- Tác giả: Justin Bariso
- Năm xuất bản: 2019
- Người dịch: Lương Huỳnh Trọng Nghĩa
- Đơn vị xuất bản: 1980 Books & NXB Kinh tế Quốc dân
Trong xã hội hiện đại ngày nay, tâm lý của mỗi cá nhân đang bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những áp lực của cuộc sống hiện đại hàng ngày. Ở trong bối cảnh này, chỉ số EQ - hay chỉ số trí tuệ xúc cảm trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Biết cách làm chủ cảm xúc của mình, bạn sẽ nắm được chìa khóa để nâng cao chất lượng công việc, xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp và nuôi dưỡng nội tâm mạnh mẽ. Tác phẩm của Justin Bariso giúp bạn thấu hiểu tầm quan trọng của trí tuệ xúc cảm trong công việc cũng như đời sống cá nhân, từ đó cho bạn lời khuyên để không ngừng nâng cao EQ của mình. Làm thế nào để hạn chế những cảm xúc tiêu cực, khơi dậy những cảm xúc tích cực ở bản thân mình cũng như ở mọi người xung quanh? Làm thế nào để tránh khỏi những tình huống khó xử và thậm chí, xoay chuyển tình thế để chúng trở nên có lợi cho mình? Làm thế nào để tạo ra tầm ảnh hưởng, phá vỡ các rào cản cảm xúc để kết nối với mọi người và xây đắp các mối quan hệ chân thành, lành mạnh và sâu sắc? Cảm xúc có ý nghĩa vô giá trong cuộc sống mỗi người, và thông qua việc giải đáp những câu hỏi trên.Cuốn sách EQ - Trí thông minh xúc cảm trong công việc sẽ giúp bạn biến cảm xúc thành trợ thủ đắc lực của mình, để bạn trở thành một con người tốt hơn, hạnh phúc hơn và thành công hơn
Nội dung cuốn sách sẽ bao gồm các thông điệp chính:
1/ Lý thuyết đến thực hành:
Cuốn sách là tổng hợp những kiến thức được hệ thống một cách khoa học và logic chặt chẽ đi kèm với hướng dẫn để tăng cường khả năng về trí tuệ cảm xúc cho mỗi người chúng ta mà quan trọng hơn là rèn luyện trí thông minh cảm xúc không phải gặt hái được nhiều lợi ích và thành quả hơn, mà để sống đời có ý nghĩa hơn. Khi con người có càng nhiều khả năng thì họ lại càng dễ đánh mất chính mình và lạc lối. Ảnh hưởng họ tạo ra sẽ là vô cùng to lớn. Vậy nên, bằng con đường tự chủ, tự giác chúng ta có thể học được cách sống cuộc sống thân ái, chan hòa với vạn vật xung quanh mà vẫn có đóng góp cũng như tận hưởng cuộc sống này này theo cách bản thân mong muốn.
Bằng những khả năng như: Tự nhận thức, tự kiểm soát, nhận thức xã hội, quản lý mối quan hệ, trí tuệ cảm xúc giống với hộp bút màu giúp chúng ta tô lên thực tại. Một bức tranh tràn đầy màu sắc tươi sáng hay u buồn ảm đạm là phụ thuộc vào bạn.
2/ EQ có thể tập luyện được
Luyện tập, luyện tập và luyện tập là chìa khóa của mọi thứ hay ho, hữu ích con người mong muốn có được. Khi chúng ta khao khát muốn làm chủ được cảm xúc, thì chúng ta sẽ làm được việc đó bằng sự khổ luyện (khổ luyện theo đúng nghĩa vì cảm xúc không giống với bất kì điều gì chúng ta đã biết hay đã từng chiến thắng trước đây). Khi giận dữ phản ứng tự nhiên là mất kiểm soát, khi buồn bã phản ứng tự nhiên là chán nản, khi cảm thấy vui sướng phản ứng tự nhiên là mất kiểm soát. Đã bao giờ vì tức giận mà bạn làm tổn thương người khác ? vì buồn bã mà bỏ lỡ cơ hội hay vì vui sướng mà gây ra nhưng hậu quả xấu hay chưa ? Nếu đã từng như vậy, có lẽ việc sử dụng các phương pháp sau đây sẽ là khởi đầu tốt để bạn bắt đầu luyện tập trí thông minh cảm xúc cho chính mình. Trước hết , hãy thử hình dung bạn đang có trong tay một chiếc điều khiển thần kì có đủ các công cụ cần thiết trong bộ điều chỉnh cảm xúc:
Tạm dừng (Pause): Biết dừng lại khi cảm xúc trở nên tiêu cực hoặc bắt đầu nhân lên thôi thúc bạn làm việc gì đó khi chưa có suy tính kĩ càng.
