• Tác giả: Bách Dương
  • Người dịch: Châu Hải Đường
  • Đơn vị xuất bản: NXB Hội Nhà Văn

“Giá trị của một quốc gia, về lâu dài 
Chính là giá trị của những cá nhân tạo nên quốc gia đó” 
John Stuart Mill, On Liberty. 

Khoe bàn chân nhỏ (tựa gốc là Thô lậu đích Trung Quốc nhân), do tác giả Bách Dương (Quách Lập Bang) viết để vạch ra hàng loạt căn bệnh của người Trung Quốc. Cuốn sách là tập hợp những mẩu chuyện nhỏ và những bài nói chuyện của một nhà văn, nhà tư tưởng, nhà bình luận lịch sử của Trung Quốc ở các trường đại học Mỹ cùng những ý kiến ủng hộ cũng như phản biện của nhiều người khác nhau về chủ đề “Người Trung Quốc xấu xí”. Cuốn sách là chủ đề bàn luận và gây tranh cãi trong suốt hơn 30 năm qua trên khắp thế giới.  

Cuốn sách đã lột trần những tính nết xấu của người Trung Quốc. Dù viết từ hơn ba chục năm về trước nhưng những thói hư tật xấu được nêu lên trong này vẫn là điều nhức nhối của người dân Trung Hoa. Không chỉ lên án, tác giả còn phân tích, chỉ ra nguyên nhân lịch sử đã gây ra những thói quen xấu này. Những triết lý của Đạo Khổng tuy giáo dục con người vào khuôn phép, lễ nghĩa nhưng bên cạnh đó nó cũng gây ra khá nhiều hệ lụy trong xã hội Trung Quốc nói riêng và cả các nước lân bang vì đã xem thường và đánh giá rất thấp vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Nếu bạn đọc hết cuốn sách này một cách nghiêm túc, có lẽ bạn cũng sẽ chưng hửng giống mình và nhận ra Nho giáo đã khiến cho nền văn minh của phương Đông tụt hậu như thế nào. 

Dù đây là cuốn sách nói về tật xấu của người Trung Quốc nhưng khi đọc nó chúng ta cũng phải giật mình thon thót vì người Việt Nam hiện nay cũng có những tật xấu thâm căn cố đế không khác gì người Trung Quốc là mấy. Cũng bởi lẽ người Việt Nam chúng ta không chỉ đơn thuần là anh em láng giềng giao hảo mà còn là một dân tộc hầu như đồng văn đồng chủng với dân tộc Trung Quốc từ bao đời nay. Thế nên người Việt cũng nên đọc để nhận ra những tật xấu của dân tộc mình. Điều mình khá thích là cuốn sách gồm nhiều bài viết, cuộc thảo luận không chỉ của tác giả mà còn từ nhiều người khác, cả đồng ý lẫn bất đồng. Độc giả có thể tự đánh giá 2 luồng ý kiến để chọn những ý kiến mà mình thấy hợp lý nhất (dù đương nhiên phần lớn vẫn là bài viết ủng hộ). 

Bách Dương (1920 – 2008), ông từng là cố vấn của Phủ Tổng thống Đài Loan và thường được xem như “Lỗ Tấn” của Đài Loan. Ông là người rất quan tâm đến tự do, nhân quyền và tôn nghiêm. Ông từng bị chính quyền Đài Loan bắt giam 10 năm vì lý do chính trị. Bách Dương không chỉ là một nhà tư tưởng lớn mà ông còn là một chiến binh dũng cảm đấu tranh cho một Trung Quốc tốt đẹp hơn, ông dũng cảm hơn những gì chúng ta biết. 

Người châu Á thường thích đem chuyện hàng xóm, chuyện thiên hạ, chuyện người nước nọ nước kia ra dạy bảo con cháu, nhưng thường không bao giờ đem chuyện trong nhà ra phân tích đúng sai. Những tác giả Việt Nam khi phê phán về thói Ghen ăn tức ở thường lấy chuyện ông Chu Du tức ông Khổng Minh đến ói máu mà chết, nhưng họ không lấy chính những nhân vật của Việt Nam ra để làm ví dụ. Bách Dương đã dũng cảm khi viết về chính chuyện trong nhà mình – truyện người dân Trung Quốc. Họ nói to vì thiếu cảm giác an toàn vì họ tự ti, họ ăn buffet theo kiểu ăn lấy được, họ keo kiệt đến độ khi đi đâu cũng mang theo bình nước cá nhân để xin nước lọc, họ có rất nhiều điểm xấu. Đúng vậy, và đôi khi chính người Việt Nam chúng ta cũng rất giống họ. 

Chẳng ai hiểu dân tộc mình bằng các nhà văn nhà thơ, bởi lẽ họ là người chép sử của dân tộc, họ nói lên tiếng nói của dân tộc. Sau khi đọc xong cuốn sách này, bất chợt trong tâm trí mình lại lóe lên hai câu thơ của Cụ Tản Đà: 

“Dân hai nhăm triệu ai người lớn  
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”. 

So với những tính xấu của người Trung Quốc thì người Việt Nam chúng ta cũng không thua kém khi chúng ta cũng có nhiều tật xấu như: Thích hình thức; Thích được khen, ghét bị chê; Thích khoe khoang…đặc biệt là khoe khoang kiểu “Ăn mày dĩ vãng” rất thịnh hành.  Lúc nào cũng tự hào về thời cách mạng, thời kháng chiến nhưng rất ít khi nào chúng ta tự hỏi lại mình xem bây giờ chúng ta giỏi cái gì? Chả nhẽ Dân tộc Việt Nam chúng ta cứ mãi không chịu lớn, không chịu phát triển như thế này sao? Bao giờ chúng ta mới tiến vào hàng ngũ những dân tộc tiên tiến. Nếu đất nước có bé về diện tích thì cũng là bé hạt tiêu – như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, chẳng sợ gì nước lớn. Huống hồ Việt Nam ta đứng thứ 13 thế giới về dân số. Muốn trưởng thành và phát triển, chúng ta bắt buộc phải hiểu mình có những tật xấu gì để kiên quyết loại bỏ nó ra khỏi đời sống của từng cá nhân. Để làm được việc đó, chúng ta hãy bắt đầu từ việc soi gương qua cuốn Khoe bàn chân nhỏ. 

Một số trích dẫn từ sách người viết tâm đắc nhất: 

  • “Vì sao người Trung Quốc nói to? Bởi vì không có cảm giác an toàn, nên âm vực của người Trung Quốc rất cao, họ cảm thấy nói lớn thì cái lý cũng lớn, chỉ cần tiếng to, giọng khỏe, cái lý nó cũng chạy sang phía mình”. 
  • “Không đoàn kết, đấu đá nội bộ chính là những thói xấu thâm căn cố đế của người Trung Quốc. Không phải do phẩm chất của người Trung Quốc có gì yếu kém, mà là do trong văn hóa của người Trung Quốc có một thứ siêu virus...”. 
  • “Do người Trung Quốc không ngừng che giấu những sai lầm của mình, không ngừng nói khoác, nói không, nói giả, nói dối, nói cay độc nên tâm hồn của người Trung Quốc đã hoàn toàn bị đóng chặt, không thể mở rộng được nữa”. 

____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Đinh Hải Đăng 
Trương Nguyễn Nhật Hoàng 
Trần Thị Thảo Phương 
Lê Chiêu Trung 
Đặng Phương Uyên 
Trần Thị Hồng Xuyến