Nguồn ảnh: Dantri.com

Một chức vụ thứ trưởng cho ngành giáo dục có lẽ quan trọng hơn nhiều so với chức Chủ tịch ĐH Harvard, vì cho dù Harvard có to mấy đi nữa thì số sinh viên của họ làm sao so được với số sinh viên của cả nước ta? Vậy thì để có thể chọn ra những người lãnh đạo xứng đáng nhất, ngành cũng nên có cách làm công phu, thận trọng, minh bạch.

Không phải chỉ trong ngành giáo dục, mà bất kì ngành nào, lĩnh vực, tổ chức nào trong thời hội nhập này, việc chọn ra một người lãnh đạo có thể “lãnh đạo” được ngành ấy, lĩnh vực ấy, tổ chức ấy là việc hết sức quan trọng, thậm chí là quan trọng số một. 

Tôi chợt nhớ hồi trẻ, làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô (cũ) được nghe chuyện tiếu lâm của các sinh viên Việt Nam du học như sau: “Hôm nay chúng ta tổ chức một buổi liên hoan vui vẻ. Có nhiều việc phải làm: Ai biết đi chợ thì đi, ai biết rửa rau thì rửa, ai biết mổ gà thì mổ, ai biết luộc thịt thì luộc…làm đi!”. - “Thế còn người không biết làm gì thì sao?”. “Thì người đó sẽ lãnh đạo anh em làm!”…

Nhưng dường như đã qua rồi cái thời kỳ người lãnh đạo không cần phải biết làm gì cụ thể, chỉ cần biết lãnh đạo chung chung trên nguyên tắc, phương châm, đường lối, tư tưởng…là được. Giờ đây, trong một trường học, ngay người tổ trưởng bộ môn trước hết cũng phải giỏi về chuyên môn, vững vàng về phương pháp giảng dạy, phải yêu nghề, thương trò…và cố nhiên phải biết…làm tổ trưởng bộ môn.

Đối với các ông (hay bà) hiệu trưởng, ông (hay bà) trưởng phòng giáo dục và đào tạo, ông (hay bà) giám đốc sở GD và ĐT thì yêu cầu trình độ quản lý còn cao hơn nữa. Trước hết phải có tư duy chiến lược phát triển của địa phương mình (nếu là cấp sở), huyện mình (nếu là cấp phòng), và trường mình (nếu là cấp trường - đại học, phổ thông) bên cạnh những tiêu chuẩn khác…Bây giờ không còn chuyện một huấn luyện viên bóng đá lại được cử làm hiệu trưởng một trường THPT như đã từng xảy ra…

Tuy nhiên, làm thế nào để chọn ra được người lãnh đạo tốt nhất cho một đơn vị? Phương pháp nào sau đây là khả thi: Bổ nhiệm, tiến cử (do cấp trên quyết định), bổ nhiệm có phát phiếu thăm dò; bầu chọn (do đơn vị đó đề cử và bỏ phiếu); bầu chọn trong số vài người do cấp trên đề nghị, thi tuyển (có một ban giám khảo cho điểm)…Hình như các phương pháp đó đã được tiến hành nơi này nơi kia, nhưng chưa thấy có sự tổng kết rút kinh nghiệm, cải tiến và khẳng định phương pháp nào khả thi và thuyết phục được hơn cả.

Từ cuộc bầu chọn hiệu trưởng cách đây 20 năm

Phương pháp bầu chọn lần đầu tiên được thí điểm cách đây 20 năm ở Trường ĐHSP Hà Nội và một vài trường ĐH khác. Tại cuộc bầu chọn của nhà trường, có ba người được đưa vào danh sách ứng viên để toàn thể cán bộ, giảng viên nhà trường bỏ phiếu, mà người viết bài này là một trong ba ứng viên đó.

Mặc dầu vậy tôi vẫn xin rút lui. Một trong những lý do cơ bản, tôi không phải là đảng viên. Tôi phải tiên lượng tất cả những khó khăn rắc rối khi làm hiệu trưởng một trường ĐH mà lại không phải đảng viên (Mặc dầu hồi ấy Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã có nói rằng: "Rồi đây, bộ trưởng có thể không phải là đảng viên").Đợt bầu ấy, tuy tôi nhất định xin rút lui nhưng không được nên vẫn phải có tên trong danh sách. Hôm bỏ phiếu, Bộ trưởng GD (cũ)- lúc đó là GS Phạm Minh Hạc có dự. GS Phạm Minh Hạc đưa tôi xem một quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng đã ký tên và đóng dấu, chỉ có tên người được bổ nhiệm là còn để trống. Ông nói với tôi rằng nếu tôi trúng cử là ông lập tức điền tên và tuyên bố bổ nhiệm ngay. Đó là lần đầu tiên tôi được tham dự một cuộc bầu cử công khai và minh bạch như vậy.

