• Tác giả: J. J. Rousseau 
  • Dịch giả: Lê Hồng Sâm, Trần Quốc Dương 
  • Đơn vị xuất bản: NXB Tri Thức
  • Năm xuất bản: 1964

Emile, hay vấn đề giáo dục chính là "tuyên ngôn giải phóng tuổi trẻ " với lý luận đòi tự do cho con người cá nhân ở lứa tuổi thiếu niên. "Xuyên suốt năm quyển - tương ứng với năm giai đoạn phát triển khác nhau của thời kỳ niên thiếu, từ lúc mới sinh ra cho đến khi trở thành một công dân trong xã hội - tư tưởng của Rousseau đều nhằm vào một mục đích duy nhất là tạo ra mẫu người công dân tự do cho một xã hội dân chủ lý tưởng, chống lại chủ trương giáo dục nhằm tạo ra mẫu người nô lệ của giáo hội và tay sai của Nhà nước phong kiến".

 

Có thể thẳng thắn nói rằng đây là 1 cuốn sách "không hề dễ đọc", một công trình kết hợp giữa văn chương và triết lý. Được dẫn dắt bằng mạch truyện với cậu bé tên Emile và hành trình cậu trưởng thành, trở thành 1 công dân tự do, có giá trị và trách nhiệm. Tác giả đặt mình vào vai trò như 1 người thầy\ gia sư\quản gia để giáo dục cậu nên người bằng cách của mình với mục đích cuối cùng giúp đứa trẻ ấy được trưởng thành, sống với hình hài khỏe mạnh cùng ý chí tự do, hạnh phúc, có giá trị - đúng với bản chất nguyên thủy nhất của con người. Đó cũng là kiến thức quý giá rất đáng học hỏi.

Sách chia làm 5 phần:

Phần I: Emile từ khi ra đời đến lúc tập nói: giai đoạn cần quan tâm đến sức khỏe, ăn uống, những sự thay đổi thể chất và tâm lý tưởng chừng như vô thưởng vô phạt của trẻ, đó là tiền đề của việc hình thành tính cách sau này

Phần II: Emile 3-12 tuổi: Ở giai đoạn này việc phát triển thể chất thông qua các trò chơi vận động nhẹ nhàng, chơi mà học, học mà chơi cần được quan tâm hết sức sát sao, việc học qua sách vở tuy rất cần thiết nhưng không nên tạo thành gánh nặng cho trẻ mà hãy cho chúng được sống thoải mái bằng việc giải trí và khám phá, thích nghi với thế giới.

Phần III: Emile 12 -15 tuổi: Đây là giai đoạn trưởng thành nên nhà trường và gia đình nên hết sức chú ý vào việc giáo dục các kiến thức về khoa học và xã hội, phát triển khả năng tư duy, logic, phản biện, sáng tạo...và cuối cùng là định hướng nghề nghiệp cho đứa trẻ của mình.

Phần IV: Emile 15 - 20 tuổi: Khi đã trưởng thành, cần được giáo dục và có kiến thức về đạo đức như giới tính, thẩm mỹ, tôn giáo...

Phần V: Emile 20 - 25 tuổi: giai đoạn trưởng thành và tiến đến tình yêu - hôn nhân

Tác giả thực sự đã tạo ra một triết lý giáo dục nhân bản, dạy và học cách làm người. Đó là sự nhân văn khi mà xã hội ngày nay chỉ chú trọng dạy cho con người ta một chuyên nghành, kiến thức để dần trở thành công cụ, đánh mất dần đi sự nhân văn, tự do, khai phóng - những điều mà đáng ra chúng ta nên được tiếp thu. Rất phù hợp với các đối tượng làm giáo dục nói chung hay chỉ đơn giản là các bậc cha mẹ,bạn trẻ muốn tìm hiểu và trải nghiệm kiến thức, tích lũy chúng để phục vụ cho cuộc sống về lâu về dài.

Một số trích dẫn tâm đắc:

Theo Rousseau, việc học tập đích thực là "học tập về thân phận con người, ai trong chúng ta biết chịu đựng tốt hơn các điều hay điều dở của cuộc đời này là người được giáo dục tốt hơn cả, do đó ta dễ nhận ra sự giáo dục đích thực ở trong các giới huấn ít hơn là ở trong luyện tập… Mỗi người chỉ nghĩ đến bảo tồn con mình, như thế không đủ, cần dạy nó tự bảo tồn khi là người trưởng thành, dạy nó chịu đựng các đòn của số phận, dạy nó không sợ giàu sang và nghèo khổ, dạy nó sống nếu cần, trên băng giá miền Island hay trên núi đá nóng bỏng vùng Malte".

"Người ta không hề hiểu biết tuổi thơ... Các bậc hiền minh nhất thì chú trọng đến những gì con người cần phải hiểu biết, mà không xem xét những gì trẻ con có thể học được. Họ luôn tìm kiếm người lớn trong đứa trẻ mà không nghĩ đến hiện trạng của nó trước khi trở thành người lớn"

“Không có sự chế ngự nào hoàn hảo bằng sự chế ngự vẫn duy trì vẻ ngoài tự do; như thế người ta nắm giữ được ngay cả ý chí”

 
Bài giới thiệu sách này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Nguyễn Đình Giang
Mai Đoàn Thảo Ly
Võ Minh Thục Quỳ
Lê Thắng
Lê Quang Tịnh