- Tác giả: Vasily Kandinsky.
- Người dịch: Ngụy Hữu Tâm, Trần Vinh
- Đơn vị xuất bản: Tao Đàn Books & NXB Đà Nẵng
Vasily Kandinsky, là một họa sĩ, thợ in và nhà lý luận nghệ thuật người Nga. Ông là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế kỷ 20, thuộc trường phái biểu hiện và cũng được tôn vinh với những tác phẩm thuộc trường phái trừu tượng hiện đại đầu tiên trên thế giới. Là một trong những người sáng lập ra nhóm “Kỵ sĩ Xanh” và là người khởi xướng vĩ đại cho nghệ thuật trừu tượng (từ 1910), giáo sư trường Bauhaus năm 1922, định cư ở Paris năm 1933 để tránh chủ nghĩa phát xít. Đặc biệt ông đã viết cuốn sách “Về cái tinh thần trong nghệ thuật”, làm căn cứ cho tự do sáng tạo và cảm hứng trữ tình dựa trên “sự thiết yếu bên trong”.
“Tác phẩm nghệ thuật nào cũng là con đẻ của thời đại ấy, và trong nhiều trường hợp, nó là người mẹ sinh ra cảm xúc của chúng ta”. Nhiệm vụ của nghệ thuật là phục vụ sự phát triển và tế nhị hóa tâm hồn của con người, nó là ngôn ngữ chỉ nói ở dạng của chính mình, về những thứ mà đối với tâm hồn thì chúng là bữa cơm hàng ngày.
Thông qua cuốn sách, tác giả truyền đạt các kinh nghiệm để giúp chúng ta cảm thụ nghệ thuật hơn là những lý thuyết khô cứng. Tác giả diễn giải tại sao Màu sắc lại có tác động đến tâm lý và tâm hồn của chúng ta, cũng như Ngôn ngữ của hình và màu.
Màu sắc, không chỉ là màu sắc, đó là sự kết hợp không chỉ của thị giác mà còn cửa các giác quan khác như khứu giác và thị giác hay tất cả các giác quan khác khi chúng ta nhìn vào màu sắc nào đó. Nó như là một sự cộng hưởng hay tiếng vọng phát ra từ nhạc cụ, dù rằng không ai đụng chạm vào nó thì vẫn rung lên bởi âm thanh của các nhạc cụ khác, thể như ai đang đụng tới nó vậy.
Hội họa có hai phương tiện để sử dụng: Màu sắc và Hình thể. Mối quan hệ không tránh được này giữa màu sắc và hình thể đưa chúng tế đến với việc quan sát những tác động của hình thể lên màu sắc, giá trị của một màu thế nào chính là sự nhấn mạnh bởi một hình thể ấy, và sẽ bị giảm bớt bởi một hình khác.
Giữa tác phẩm nghệ thuật và người nghệ sĩ vừa có mối liên hệ nhưng cũng vẫn có sự độc lập. Tác phẩm nghệ thuật đích thực hình thành từ người nghệ sĩ nhưng khi tách ra khỏi người nghệ sĩ nó sẽ có một cuộc sống độc lập để trở thành một nhân vật mà có thể sống hít thở về mặt tinh thần hay có một cuộc sống thật về mặt vật chất.
Cuối cùng kết luận của tác giả là chúng ta ngày càng đến gần hơn với thời đại của cái sáng tác chủ tâm, hợp lý, thời đại của Cái tinh thần vĩ đại.
____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6
Lê Trọng Nam
Trần Lê Thiên Ân
Huỳnh Ngọc Nhật Vy
Nguyễn Thị Tường Vi
Phan Anh Tuấn