• Tác giả: Erich Maria Remarque
  • Người dịch: Vũ Hương Giang
  • Đơn vị xuất bản: Đông A & NXB Văn học

M. Remarque (1898-1970) sinh ra tại Osnabruck, thuộc tỉnh Westphalia, miền Tây nước Đức. Năm 18 tuổi, Remarque đi lính và tham gia vào chiến tranh thế giới thứ nhất. Cái chết của những đồng đội bị thương nhưng không được nhìn ngó đến đã khiến cho nội tâm anh lính trẻ sụp đổ hoàn toàn. Ông đã học được một bài học cay đắng khi nhận ra “chủ nghĩa yêu nước” có thể sẵn sàng bỏ qua bất cứ một cá nhân nào.

Ngày 23/01/1929, một cuốn tiểu thuyết với nhan đề: “Phía Tây không có gì lạ” được xuất bản tại Đức, tác giả ký tên Erich Maria Remarque, và ngay lập tức trở thành hiện tượng. Nước Đức đón nhận nó như là “bản di chúc của tất cả những người đã ngã xuống trên chiến trường”. Tại Anh, Mỹ… tác phẩm còn được đón nhận nồng nhiệt hơn.

Truyện lấy bối cảnh Thế chiến thứ I, kể về một tốp lính Đức gồm đa số là những thanh niên 18, 19 tuổi, “từ lớp học đi thẳng vào cuộc chiến”. Pôn Baomơ - một người lính Đức trẻ, xung phong vào quân đội vì Căntôrec - vị giáo sư của anh, đã thuyết phục cả lớp tham gia quân đội để làm cho nước Đức được vẻ vang. Sau một thời kỳ huấn luyện gian khổ dưới quyền của Himmenxtôt - một phu trạm, Baomơ và các bạn ra tiền tuyến. Dù được vẽ vời trong nhà trường với những hình ảnh huy hoàng của các anh hùng, Baomơ nhanh chóng nhận thức được rằng những chiến hào đầy máu của Mặt trận phía Tây là những khổ đau và chết chóc. Tất cả đều dối trá: chiến tranh không vinh quang, chiến tranh không làm cho các cậu con trai trưởng thành mà nó hủy diệt một cách có hệ thống tất cả những ai khỏe mạnh và lịch sự. Tất cả các bạn của Baomơ đều chết, bị thương, hoặc đào ngũ. Pôn Baomơ bắt đầu tự vấn về cuộc đời mình và băn khoăn không biết mình có sống sót được sau cuộc chiến hay thậm chí có sống được trong một thế giới không có chiến tranh hay không.

Remarque mở đầu câu chuyện với việc một nhóm lính bộ binh mừng rỡ được nhận khẩu phần gấp đôi vì quân số của đại đội bị thiệt hại mất một nửa (gần 80 người). Một cuộc chiến mà đôi khi ở đó, cái chết của một đồng đội là cách kéo dài sự sống của bản thân thêm một ngày nữa.

Chiến tranh cứ tiếp diễn với trận đánh ác liệt: “Những cơn bão táp của trọng pháo gầm thét ù tai, những tràng súng máy khô khan, nổ giòn giã, những quả đại bác hạng nhẹ rống rít. Bóng đêm chỉ còn là gầm rống và chớp giật. Sức chấn động của mìn thì thật kinh khủng: chỗ nào có mìn nổ, chỗ đó thành một cái hố chôn chung. Thật chẳng khác gì ngồi trong một cái nồi hơi âm vang mãnh liệt mà người ta đập chan chát lên nó khắp ba bề bốn bên.” Những trận đánh đó hủy hoại tinh thần con người một cách khủng khiếp: “Đó là một trạng thái căng thẳng chết người, không khác gì lấy một con dao mẻ nạo suốt dọc tủy xương sống.”  Đạn pháo nã khắp nơi, không chừa chỗ nào. Đại bác dội xuống cả vào nghĩa địa, làm ngay cả người chết cũng không được yên thân.

