Thị Nho
Đinh Nguyễn Nhã Thanh