Kể từ thế kỷ 17, lục địa châu Âu đạt những bước tiến nhảy vọt hơn hẳn các nước khác. Mọi phát minh lớn có ảnh hưởng sâu sắc lên đời sống nhân loại đều xuất phát từ châu Âu. Tình trạng đó kéo dài liên tục vài thế kỷ, cho nên không tránh khỏi nhiều phán đoán chủ quan cho rằng, người châu Âu – hay nói rõ hơn là người da trắng – vốn thông minh, ưu việt và có tư chất phát triển hơn các giống dân da màu. Cũng không ít người dùng những thuật ngữ cường điệu như dân tộc ưu việt, giống dân thượng đẳng v.v…

BVST18076-SERIES-LICH-SU-VAN-MINH-CHAU-AU-1-1-.jpg

Bản đồ nhân chủng thế kỷ 19
Nguồn: Meyers Konversationslexikon (1885-1892) – Vùng công cộng

Những phán đoán đó xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau. Hoặc với dụng ý chính trị để tuyên truyền cho một chính sách nào đó trong một thời điểm nhất định, nhưng động cơ mạnh nhất vẫn xuất phát từ lối suy nghĩ mang tính kỳ thị chủng tộc.

Thực chất như thế nào? Có một giống dân thượng đẳng hơn hẳn các giống dân khác hay không? Từ thế kỷ 19 đã có nhiều nhà nhân chủng học quả quyết như thế và đưa khái niệm đó vào lý thuyết. Trong bản đồ nhân chủng dưới đây, họ định vị hai giống dân đặc biệt: Euro-Aryan ở vùng đất châu Âu hiện nay và Indo-Aryan ở vùng đất trải dài từ Ấn Độ đến Iran. Họ cho rằng đó là hai giống dân ưu việt nhất, nhưng đấy chỉ là luận cứ hoàn toàn nằm trên lý thuyết, chứ chưa ai chứng minh được bằng dữ liệu và luận cứ khoa học.

Quốc Xã Hitler trong vòng 12 năm cầm quyền đã sử dụng hàng trăm giáo sư đại học, hàng ngàn chuyên gia nghiên cứu trong các lĩnh vực y khoa, sinh học và nhân chủng học để tìm những chứng cớ khoa học về giống dân thượng đẳng Aryan, xem đó là nguồn gốc của dân tộc Đức. Học thuyết nhân chủng Aryan là bộ phận cốt lõi trong ý thức hệ Quốc Xã, làm sườn cho những đạo luật kỳ thị chủng tộc trong thập niên 1930; nó là nền tảng lý luận của chính sách bài Do Thái và chiến lược „mở rộng không gian sống[1]“, thực chất là đi xâm chiếm đất đai. Họ khảo sát cấu trúc và thành phần sinh học trong não trạng con người. Họ đã thử nghiệm trên hàng vạn tù nhân Do Thái, Sinti, Roma và cả tù chính trị người Đức để tìm kết luận. Kết quả thế nào? Trong toàn bộ hồ sơ nghiên cứu của Quốc Xã, người ta không hề thấy một báo cáo nào có giá trị khoa học khả dĩ làm nền tảng cho luận cứ nói trên.

Ngoài ra, hàng ngàn viện nghiên cứu DNA hiện nay trên thế giới vẫn chưa tìm thấy một nguyên tố nào mang tính chất quyết định góp phần vào trình độ ưu việt của con người thuộc một sắc dân nhất định, từ đó có thể phán đoán rằng giống dân da trắng ưu việt hơn những giống dân khác.

Giáo sư Jared Diamond trong tác phẩm công phu của ông[2] đã có những kinh nghiệm và lý luận vững chắc về các nguyên do sinh tồn và phát triển hoặc sụp đổ suy tàn của các dân tộc. Diamond bỏ ra hơn 20 năm đến tận nơi để nghiên cứu, từ Greenland ở Bắc Cực đến Easter Island ở Nam Mỹ, từ Úc Châu đến Nam Phi, từ Angkor Vat đến thung lũng Indus vùng Pakistan. Ở những nơi đó, Diamond nghiên cứu nếp sống và văn hóa bản địa để tìm cách lý giải các biến cố lịch sử trong quá khứ.

Jared Diamond tổng kết mười nhóm dân từ thời cổ đại trước công nguyên và trung cổ, cũng như bốn nhóm dân của thời cận đại cho đến thế kỷ 19, để từ đó rút ra kết luận mang tính thuyết phục rằng, ngoại trừ một số trường hợp sụp đổ do thảm họa thiên nhiên mà sức người không đủ mạnh để chống cự, hoặc do bạo lực từ bên ngoài, còn lại thì sự phát triển hay suy tàn của một dân tộc đều do quyết định đúng hay sai của con người, không phân biệt vùng địa lý hay sắc dân. Dân tộc nào hiểu biết qui luật phát triển của môi trường sống, nơi đó họ có thể sử dụng được nguồn lực vô tận của thiên nhiên để sinh tồn và phát triển. Dân tộc nào thiếu kinh nghiệm hoặc sử dụng kinh nghiệm của vùng này để áp dụng tại một vùng khác không phù hợp, dân tộc đó sẽ gặp đại họa. Diamond không tìm thấy một thành tố nhân chủng nào tác động vào sự thành công hay thất bại của các dân tộc.

Vậy thì, luận cứ „giống dân thượng đẳng“ chỉ là huyền thoại của những người mang ý thức hệ chủng tộc, không hơn không kém. Nhưng nếu đúng như vậy, chúng ta cắt nghĩa thế nào về sự chênh lệch về mức sống và trình độ phát triển xã hội của những dân tộc khác nhau ở những vùng địa lý khác nhau trong những thời kỳ lịch sử khác nhau?

TRỞ VỀ THƯỢNG NGUỒN CỦA LỊCH SỬ

Tiến sĩ kinh tế Vũ Quang Việt trong bài nghiên cứu về lịch sử phát triển kinh tế thế giới[3]đã kết luận rằng, trong thời cổ đại trước công nguyên, những vùng đất phát triển đầu tiên đều do sự đãi ngộ tình cờ của thiên nhiên: „Loài người chỉ sinh sôi nảy nở và phát triển khi nông nghiệp phát triển, nhờ đó có thể định cư định canh thay vì làm người săn bắn lang thang từ vùng này sang vùng khác. Và có thặng dư lương thực mới tạo cơ hội cho sự ra đời của vua chúa, quân đội. Nông nghiệp phát triển trước tiên từ ít nhất 12.000 năm trước ở vùng lưỡi liềm màu mỡ (fertile crescent) hay còn gọi là khu vực Lưỡng Hà[4], hiện nay bao trùm Iraq, Iran và Syria. Đây là khu vực có nhiều giống cây và loài vật hoang sơ có thể thuần hoá như lúa mì, lúa mạch, đậu Hà Lan, đậu lăng… và bò, cừu, dê, heo, ngựa. So với vùng màu mỡ này, Úc châu không có loại cây cỏ hoặc động vật nào có thể thuần hoá, ngoài trừ hạt macadamia. Thặng dư và nền văn minh không thể phát triển từ hạt macadamia, do đó thổ dân Úc châu tiếp tục đời sống săn bắn cho đến khi người Tây phương đặt chân tới“.