Phía Tây Không Có Gì Lạ gây nhiều xúc động bởi tình đồng đội, những sẻ chia và cách đối mặt với nỗi đau khi những người đồng đội cứ lần lượt ra đi. Đó còn là kỷ niệm cùng nhau dưới chiến hào, hố bom, là tinh thần thép được hun đúc phải tiếp tục sống khi cái chết cận kề, là những trải đời già cõi một cách bắt buộc và cũng là sự chuẩn bị rõ ràng trước cái chết hiển nhiên. Xuyên suốt câu chuyện, Remarque thường dùng từ “chúng tôi” để nói lên tình đồng đội - cái quý nhất mà chiến tranh tạo nên. “Chúng tôi không nói nhiều nhưng chúng tôi để ý săn sóc nhau từng ly từng tí, thiết tưởng còn hơn cả những cặp tình nhân. Chúng tôi là hai con người, hai tàn lửa sống nhỏ bé, và ngoài kia, là đêm tối, là vòng vây của thần chết.”

Những nhân vật của truyện sống nhờ những hy vọng và những ước mơ thật giản dị. Vethut - thợ than bùn - nghĩ đến công việc nặng nề ở mỏ than bùn với đồng lương ít ỏi, mơ được tiếp tục đi lính trong thời bình vì chẳng phải lo việc ăn, việc mặc. Jađơn mơ được nhốt Himmenxtôt vào một cái chuồng rồi sáng sáng xông vào nện cho một chầu dùi cui. Đêtơrinh chỉ nghĩ đến mảnh ruộng và cô vợ: “Mình về cũng còn kịp vụ gặt.” Hòa bình là ảo ảnh, là giấc mơ xa xôi của những người lính bị đẩy ra chiến trường ở tuổi đôi mươi. Sự khốc liệt, tàn bạo của chiến tranh được Erich Maria Remarque lột tả một cách trần trụi và theo ông câu chuyện nó "không phải là bản cáo trạng, cũng không phải là một lời thú tội, nó chỉ cố gắng kể về một thế hệ bị chiến tranh hủy hoại..." Remarque đã lột tả được những tâm tư tình cảm rất người của những thanh niên phải tham gia vào chiến tranh. Khi ra đi, họ ở lứa tuổi mộng mơ, hừng hực sức sống, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, họ như những cụ già, thờ ơ với tất cả. “Chúng tôi là những người chết vô tri vô giác, do một thứ phép lạ và một thứ bùa chú nguy hại, còn đủ sức chạy và giết.”  Hay “Hiện giờ, chúng tôi chỉ biết rằng mình đã trở nên cục súc một cách kỳ quái và đau đớn, dù rằng nhiều khi chúng tôi không còn đủ sức để cảm thấy buồn phiền nữa.” Rồi còn: “Họ gọi chúng tôi là “Tuổi trẻ gang thép.” Tuổi trẻ? Chưa có đứa nào trong bọn chúng tôi quá hai mươi tuổi cả. Nhưng nói rằng bọn chúng tôi trẻ ư? Tất cả những cái đó đã chấm dứt từ lâu rồi. Chúng tôi chỉ là một lũ già nua.”

Và Remarque đã miêu tả Thế hệ bị mất (The lost generation) bằng những đoạn hội thoại về tương lai. "Tôi còn trẻ với hai mươi tuổi đầu; vậy mà những gì tôi biết về cuộc đời chỉ là nỗi tuyệt vọng, cái chết, nỗi sợ hãi và sự kết nối giữa thứ hời hợt vô nghĩa nhất với vực thẳm của nỗi đau. Tôi thấy các dân tộc bị xô đẩy đến độ chống lại nhau và chém giết lẫn nhau một cách câm lặng, u mê, rồ dại, phục tùng và ngây thơ. Tôi thấy những bộ óc thông minh nhất của nhân loại phát ra những vũ khí và lý lẽ để cho tấn trò này diễn ra tinh vi hơn và dai dẳng hơn. Và cùng thấy với tôi là những người cùng lứa tuổi với tôi, cả ở phía bên này và phía bên kia- trên khắp thế giới cùng chứng kiến với tôi là thế hệ của tôi. Các bậc cha anh của chúng tôi sẽ làm gì, nếu một ngày kia chúng tôi đứng dậy, đến trước mặt họ và đòi tính sổ? Họ trông chờ gì ở chúng tôi, khi sẽ đến cái thời không còn chiến tranh? Nhiều năm qua công việc duy nhất của chúng tôi là giết chóc...Đó là nghề nghiệp đầu tiên của chúng tôi trong đời. Sự hiểu biết về cuộc sống của chúng tôi chỉ giới hạn trong cái chết. Thử hỏi sau này sẽ ra sao đây? Và chúng tôi sẽ thành ra như thế nào?"  Họ hoàn toàn lạc lối. Những người trẻ ấy, không biết cuộc đời mình sẽ đi đâu về đâu sau cuộc chiến.