Âm lượng (Volume): Khi giao tiếp, đối phương sẽ có cùng tông giọng và thái độ với bạn, nếu nhận thấy mình bắt đầu cao giọng hay lớn tiếng thì bạn cần chủ động điều chỉnh lại giọng nói sao cho dễ nghe hơn.
Im lặng (Mute): Nếu đột nhiên có những đợt dâng trào cảm xúc và bạn biết chắc mình sẽ có hành động hay lời nói gây ảnh hưởng đến mối quan hệ, thì bạn nên chủ động tạm thời im lặng.
Ghi âm (Record): Không phải là rút điện thoại ra để ghi âm lời nói của người khác rồi sau đó làm bằng chứng chống lại họ mà là lắng nghe quan điểm, cảm nhận của người khác để thấu hiểu họ hơn. Bạn khó có thể đồng cảm với người mà bạn không hiểu.
Tua lại (Rewind): Đây là lúc rút kinh nghiệm và tìm hiểu cặn kẽ tình huống giao tiếp đầy cảm xúc đã qua. Dù kết thúc có tốt đẹp hay không, chịu khó hồi tưởng sẽ đem đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích.
Tua nhanh (Fast – Forward): Cảm xúc diễn ra tự nhiên, nó có thể tốt hoặc xấu song bạn cần phải học cách nhìn nhận trước hành động sau cảm xúc đó. Ví dụ như bạn biết mình dễ dàng nổi cáu nếu ai đó vô ý vào phòng mà không gõ cửa, thì có thể tạm thời dừng công việc đang làm dở lại, đi dạo bên ngoài và sau đó quay lại nói chuyện với họ thay vì chỉ trích họ ngay lập tức.
Xem trước (Trailer): Đây là mẹo hay để bắt đầu làm điều gì đó bạn đang trì hoãn hay lo ngại. Thử làm chúng chỉ trong vòng 5 phút là cách tạo nên bước đà để bạn lấy cảm giác hứng thú khi bắt đầu các công đoạn tiếp theo. Sự trì hoãn sẽ ngăn chúng ta khởi đầu làm những việc lớn hay những việc mà chúng ta không thích. Mặc dù vậy nếu khéo léo mời gọi được cảm xúc tham gia thì mọi thứ không còn đáng bận tâm nữa.
Khi tích lũy được kĩ năng và kinh nghiệm, bạn sẽ có thể kết hợp những kỹ thuật và phương pháp với nhau nhằm tạo ra kì tích cảm xúc phi thường, biến nguồn cảm xúc tiêu cực trở nên hữu ích.
3/ “Được” góp ý và cách mài dũa từ việc học hỏi
Khi bị công kích, bị góp ý, bị phê bình- đa phần mỗi người đều chỉ chú ý đến từ “bị”. “Bị” gợi nên cảm giác ức chế, pha lẫn bực tức và khởi động hệ thống phòng thủ của chúng ta. Từ đó tạo nên vô vàn cuộc tranh luận, các mối quan hệ tan vỡ hoặc đóng băng vĩnh viễn. Trong môi trường làm việc, “bị” sếp khiển trách, “bị” đồng nghiệp không tôn trọng hay “bị” giao cho hàng tá công việc là điều khiến ai cũng chán ghét và cho rằng số mệnh đen đủi nên mới phải làm việc trong môi trường như vậy.
Chúng ta thường phải ứng tiêu cực với những điều chúng ta tin là tiêu cực.