Một số vùng khác cũng có sự phát triển tương tự tuy rằng ở mức độ ít hơn, thí dụ như vùng đất màu mỡ ở hạ nguồn sông Nile đã tạo điều kiện cho Ai Cập trở nên giàu có và xây dựng một nền văn minh lớn trong thời cổ đại. Hoặc khu vực trù phú ở hai bên bờ sông Indus dài hơn 3000 cây số ở tây bắc Ấn Độ và Pakistan, nơi sinh thành của văn minh Indus thuộc một đế chế rộng lớn hơn một triệu cây số vuông. Cũng chính trên dòng sông huyền bí này với những khu rừng nhiệt đới âm u hai bên bờ, đội quân bách chiến bách thắng của Alexander đại đế bỗng nhiên chùn bước, nhớ nhà nên nổi loạn đòi trở về quê quán. Cuối cùng, Alexander phải bỏ mộng chinh phục phương Đông. Tương tự như Indus, vùng đất ở hai bên bờ sông Hoàng Hà và Dương Tử[5] ở Trung Hoa có lợi thế của phù sa màu mỡ để phát triển nông nghiệp và tạo nên nếp sống định cư định canh rất sớm so với nhiều vùng khác trên thế giới.

Thí dụ sống động hơn là nền văn minh Maya ở châu Mỹ. Giáo sư Jared Diamond đã dành một chương sách để nói về Maya[6], một nền văn minh độc đáo thành hình từ 4000 năm trước. Các khám phá khảo cổ mới đây cho thấy là văn minh của họ đã có từ lâu đời, mà nếu so sánh với đế chế La Mã thời cổ đại thì cũng không biết ai hơn ai kém. Họ biết tận dụng ưu đãi của thiên nhiên để xây dựng thành một dân tộc giàu có và văn minh. Rồi cũng chính vì thiên nhiên khắc nghiệt, hạn hán mà dân số ở nhiều vùng giảm xuống theo thời gian. Cho đến lúc đội quân Tây Ban Nha đặt chân đến châu Mỹ, trong vòng 100 năm sau, dân số Maya chỉ còn lại 1% của thời hưng thịnh „vì những lý do liên quan đến cuộc xâm chiếm của Tây Ban Nha“ như Diamond nhận xét. Đấy là chưa kể Giám mục Diego de Landa[7] đã đốt hết sách vở của Maya, mục đích để „tiêu diệt các dị giáo“ ở châu Mỹ[8]. Nếu không có những động thái tàn bạo đó, biết đâu chúng ta hôm nay có thể chứng kiến một nền văn minh khác ở Nam Mỹ không kém gì văn minh phương Tây?

Spain_against_Indian_Black_Legend

Hình [2]: Tây Ban Nha và thổ dân châu Mỹ
Tác giả: Joos van Winghe & Theodor de Bry (tranh khắc gỗ)

Nguồn: Bibliothèque Nationale de France – Vùng công cộng

Trở lại vùng Lưỡng Hà có liên quan đến châu Âu. Khu vực trù phú về nông nghiệp và chăn nuôi này đã tạo nên một đời sống vật chất cao hơn những nơi khác, lại nằm trên tuyến giao thông đường thủy thuận lợi cho việc giao lưu và tiếp thu sáng kiến từ các vùng khác trong khu vực Địa Trung Hải. Họ đã sớm phát triển từ đời sống bộ lạc chuyển sang xã hội có tổ chức, có giao lưu với thế giới bên ngoài, có phát triển thương mại và họ cũng mang nếp sống văn minh đến các vùng đất chung quanh. Từ đời sống vật chất đầy đủ, nhu cầu xã hội cũng thay đổi theo. Khi giao thương phát triển, họ cần nhiều sáng kiến để tạo thêm phương tiện quản lý xã hội. Hoạt động đó làm phát sinh nhiều tiến bộ kỹ thuật cải thiện đời sống và thúc đẩy phồn vinh xã hội. Văn hóa tư tưởng cũng từ đó có đất nẩy mầm, tạo ra hiệu ứng hỗ tương để văn minh phát triển. Đó là lý do để chúng ta cắt nghĩa tại sao vùng Iran và Hy Lạp, bắt đầu từ cội nguồn Crete nằm giữa Địa Trung Hải, đã phát triển chữ viết từ cả ngàn năm trước công nguyên, một thành tố quan trọng để xây dựng xã hội văn minh sau này.

Nhờ giao thương trao đổi giữa các lục địa liên thông nhau thuộc châu Âu, châu Á và Bắc Phi mà đời sống vật chất trên các tuyến giao thông tại các khu vực đó ngày càng cao, tổ chức xã hội ở nhiều vùng địa lý khác nhau trên các lục địa này ngày càng thay đổi, từ nếp sống bộ lạc lấy săn bắn làm phương tiện sinh nhai, dần dần chuyển sang phát triển nông nghiệp để có đời sống định cư. Riêng vùng Nam châu Phi là một trường hợp đặc thù. Tại đó „không có con vật và cây cỏ nào có thể thuần hóa, do đó đời sống con người chỉ có thể dựa vào hái lượm và săn bắn. Văn minh các vùng khác không thể tràn xuống dễ dàng vì sự ngăn cách của sa mạc Sahara [9]“.

Trong thời cổ đại và trung cổ, ngoài sự đãi ngộ của thiên nhiên, sáng kiến giao thương trao đổi với các giống dân khác là yếu tố cực kỳ quan trọng để nâng cao phồn vinh vật chất, tạo tiền đề để nền văn minh phát triển. Vùng đất nào sống cô lập không liên hệ với bên ngoài, nơi đó văn minh đến chậm. Thí dụ, mãi đến khi người châu Âu đặt chân đến châu Mỹ từ đầu thế kỷ 16 hoặc đến châu Úc từ cuối thế kỷ 18, đời sống bộ lạc lấy săn bắn hái lượm làm phương tiện sinh nhai mới dần dần bị đẩy lùi, thay vào đó là phát triển nông nghiệp với đời sống định cư định canh, tổ chức xã hội và nâng cao đời sống tinh thần [10].

