- Tác giả: John Locke
- Người dịch: Dương Văn Hóa
- Đơn vị xuất bản: DominoBooks & NXB Tri Thức
- Năm xuất bản: 2017
John Locke là một tư tưởng gia vĩ đại của Châu Âu vào TK XVII, người sáng lập phái duy nghiệm, có ảnh hưởng rất nhiều đến các tư tưởng gia đã góp phần định hình nên xã hội tự do hôm nay. Vài suy nghĩ về giáo dục là một trong những tiểu luận hiếm hoi của John Locke về chủ đề này. Trong tiểu luận này, ông bàn đến những nhận thức cơ bản và thiết yếu về giáo dục trẻ nhỏ, tập trung vào trao dồi đức dục và rèn luyện tính kỷ luật cho trẻ từ khi nhỏ.
Trong những chia sẻ của John Locke, nổi bật lên hai góc nhìn rất sâu sắc của ông, đó là đích đến của giáo dục trẻ em và các nguyên lý, phương pháp để đạt được mục đích đó. Dưới góc nhìn cá nhân, mình cho rằng hai điểm chính yếu này rất cần thiết và quan trọng cho phụ huynh để hướng dẫn và giáo dục cho trẻ em từ nhỏ.
John Locke cho rằng đức hạnh chính là cái đích đến quan trọng nhất của giáo dục trẻ em, và “cái nguyên tắc, cái căn bản lớn nhất của mọi đức hạnh và giá trị là con người có khả năng từ chối các ham muốn, chống lại các cám dỗ, và hoàn toàn theo con đường tốt nhất mà lý trí dẫn dắt, dù cho các ham muốn kéo đi theo con đường khác” và khả năng này hầu hết được quyết định, dạy dỗ từ khi còn nhỏ, hình thành nên thói quen và sự kỷ luật của trẻ. Và cha mẹ có bổn phận phải dạy cho trẻ tập thói quen kiềm chế các thèm muốn và bỏ qua những đòi hỏi ngay khi còn nằm trong nôi, phải dạy chúng rằng “bất cứ cái gì ta cho chúng, không hẳn để làm chúng vui lòng nhưng vì điều ấy có ích cho chúng”.
Đi sâu hơn về phương pháp giáo dục trong tiểu luận này, ông chia sẻ nguyên tắc về khen thưởng và kỷ luật, cũng như phương pháp tổng quát trong những chương sau.
Tóm lại, đây là một quyến sách được viết đơn giản, súc tích và phù hợp với hầu hết độc giả đang muốn tiếp cận những góc nhìn cơ bản và quan trọng nhất về giáo dục. Thông qua tác phẩm này, chúng ta có thể nhận thức được những sai lầm nghiêm trọng khi tiếp xúc trẻ nhỏ hằng ngày mà chúng ta không ý thức được. Đây cũng là một tác phẩm rất kinh điển, bàn về những điểm cốt lõi về giáo dục trẻ nhỏ, rất phù hợp trong bối cảnh giáo dục có nhiều vấn đề, loay hoay cải cách như hiện tại.
Một số trích dẫn từ sách người viết tâm đắc nhất:
- “Chúng ta phải rất thận trọng trong việc rèn luyện trí óc của trẻ con, và nếu giáo dục chúng sớm thì sự việc này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến đời sống của chúng sau này. Chúng tốt hay xấu, người ta sẽ căn cứ trên giáo dục mà khen hay chê và phán xét bằng câu nói thường tình: ‘Đó là lỗi do nền giáo dục mà chúng đã nhận được”
- “Tôi thấy rõ rằng: nguyên tắc của mọi đức hạnh là chúng ta có khả năng từ chối việc thoả mãn các ham muốn mà lẽ phải không cho phép. Khả năng này, ta có và trau dồi được qua thói quen khiến nó trở nên dễ dàng và quen thuộc bằng cách luyện tập từ khi còn nhỏ. Vậy nếu có thể làm cho người ta lắng nghe, tôi sẽ nói rằng, trái với phương pháp thông thường, trẻ em phải tập thói quen kiềm chế các thèm muốn và bỏ qua những đòi hỏi ngay khi còn nằm trong nôi. Việc đầu tiên ta phải dạy chúng rằng, bất cứ cái gì ta cho chúng, không hẳn để làm chúng vui lòng nhưng vì điều ấy có ích cho chúng”
Tài liệu tham khảo:
John Locke. (2017). Vài suy nghĩ về giáo dục. TP.HCM: Nhà Xuất Bản Tri Thức.
____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5
Đinh Hải Đăng
Trương Nguyễn Nhật Hoàng
Trần Thị Thảo Phương
Lê Chiêu Trung
Đặng Phương Uyên
Trần Thị Hồng Xuyến