Nguồn Ảnh: khanhquoctran.com
TRƯỞNG THÀNH BẮT ĐẦU TỪ THỨC TỈNH

Thưa tất cả quý anh, quý chị, thưa các bạn. Chúng ta cũng có cái duyên nợ với nhau thế nào ấy, mà tôi lại… đây là lần thứ hai tôi lại được nói chuyện ở PACE, thế là triết học không đến nỗi là cái chuyện gì đó … khô khan, xa vời khiến người ta ngán ngại. Rồi thì cách đây chừng 200 năm, ông triết gia Hegel ở bên Đức, ông ấy đến khai giảng lớp giảng của ông ở Đại học Berlin, về triết học, thì ông ấy rất kinh ngạc vì sao sinh viên đông như thế. Ông tưởng rằng chắc chẳng có ai đến nghe ông ấy cả! Thế rồi ông ấy mừng quá, ông ấy về ông ấy viết một bài giới thiệu giáo trình của ông, bằng câu rất cảm động, ông ấy bảo rằng như vậy có lẽ là nước Đức đã trưởng thành, nước Đức đã bỏ sau lưng mình những đau khổ, tủi nhục của sự thất trận và của sự ê chề, nhục nhã, để bắt đầu có một sự bình an trong tâm hồn, để có thể dành một lỗ tai cho triết học, và như thế chứng tỏ nước Đức còn có tương lai.

Hôm nay với sự có mặt đông đảo của các anh chị, thì thực sự mà nói tôi rất cảm động, không phải cho cá nhân tôi, mà nói cho to tát như ông Hegel, là cho “triết học” và cho khả năng đứng dậy của dân tộc. Tức là, các bạn “đã dành một lỗ tai” cho tư tưởng và cho sự đứng dậy, sống lại của tinh thần dân tộc. Và đề tài hôm nay, không biết có phải là ngẫu nhiên hay không mà nó rơi vào đúng thời điểm mà, hơn lúc nào hết, nó hết sức bức xúc. Cho nên, khai sáng hay trưởng thành, thực chất chỉ là một sự thức tỉnh, một sự đại thức tỉnh. Nếu mà xét về mặt lịch sử thì đó là những cơn “giật mình”, những cơn tỉnh ngộ lớn của nhân loại, và các bạn cũng nên thử tìm hiểu xem, và bản thân tôi cũng tự tìm hiểu, đó là đã mấy lần dân tộc ta và châu Á, đã có cuộc đại thức tỉnh?

Câu hỏi này rất khó. Trong khi đó thì ở châu Âu và Bắc Mĩ người ta đã trải qua nhiều đợt đại thức tỉnh. Nếu không có những đợt đại thức tỉnh đó, thì không có Âu-Mĩ ngày hôm nay, và không có nền văn minh hiện đại. Đó là điều rất lạ. Tại sao hiện tượng đại thức tỉnh đó lại xảy ra ở Âu-Mĩ, mà chưa thấy nổi bật ở phương Đông?

Hôm nay, chúng ta đi vào hai chủ đề, thực sự là một, cái này là hậu quả của cái kia, cái kia là nguyên nhân của cái này. Hai khái niệm “khai sáng” và “trưởng thành” không thể tách rời. Nhưng cái này là điều kiện của cái kia. Anh không trưởng thành thì cũng không thể và không có nhu cầu khai sáng. Ngược lại, không khai sáng thì không thể trưởng thành được. Hai khái niệm này quyện chặt với nhau, và có cái nghịch lý, gần như là “con gà với cái trứng”. Cái nào là “điều kiện” trước? Cần khai sáng cả với trưởng thành, hay trưởng thành đã rồi mới khai sáng? Không  được, chỗ này khó lắm, rất là tế nhị. Chúng ta không tách biệt hai khái niệm này như thể là “nguyên nhân” và “hậu quả” một cách rành mạch.