Nam châu Phi cũng là trường hợp tương tự nhưng với một kết quả bi thảm cho dân bản địa. Mặc dù vùng đó nằm trên cùng một lục địa như Bắc Phi, nhưng bị thiên nhiên cô lập với thế giới bên ngoài bởi sa mạc Sahara ở phía bắc và ba mặt đại dương ở phía nam. Mãi đến thế kỷ 15, khi kỹ thuật hàng hải đã phát triển cao, người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha mới đặt chân đến các vùng ven biển Nam châu Phi. Một mặt, họ mang nếp sống châu Âu đến vùng đất mới, nhưng mặt trái của hoạt động đó là, Bồ Đào Nha đã mở đầu cho chế độ buôn bán nô lệ có một không hai trong lịch sử loài người. Có thể kết luận được chăng, thảm họa Nam châu Phi đã bắt đầu từ thế kỷ 15 và sau đó tăng tốc vào thế kỷ 17? Chứ đâu phải họ chậm tiến hơn các lục địa khác chỉ vì họ là dân da đen?

Tóm tắt thời kỳ xưa cổ trước công nguyên, chúng ta thấy có vài dân tộc, bất kể vùng địa lý hoặc chủng tộc nào, nếu biết tận dụng ưu đãi của thiên nhiên, họ có thể phát triển ngành nông nghiệp, tạo nên nếp sống định cư, xây dựng đời sống xã hội văn minh, phát triển thương mại để xã hội giàu có hơn. Từ sự giàu có ấy, nếu họ có sáng kiến và cơ chế phù hợp để thích nghi với đòi hỏi mới của xã hội theo từng thời kỳ, dân tộc ấy có thể nâng cao nền văn minh, phát triển văn hóa và khoa học để vươn lên hơn hẳn các dân tộc khác. Ngược lại, cũng có những dân tộc đã tương đối phát triển, nhưng hoặc vì thiên nhiên khắc nghiệt, hoặc vì bị kẻ khác xâm chiếm, hoặc vì làm những quyết định sai lầm đưa đến thảm họa và bị diệt vong. Yếu tố chủng tộc không đóng một vai trò gì trên quá trình phát triển văn minh hay suy tàn sụp đổ.

MỘT THIÊN NIÊN KỶ TRƯỚC VÀ SAU CÔNG NGUYÊN

Văn minh thường được thể hiện qua nhiều lĩnh vực khác nhau như văn chương, nghệ thuật, triết học, khoa học, kỹ thuật, trình độ sản xuất v.v… Nhưng xét về một khía cạnh tương đối, chúng ta cũng có thể đánh giá văn minh của một dân tộc trong một giai đoạn nhất định qua những phát minh mang tầm vóc quốc tế và có tác động mạnh đến xã hội loài người mà dân tộc ấy cống hiến cho nhân loại. Để minh họa cho những lý giải ở phần trên, cũng như để bổ sung cho những phân tích định lượng trong phần trình bày kế tiếp, chúng ta thử xem xét các vùng văn minh khác nhau có những phát minh nào được mọi người thừa nhận là có giá trị cho loài người.

Vị giám đốc Viện Bảo tàng Khoa học London, Jack Challoner đã xuất bản cuốn sách đồ sộ[11] trình bày các phát minh lớn của loài người từ thời cổ đại cho đến cuối thế kỷ 20. Chúng ta ghi nhận được như sau:

Bảng [1]: Số lượng các phát minh lớn chia theo từng vùng

Năm:                                       1000 – 0                    0 – 1000                   1000 – 1500
                                                (trước CN)                (sau CN)                                      

Châu Âu, La Mã                     3                                   6                                 7
Mesopotamia, Ả Rập             8                                  2                                 4
Hy Lạp                                     9                                  0                                 0
Trung Hoa                              10                                11                               8
Châu Á khác                           0                                   1                                1

Tổng cộng:                             30                                 20                               20
                                                                                                                                         

Để bổ sung và có một sự liên hệ về tỉ lệ của số lượng các phát minh trên dân số, chúng ta có thể kết hợp với dữ liệu của giáo sư Angus Maddison như sau[12]: dân số châu Âu (trừ Nga) vào năm 0 ước chừng 30 triệu, Trung Hoa 60 triệu, Ấn Độ 75 triệu, các nước châu Á khác 40 triệu. Riêng đế chế La Mã trong thời kỳ hưng thịnh nhất có 20 triệu dân ở vùng châu Âu. Tăng trưởng dân số thế giới không đáng kể cho đến năm 1000, bình quân tăng ít hơn 1% cho mỗi thế kỷ.

Bảng thống kê các phát minh ở trên nói lên điều gì?

1000 năm trước công nguyênVùng Lưỡng Hà (Mesopotamia) và Hy Lạp có nhiều phát minh nhất, chừng mực nào cũng thể hiện trình độ văn minh cao nhất. Nếu tính theo tỉ lệ dân số thì sự chênh lệch so với các vùng khác càng nổi bật hơn: 300 ngàn người cho mỗi phát minh từ hai vùng Lưỡng Hà và Hy Lạp, thứ đến ở Trung Hoa 5 triệu người mỗi phát minh và châu Âu 10 triệu người.

Bảng thống kê này làm sáng tỏ thêm lý giải ở phần trên: Vùng Lưỡng Hà có đời sống phồn vinh sớm nhất nhờ thiên nhiên ưu đãi. Từ đó, họ có nhu cầu giao thương buôn bán với vùng Địa Trung Hải. Trong mối quan hệ đó, Hy Lạp biết sử dụng lợi thế từ vị trí chiến lược của mình trong mạng lưới giao thông ở Địa Trung Hải để phát triển kinh tế, biến Crete thành nút giao thông đường biển, biến Athens thành trung tâm thương mại quốc tế. Nhờ thế, Hy Lạp đã giàu có nhanh chóng và từng bước vươn lên thành nền văn minh hàng đầu của nhân loại.

Nền văn minh Hy Lạp phát triển rực rỡ đến thế kỷ thứ 4 trước công nguyên, sau đó dần dần đi xuống dưới triều đại Alexander đại đế[13]. Cuối cùng, khi bị La Mã xâm chiếm vào giữa thế kỷ thứ 2 trước công nguyên thì nền văn minh huy hoàng cũng bắt đầu suy tàn và sụp đổ. Đội quân La Mã đã tàn phá 70 thành phố lớn nhỏ, 150.000 người Hy Lạp bị đem bán ở các chợ nô lệ. Rất nhiều người thuộc giới tinh hoa bị bắt làm con tin giải về La Mã, chỉ riêng trong liên minh Achaea có 1000 học giả bị lưu vong, trong đó có nhà sử học tiếng tăm Polybius[14].

