- Tác giả: Niall Ferguson
- Người dịch: Lê Quốc Phương, Vũ Hoàng Linh
- Đơn vị xuất bản: Omega Plus & NXB Thế Giới
Tác giả của Đồng tiền lên ngôi, Niall Ferguson, nhận định rằng “Nguyên nhân chính yếu tác động đến quá trình phát triển của lịch sử loài người là sự ra đời, sử dụng và đổi mới trong lĩnh vực tài chính.”
Để chứng minh quan điểm này, ông đã sử dụng hàng loạt câu chuyện thú vị, chủ yếu ở phương Tây, liên quan đến sự kiện lịch sử và các yếu tồ về tài chính dẫn đến sự kiện ấy. Như là chuyện ở Tây Ban Nha thời xưa, lạm phát tăng phi mã khi người dân không nhận ra bản chất cốt lõi của giá trị đồng tiền. Hay là trong cuộc chiến với Napoleon, Anh Quốc đã chiến thắng nước Pháp, nhờ việc phát hành trái phiếu, thay vì đánh thuế cao hơn giống Pháp. Hoặc là mối quan hệ cộng sinh phức tạp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính.
Nhằm hiểu rõ bản chất của các khái niệm trong tài chính (như là ngân hàng, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán, bảo hiểm, chứng khoán phái sinh), Niall Ferguson đã nghiên cứu lịch sử ra đời và phát triển, biến đổi theo các giai đoạn của chúng. Ông nhận định rằng chỉ khi ta biết được nguyên nhân khái niệm ấy xuất hiện và các yếu tố xung quanh ảnh hưởng đến chúng, thì ta mới phần nào nắm được bản chất thực sự của nó. Cụ thể hơn, luận điểm chính này còn đề cập rằng lịch sử phát triển của tài chính gần giống với thuyết tiến hóa của Darwin. Khi điều kiện vật chất cơ bản thay đổi, môi trường sinh thái hoặc môi trường tài chính mới sẽ phá vỡ trạng thái cân bằng cũ, bằng cách tạo điều kiện cho nhiều sự thích ứng khác biệt. Những sự biến đổi này ở các sản phẩm tài chính, trong môi trường cũ thường bất lợi, nay có động lực để phát triển rộng rãi, do có được lợi thế cạnh tranh, hoặc là vô cùng phù hợp ở một thị trường ngách nhất định.
Tuy nhiên, vì con người là động vật không hoàn toàn duy lý, cho dù các công cụ tài chính có phát triển tinh vi đến mức độ nào, kết hợp với công nghệ kèm nhiều thuật toán ra sao, thì các quyết định tài chính, hành vi của con người vẫn cảm tính rất nhiều. Khi thì vô cùng hưng phấn và tích cực trong thời kỳ thị trường đang lên, lúc sẽ cực kỳ ảm đạm và trầm lắng trong thời kỳ thị trường lao dốc. Hoặc một ví dụ khác là thị trường bất động sản, tuy rằng khả năng thanh khoản khá thấp và chi phí đầu tư rất cao, nó vẫn được nhiều người quan tâm và dành gần như toàn bộ vốn liếng để đổ vào, theo phương châm “Được ăn cả, ngã về không”. Về sự phi lý trí này, cuốn sách nhắc nhở rằng những nguyên tắc lâu đời vẫn còn hiệu quả và bền vững, như là giữ khả năng thanh khoản, không đầu tư hết trứng vào một rổ, hạn chế rủi ro cũng quan trọng như nhìn thấy tiềm năng phát triển. Khi quản lý tài chính cá nhân, ta phải luôn hoài nghi về những lời hứa hẹn về mức độ lời quá cao hoặc quá nhanh so với mặt bằng chung, hoặc tìm hiểu thật kỹ lưỡng, chuẩn bị kiến thức và kỹ năng trong các ngành mình quan tâm trước khi “xuống tiền” đầu tư.
Có thể cuốn sách này còn thiếu nhiều bằng chứng khoa học và lập luận xác đáng cho các luận điểm được nêu trong đó, nhưng chắc chắn rằng nó sẽ phần nào khơi gợi về ý niệm cho cộng đồng, rằng ta nên có sự quan tâm và chuẩn bị kiến thức về mặt tài chính, vì nó là một yếu tố ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống hiện tại của mình.
____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6
Lê Trọng Nam
Trần Lê Thiên Ân
Huỳnh Ngọc Nhật Vy
Nguyễn Thị Tường Vi
Phan Anh Tuấn