• Tác giả: Nguyễn Thị Hậu
  • Đơn vị xuất bản: NXB Tổng Hợp TP.HCM

Cuốn sách Đô thị Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh – Khảo cổ học và bảo tồn di sản là một phần nằm trong đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản “Khảo cổ học đô thị và việc bảo tồn di sản văn hóa Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh” của Tiến sĩ Khảo cổ học, nhà văn hóa học Nguyễn Thị Hậu trong giai đoạn 2014 – 2016. Đây cũng là khoảng thời gian cảnh quan và di sản đô thị TP. HCM có nhiều biến động trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Quá trình này đã làm phát sinh không ít những mâu thuẫn nội tại, đặc biệt là vấn đề phát triển kinh tế và bảo tồn các giá trị văn hóa, từ đó đặt ra những thách thức với Thành phố trong việc làm thế nào để vẫn đáp ứng nhu cầu phát triển của Thành phố mà vẫn gìn giữ được “bản sắc và hồn vía của đô thị”.

Điều gì tạo nên cái gọi là hồn vía và cốt cách của một đô thị?

Có thể nói Văn hóa đô thị thể hiện sự hòa hợp, thống nhất của cảnh quan đô thị và lối sống thị dân. Trong đó cảnh quan đô thị gồm di tích lịch sử - văn hóa, quy hoạch – kiến trúc phù hợp các tính chất, chức năng đô thị và bảo tồn cảnh quan tự nhiên,.. Lối sống thị dân quan trọng nhất là mối quan hệ cộng đồng, ứng xử với môi trường và di sản. Tất cả được chọn lọc qua quá trình phát triển làm nên hồn vía, cốt cách của đô thị.

Cuốn sách được kết cấu gồm 03 phần:

Phần 1: Khái quát về đô thị Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh

Đây là phần tóm lược về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh từ cách đây hơn 3.500 năm cho đến những năm 1975. Từ đó, tác giả đưa ra 05 đặc trưng cơ bản của độ thị này, đó là: Sài Gòn là đô thị sông nước; Sài Gòn là một trung tâm kinh tế; Sài Gòn là đô thị của sự đa dạng văn hóa; Sài Gòn là đô thị được quy hoạch và xây dựng theo kiểu phương Tây. Có thể xem đó như là những ADN để nhận diện Thành phố trong một thế giới đa dạng nhưng ngày càng có xu hướng “hiện đại hóa” quy hoạch và kiến trúc theo kiểu “sinh sản vô tính”.

Phần 2: Khảo cổ học đô thị và Bảo tồn di sản ở Thành phố Hồ Chí Minh

 Với hướng tiếp cận từ góc độ khảo cổ học, tác giả giúp người đọc có những hiểu biết về chặng đường lịch sử của đô thị Sài Gòn. Bởi lịch sử là dòng chảy liên tục và trên nhiều phương diện của đời sống xã hội, do đó tác giả cũng đặt khảo cổ học đô thị trong mối quan hệ liên ngành để có thể - một cách toàn diện – tìm hiểu, lý giải quá khứ, giải quyết các vấn đề của hiện tại và định hướng bước phát triển trong tương lai.

Phần 3: Di sản văn hóa đô thị góp phần phát triển bền vững

Thách thức lớn nhất đối với Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là khẳng định được đặc trưng và bản sắc văn hóa của mình trong quá trình phát triển hướng đến thành phố hiện đại trong tương lai. Điều này đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan, bao gồm: chính quyền đô thị, giới khoa học, chuyên gia, đặc biệt là cộng đồng và từng người dân. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy di sản văn hóa lịch sử chỉ có thể được bảo tồn tốt đẹp khi có sự tham gia của cộng đồng để họ có tiếng nói và cơ hội được đóng góp vào chính sách hay kế hoạch quản lý đô thị.

Hy vọng rằng, cuốn sách sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn, thêm yêu hơn mảnh đất Sài Gòn này, vùng đất của lối sống cởi mở, phóng khoáng, nghĩa tình đồng thời cũng là nơi đã dung nạp biết bao con người từ khắp mọi miền của cả nước về đây sinh sống, để những ai xa quê nhưng vẫn luôn cảm thấy thuộc về giữa một đô thị năng động bậc nhất của khu vực.

____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Lê Trọng Nam
Trần Lê Thiên Ân
Huỳnh Ngọc Nhật Vy
Nguyễn Thị Tường Vi
Phan Anh Tuấn