Từ đó về sau, vùng đất Hy Lạp trở thành một tỉnh của đế chế La Mã; trong nước thì người dân bị áp chế,  giới học giả lưu vong thì như cây trốc rễ, mất hết khả năng sáng tạo, trình độ phát triển giảm dần và cả dân tộc kiệt quệ không còn sức sống. Suốt hơn 1000 năm sau, Hy Lạp không còn đóng vai trò gì đặc biệt trên bản đồ thế giới, nhân loại mất đi một nền văn minh rực rỡ nhất chưa từng có trước đó. Mãi đến thời kỳ phục hưng[15] thế kỷ 15, người châu Âu mới phục hồi lại một phần nền văn minh Hy Lạp đã mất. Châu Âu đã lấy cảm hứng từ tư tưởng các học giả thời cổ đại để xây dựng lục địa văn minh hàng đầu như chúng ta thấy ngày hôm nay.

Cũng trong thời gian đó, vùng Lưỡng Hà bị đế chế La Mã chặn mọi đường giao thông ra Địa Trung Hải, mất hết lợi thế buôn bán và phát triển chậm lại, chỉ còn Iran là giữ được sức mạnh để cố thủ vùng Tây Á, dần dần phát triển thành đế chế Ba Tư. Ở châu Á thì Trung Hoa đứng hàng đầu nhờ biết khai thác lợi thế của vùng đất trù phú bên cạnh hai con sông Hoàng Hà và Dương Tử. Các nước châu Á khác không có gì đáng kể. Châu Âu trong thời gian đó, ngoài khu vực thuộc đế chế La Mã, cũng chỉ là vùng đất điêu tàn, nghèo nàn lạc hậu, nhiều nơi vẫn còn đời sống du mục và lấy nghề săn bắn làm kế sinh nhai.

1000 năm sau công nguyên: Kể từ đầu thiên niên kỷ, tình trạng chính trị châu Âu đã thay đổi. Vùng đất mà hôm nay chúng ta gọi là châu Âu bao gồm hai phần, một bên là đế chế La Mã „giàu có[16]“ trải rộng đến tận biên giới Scotland và bên kia là vòng đai chung quanh rất nghèo nàn, được cư ngụ bởi nhiều sắc dân khác nhau, đa số thuộc giống dân hoang dã. Nếu kể cả vài vùng Ả Rập thuộc La Mã, thì trong thiên niên kỷ thứ nhất, châu Âu có 8 phát minh với dân số 30 triệu, so với Trung Hoa có 11 phát minh với 50 triệu dân. Như thế trình độ văn minh của hai vùng cũng tương đối ngang nhau, không hơn không kém. Vùng Lưỡng Hà và Hy Lạp, dưới sự khống chế của La Mã không còn đóng vai trò gì nữa sau công nguyên. Họ chỉ có 2 phát minh trong vòng 1000 năm.

Tình trạng đó cũng phản ánh thực tế chính trị xã hội đương thời. Mọi phát minh ở châu Âu đều xuất phát từ đế chế La Mã và sau này là đế chế Byzantine ở phía đông. Ở Trung Hoa cũng tương tự. Mọi phát minh đều xuất phát từ thời nhà Hán đến thế kỷ thứ 3, và đời nhà Tống nhà Đường vào cuối thiên niên kỷ. Khoảng thời gian ở giữa kéo dài gần 500 năm trong cả hai vùng, châu Âu và Trung Hoa, là thời gian loạn ly, chiến tranh xâu xé, nghèo đói và bệnh tật, chứ nói gì tới phát minh?

THẾ KỶ 11 – ĐIỂM UỐN CỦA LỊCH SỬ CHÂU ÂU

Bảng thống kê ở trên cho thấy là trong vòng 500 năm kế tiếp từ 1000 đến 1500, các phát minh đã chuyển dịch về phía châu Âu trong lúc Trung Hoa thì giẫm chân tại chỗ. Điều này cũng phản ánh xã hội lúc ấy. Lịch sử châu Âu trong giai đoạn này có những thay đổi vô cùng sâu sắc. Mặc dù nền văn minh chưa định hình, trình độ xã hội còn mang tính chất trung cổ, nhưng những thử nghiệm trong giai đoạn này đã đặt nền móng vững chắc cho các tiến bộ vượt bậc trong các thế kỷ về sau. Một tầng lớp trí thức mới bắt đầu thành hình, hàng loạt đại học được thành lập khắp mọi lãnh địa lớn nhỏ, chủ nghĩa nhân bản được sinh thành và phát triển nhanh chóng khắp mọi nơi, tác động lên mọi tầng lớp trong xã hội, tạo nền móng cho ý thức yêu chuộng tự do được phát triển. Quan trọng hơn hết có lẽ là, người châu Âu bắt đầu từ chối sự can thiệp của ý thức hệ tôn giáo lên đời sống chính trị, mặc dù trước sau họ vẫn là những tín đồ Kitô rất ngoan đạo[17].

Để trả lời câu hỏi tại sao châu Á phát triển chậm hơn châu Âu, có lẽ chúng ta nên khảo sát thời gian từ năm 1000 đến 1500. Các nhân tố kết cấu thành nền văn minh châu Âu đều xuất hiện rõ rệt trong giai đoạn đặc biệt này.

Nếu chúng ta cùng Jack Challoner đi xa hơn vài trăm năm sau thì sẽ thấy là thế kỷ 16 có 12 phát minh, thế kỷ 17 có 18 phát minh, thế kỷ 18 có 61 phát minh lớn thay đổi sâu sắc đời sống con người. Đại đa số các phát minh này đều đến từ châu Âu, phần còn lại của Ả Rập.

Trung Hoa không cống hiến thêm một phát minh nào kể từ năm 1500 cho đến đầu thế kỷ 20. Tại sao như thế? Yếu tố nào đã đưa văn minh châu Âu vượt xa các vùng khác? Đấy là câu hỏi vô cùng lý thú lúc triển khai đề tài văn minh châu Âu. Chúng ta sẽ trở lại dông dài sau này để tìm câu trả lời.

Đến đây, thay vì dùng quan điểm lịch sử để lý giải, chúng ta thử dùng phương pháp lượng học để bổ sung cho việc phân tích điều kiện sống của nhiều xã hội khác nhau trên thế giới.