Phía Tây không có gì lạ kết thúc bằng cái chết của Paul, sau khi tin về ngày hòa bình đã được lặp đi lặp lại. Có lẽ hiệp định đình chiến đã đến rất gần vào cái ngày mùa thu năm 1918 ấy. Nhưng cậu vẫn chết, “trong một ngày khắp cả mặt trận yên tĩnh đến nỗi bản thông cáo chỉ ghi là Phía tây không có gì lạ”. Phi lý như chính bản thân cuộc chiến tranh.

“Phía Tây không có gì lạ” hoàn toàn không đề cập đến chủ nghĩa anh hùng mà chỉ có sự may rủi trên chiến trường. Người lính trở về sau mỗi đợt giao chiến với phe địch, sống sót và nguyên vẹn đều là do may mắn, hoàn toàn không phải sự dũng cảm, mưu trí hay do đã chiến đấu như một người hùng. Khi tòng quân, họ chỉ là những người lính bình thường nhưng khi ra đến mặt trận họ bỗng trở nên một thứ nửa người nửa ngợm, nhân tính còn lại chẳng bao nhiêu, mà chủ yếu là bản năng sinh tồn do nỗi sợ hãi cái chết gây nên. Bản năng dẫn dắt và bảo vệ họ khỏi tầm chết chóc. Khi nghe tiếng gầm của trọng pháo, họ lao mình xuống hố, nằm rạp xuống đất tránh những mảnh đại bác tóe ra. Nhưng những người lính trong tác phẩm này không hoàn toàn vô tội, họ là nạn nhân của chiến tranh cũng đồng thời là những kẻ sát nhân. Họ rút chạy vẫn không quên gài lại hàng hàng lớp lớp những bãi mìn đã đập kíp, và súng máy vẫn say sưa nhả đạn về phía đối phương. Họ chống lại thần chết bằng cách giết chóc, vì trên chiến trường, họ không giết đối phương, đối phương sẽ không để họ sống, chân lý là vậy.

Bên cạnh đó, tác phẩm còn lên án chiến tranh phi nghĩa. Bên nào cũng cho phần chính nghĩa thuộc về mình nhưng cuộc chiến chỉ đem lại sự mất mát, đau thương cho cả hai bên. Ai cũng có gia đình, quê hương và tuổi trẻ nhưng vì cuộc chiến mà họ mất đi tất cả. Những gì trải qua trong cuộc chiến là nỗi đau đeo bám những người lính trong suốt quãng đời còn lại của họ. Con người đã bị chiến tranh hủy hoại khốc liệt và tan nát toàn bộ cả thể xác lẫn linh hồn. Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc với gần 20 triệu người chết, nghĩa là 20 triệu gia đình tan vỡ, hàng triệu người mẹ mất con, người vợ mất chồng, người con mất cha. Không kể hàng chục triệu binh sĩ khác phải mang thương tật vĩnh viễn. Liệu số người may mắn còn sống sót và lành lặn trở về có thể hòa nhập trở lại với cuộc sống thường ngày? Chiến tranh đã gặm nát tâm hồn họ khi hàng ngày phải tận mắt thấy đồng đội phải chịu những đau đớn, những cái chết khủng khiếp, thi thể không toàn vẹn. Và trong phút giây không kiểm soát được bản thân, chính họ cũng gây ra những cái chết khủng khiếp tương tự cho kẻ thù, hay cho những người dân vô tội.

Cuốn sách đã được dịch ra 29 thứ tiếng và nhiều nhà phê bình đã không tiếc lời ca tụng nó như là “cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất viết về chiến tranh thế giới thứ nhất”. Cũng chính tác phẩm này đã tước đi quyền công dân của ông, khiến ông từ một nhà văn, một người lính trở thành kẻ cả đời lưu vong nơi đất khách. Cả thế giới nợ E. M. Remarque một lời cảm ơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Lê Nguyễn Trần Huỳnh
Nguyễn Hoàng Bảo Huy
Phạm Thị Quỳnh Mai
Huỳnh Diệp Mỹ Ngọc
Nguyễn Đình Quý
Trần Minh Dạ Thảo