• Tác giả: Cao Hành Kiện
  • Đơn vị xuất bản: Nxb Phụ nữ
  • Giải thường: Nobel Văn học 2000
  • Năm xuất bản: 2018

Nói thế nào nhỉ? Có một cái gì đó rất mờ ảo, rối rắm mà cũng thú vị vô vùng khi đọc Linh Sơn của Cao Hành Kiện. 

Linh Sơn liệu có phải hành trình hành hương về ngọn núi thiêng nào đó nơi núi rừng Trung Hoa hay chăng đó lại là hành trình khám phá chính phần bên trong của chính mình. Ngọn núi linh hồn ấy chính là cái phần sâu thẳm nhất mà tự thân mỗi người vẫn hằng tìm kiếm. Như cách nói của nhà Phật thì đó là cái “bản lai diện mục” của con người, chỉ về trạng thái con người trước khi cha mẹ sinh, trước khi trời đất phân cách, trước khi bạn nhận người thân. Đó là bộ mặt không màu sắc, không hình thể, không tướng mạo trong cõi hư không.

Hành trình của Cao Hành Kiện đã lần về cái lịch sử, nguồn gốc văn hóa mấy nghìn năm của đất nước Trung Hoa để thấy cái “bản lai” của chính mình ở trong đó, để cảm, để hiểu và để “diện mục” với nó.

Cuốn tiểu thuyết là tập hợp của 81 chương với sự góp nhặt của nhiều câu chuyện mà ta có cảm tưởng rằng không đầu không cuối, không bối cảnh nhân vật. Mà cứ như dẫn dắt người đọc đi từ không gian này đến không gian khác, từ sự kiện này đến câu chuyện khác. Mọi thứ cứ mờ ảo và người đọc theo chân tác giả như người lữ khách đang chinh phục vùng đất linh thiêng quanh năm mây phủ. 

Đọc Linh Sơn cho chúng ta cảm giác như đâu đó lại bắt gặp mình trong chính những nhân vật trong từng tranh sách, cũng có những khắc khoải, trăn trở và cả những cung bậc cảm xúc ấy. 

Linh Sơn, một tác phẩm đa góc nhìn được viết với lối hành văn không đầu không cuối, không logic, không chú trọng không gian thời gian nhưng rất đời. Bằng 81 mảnh ghép, tác giả đã đặt ra rất nhiều những trăn trở, những câu hỏi lớn mang tính thời đại: “Ta” là ai, “ta” cần gì, “ta” phải làm gì. Đó chính là chỉ dấu cho sự bắt đầu của hành trình tìm về bản thể, bản lai của tự thân của mỗi người hay rộng hơn là loài người. 

Không có danh xưng cụ thể, không danh tánh rõ ràng, bằng lối dẫn chuyện thú vị và đại từ xưng hô “ta, mi và nàng” đã vẽ nên những hành trình sâu thẳm trong tự thân:

Đại từ “ta”-cái tôi trong cuộc hành trình đi tìm vật lý.

Đại từ “mi”-cái tôi trong cuộc hành trình đi tâm linh.

Đại từ “nàng”-cái tôi nữ tính trong một cơ thể nam tính.

Đọc Linh Sơn, trong màn sương mờ ảo ấy ra vẫn thấy ánh lên một thứ ánh sáng kì lạ: đó là sự hoài nghi về giá trị bản thân, hoài nghi về thực tại, hoài nghi về lịch sử dân tộc đậm nét. Mà có lẽ đó chính là những chỉ dấu thức tỉnh mỗi người giật mình nhìn lại: liệu mình từ đâu đến và sẽ đi về đâu, sinh ra và tồn tại vì nguyên cớ gì? Từ đó là chỉ dấu cho hành trình dấn thân sâu hơn với những câu hỏi lớn của cuộc đời. 

Linh Sơn, một hành trình “tìm mình” sẽ chỉ mới bắt đầu khi những trang sách gấp lại.

 
Bài giới thiệu Sách này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Đặng Xuân Hải
Mai Thị Như Thảo
Hồ Đông Thụ
Lê Trung Thu
Nguyễn Hữu Ý