ĐỜI SỐNG NHÂN LOẠI THỂ HIỆN QUA THỐNG KÊ

Việc dùng phương pháp lượng học trong nghiên cứu lịch sử kinh tế mới được đặt ra từ 1960, sau hội nghị giữa National Bureau of Economic Research và The Economic History Association ở Mỹ[18]. Những con số khô khan của thống kê khó lòng lý giải được những tiến trình lịch sử phức tạp, nhưng chúng bổ sung rất nhiều cho việc nghiên cứu lịch sử, làm cho những lý luận phức tạp trở nên có tính thuyết phục cao hơn.

Trước hết chúng ta cần khoanh vấn đề lại một ít. Thống kê đúng hay sai tùy thuộc vào dữ liệu thu thập có đáng tin cậy hay không. Trong lúc việc thu thập dữ liệu trước đây 500 năm chưa ai đặt ra, thì giá trị thống kê giai đoạn đó cũng có tính cách tương đối. Nếu xem xét thống kê thời gian sau năm 1800 thì chúng ta sẽ có kết quả rất chính xác, nhưng thống kê thời gian trước đó thì phải dựa vào phỏng đoán.

Liệu sự phỏng đoán, cho dù với phương pháp khoa học đi kèm, có cung cấp được kết quả chính xác hay không? Câu trả lời có thể là: „Lượng hóa lịch sử kinh tế qua một hệ thống số liệu nhất quán giúp ta cụ thể hoá việc so sánh quá trình phát triển giữa các nước và các khối nước. Lượng hoá đòi hỏi phỏng đoán. Làm sao ta biết được người sống vào thế kỷ thứ nhất sau công nguyên thời nhà Hán ở Trung Quốc có thu nhập là bao nhiêu? Angus Maddison dựa vào con số $400 trên đầu người một năm tính theo giá $US của năm 1990, là con số tối thiểu để có được một đời sống tối thiểu chẳng hạn như có nhà lợp rạ, có đủ ăn để làm việc, tồn tại và duy trì cùng một số dân sống trong cùng một khu vực và một nhà nước trung ương. Thí dụ, với dân số được biết vào thời đó qua điều tra dân số của triều đại Hán, ta có thể ước tính số thặng dư mà triều đại nhà Hán cần thu thuế để nuôi nổi vua quan và số binh lính lúc đó. Những con số ước lượng đầu tiên có thể nói đại khái như thế[19]“.

Công trình thống kê của mỗi nhà nghiên cứu có ít nhiều khác biệt, nhưng giữa các nhà thống kê hàng đầu trên thế giới, các con số đưa ra dù không giống nhau nhưng cũng không có gì mâu thuẫn. Chúng tôi chọn thống kê của giáo sư Angus Maddison vì nó đáng tin cậy, rất phong phú, bao trùm nhiều lĩnh vực, được các cơ quan quốc tế sử dụng, như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB) v.v…

Trong hai tập sách hơn 600 trang[20], Maddison cung cấp nhiều bảng thống kê bao trùm nhiều lĩnh vực. Ở đây, để thuyết minh bổ sung cho những lý giải ở phần trên, chúng tôi chọn ra ba bảng thống kê: Thu nhập đầu người (per Capita GDP) nói lên một cách tương đối mức độ phồn vinh của người dân trong một quốc gia. Thống kê dân số và tuổi thọ trung vị nói lên điều kiện sống trong từng giai đoạn.

Bảng [2]: Thu nhập đầu người trên thế giới[21] (International $ 1990)

Năm:                        0            1000       1500      1600      1700      1820      1913       1973
                                                                                                                                              

Tây Âu                  450         400         774         894         1024      1232      3473      11534
Đông Âu                400         400         462         516         566         636         1527      4985

Liên Xô cũ             400         400         500         553         611         689         1488      6058
Mỹ, Úc, Canada     400         400         400         400         473         1201      5257      16172
Châu Mỹ La Tinh  400         400         416         437         529         665         1511      4531

Nhật                      400         425         500         520         570         669         1387      11439
Trung Hoa             450         450         600         600         600         600         552         839
Ấn Độ                    450         450         550         550         550         533         673         853
Châu Á khác          450         450         565         565         565         565         673         2065

Phi Châu               425         416         400         400         400         418         585         1365

Toàn thế giới          444         435         565         593         615         667         1510      5709
                                                                                                                                                

Bảng thống kê này cho chúng ta thấy rõ một điều, trong thiên niên kỷ thứ nhất, từ năm 0 đến 1000, tất cả mọi vùng đều có một mức sống ngang nhau. Ngoại trừ một số nhỏ vua chúa quan lại có đời sống xa hoa lấy từ tiền thuế của người dân, còn lại mọi người đều có một cuộc sống hết sức thô sơ, mặc không đủ ấm, ăn vừa đủ no để làm lụng và sinh tồn, duy trì nòi giống. Cá biệt có một vài vùng trù phú giàu sang như Trung Hoa ở dọc hai bờ sông lớn, nhưng số dân ít ỏi ấy không đủ để kéo các vùng khác cùng lên.

Tiếp theo 500 năm hậu trung cổ từ 1000 đến 1500, đời sống trên thế giới đã có nhiều cải thiện đáng kể, nhưng sự khác nhau giữa vùng này vùng kia cũng bắt đầu xuất hiện. Trong lúc mức sống châu Á tăng trưởng rất chậm với Nhật tăng 20%, Trung Hoa tăng 30% thì Tây Âu tăng lên gần gấp đôi.

Đi tiếp thêm 300 năm từ 1500 sang thời cách mạng công nghiệp cho đến 1820, sự chênh lệch càng rõ rệt hơn: Trong lúc châu Á kể cả Trung Hoa giẫm chân tại chỗ, Nhật, Đông Âu và châu Mỹ La Tinh chỉ tăng lên một ít, thì Tây Âu, Bắc Mỹ và Úc đã vượt lên một cách ngoạn mục, tạo nên một khoảng cách ngày càng lớn.

