• Tác giả: Phan Văn Trường
  • Năm tái xuất bản: 2019
  • Đơn vị xuất bản: NXT trẻ
  • Giải thưởng: Giải “Sách hay năm 2016”

Đôi nét về tác giả:

Giáo sư Phan Văn Trường sinh năm 1946 tại Hà Nội. Ông sang Pháp năm 1963. Sau khi tốt nghiệp, ông giảng dạy tại Đại học Paris 1 – Patheon – Sorbonne từ năm 1973 – 1975. Đồng thời ông cũng giữ nhiều chức vụ tư vấn, kinh doanh và quản lý nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, trong các lĩnh vực xây dựng, điện lực, kinh doanh, giao thông vận tải, dầu hỏa và lọc nước. Từ 1990, ông trở thành cố vấn thường trực của Chính Phủ Cộng hòa Pháp về thương mại Quốc tế. Phan Văn Trường cũng có công về mặt văn hóa vì ông là người đầu tiên chính thức đề xướng việc dùng chữ Quốc ngữ là văn tự cho người Việt. Bên cạnh việc truyền thụ tri thức quý báu cùng kinh nghiệm bản thân đã qua bao năm rèn luyện trong những cuộc đàm phán quyết liệt, Giáo sư Phan Văn Trường còn san sẻ những dòng tâm sự và triết lý nhân sinh rất đời, rất người trên từng trang sách. Và cuốn sách “Một đời thương thuyết” cũng là những câu chuyện, trường hợp mà Giáo sư đã từng gặp phải. (1)

Nội dung sách:

Đây là một kho báu kinh nghiệm thực tiễn, chân thực và mang nhiều triết lý sống của một người lãnh đạo tầm vóc toàn cầu, mang dòng máu Việt Nam, viết cho người Việt Nam. Các câu chuyện trong sách được kể lại với sự bộc bạch chân thành từ kinh nghiệm học tập và làm việc trong môi trường đa văn hoá, chủng tộc và các cuộc thương thuyết không chỉ đơn giản là “thuận mua - vừa bán" thường ngày như mua một căn nhà, xe cộ hay tài sản. Mỗi thương vụ mà tác giả đã trải qua phức tạp hơn thế. Một thương vụ có thể kéo dài vài ba tháng hoặc vài ba năm. Các quyết định thương thuyết dựa trên rất nhiều yếu tố: công ty mẹ, công ty con, tài chính trong và ngoài nước, các nhóm làm việc có nhân viên ở các nền văn hoá khác nhau, v.v.. Song, những mẩu chuyện về các cuộc thương thuyết “khổng lồ và phức tạp” này lại được kể lại một cách rất dí dỏm và gần gũi.

Phần mở đầu là câu chuyện về những bài học thâm thuý mà cha ông đã để lại qua chuyện “Thằng Bờm có cái quạt mo". Tác giả phân tích một góc nhìn rất sâu sắc và mới lạ về sự thương thuyết này. Thông qua sự “trả giá" của phú ông là một sự thông minh, tinh tế của một người đứng đầu về địa vị trong làng. Sự đáp trả của Bờm - đại diện cho tầng lớp thấp hơn trong xã hội lại cũng khéo léo ngang bằng. Bờm biết rất rõ mình đang sở hữu gì, có thể đổi lấy gì và cách ứng xử vừa đúng để khi cuộc thương thuyết được hoàn tất, Bờm và phú ông vẫn hoà bình cùng sống trong ngôi làng.

Thông qua những mẩu chuyện còn lại, điều mà quyển sách nhắc nhớ người đọc và cũng là thông điệp sâu sắc của tác giả, xin được trích nguyên văn tại đây: “Dù ở vị trí trên hay dưới, bạn vẫn nên giữ thái độ tích cực và đạo đức. Trên đường dài bạn sẽ không bao giờ vấp ngã.”

Nguồn tham khảo:

Anybooks.vn - Kết nối tri thức, Review sách Một đời thương thuyết - GS Phan Văn Trường. Truy xuất từ: https://anybooks.vn/review-sach-mot-doi-thuong-thuyet-gs-phan-van-truong-a954.html

_________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được sưu tầm,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7

Hồ Tấn Hùng
Nguyễn Thị Kim Thương
Võ Thị Yến Nhi
Hoàng Mạnh Cường
Lâm Trọng Kha
Đinh Thị Nho
Đinh Nguyễn Nhã Thanh