- Tác giả: Patrick Deville
- Người dịch: Đặng Thế Linh (Hiệu đính: Đoàn Cầm Thi - Hồ Thanh Vân)
- Đơn vị xuất bản: NXB trẻ
- Giải thưởng: Về tác phẩm Yersin – Peste & Choléra của Patrick Deville đạt nhiều giải thưởng lớn như: được vào vòng chung khảo Goncourt và nhận giải Femina 2012 (đây là hai giải thưởng văn học danh giá nhất nước Pháp. Ngoài ra nó còn nhận “giải của các giải văn học” (Le Prix des Prix Littéraires) và “giải tiểu thuyết” của tập đoàn Fnac (Prix du roman Fnac).
Đọc Yersin – Peste & Choléra (Dịch hạch và thổ tả) của Patrick Deville, tôi không thể rời mắt mình khỏi quyển sách giá trị này, như là một hành trình quay ngược thời gian để đi về quá khứ, theo dấu từng bước chân của một trọng những bộ óc vĩ đại nhân loại, nhà khoa học lỗi lạc, khiêm tốn, cô độc và trái tim đầy “tình yêu thương & lòng trắc ẩn”. Nếu có một người Pháp (gốc Thụy Sĩ) nào mà bất kì người Việt đều đồng lòng khi nhắc đến với tất cả sự kính trọng, mến mộ, biết ơn sâu sắc nhất thì đó chính là Alexandre Yersin (bà con hay gọi ông là Bác sĩ năm tốt bụng).
Alexandre Yersin (1863-1943), ông là một trong những học trò xuất sắc đầu tiên của nhà khoa học thiên tài Pasteur. Yersin đã phát hiện ra trực khuẩn của bệnh dịch hạch (Yersinia pestis) và chế tạo ra vacxin để ngăn chặn căn bệnh kinh hoàng đã từng tàn sát nhân loại những năm 1894. Vào những năm tháng vinh quang đầy kiêu hãnh của cuộc đời được Pháp ghi nhận tài năng, ông có thể lựa chọn để sống cuộc đời sung sướng, vinh quang, danh tiếng tại nước Pháp cùng với người thầy Pasteur của mình nhưng ông lại quyết định từ bỏ để chọn cuộc sống mà mình muốn, theo cách của mình đó là nhà thám hiểm, nhà khám phá (như thần tượng Livingstone của ông) đi khắp nơi trên thế giới. Ông luôn tò mò muốn biết mọi thứ mà ông quan sát được, chính vì óc quan sát, khám phá của một nhà khoa học mà ông nghiên cứu, am hiểu nhiều lĩnh vực: vi khuẩn học, thiên văn học, dân tộc học, nhiếp ảnh, thực vật học, cơ khí, nông học, xây dựng, kiến trúc, nghiên cứu về gà…
Riêng với Việt Nam thì ông là người thành lập chi nhánh Pasteur Nha Trang, xây đường sắt từ Nha Trang- Phan Rang, mở Đại học Y Hà Nội, khám phá ra cao nguyên Đà Lạt (1893) từ khi còn thô sơ, ông có công nhập khẩu và nghiên cứu đưa về Việt Nam nhiều giống cây quý đến nay chúng ta biết được như: Cao su, canhkina, cà phê, dâu tây, khoai tây, phúc bồn tử, đậu, rau diếp, cà rốt, cà chua, atiso… Khi đọc lại hành trình cuộc đời của Yersin chúng ta không thể không ngưỡng mộ trước tài năng, những công trình mà ông đã để lại cho nhân loại, cho Việt Nam nói riêng nhưng chúng ta sẽ còn ngạc nhiên hơn và thầm yêu thương bởi chính con người của ông, cách sống của ông giản dị, cô độc, khiêm tốn, yêu con người, yêu thiên nhiên.
Như Einstein từng nói “Một cuộc sống tĩnh lặng và khiêm nhường sẽ mang đến nhiều hạnh phúc hơn việc theo đuổi sự thành công và rồi bất an liên miên” và Yersin là một người như thế.
Về tác phẩm Yersin – Peste & Choléra của Patrick Deville đạt nhiều giải thưởng lớn như: được vào vòng chung khảo Goncourt và nhận giải Femina 2012 (đây là hai giải thưởng văn học danh giá nhất nước Pháp. Ngoài ra nó còn nhận “giải của các giải văn học” (Le Prix des Prix Littéraires) và “giải tiểu thuyết” của tập đoàn Fnac (Prix du roman Fnac).
Đây là một cuốn sách rất xứng đáng được đặt trong mỗi thư viện trường học, mỗi tủ sách gia đình và tủ sách cá nhân bất kì bạn đọc yêu thích sách. Chúng ta sẽ đúc kết cho riêng mình những bài học riêng về “cách sống”, “lẽ sống”, “chuyện nghề”, “đam mê” “tuổi trẻ” thông qua qua ngòi bút tài năng của nhà văn lớn của Pháp Patrick Deville, người được gọi là “bóng ma tương lai” của Yersin, người đã theo Yersin khắp nơi trên thế giới và bằng nghệ thuật ngòi bút ông đã kể lại cuộc đời Yersin qua tác phẩm này.