Để có hình ảnh đúng đắn về điều kiện sống của các vùng, chúng ta ghi nhận thêm hai bảng thống kê bên dưới: thống kê về dân số, độ tăng trưởng dân số và tuổi thọ trung vị của người dân. Các số liệu đó biểu diễn một cách tương đối mức sống của con người, tình trạng sản xuất thực phẩm, khả năng chống chọi với bệnh tật, chiến tranh, nạn đói, bệnh dịch v.v… Khi tỉ lệ sinh đẻ không thay đổi đáng kể, thì mức độ tăng trưởng dân số cao hay thấp là chỉ số để biết mức độ tử vong ít hay nhiều, cũng là một chỉ số cho biết trình độ văn minh của xã hội. Tử vong có thể do điều kiện y tế kém sinh ra tử vong trẻ sơ sinh, hoặc chết vì bệnh dịch, hoặc do mức sản xuất thực phẩm thấp sinh ra nạn đói hoặc chết sớm vì thiếu dinh dưỡng, hoặc do chiến tranh v.v…

Bảng [3]: Dân số thế giới[22]. Đơn vị: triệu người

Năm:                      0          1000       1500      1600      1700      1820      1913       1973
                                                                                                                                             

Tây Âu                 24,7        25,4        57,3        73,8        81,5        133         261         359
Đông Âu                4,7         6,5         13,5        16,9        18,8        36,4        79,5        110

Liên Xô cũ             3,9        7,1          16,9        20,7        26,5        54,7        156         250
Mỹ, Úc, Canada     1,2         1,9            2,8         2,3        1,7             11,2        111         251
Châu Mỹ La Tinh  5,6     11,4        17,5        8,6            12,1        21,7        80,9        308

Nhật                         3,0       7,5            15,4        18,5        27,0        31,0        51,6        109
Trung Hoa              9,6       59,0        103         160         138         381         437         882
Ấn Độ                      5,0        75,0        110         135         165         209         304         580
Châu Á khác          6,6        41,4        55,4        65,0        71,8        89,4        185         678

Phi Châu                16,5        32,3        46,6        55,3        61,1        74,2        125         390
                                                                                                                                                

Về tuổi thọ trung vị[23], tài liệu của Maddison không cung cấp chi tiết đến từng vùng như các bảng trên. Ông chia ra hai nhóm. Nhóm A bao gồm các nước ngày nay được gọi là đã phát triển, thí dụ Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Nhật và tương tự. Nhóm B bao gồm các nước hôm nay được xếp là đang và chậm phát triển. Như thế, độ sai số ở nhóm B khá cao, vì tuổi thọ trung vị ở các nước đang phát triển gần bằng các nước nhóm A, trong lúc ở các nước chậm phát triển thì thấp hơn nhiều.

Bảng [4]: Tuổi thọ trung vị [24]

Năm:                 1000                1820                1900                    1950                     1999
                                                                                                                                              

Nhóm A             24                     36                     46                         66                          78
Nhóm B              24                    24                     26                          44                          64
Toàn thế giới     24                    26                     31                         49                           66
                                                                                                                                               

Từ hai bảng thống kê trên, chúng ta có thể rút ra kết luận, rằng tăng trưởng dân số bình quân trên thế giới trong thiên niên kỷ thứ nhất không đáng kể, biểu hiện tình trạng chết chóc gần ngang bằng số lượng sinh đẻ. Nguyên do một phần từ mức cung ứng thực phẩm không đầy đủ, hoặc điều kiện sống nghèo nàn, không đủ để chống chọi với thiên nhiên, phần khác do chiến tranh sinh ra tử vong nhiều và mùa màng bị phá hủy. Chúng ta có thể thấy rõ các hiện tượng ấy khi ngoảnh nhìn lại lịch sử châu Âu trong thời gian từ năm 0 đến 800, tức là năm Charlemagne đại đế thống nhất Trung Âu. Trong thời gian tám thế kỷ đó, chưa có một thập niên nào mà mọi vùng đều được sống trong hòa bình để yên ổn làm ăn, đặc biệt tệ hại nhất là hai thế kỷ thứ 4 và 5, khi đế chế Tây La Mã bắt đầu suy tàn bởi sự tấn công liên tục của các giống dân Hun, Goths, Vandals từ phía đông tràn về. Ở Trung Hoa, đó là thời loạn ly Tam Quốc, Thập Lục Quốc, Nam Bắc Triều kéo dài suốt 400 năm cho đến khi được nhà Đường thống nhất thành một mối.

KẾT LUẬN

Trên đây, chúng ta sử dụng ba phương pháp khác nhau để khảo sát mức độ phát triển các vùng khác nhau trên thế giới: a) dựa trên quan điểm lịch sử, b) dựa vào các phát minh, c) cuối cùng bổ sung bằng thống kê. Ba phương pháp này đều cung cấp kết quả tương đối ăn khớp nhau.

Nếu lấy năm 1000 làm chuẩn trong lịch sử kinh tế, thì chúng ta có thể khẳng định mà không sợ sai lầm, rằng tại điểm khởi đầu vào năm 1000, mọi dân tộc đều nghèo nàn lạc hậu như nhau.

Chúng ta đã đứng trên góc nhìn lịch sử để lý giải tại sao có giống dân thì văn minh trước, giống dân khác chậm phát triển hơn. Hoàn toàn không có yếu tố nhân chủng tác động vào tiến trình lịch sử ấy. Không có giống dân thượng đẳng, cũng không có giống dân nào tự bản chất là tối tăm kém cỏi. Trong thời cổ đại, nhờ thiên nhiên ưu đãi mà các vùng Lưỡng Hà, Ai Cập, Indus, Trung Hoa v.v… có điều kiện phát triển ngành trồng trọt chăn nuôi, tạo nên nếp sống định cư định canh thay vì phải lang thang săn bắn. Đấy chính là bước khởi đầu của xã hội văn minh.

Những bước phát triển tiếp theo được thúc đẩy bởi sự giàu có của từng vùng. Cuộc sống các giống dân định cư ngày càng sung túc, thực phẩm dư thừa tạo nên nhu cầu giao thương buôn bán, trao đổi, tiếp cận với các vùng chung quanh. Quá trình giao lưu ấy làm cho xã hội tiến lên, kho tàng tri thức ngày càng nhiều đã giúp họ thêm sáng kiến để tạo nên phương tiện cải thiện đời sống và tri thức quản lý xã hội. Tiến bộ đó sẽ tác động ngược trở lại để nâng cao sản xuất. Dân tộc nào hiểu được quá trình phát triển theo vòng trôn ốc ấy, dân tộc ấy có khả năng vươn lên nhanh hơn các dân tộc khác. Ở đây có hai yếu tố quan trọng: Trình độ sản xuất được nâng cao hoặc hoạt động kinh doanh có hiệu quả, hoặc cả hai làm cho tài sản được tích lũy thêm.

