• Tác giả: W. Chan Kim, Renée Mauborgne
  • Người dịch: Phương Thủy (Hiệu đính: Ngô Phương Hạnh)
  • Đơn vị xuất bản: Alphabooks & NXB Lao Động

Chan Kim là người Hàn Quốc, ông sinh năm 1952. Ông là đồng Giám đốc Viện Chiến lược Đại dương xanh INSEAD, Giáo sư về Chiến lược và quản trị quốc tế. Một trong năm nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất năm 2009.

Renee Mauborgne sinh năm 1963, là giáo sư của Đại học INSEAD, Pháp - trường kinh doanh lớn thứ nhì thế giới. Trong nhiều năm qua, Renee Mauborgne đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu trong các lĩnh vực chiến lược và quản lý các tổ chức đa quốc gia.

Cuốn sách được Viện Quản trị Kinh doanh INSEAD dành hẳn một phân viện chuyên nghiên cứu chiến lược đại dương xanh - INSEAD Blue Ocean Strategy Institute và tài liệu giảng dạy tại gần 3000 đại học tại hơn 100 nước trên thế giới.

“Đại dương đỏ” trong thuyết cạnh tranh của Michael Porter chỉ ra các thị trường truyền thống, đã bị lấp đầy bởi các đối thủ cạnh tranh và được khai thác toàn diện, các ranh giới và quy luật đã được thiết lập. “Đại dương xanh” mở ra một khái niệm mới về thị trường và cạnh tranh, đó là những khoảng trống thị trường chưa được khai phá, đầy giá trị tiềm năng, còn vô số cơ hội phát triển hứa hẹn lợi nhuận cao. Trong mô hình đại dương này, sự cạnh tranh là chưa cần thiết, bởi luật chơi chưa được thiết lập. 

Để có thể khai phá ra các “đại dương xanh” của riêng mình, các doanh nghiệp cần biết cách thay đổi các giá trị vì nhờ nó mà công ty chuyển từ tập trung nguồn lực vào đánh bại đối thủ cạnh tranh sang việc làm cho cạnh tranh trở nên không quan trọng nữa. Điểm quan trọng là việc đổi mới giá trị không tuân theo quy luật đánh đổi giữa giá trị và chi phí. Do đó, những doanh nghiệp theo đuổi chiến lược “đại dương xanh” cần theo đuổi đồng thời chiến lược khác biệt hóa và chiến lược chi phí thấp. Đổi mới giá trị chỉ có được khi các công ty biết cân đối sự đổi mới với tính hữu dụng, giá cả, và chi phí. Nếu sự tái định vị giá trị không gắn chặt với các giá trị hữu dụng này, các nhà tiên phong trên thị trường sẽ tạo ra một thị trường mới cho các đối thủ đến sau hưởng lợi, tương tự việc một con gà đẻ trứng cho con gà khác ấp.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn đọng nhiều câu hỏi. Vậy bằng cách nào mà các doanh nghiệp giữ vững lợi thế cạnh tranh khi “đại dương xanh” dần dần nhuốm đỏ? Một vấn đề quan trọng khác cũng được đặt ra là doanh nghiệp cần làm gì với “đại dương đỏ” trong lúc phát triển ra các “đại dương xanh” vì tựu chung lại trong giai đoạn đầu của việc chuyển đổi giá trị, “đại dương đỏ” vẫn cần được duy trì để đảm bảo nguồn lực cho việc khai phá và phát triển “đại dương xanh”.

____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Lê Trọng Nam
Trần Lê Thiên Ân
Huỳnh Ngọc Nhật Vy
Nguyễn Thị Tường Vi
Phan Anh Tuấn