• Tác giả: Simon Sinek
  • Người dịch: Hoàng Việt
  • Đơn vị xuất bản: Thái Hà Books & NXB Lao Động - Xã hội
  • Năm xuất bản: 2015

“Mình đặt ra hàng loạt mục tiêu với tràn trề tự tin, mong muốn chinh phục nhưng không lâu sau đó mình lại bỏ cuộc một cách dễ dàng khi gặp khó khăn.”

“Mình đọc rất nhiều tài liệu, tham khảo rất nhiều người, có rất nhiều ý tưởng thay đổi cuộc sống trong đầu nhưng luôn trì hoãn hành động hoặc có bắt đầu hành động cũng thường chỉ nửa vời, không tới nơi tới chốn.”

“Mình rất tâm đắc và đang thực hiện rất nhiều ý tưởng hay ho nhưng không lôi kéo được người thân làm cùng.”

Bạn giải thích thế nào khi mọi chuyện như trên không như dự kiến, mong đợi của bạn? Hay nhìn thế giới xung quanh, bạn giải thích thế nào khi những người khác đạt được thành công bất chấp mọi giả định? Ví dụ: Tại sao Apple đột phá như thế? Hết năm này đến năm khác như thế họ luôn đột phá hơn tất cả đối thủ cạnh tranh. Dù rằng họ chỉ là một công ty. Họ cũng giống mọi người khác. Họ có cùng khả năng tiếp cận nhân tài như nhau, cố vấn như nhau, phương tiện như nhau. Vậy thì tại sao họ lại có vẻ có điều gì đó khác biệt?

Và tại sao anh em nhà Wright có thể tìm ra cách chế tạo và điều khiển máy bay trong khi có những đội ngũ khác giỏi hơn, nhiều tiền hơn... lại không thể tạo ra máy bay, mà chính anh em nhà Wright làm được điều đó. Có thứ gì đó khác biệt ở đây?

Cũng như bao người khác, Simon Sinek cũng từng cảm thấy chán nản và thất vọng về công việc mình làm. Ngay chính thời điểm đó, Simon Sinek đã có một khám phá. Và khám phá này đã thay đổi sâu sắc góc nhìn và suy nghĩ của ông về thế giới. Hóa ra, đó là một hình mẫu. Hóa ra, tất cả các lãnh đạo và tổ chức vĩ đại trên thế giới dù đó là Apple hay anh em nhà Wright họ đều nghĩ, hành động và giao tiếp một mô thức giống hệt nhau. Điều này hoàn toàn trái ngược với mọi người khác. Simon Sinek đã hệ thống hóa tất cả lại trong cuốn sách Bắt đầu với câu hỏi tạo sao, và đó có lẽ là khái niệm đơn giản nhất thế giới. Ông gọi nó là các Golden Circle. Why - Tại sao? How - Như thế nào? What - Cái gì? Khái niệm đơn giản này giải thích tại sao một số tổ chức và một số lãnh đạo có thể truyền cảm hứng khi số khác thì không.

Mô hình “Golden Circle”1

“Tôi không giỏi quan hệ với người khác. Tôi không có tinh thần làm việc tốt hơn họ. Tôi không được học hành trong những trường Đại học danh tiếng, và điểm số của tôi chỉ ở mức trung bình. Điều đáng buồn cười nhất là tôi vẫn không biết làm thế nào để gây dựng một công việc kinh doanh. Điều duy nhất tôi làm được mà hầu hết mọi người không làm đó là tôi đã học được cách bắt đầu với lý do TẠI SAO.” – chia sẻ của Simon Sinek.

Tất cả mọi người, mọi tổ chức trên thế giới biết họ làm cái gì. Một số có thể trình bài chi tiết về cá phương cách họ đang thực hiện để hướng tới mục tiêu, đó có thể là sản phẩm mang giá trị khác biệt hay dây chuyền độc quyền, hay sản phẩm độc nhất. Nhưng thật sự phần lớn mọi người hoặc các tổ chức không trả lời được câu hỏi “Tại sao họ làm điều họ làm?”, hoặc nếu có, nó cũng không thực sự mạnh mẽ, rõ ràng, và chi tiết.

"Tại sao?" không phải "lợi nhuận". Lợi nhuận chỉ là một kết quả. Luôn là kết quả. "Tại sao?" theo Simon Sinek mô tả nó hàm chứa bên trong rất nhiều câu hỏi nhỏ hơn: "Mục đích của bạn là gì?" Lý do của bạn là gì? Niềm tin của bạn là gì? Tại sao tổ chức của bạn tồn tại? Tại sao bạn ra khỏi giường vào buổi sáng? Và tại sao khách hàng nên quan tâm và mua sản phẩm từ công ty của bạn?...

Cuốn sách Bắt đầu với câu hỏi tạo sao của Simon Sinek giúp người đọc theo dõi quá trình tổng hợp, phân tích ý nghĩa câu hỏi TẠI SAO đối với cuộc sống nhân loại, tầm quan trọng của sứ mệnh truyền cảm hứng ở vai trò là nhà lãnh đạo. Những ví dụ thực tế từ những con người thật, cách đặt vấn đề ở góc nhìn mới mẻ trở thành minh chứng rõ nét và gia tăng sự tin tưởng cho nhiều người về ý tưởng này của tác giả.

Mỗi người luôn có những câu hỏi cho riêng mình. Tìm kiếm đáp án cho câu hỏi TẠI SAO ngay từ những bước đi đầu tiên giúp cho từng cá nhân vững bước trên con đường đã chọn và luôn có động lực để phát triển

____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Đinh Hải Đăng 
Trương Nguyễn Nhật Hoàng 
Trần Thị Thảo Phương 
Lê Chiêu Trung 
Đặng Phương Uyên 
Trần Thị Hồng Xuyến