Hy Lạp là một trường hợp điển hình. Mặc dù chỉ là một bán đảo khô cằn, nhưng họ biết lợi dụng vị trí đặc biệt trong mạng lưới giao thông vùng Địa Trung Hải, thu hút các hoạt động thương mại, biến Athens thành trung tâm giao lưu với các vùng văn minh khác. Họ nhanh chóng giàu có, sớm bãi bỏ chế độ nô lệ, phát triển nền chính trị dân chủ dù chỉ là sơ khai, xây dựng nếp sống văn minh bằng những phát kiến về tư tưởng triết học, thành lập viện hàn lâm, nghiên cứu vũ trụ, xây dựng ngành toán học và các ngành khoa học khác[25]. Hy Lạp đã sản sinh vô vàn nhân vật xuất sắc mà tri thức từ 2500 năm trước vẫn còn có ảnh hưởng đến ngày hôm nay, thí dụ như Socrates, Plato, Aristotle, Euclid, Archimedes, Ptolemy, Hippocrates v.v… Việc bãi bỏ nô lệ rất sớm và tư tưởng tự do phóng khoáng không giáo điều có lẽ là những thành tố quan trọng hàng đầu để cho Hy Lạp có thể xây dựng một nền văn minh có một không hai trong lịch sử thời cổ đại.

Nhưng đấy là sự phát triển trong điều kiện sơ khai. Khi xã hội đã phát triển đến mức cao hơn, điều kiện dẫn đến tiến bộ và phát triển cũng thay đổi. Dân tộc nào không nhận thức được đòi hỏi của xã hội mới để tìm biện pháp thích ứng, nền văn minh của họ cũng có thể suy tàn và sụp đổ.

Từ thời cổ đại bước sang thời trung cổ, nhân tố thúc đẩy phát triển xã hội đã có nhiều thay đổi. Với sự hình thành tầng lớp giáo sĩ ngày càng đông đảo và quyền lực giáo hội ngày càng mạnh, tu viện Kitô giáo trở thành điểm trung tâm thu hút mọi giới. Nó vừa là viện nghiên cứu giáo lý phục vụ cho nhu cầu của giáo hội, vừa là lò đào tạo giới tinh hoa cung ứng cho nhu cầu của xã hội. „Không có cây cối nào có thể trở nên xanh tươi, nếu không được ươm trồng từ tu viện“. Mọi doanh nhân giàu có đều xem tu viện là nấc thang kế tiếp cho con cái họ để vươn lên tầng cao trong xã hội. Bằng sự giàu có, họ tiếp cận dễ dàng với vương triều, bằng tri thức, họ có ảnh hưởng mạnh lên mọi giới khác trong xã hội. Đấy là ảnh hưởng của giới quí tộc phong kiến châu Âu trong thời gian cuối của thiên niên kỷ thứ nhất sau công nguyên. Thuật ngữ quí tộc gắn liền với giàu sang và trình độ học vấn. Trên ngưỡng cửa năm 1000, tri thức đã trở thành yếu tố ngày càng quan trọng trong việc phát triển xã hội.

Bước sang thiên niên kỷ thứ hai, với sự thành lập hàng loạt đại học khắp nơi như Bologna, Paris, Rome, Oxford, Cambridge, Lisbon v.v… vai trò đào tạo giới tinh hoa của các tu viện dần dần mất vị trí độc tôn. Sinh viên nào không thích sự gò bó của tu viện thì có thể theo học đại học, chừng mực nào cũng là phương tiện để đạt vị trí cao trong xã hội. Cũng nhờ sự tồn tại song song của tu viện và đại học, mà nội dung giảng dạy phong phú và đa dạng hơn, sinh viên có cơ hội tiếp cận nhiều kiến thức phóng khoáng về mặt lý luận.

Đến thế kỷ 17 và 18, vai trò của tư tưởng trở thành động lực chủ đạo quyết định xu hướng phát triển của xã hội. Tư tưởng tự do bình đẳng đã trở thành xung lực mạnh mẽ cho hai cuộc cách mạng làm rung chuyển hoàn cầu: cách mạng ở Mỹ năm 1776 và cách mạng Pháp năm 1789, mở đầu cho giai đoạn hoàn toàn mới mẻ, không những thay đổi thể chế chính trị trong nhiều nước, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc cách mạng công nghiệp phát triển mạnh, làm vai trò vừa là nhân vừa là quả cho tăng trưởng kinh tế. Cũng cần ghi nhận thêm là, cho dù người châu Âu rất ngoan đạo, nhưng họ đã tự giải thoát ra khỏi ý thức hệ tôn giáo trong việc xây dựng thể chế chính trị. Giáo hội không còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị kể từ thế kỷ 18.

Chúng ta sẽ trở lại đề tài này trong những chương sau.

Khi phân tích lịch sử văn minh châu Âu trong thiên niên kỷ thứ II, và kết hợp với những minh chứng từ thống kê kinh tế, chúng ta sẽ trả lời được những câu hỏi vô cùng lý thú: Tại sao sự phát triển tại Tây Âu và Đông Âu đã khác nhau từ đầu? Tại sao châu Á giẫm chân tại chỗ suốt 800 năm, trong lúc Tây Âu vươn lên nhanh chóng? Tại sao Tây Ban Nha từng là đế chế hùng mạnh nhất châu Âu vào thế kỷ 16, lại thụt lùi và nhường chỗ cho Anh và Pháp vào thế kỷ 18?  Tại sao Nhật có thể rút ngắn khoảng cách Âu – Á trong vòng một thế kỷ? Đâu là những thành tố chủ đạo kết cấu thành nền văn minh? Và còn nhiều câu hỏi khác.

----- Hết -----

CHÚ THÍCH: 

[1] Không gian sống (Lebensraum) vốn là một thuật ngữ quen thuộc trong sách vở, nhưng kể từ khi vị bộ trưởng Quốc Xã, Hjalmar Schacht tuyên bố „Hãy trả lại cho dân tộc Đức không gian sống trên hoàn cầu“, thuật ngữ đó trở thành biểu tượng của chính sách bành trướng hung hãn của Quốc Xã.

[2] Xem tài liệu [3], J. Diamond (sinh năm 1937, Giáo sư sinh lý học đại học California. J. Diamond đoạt nhiều giải thưởng về các công trình nghiên cứu nhân chủng học, là tác giả của nhiều sách Bestseller vào cuối thế kỷ 20)

[3] Xem tài liệu [10], Vũ Quang Việt

[4] Vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia hoặc Two-River Region) là khu vực trù phú trải dài từ bờ đông Địa Trung Hải đến Vịnh Ba Tư, dọc theo hai con sông Tigris và Euphrates chạy song song với nhau.

[5] Sông Dương Tử (Yangtze) dài hơn 6000 Km đổ ra biển đông vùng Shanghai, sông Hoàng Hà (Huang He hay Yellow River) dài hơn 5000 Km đổ ra vùng biển phía Nam Beijing. Tại Trung Hoa, hai con sông này tạo ra một vùng ảnh hưởng thu hút dân cư trong hai khu vực rộng lớn cộng lại hơn 2 triệu cây số vuông.