Ngày hôm nay có cả một môn học, môn học về lý luận về trưởng thành, môn học lý thuyết về sự trưởng thành, lý thuyết về sự trưởng thành chứ không chỉ là cái khái niệm, mà là một lý thuyết. Lý thuyết là vì sao? Là vì nó là một bộ phận của môn giáo dục, môn sư phạm. Học sư phạm hay học về giáo dục tức là học lý thuyết về sự trưởng thành. Thế nào là trưởng thành và mục tiêu giáo dục là đào tạo sự trưởng thành. Đó là một môn học, môn lý thuyết rất phức tạp. Rất nhiều trường phái, rất nhiều chủ trưởng, rất nhiều tranh luận ở đây. Tôi không biết ở Phương Đông có cái môn giáo dục sự trưởng thành hay không. Mặc dù, mặc nhiên, Phương Đông mình cũng có, nhưng không hình thành một cái lý thuyết về sự trưởng thành. Thực ra thì Nho học ngày xưa cũng có quan niệm như vậy, tức là phân đời người ra làm nhiều giai đoạn, mà nổi tiếng nhất là định nghĩa của Khổng Tử, mà ai chúng ta cũng biết. Không Tử bảo rằng, ông phân cuộc đời của mình, mà thực chất cũng là cuộc đời của mọi người, ra làm nhiều giai đoạn. Khổng Tử bảo thế này, cho tới 15 tuổi thì ta tập trung vào việc học, 30 tuổi thì lập chí vững, 40 tuổi thì không còn nghi ngờ gì nữa – 50 tuổi thì biết mệnh trời – 60 tuổi không còn cố chấp, lỗ tai này cũng như lỗ tai kia, anh nói “trái”, nói “phải”, tôi nghe đều OK hết, không cố chấp – 70 tuổi là làm theo ý thích của mình, muốn gì làm nấy, chơi “xả láng” luôn, nhưng không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lý. 70 tuổi có thể vui chơi, làm theo ý thích của mình, nhưng không bao giờ xa lánh đạo lý. Suy ngẫm về những lý thuyết như vậy cũng thú vị lắm, đó là chưa nói đến Đức Phật, chưa nói đến Lão Tử, rồi bao nhiêu những trí tuệ thông minh khác về việc đào tạo con người …

Thế nhưng nhìn lại lịch sử giáo dục Phương Đông ta thấy chưa nổi bật lên cái học thuyết, cái lý luận có đầu, có đuôi, có biện pháp, có công thức, có công cụ thực hiện cho cái gọi là lý luận về sự trưởng thành. Trong khi những cái đó lại là cái phần cốt lõi của lý thuyết sư phạm ở Phương Tây. Người ta cho rằng, trưởng thành không chỉ là về mặt sinh lý hay pháp lý, mà nó đòi hỏi 4 ĐIỀU: 
(1) Con người tự do
(2) Con người tự trị
(3) Con người có năng lực tham dự về chính trị, tham gia công việc quốc sự
(4) Phản tư, tức là “phản tỉnh”, suy nghĩ được về chính mình và về môi trường của xung quanh mình, cũng như phản tư, phản tỉnh về cuộc đời, nói chung, về cuộc đời của mình, và từ cơ sở đó tự thiết kế nên cuộc đời của mình một cách tích cực.

Như thế, trưởng thành chính là lý tưởng giáo dục kinh điển, ít ra là của Phương Tây, và phải xác định rõ như vậy.

Xung quanh vấn đề này có nhiều quan niệm khác nhau, về trưởng thành. Ở Phương Tây, có lẽ các bạn, các anh, các chị nên lưu ý ba nhân vật sau đây: một là Jean-Jacques Rousseau, thứ hai là Immanuel Kant, ông thứ nhất là người Pháp, ông thứ hai là người Đức, và ông thứ ba rất quan trọng, rất hiện đại, đó là Adorno, có thể các bạn đã biết, ông này rất quan trọng, triết gia người Đức hiện đại. Ba ông này có ba quan niệm khác nhau về làm sao để trưởng thành, muốn trưởng thành thì không thể tự nhiên mà trưởng thành được, ta phải có những cơ chế nào? Cái gì giúp cho con người ta trưởng thành? Nói cách khác, có những “cơ quan” nào có thẩm quyền để giúp cho ta được trưởng thành? Có những lực lượng nhất định nó làm cho chúng ta trưởng thành, chứ không phải tự nhiên ta muốn trưởng thành mà được. Ta sinh ra, ta phải được sống, được nuôi dưỡng cho tới 18 tuổi ta mới trưởng thành. Có phải đứa bé nó muốn trưởng thành là trưởng thành ngay là được đâu. Như thế nó phải bị quy định bởi những điều kiện nhất định.

