- Tác giả: Henry Kissinger
- Người dịch: Phạm Thái Sơn (Hiệu đính: Võ Minh Tuấn)
- Đơn vị xuất bản: Alphabooks & NXB Thế Giới
“Trật tự thế giới” là tác phẩm của Tiến sĩ Henry Alfred Kissinger nguyên là Ngoại trưởng Mỹ và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, trước đó ông đã xuất bản một loạt các tác phẩm khác về chính trị thế giới và khu vực. Ông đã kết hợp chiều sâu của một nhà nghiên cứu chính trị với một kinh nghiệm thực tiễn phong phú ở tầm ngoại giao chiến lược quốc tế trên mọi châu lục, và “Trật tự thế giới” xuất hiện với vai trò tổng kết lại góc nhìn của Kissinger về bức tranh địa chính trị thế giới.
Đầu tiên Kissinger khẳng định “Không một trật tự thế giới mang tính toàn cầu đích thực nào đã từng tồn tại”, những gì tạo nên trật tự trong thời đại chúng ta xuất phát từ hòa ước Westphalia đã được lập ra bổn thế kỷ trước ở Tây Âu. Khi phân tích hòa ước Westphalia, ông cho rằng hòa ước này phản ánh một quá trình điều chỉnh thực dụng theo sát thực tế, nó dựa trên một hệ thống các quốc gia độc lập đang cố gắng kiểm soát tham vọng và cân bằng trạng thái quyền lực của nhau. Tuy nhiên ở thế kỷ 17 khi các nhà đàm phán lập nên hòa ước này, họ cũng không hề nghĩ rằng đã đặt nền móng cho một hệ thống áp dụng toàn cầu, bởi ở thời điểm đó không có những phương tiện để thế giới tương tác với nhau thường xuyên, cũng không có khuôn mẫu để đo lường sức mạnh của khu vực này so với khu vực khác, do đó mỗi khu vực sẽ có xu hướng coi trật tự của riêng mình là vô song và coi những khu vực khác là “man di”. Thực tế, Trung Quốc quan điểm rằng họ sẽ sắp đặt trật tự thế giới chủ yếu bằng các dùng nền văn hóa vĩ đại và kinh tế dồi dào của mình để làm cho xã hội khiếp sợ, nhằm mục tiêu “nhất thống thiên hạ”. Hay dưới góc nhìn của Hồi giáo, trật tự thế giới là sự thống nhất thế giới thành một hệ thống không thể chia tách bằng cách bành trước khắp “vương quốc chiến tranh” - cách mà họ gọi tất cả các vùng đất do dân vô thần cư trú - bằng Hồi giáo. Do đó, khi Hòa ước Westphalia ra đời sau sự kết thúc cuộc Chiến tranh 30 năm ở Đức và Chiến tranh 80 năm giữa Tây Ban Nha và Hà Lan, đã tạo ra cơ sở để hình thành cơ cấu pháp luật cũng như mỗi quan hệ chính trị hiện đại giữa các nước, thúc đẩy quan điểm về độc lập chủ quyền của mỗi quốc gia, phá hủy quan điểm về chủ nghĩa tôn giáo toàn cầu. Tuy nhiên, Hòa ước Westphalia đang bị thách thức trên tất cả các phương diện trong bối cảnh hiện tại, khi mà mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã không còn như xưa bởi các nhà lãnh đạo Châu Âu và Mỹ ngày càng có nhiều quan điểm khác biệt trong những vấn đề cốt lõi từ Iran đến Trung Quốc và làm dấy lên câu hỏi phải chăng kỷ nguyên thống trị của phương Tây đã thoái trào và một trật tự thế giới mới đang được hé mở.
Khoa học công nghệ ngày nay đang chi phối mọi mặt trong cuộc sống của mỗi chúng ta, chúng mang đến những tiến bộ vượt qua những hạn chế văn hóa truyền thống, nhưng chúng cũng tạo ra những vũ khí có thể hủy diệt loài người. Điều gì sẽ xảy ra với trật tự quốc tế khi sức tàn phá của công nghệ vũ khí hiện đại lớn đến mức khiến cho nỗi sợ hãi chung có thể đoàn kết toàn thể nhân loại, hay sự nhanh chóng và phạm vi truyền thông sẽ phá vỡ những rào cản giữa các xã hội và các cá nhân, mang đến sự minh bạch ở một mức độ mà những ước mơ lâu đời về một cộng đồng nhân loại sẽ trở thành hiện thực? Không gian ảo đã xâm chiếm không gian vật lý và bắt đầu trở thành các trung tâm đô thị lớn, do đó việc tạo nên một khuôn khổ để tổ chức môi trường mạng ảo toàn cầu sẽ là bắt buộc, nhưng thiết lập bộ quy tắc ứng xử trong không gian mạng là một vấn đề nan giải bởi các quốc gia không sẵn sàng tiết lộ mức độ nỗ lực của mình trên không gian ảo nhiều như thế nào.
Cuối cùng, mỗi trật tự quốc tế sẽ đối mặt với tác động của hai xu hướng thách thức sự gắn kết của nó:
- Xác định lại tính chính danh khi các giá trị là nền tảng thỏa thuận quốc tế đang thay đổi căn bản
- Một sự thay đổi đáng kể trong cân bằng quyền lực
Công cuộc tìm kiếm trật tự thế giới mới hiện nay đòi hỏi một chiến lược chặt chẽ để thiết lập một khái niệm về trật tự trong các khu vực khác nhau, và gắn kết những trật tự khu vực này với nhau. Tuy nhiên vấn đề tiến thoái lưỡng nan của chúng ta hiện nay là mỗi khu vực sẽ có những cách giải quyết vấn đề khác biệt, và chính nó đã tạo nên mâu thuẫn trong những đánh giá về tầm quan trọng của xu hướng hiện tại, dẫn đến không thể hài hòa các tính toán của một quốc gia với tính toán của các quốc gia khác và đạt được một sự thừa nhận chung về các giới hạn.
____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6
Lê Trọng Nam
Trần Lê Thiên Ân
Huỳnh Ngọc Nhật Vy
Nguyễn Thị Tường Vi
Phan Anh Tuấn