[6] Xem tài liệu [3], J. Diamond, trang 199-224

[7] Giám mục Diego de Landa Caldéron (1524-1579) được cử đến Yucátan để truyền giáo. Ông có công trong việc ghi chép lại nền văn minh Maya trước thời Columbus, đồng thời cũng rất cuồng tín trong việc tiêu diệt dị giáo của Maya và là một trong những gương mặt quen thuộc trong „Truyền thuyết đen“ (Black Legend) trong lịch sử đế chế Tây Ban Nha.

[8] Xem tài liệu [3], J. Diamond, trang 201 và 221

[9] Xem tài liệu [10], Vũ Quang Việt

[10] Ở đây xin tạm thời chưa lý giải đến sự sụp đổ của các nền văn hóa bản địa, xuất phát từ chính sách thuộc địa tham lam và tàn độc của các nước đi xâm chiếm.

[11] Xem tài liệu [2], J. Challoner, sách dày 1000 trang.

[12] Xem tài liệu [6], A. Maddison (1926-2010), bảng thống kê dân số trang 636

[13] Alexander đại đế (356-323 trước công nguyên) là người Marcedonia, sau khi thắng Hy Lạp đã choáng ngợp bởi sự huy hoàng tráng lệ của Athens cho nên khi thống nhất các vùng đất chiếm được, ông xây dựng đế chế theo khuôn mẫu văn minh Hy Lạp. Nhưng Alexander đại đế là vị vua háo thắng, đánh giặc giỏi nhưng trí tuệ kém, không học được chút gì từ vị thầy uyên bác Aristotle. Các vị vua kế nghiệp đều là những kẻ bất tài. Hy Lạp từ đó suy yếu.

[14] Xem tài liệu [5], D. Lotze trang 106. Polybius là tác giả của một bộ sử gồm 40 tập. Tư trưởng của ông còn có ảnh hưởng đến phong trào khai sáng thế kỷ 17. 

[15] Gọi là thời kỳ Renaissance (Rebirth), có thể xem như là thời kỳ chuyển tiếp từ cuối thời trung cổ để bước sang giai đoạn đầu của thời kỳ hiện đại.

[16] Xin lý giải thêm về giàu có: Trong vùng đế chế La Mã, chỉ có một tầng lớp giáo sĩ và quí tộc thiểu số có đời sống xa hoa phung phí, chiếm ngự những lầu đài nguy nga tráng lệ, còn lại 90% người dân vẫn nghèo nàn, của cải làm ra phần lớn để đóng thuế cho vua chúa và giáo hội, còn lại vừa đủ để sinh tồn. Cho đến cuối thiên niên kỷ thứ nhất, 90% dân châu Âu vẫn còn mù chữ.

[17] Trong thực tế, châu Âu cần đến 500 năm sau mới đẩy lùi ý thức hệ tôn giáo ra khỏi đời sống chính trị và khoa học.

[18] Xem tài liệu [10], Vũ Quang Việt

[19] Xem tài liệu [10], Vũ Quang Việt

[20] Xem tài liệu [6], A. Maddison – The World Economy Vol. I + II

[21] Xem tài liệu [6], A. Maddison trang 642. Đơn vị là US$ mỗi năm, tính theo sức mua so sánh (PPP – Parity Purchase Power) tại Mỹ năm 1990, còn gọi là International $ 1990 hay Geary-Khamis $ 1990.

[22] Xem tài liệu [6], A. Maddison trang 636.

[23] Xin lưu ý, “trung vị“ (Median) có thể hiểu là: Trong một vùng có 1000 người, nếu được sắp theo thứ tự từ trẻ đến già (kể cả người đã chết), tuổi thọ người thứ 500 gọi là tuổi thọ trung vị của nhóm đó. Nếu tuổi thọ trung vị là 24, có nghĩa là có người chết lúc một tuổi, cũng có người khác sống đến 80.

[24] Xem tài liệu [6], A. Maddison trang 33

[25] Có phải Singapore đã học được bài học Hy Lạp thời cổ đại? Có phải họ biết thích nghi bài học đó vào điều kiện kinh tế thế kỷ 20 để biến Singapore từ một làng chài nhỏ bé trở thành nền kinh tế mạnh của châu Á sau chưa đầy 30 năm?

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Burckhardt, Jacob, Văn hóa thời phục hưng ở Ý (Die Kultur der Renaissance in Italien). ISBN 3-933-20389-9

  2. Challoner, Jack, 1001 phát minh thay đổi thế giới (1001 Inventions that changed the world). ISBN 978-1-84403-611-0

  3. Diamond, Jared, Sự sụp đổ – Tại sao các xã hội tồn tại hoặc suy tàn. (Kollaps – Warum Gesellschaften überleben oder untergehen. Sebastian Vogel dịch từ tiếng Anh: Collapse – How Societies Choose to Fail or Succeed). ISBN 978-3-596-16730-2

  4. Guizot, François, Lịch sử Văn minh châu Âu (The History of Civilization in Europe – William Hazlitt dịch từ tiếng Pháp: Histoire Générale de la Civilisation en Europe). Penguin Books 1997

  5. Lotze, Detlef, Lịch sử Hy Lạp – Từ cội nguồn đến thời đại Hellen (Griechische Geschichte – Von den Anfängen bis zum Hellenismus). ISBN 3-406-39500-7

  6. Maddison, Angus, Kinh tế thế giới – Tập I và II (The World Economy – Volume I & II). ISBN 92-64-02261-9

  7. Samhaber, Ernst, Lịch sử châu Âu (Geschichte Europas). ISBN 3-771-30169-6

  8. Stevenson, Leslie; Haberman, David L. & Wright, Peter M. Mười hai học thuyết về bản tính con người (Lưu Hồng Khanh dịch từ tiếng Anh: Twelve Theories of Human Nature).
    ISBN 978-604-956-006-4

  9. Van Doren, Charles, Lịch sử của tri thức (Geschichte des Wissens. Anita Ehler dịch từ tiếng Anh: A history of knowledge). ISBN 3-764-35324-4

  10. Vũ Quang Việt, Khái quát về lịch sử phát triển kinh tế thế giới: Những yếu tố kìm hãm và thúc đẩy phát triển (https://diendankhaiphong.org)

------
 

Nguồn bài viết: https://diendankhaiphong.org/lich-su-van-minh-chau-au-1/  

***

Bài viết này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5


Lê Nguyễn Trần Huỳnh
Nguyễn Hoàng Bảo Huy
Phạm Thị Quỳnh Mai
Huỳnh Diệp Mỹ Ngọc
Nguyễn Đình Quý
Trần Minh Dạ Thảo