Ông Rousseau quan niệm thế nào? Ông Rousseau bảo rằng, con người muốn trưởng thành cần ba yếu tố hay là ba “quyền lực” ảnh hưởng tới con người : thứ nhất, là giới tự nhiên, thứ hai là thế giới đồ vật, và thứ ba mới đến con người. Con người ở đây tức là cha mẹ, thầy giáo, bạn bè v.v. Phải có ba yếu tố này, con người mới trưởng thành. Ai cũng thế thôi, ta không thể nào trưởng thành mà thoát li khỏi tự nhiên được, lấy gì mà nuôi dưỡng ta, lấy gì mà sống, lấy chỗ nào để mà ở? Rồi không có đồ vật thì làm sao ta có thể sử dụng mà trưởng thành được. Đứa bé từ khi nó cầm một vật rất đơn giản mà nó không hiểu là cái gì, cho tới khi nó thành một ông kĩ sư thiện nghệ về mặt sử dụng các công cụ phức tạp. Rõ ràng nó qua quá trình đào luyện của các đồ vật, chứ còn gì nữa ? Thế nhưng Rousseau đưa ra một nhận xét rất hay, đó là giới tự nhiên và đồ vật thì bất động, gần như không thay đổi, trong khi con người là cái gì đó khả biến, có sự thay đổi. Cho nên, trưởng thành chủ yếu vẫn là vấn đề của con người. Con người có thể là bản thân mình, có thể là cha mẹ, có thể là người giáo dục mình, thầy hay là bạn mình, những người chung quanh mình…

Immanuel Kant là triết gia sau ông Rousseau, thời gian ngắn thôi. Rousseau là tiền bối. Immanuel Kant là một nhà đại triết gia người Đức ở thế ký 19, hay có thể nói là một người, về một mặt nào đó, là người trực tiếp, là cha đẻ của khái niệm “khai sáng” mà chúng ta đang bàn đến. Immanuel Kant có viết một bài ngắn, chứ còn toàn bộ sự nghiệp tư tưởng của ông thì rất lớn, nhưng mà ông nổi tiếng đặc biệt với một bài luận văn rất là ngắn, chừng vài trăm tiếng thôi, ông đăng trên một tạp chí, một nguyệt san ở Berlin lúc bấy giờ, năm 1784, với nhan đề rất là dễ hiểu, “Thế nào là Khai sáng?”.

Hinh1.png

Sự không trưởng thành này, sự vị thành niên này không phải do anh thiếu trí khôn, thiếu đầu óc, mà do anh thiếu dũng cảm để mà dùng chính cái đầu của mình mà không có sự hướng dẫn của người khác. Vì Kant bảo rằng không có gì sung sướng, khỏe khoắn và thoải mái bằng cái gì cũng do người khác hướng dẫn, cho nên theo Kant trưởng thành chính là vượt ra khỏi hai cái sự đó, vượt ra khỏi sự “lười biếng” và sự “thiếu dũng cảm”. Để làm gì ? Để sử dụng chính cái đầu của mình. Vì nếu anh chỉ sử dụng cái đầu của anh cho chính anh thôi, thì cái nguy hiểm ở chỗ là tôi không kiểm tra được thực sự cái đầu của anh đó có cái gì ở trong đó không. Thứ hai nữa là, tôi một lúc mang hai đến ba vai trò. Khi tôi vào cơ quan thì tôi là nhân viên, khi tôi đi vào quân đội thì tôi là một người lính, có cấp bậc nhất định. Thế thì, bình thường lẽ đời này, anh là công chức, anh là quân nhân, anh là viên chức thì phải có kỷ luật, chấp hành mệnh lệnh cấp trên, chứ nếu mà anh nào cũng nói nói, “Không, anh cho tôi suy nghĩ bằng cái đầu của tôi cái đã”. Như vậy là một lúc có đến hai, ba vai trò, vừa là người phải chấp hành mệnh lệnh, mặt khác tôi lại vừa là người muốn “dùng cái đầu của tôi” để tôi trưởng thành, như ông Immanuel Kant nói. Biết làm sao đây?! Mâu thuẫn hoài ! Tóm lại, có hai sự thực, mà nó rất khó giải quyết. Một, là suy nghĩ bằng cái đầu của mình, trong đầu có cái gì?. Thứ hai, ta giữ nhiều vai trò xung đột với nhau. Vậy, làm sao chứng minh được sự trưởng thành? Thế thì Kant mới đưa ra một giải pháp, và cái giải pháp này có thể nói nó là một động lực cho phong trào Khai minh ở Phương Tây. Ông ấy nói rằng, chẳng có cách nào khác ngoài cái việc là anh phải “công khai hóa” nó ra [cái anh có trong đầu].