Trích dẫn đặc sắc từ sách:
“Con sẽ không buồn nếu phải rời Paris vì con thấy chán ngấy kịch nghệ, đám thượng lưu làm con kinh tởm, và đời mà không đi thì còn gì là đời nữa” Bức thư Yersin gửi mẹ Fanny.
“Lúc nào ông cũng phải biết mọi thứ, Yersin ấy. Trí nhớ của ông về địa danh, tên riêng cũng như các con số, thật vô biên. Ông ghi chép lại giờ giấc, tên của phi công (Couret) và sĩ quan cơ khí (Pouliquen), tình trạng bầu trời và khí tượng, đọc lại những quyển sổ cũ hoặc vì buồn chán lại ghi chép thêm. Mang thói tật của nhà thám hiểm và nhà nghiên cứu, trong đời mình ông đã viết đầy hàng trăm quyển sổ.”
“Con thấy rằng kiểu gì chăng nữa thì con cuối cùng sẽ dấn thân trên con đường thám hiểm khoa học. Con quá yêu thích điều đó, và hẳn mẹ con nhớ giấc mơ thầm kín của con là được dõi nhìn từ xa dấu chân Livingstone”.
“Con rất vui được chữa trị cho những người đến nhờ con khám, nhưng con không muốn biến y học thành một cái nghề, nghĩa là sẽ không bao giờ con có thể đòi một người bệnh trả tiền cho con vì đã chữa bệnh cho người đó. Con coi y học giống như một điều thiêng liêng, cũng như nghề mục sư ấy. Nếu phải được trả tiền thì mới chữa cho bệnh nhân, thì cũng gần như bảo anh ta muốn sống thì đưa tiền ra đây.”
“Thích trứng, lại yêu quý chị gái, thành thử Yersin muốn biết làm thế nào mà từ lòng đỏ và lòng trắng của quả trứng lại sinh ra được mỏ, lông, cẳng, sau đó trên dĩa lại có món cánh hay đùi gà, đôi khi kèm khoai tây rán. Mỗi khi bập vào điều gì, không bao giờ anh làm nữa chừng mà xắn tay áo blu trắng lên. Lúc nào anh cũng phải biết mọi thứ, Yersin ấy, điều đó mạnh hơn anh. Người chiến thắng dịch hạch sẽ không bó tay trước gà.”
“Yersin là một con người đơn độc. Ông biết rằng không sự kỳ vĩ nào được thực hiện ở số nhiều. Ông căm ghét bè nhóm, ở đó hàm lượng trí tuệ tỉ lệ nghịch với số lượng thành viên tạo nên đám đông ấy. Thiên tài luôn luôn đơn độc. Khuyên nhủ cũng đâu khác gì đàn gảy tai trâu, nước đổ đầu vịt.”
Yersin bắt tay viết di chúc
“Tôi để lại cho Viện Pasteur Đông Dương, rồi Viện sẽ làm những gì cảm thấy thích hợp, những ngôi nhà của mà tôi đã cho xây, toàn bộ đồ đạc của tôi, tủ lạnh, máy thu TSF, các máy ảnh, và bao gồm cả tủ sách của tôi, tất cả máy móc khoa học của tôi. Các máy khoa học của những môn: vật lý trái đất, thiên văn học, khí tượng thủy văn, v.v… có thể được trao cho Đài Thiên văn trung tâm Phù Liễn nếu không có ai ở Viện Pasteur đủ khả năng sử dụng chúng. Tôi mong muốn những người An Nam từng phục vụ tôi, đã già và trung thành, những món tiền trợ cấp trọn đời từ tiền lãi cổ phiếu mà tôi đã mua cho mục đích này tại HongKong Shanghai Bank ở Sài Gòn (HSBC ngày nay), ghi người đứng tên là ông Gallois ở Suối Giao. Ông Jacotot sẽ phụ trách việc phân chia những món tiền này cho họ: hạng nhất là Nuôi, Dũng, Xê, tiếp theo là Trịnh Chi, người làm vườn, rồi Dũ, người chăm sóc lũ chim, sau đó là Chút và tất cả những người sống quanh tôi mà Jacotot cho là xứng đáng được nhận tiền.”
“Yersin đòi được chôn cất theo nghi lễ Việt Nam, có khói hương và lễ cúng bốn chín ngày, treo phướn trắng. Người ta sẽ đốt vàng mã, đặt lên bàn thờ người đã khuất một bát cơm, một quả trứng luộc, con con gà luộc, một nải chuối. Ông muốn được chôn ở Suối Giao, nữa đường từ Nha Trang đi Hòn Bà, ngay giữa trung tâm của thế giới và của khu đất. Giờ thì mọi thứ đều vào trật tự. Ông đã chọn địa điểm và vạch ranh giới cho nó. Ông đã chọn biến vương quốc của mình từ hàng chục nghìn hecta thành chỉ còn hai mét vuông.”
____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6
Đặng Xuân Hải
Mai Thị Như Thảo
Hồ Đông Thụ
Lê Trung Thu
Nguyễn Hữu Ý