Nhưng trong một trường ĐH, Đảng ủy là tổ chức lãnh đạo cao nhất và tuyệt đối, do đó ông Bí thư Đảng ủy là người lãnh đạo cao nhất và tuyệt đối nhất. Nếu mình không phải là đảng viên mà lại làm hiệu trưởng lãnh đạo thì quả là muôn vàn khó khăn.

Ngoài ra, cuộc bầu chọn chỉ nhằm mục đích tìm được ông hiệu trưởng mới, còn các ông phó hiệu trưởng thì vẫn như cũ. Mà đã chắc gì mình và các ông phó ấy đã tâm đầu ý hợp, đồng cảm trong tư tưởng, quan điểm lãnh đạo. Ví như một ông phó hiệu trưởng đang phụ trách tổ chức cán bộ, lại có “vấn đề” (nói giả dụ thôi, về mặt sư phạm gọi là phương pháp đặt tình huống), nhưng ông ta lại là đảng ủy viên. Nếu mình làm hiệu trưởng thì chắc gì sẽ có thể thay ông ta bằng người khác được. Giá như được liên danh ứng cử cả một ê kíp hiệu trưởng và phó hiệu trưởng thì chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều.

Sau đó nhiều năm, không thấy có chuyện bầu hiệu trưởng các trường ĐH nữa, chắc là ngành GD đã rút ra những kinh nghiệm nào đó, hoặc có thể chủ trương bầu hiệu trưởng công khai, minh bạch kiểu này còn có những điều bất ổn chăng? Dù những quan chức có trách nhiệm đã nói rằng hiệu trưởng trường ĐH có thể là một Việt kiều hoặc một GS nước ngoài. Chắc khi đó điều kiện họ phải là đảng viên (Đảng Cộng sản VN) cố nhiên không đặt ra…

Đến thi tuyển chọn lãnh đạo các cấp của ngành GD và ĐT

Ông trưởng phòng tổ chức sở GD và ĐT Đà Nẵng cho biết việc thi tuyển như thế là hoàn toàn mới, vì cho đến lúc đó việc bổ nhiệm cán bộ của ta vẫn đang thực hiện theo quyết định của Thủ tướng về lấy phiếu tín nhiệm. Ông cho rằng các đối tượng dự thi (ba người dự thi chức phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Chu Trinh) đều là cán bộ đương chức, nằm trong diện cán bộ được quy hoạch dự nguồn. Nếu không có kỳ thi này thì khi tiến cử họ vẫn có thể được giao giữ chức danh đó. Tuy nhiên nếu có thi thì vẫn tốt hơn.Gần đây, xuất hiện một phương pháp mới để chọn người lãnh đạo trong ngành GD và ĐT: Đó là thi tuyển. Từ năm 2007, thành phố Đà Nẵng lần đầu tiên tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng và hiệu phó cho các trường: THPT Phan Chu Trinh, THPT Thái Phiên và THPT chuyên Lê Quý Đôn.

Đầu năm 2009, thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thi tuyển chức danh trưởng phòng GD và ĐT của quận Gò Vấp, mà theo lời ông chủ tịch quận này, thì đó là cách ông “học” Đà Nẵng. Đáng lưu ý chỉ có hai ứng viên tham dự kỳ thi. Họ được ban tổ chức quận ủy và phòng nội vụ thuộc UBND quận Gò Vấp giới thiệu. Chủ tịch Hội đồng xét tuyển là chủ tịch quận Gò Vấp, các thành viên là đại diện của sở GD và ĐT, sở Nội vụ, ban Tuyên giáo quận ủy, phòng Nội vụ quận.

Như vậy cách thi tuyển này về cơ bản, cũng giống với cách bổ nhiệm, không khác nhau là mấy. Chỉ có hai hay ba người được dự thi, mà họ đều thuộc diện cán bộ “quy hoạch”, hoặc được cấp trên dự kiến. Cần chọn một trong hai (hoặc ba) người mà còn có chút băn khoăn (vì ai cũng có vẻ được cả, kẻ tám lạng, người nửa cân) thì tổ chức một cuộc thi là xong.

Vấn đề đặt ra là nếu có một người thực tài nào đó đang âm thầm làm việc rất tốt ở dưới cơ sở, nhưng chưa lọt được vào mắt xanh của những ban tổ chức cấp này cấp nọ, thì sức mấy mà họ có thể ngồi vào cái ghế còn trống kia được? Bằng cách này, dù về hình thức là thi tuyển để chọn người có đức, có tài thì chúng ta cũng dễ dàng bỏ sót những người tài năng, những người xứng đáng.