Hinh3.png
Chỉ có việc thể hiện công khai “cách sử dụng cái đầu”, thì tôi mới biết anh có cái gì trong đầu hay không, thì tôi mới biết được anh có trưởng thành hay không. Chứ còn anh giữ trong đầu của anh, một mình mình biết, một mình mình hay, thì cũng tốt thôi nhưng mà nó chả có ích lợi gì cho xã hội. Vì thế, tư tưởng, muốn độc lập, thì nó phải có khả năng thông báo cho người khác. Ông ấy gọi là “tính thông báo phổ quát”. Tư tưởng sẽ bị chết ngạt trong căn phòng kín, không có giao thương với người khác, và tư tưởng sẽ không thể hiện được sự trưởng thành nếu nó không được công khai hóa để cho mọi người bàn bạc, tranh luận, trao đổi.

Tôi là một viên chức thì tôi phải chấp hành mệnh lệnh của cấp trên. Đồng thời, với tư cách học giả, tôi có quyền khẳng định rằng đường lối xây dựng như thế này, như thế kia, đường lối này, đường lối kia, là sai, bằng luận cứ đàng hoàng, công bố đàng hoàng. Tức là, con người của tôi có hai tư cách, tư cách một viên chức thì tôi phải tuân thủ cấp trên, nhưng với tư cách học giả thì tôi phải được công khai cái điều tôi suy nghĩ, tôi thể hiện cái sự trưởng thành của tôi, và tôi có trách nhiệm trước ý kiến của tôi.

Nghe thì hay lắm, nhưng mà có xung đột, thì sao? Nếu mà anh viết ra công khai rồi anh mâu thuẫn với đường lối, chủ trương của cấp trên, thì sao? Kẹt lắm chứ, đâu có đơn giản! Một khi mà mình “có đầu óc” nhưng rồi nó xảy ra rồi, thì biết làm sao đây? Chả có con đường nào khác để thể hiện sự trưởng thành là, hãy từ chức đi. Nếu thấy rằng việc làm đó không còn phù hợp với lương tâm, và thấy rằng mình không thể cùng chịu trách nhiệm trước việc đó được, thì chỉ có con đường là từ chức công khai, để trở thành một học giả công khai. Không còn cách nào khác. Và tất cả đều là công khai. Không thể là âm thầm nghĩ kế gì đó rồi giận gì đó rồi bỏ về nhà, cái đó không đủ, mà phải thể hiện công khai trước dư luận. 
Cho nên Kant mới đưa ra một câu kết luận rằng ngòi bút chính là thần linh của pháp quyền. Muốn có nhà nước pháp quyền thì ngòi bút chính là thần linhNgòi bút tức là công khai. Vì thế, cần có khoa học công khai, cần có tự do học thuật, cần có tự do báo chí, cần có tự do công luận, tự do truyền thông. Nếu không, sự trưởng thành chỉ là một giấc mơ mà thôi!

Phạm Tuấn Anh chép lại bản rã băng.

Nguồn bài viết: https://phamanhtuanhn.wordpress.com/2013/01/01/bai-noi-chuyen-cua-bui-van-nam-son-khai-sang-va-truong-thanh-phan-1/
 

Bài giảng này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

 Văn Thị Ngọc Dung

Trần Đỗ Tâm Giao

Phan Duy Khánh

Hoàng Thị Thanh Thảo

Lê Nguyên Thông

Nguyễn Ngọc Trâm