• Tác giả: Thomas L. Friedman
  • Người dịch: Lê Minh
  • Đơn vị xuất bản: Đông A & NXB Văn học

Sau cuốn sách về lịch sử tài chính (Chiến tranh tiền tệ), tôi muốn giới thiệu cho bạn đọc một cuốn sách được ra đời trong những năm cuối cùng của thế kỷ 20, thời điểm sau Chiến tranh lạnh, thế giới chuyển mình bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của Toàn cầu hóa.

“Một đất nước tự đứng bên ngoài nền kinh tế toàn cầu bằng cách tự mình tách khỏi hệ thống thương mại và dòng vốn quốc tế sẽ phải đối phó với một thực tế: kỳ vọng của người dân được định hình bởi sự hiểu biết của họ về mức sống và các sản phẩm văn hóa từ thế giới bên ngoài.” - Thomas L. Friedman

Mỗi quốc gia hay vùng lãnh thổ không còn bế quan tỏa cảng để chơi một mình một sân, giờ đây sân chơi của thế giới ngày một mở rộng ra với những luật chơi chung, mỗi “người chơi” đều có những đặc điểm riêng, những thế mạnh riêng và từ đó kết hợp để cùng phát triển. Những năm cuối thế kỷ 20, bạn bắt đầu có thể thưởng thức bữa sáng kiểu Mỹ, uống những trái dừa của Thái Lan khi ở trong một khách sạn tại thành phố Paris. Đó là một trong những biểu hiện đầu tiên của Toàn cầu hóa. Tuy nhiên, Toàn cầu hóa không đơn giản là vậy, nó có ảnh hưởng bao trùm tới chính trị, môi trường, địa chính trị và kinh tế tới hầu như mọi quốc gia trên thế giới một cách chằng chịt mà phức tạp.

Tác giả lấy hình tượng của chiếc xe sang trọng Lexus đại diện cho sự phồn thịnh và phát triển, thế giới bước vào một kỷ nguyên mới. Bên cạnh đó là cây Ô liu, đại diện cho những gì là gốc rễ, văn hóa khao khát giữ lại bản sắc truyền thống. Friedman nhận thấy điều này khi đang trên đường trở về từ một nhà máy của Toyota với những chiếc xe được lắp ráp chủ yếu bằng những cái tay rô-bốt, ngồi trên chiếc tàu siêu tốc hình viên đạn và vô tình đọc được tờ báo về một trong những nơi cổ kính nhất ở Jerusalem, người ta đang bắn giết nhau để tranh chấp xem ai là chủ của cây Ô liu nào.   

Trước khi xuất bản cuốn sách Chiếc Lexus và cây Ô liu vào năm 1999, tác giả Thomas L. Friedman phụ trách mục bình luận tin quốc tế của The New York Times, ông có cơ hội đi nhiều nước trên thế giới từ cuộc chiến ở Trung Đông, đứng tại điện Kremlin trong những hơi thở hấp hối cuối cùng của Liên Xô, những chuyến công tác ngay tại Hà Nội thưởng thức những trái quýt đầu mùa. Cái hay của Friedman là giải thích vấn đề phức tạp mang tính toàn cầu một cách dễ hiểu cho bạn đọc. Ông được xem là người hiểu về khái niệm Toàn cầu hóa giỏi nhất thế giới, là một trong những người có tư tưởng lớn nhất trong thế kỷ hai mươi mốt. Ngày nay, tôi cũng như nhiều bạn trẻ khác muốn thực hiện những mong ước, hoài bão với sức trẻ của mình. Chúng ta phải hiểu rõ hơn về thế giới và cần làm gì để tồn tại trong đó, có thể vươn xa hội nhập với thế giới nhưng không đánh mất đi những giá trị tốt đẹp mà cha ông ta đã để lại. Bơi bên cạnh những mặt tốt của Toàn cầu hóa, tác giả cũng nêu lên những mặt trái của nó. Một giáo sư ở Kuwait nói: “Khi còn là một sinh viên, chúng tôi không có Internet. Lúc đó chỉ có một vài giáo sư với đầu óc phóng khoáng và thường tụ tập bàn chuyện chính trị. Giờ đây, một sinh viên có thể ngồi ở nhà và nói chuyện với toàn thế giới. Và các vị giáo sư nọ không còn tụ tập cùng nhau như trước nữa.”. Đó là hậu quả của khoa học công nghệ vượt quá nhanh so với nhận thức. Cân đối giữa chiếc Lexus và cây Ô liu là việc mỗi xã hội cần phải thực hiện mỗi ngày.