Có lẽ cũng cần phải nhắc đến việc “tuyển” thứ trưởng của Bộ GD và ĐT gần đây. Đó là vào tháng 6 năm 2008, lần đầu tiên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD và ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã ký thông báo về việc giới thiệu ứng viên cho chức danh thứ trưởng thay thế cho một thứ trưởng sắp hết nhiệm kỳ.

Theo thông báo đó, những ai có đủ điều kiện được quy định đều có thể gửi hồ sơ về bộ hoặc được giới thiệu. Cuối cùng Bộ GD và ĐT đã nhận được 213 phiếu giới thiệu hợp lệ (của các ông chủ tịch tỉnh, t/p, hiệu trưởng các trường ĐH, giám đốc các sở GD và ĐT, các viện trưởng, vụ trưởng…). Có 134 ứng viên được giới thiệu nhưng chỉ có một ứng viên do Bộ GD và ĐT giới thiệu là được đa số phiếu. Dư luận hoan nghênh hình thức tuyển chọn phổ biến và công khai này, mặc dầu quy trình tuyển chọn còn “tù mù”….

Tiếp theo, vào tháng 10 năm 2008, ngành lại có công văn hỏa tốc về việc giới thiệu một nữ thứ trưởng…Cho đến nay, vẫn chưa thấy có thông báo gì thêm về kết quả của việc tuyển chọn hai thứ trưởng đó, nhưng chắc chắn những người được ngồi vào ghế thứ trưởng vẫn chỉ là những cán bộ đã được “quy hoạch”…

"Trên cử xuống", "dưới bầu lên" hay "thi tuyển ngang"?

Suy đi nghĩ lại, tựu trung chỉ có ba cách để chọn một người ngồi vào một cái ghế nào đó: Cách thứ nhất là “trên cử xuống”, cách thứ hai là “dưới bầu lên” và cách thứ ba là “thi tuyển ngang”. Mỗi cách đều có cái hay cái dở, ta tạm gọi cách thứ nhất là áp đặt, cách thứ hai là dân chủ, cách thứ ba là công bằng. Nhiều lúc chúng ta cứ tưởng đang dùng cách dưới bầu lên là dân chủ nhưng thực chất thì lại là trên cử xuống, vì “bầu cử nhưng phải có chỉ đạo”. Tương tự, cứ tưởng thi tuyển là công bằng nhưng thí sinh và ban giám khảo lại được lựa chọn theo một tiêu chí nào đó thì kết quả vẫn cứ là áp đặt…

Gần đây, năm 2007, giới học thuật trên thế giới rất quan tâm theo dõi việc tuyển chọn chức Chủ tịch ĐH Harvard (Mỹ). Cách làm của họ thật công phu, thận trọng. Một Ủy ban tìm kiếm được thành lập gồm chín người (ba người thuộc Hội đồng Quản trị, sáu người thuộc HĐ quan sát).

Ủy ban tìm kiếm đã nhận được một danh sách khổng lồ các ứng viên, dày bằng cuốn danh bạ thành phố Boston, trong đó có không ít những hiệu trưởng xuất sắc của các trường ĐH tên tuổi trên nước Mỹ. Chắc không phải vì ĐH Harvard quá giàu có nên họ mới phung phí tiền của như vậy, mà chính vì họ muốn có một người lãnh đạo cừ khôi để Harvard càng ngày càng nổi tiếng hơn và do đó càng giàu có hơn.Để hỗ trợ cho uỷ ban này có hai nhóm cố vấn chính thức, một đại diện cho toàn thể giảng viên, một đại diện cho toàn thể sinh viên. UB tìm kiếm đã gửi thư xin ý kiến tới tất cả giảng viên, sinh viên, và tới 320 nghìn cựu sinh viên…

Trở lại Việt Nam, một chức vụ thứ trưởng cho ngành GD có lẽ quan trọng hơn nhiều so với chức Chủ tịch ĐH Harvard, vì cho dù Harvard có to mấy đi nữa thì số sinh viên của họ làm sao so được với số sinh viên của cả nước ta? Vậy thì để có thể chọn ra những người lãnh đạo xứng đáng nhất, ngành cũng nên có cách làm công phu, thận trọng, minh bạch. Bởi mục tiêu lớn nhất là vì lợi ích của ngành, và niềm hy vọng của hàng triệu gia đình có con em đi học.

Nguồn:
https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/chon_nguoi_lanh_dao_giao_duc_nhu_the_nao.html

Bài giảng này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5
 Văn Thị Ngọc Dung
Trần Đỗ Tâm Giao
Phan Duy Khánh
Hoàng Thị Thanh Thảo
Lê Nguyên Thông
Nguyễn Ngọc Trâm