Vậy sẽ ra sao nếu điều chúng ta vốn tin lại tiêu cực thực tế chẳng tiêu cực chút nào ? Ai đó làm ơn hãy giữ cảm xúc lại, vì nó đang trốn ra xa để khỏi phải chịu trách nhiệm cho câu hỏi này đấy.
Một trong những lý do chúng ta hành động như vậy là do bản thân bị xuôi theo thói quen và cảm xúc trước những tình huống kích thích nhất định. Phản ứng này liên quan tới hạch hạnh nhân (amygdala), bộ phận xử lý cảm xúc trong não của bạn.
Giống với viên kim cương thô được lấy lên từ lòng đất, chúng ta buộc phải học hỏi để thay đổi rất nhiều trước khi đủ khả năng trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Con đường ấy vô số những bài học dưới dạng góp ý, phê bình, chỉ trích v.v… và nếu từ chối tiếp thu lời phê bình thực sự, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội hoàn thiện. Cũng như viên kim cương kia, khi chưa được cắt gọt, tạo tác chỉ giống với viên đá có chút lấp lánh ở bên đường bị đất cát phủ lên hình thù méo mó, qua năm tháng nó quay trở lại làm một viên đá bình thường và đánh mất giá trị của chính mình.
Vấn đề ở đây là không phải ai lúc nào cũng đúng, bạn cần được người khác giúp đỡ chỉ ra điểm sai của mình. Thế nhưng nếu ai đó cho rằng chúng ta sai, cảm xúc sẽ tận tụy giúp ta lý lẽ bằng những đợt phản kháng dữ dội để chứng minh điều ngược lại. Cảm xúc tin chúng ta không bao giờ sai trong khi thực tế chúng ta sai rất nhiều, và cá nhân tôi tin đây cũng là chỗ láu cá của cảm xúc. Bởi nếu bạn nhận được nhiều góp ý thật lòng rồi quyết tâm sửa đổi chính mình thì cảm xúc sẽ phải ngoan ngoãn tuân theo bạn, trong khí nó thích bạn phục vụ nó hơn. Bên cạnh đó cũng lưu ý rằng mọi góp ý đều mang tính chất chủ quan, việc có được lời góp ý từ những người thật tâm để ý đến bạn, chân thành và mong muốn bạn phát triển sẽ có lợi cho bạn và cả cảm xúc của bạn nữa. Bởi lời nhận xét xuất phát từ sự quan tâm bao giờ cũng khác những lời công kích mang tính chất thù địch hay khiến bạn đánh mất giá trị của riêng mình.
4/ Cảm xúc
Để có thể tự bảo vệ bản thân mình trước những kẻ tồi tệ chuyên lợi dụng cảm xúc bạn nên chủ động phát triển và rèn luyện trí thông minh cảm xúc của riêng mình. Khi nhận thức được bản thân là người như thế nào vào đối phương đang cố gắng tác động đến cảm xúc nào của mình (thậm chí nguyên nhân họ muốn tác động đến cảm xúc đó) thì bạn sẽ tránh được việc bị tổn thương hay trở nên tiêu cực bởi không ít ví dụ đau lòng cho thấy người từng bị tổn thương về cảm xúc có khả năng lặp lại điều tương tự với những người xung quanh. Chìa khóa cho vấn đề này là sử dụng sự đồng cảm để giúp họ tìm ra lối thoát và kịp thời định hướng lại cách họ sử dụng năng lực của chính mình theo hướng tốt đẹp hơn.
Sách EQ – Trí thông minh xúc cảm trong công việc sẽ mang đến những gợi ý quan trọng để phát huy tối đa mặt tích cực của trí tuệ cảm xúc cũng như trao tặng nhiều thông điệp nhân văn tới mỗi cá nhân chúng ta.
_________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7
Trần Hồng Hạnh
Nguyễn Đức Hiếu
Lê Hoàng Mạnh Hùng
Nguyễn Thị Phương Thảo
Đặng Minh Quân
Tô Nghiệp Siêu
Trịnh Quang Đồng Thảo