Thời điểm hiện tại của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng những giá trị văn hóa bị bỏ rơi, mọi người chú trọng về sự phát triển kinh tế, gia tăng vật chất. Đất nước đang ở trong giai đoạn công nghiệp hóa rõ rệt.

- Các làng quê giờ chỉ còn người già và trẻ em, những người có sức lao động thì vào các nhà máy, lên thành thị để có thêm thu nhập nhằm phát triển cuộc sống

- Chính phủ cổ phần hóa các doanh nghiệp để gia tăng hiệu quả kinh tế

- Doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt rót vốn vào thị trường đang phát triển.

Những luật lệ thay đổi nhanh chóng khi chúng ta gia nhập WTO, ký kết các hiệp định FTA để sân chơi mình gần hơn với thế giới. Vấn đề nóng lên toàn cầu, các học thuyết, thông tin được lan truyền qua Internet một cách nhanh chóng với số lượng lớn. Đứng trước bối cảnh này, mỗi chúng ta phải hiểu rõ hơn tính chất của Toàn cầu hóa, bảo tồn và phát triển những giá trị tốt đẹp của dân tộc.

Bởi Toàn cầu hóa không có nghĩa là để những giá trị của bên ngoài vào Việt Nam mà còn mang những giá trị của đất nước vào cùng sân chơi bạn bè quốc tế….

Tôi xin trích một ý trong tác phẩm để nói lên phần kết:

“Đứng một mình, bạn không thể nào là một con người hoàn chỉnh. Một mình, bạn có thể là một người giàu có. Một mình, bạn cũng có thể là một nhà thông thái. Nhưng bạn không bao giờ là người hoàn chỉnh nếu đứng một mình. Bạn phải là người có cội nguồn và là phần không tách khỏi của một vườn Ô liu nào đó.”

Mong rằng, sau cuốn sách bạn đọc có thể hiểu hơn về kinh tế cũng như những vấn đề chung của thế giới. Tuy cuốn sách được viết cách đây hai mươi năm nhưng nhiều vấn đề vẫn đang là chủ đề nóng hổi tới hôm nay, đặc biệt là tại Việt Nam.

Kính chúc các bạn có những kiến thức bổ ích cũng những nụ cười hóm hỉnh bởi giọng văn hài hước của tác giả!

GIỚI THIỆU TÁC GIẢ & TÁC PHẨM:

  1. Thomas L. Friedman từng 3 lần đoạt giải Pulitzer – được coi là giải danh giá nhất trong lĩnh vực báo chí và văn học. Để dễ hiểu hơn, ta có thể xem chúng như là những giải Nobel của các lĩnh vực khác.
  2. Một số tác phẩm của ông:
  • Từ Beirut tới Jerusalem (1989)
  • Chiếc Xe Lexus và Cây Ô liu:  tìm hiểu về toàn cầu hóa (1999)
  • Kinh Độ và Thái Độ: khảo sát thế giới sau sự kiện 11 tháng 9 (2002)
  • Thế giới phẳng: Tóm lược lịch sử thế kỷ XX (2005)
  • Nóng, Phẳng và Đông Đúc: Tại sao chúng ta cần 1 cuộc Cách mạng Xanh – Và Nó Có Thể Đổi Mới Nước Mỹ Như Thế Nào (2008)
  1. Các cuốn sách của Friedman đạt được thành công đáng kể về mặt thương mại.Cuốn "The world is flat" của ông nằm trong danh sách những quyển sách bán chạy nhất của The New York Times kể từ khi xuất bản vào tháng 4 năm 2005 cho đến tháng 5 năm 2007.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. https://www.goodreads.com/book/show/35291650-chi-c-lexus-v-c-y-liu            

2. https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFc_lexus_v%C3%A0_c%C3%A2y_oliu

3. Thomas Friedman: https://vi.wikipedia.org/wiki/Thomas_Friedman

____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Lê Nguyễn Trần Huỳnh
Nguyễn Hoàng Bảo Huy
Phạm Thị Quỳnh Mai
Huỳnh Diệp Mỹ Ngọc
Nguyễn Đình Quý
Trần Minh Dạ Thảo