• Tác giả: Tôn Thất Nguyễn Thiêm
  • Đơn vị xuất bản: NXB Trẻ

Những suy nghĩ của ông tổ kinh tế học

Để trả lời câu hỏi này, hãy thử quay về với tư tưởng của ông tổ kinh tế học: Adam Smith (1723 -1790), để xem ở khởi nguồn, câu chuyện kinh tế được hiểu như thế nào?

Adam Smith là người đã khai sinh ra nền kinh tế học hiện đại. Cuốn sách nổi tiếng của ông, “Sự giàu có của các quốc gia” đã đặt nền móng cho nền kinh tế ngày nay. Ông thật sự là một trí tuệ lớn, cả trăm năm nay, từ doanh nghiệp, cho đến giảng đường đại học và nghị trường, người ta vẫn nhắc đến câu nói nổi tiếng của ông: "Chúng ta có được bữa ăn tối không phải nhờ lòng bác ái của ông hàng thịt, của người làm rượu, người làm bánh mì mà là do lòng vị kỷ của họ”.

Nhưng thật ra đó không phải là cuốn sách duy nhất của ông. 17 năm trước khi xuất bản “Sự giàu có của các quốc gia” (1776) , ông đã xuất bản cuốn “Thuyết tình cảm đạo đức” (1759), và đây thực sự là vấn đề quan tâm lớn nhất của ông. Trong cuộc đời mình, ông đã chỉnh sửa cuốn sách này đến 6 lần, và lần cuối cùng là trước khi ông mất. Kinh tế học đã được sinh ra từ một từ một nhà triết học, một nhà đạo đức học.

Adam Smith khẳng định "lòng vị kỷ" (Selfish) - điểm xuất phát của kinh tế thị trường và điều kiện để có một thị trường chất lượng và vững bền, thì phải dựa trên "sự thông cảm" (Sympathy), hay nói rộng hơn đó là đạo đức, sự đồng cảm, lương tâm, vị tha,...của con người.

Rõ ràng, với trí tuệ của mình, Adam Smith đã thấy một vấn đề thuộc về bản chất của kinh tế rằng kinh tế không thể tách rời khỏi vấn đề của nhân văn, hay nói đúng hơn, nhân văn không phải là trở lực mà chính là động lực của phát triển kinh tế. Thế nhưng cả trăm năm sau, hậu thế mới bắt đầu thấm thía những suy nghĩ đó của ông.

Một cuốn sách làm sáng tỏ mối quan hệ giữa “Nhân văn và kinh tế: tình và tiền trong quản trị kinh doanh”

Nguồn hình: nxbtre.com.vn

Trước đây, giữa kinh tế và nhân văn thường bị nghĩ như không có mối liên hệ, nhưng trái lại nó có mối liên hệ vô cùng mật thiết. Thật ra, đây chính là vấn đề quyết định đến sự vững mạnh, phát triển của đội ngũ nhân sự và sự trường tồn của tổ chức.

Đây là một trong những cuốn sách giá trị, là sự kết hợp hài hòa giữa triết lý và trí tuệ của Đông và Tây, thế nên nó vừa có sự gần gũi với người Việt, thích hợp với người Việt, đồng thời có sự thâm trầm, sâu sắc cũng như tính khoa học, thực tế. Giáo sư chia sẻ rằng: “trong kinh tế thường xảy ra nhiều sự cố vượt khỏi các dự tính, không chỉ vì bản thân kinh tế là những vấn đề phức tạp, mà còn vì đại đa phần các vấn đề kinh tế thường bị nhìn nhận tách rời khỏi tính chất nhân bản, nhân văn của chính nó. Và chính vì bị tách khỏi bản chất nhân văn mà kinh tế càng bị tiếp cận lệch lạc như một lĩnh vực chủ yếu chỉ là chuyện tiền – hàng, tài chính, kế toán, khô khan và nhất thiết phải tràn ngập số liệu càng tốt”.

Kinh tế, vốn thuộc phạm trù kinh bang tế thế kinh thế tế dân, nghĩa là trị nước giúp đời đổi đời giúp dân chứ không chỉ là chuyện kiếm mọi cách để có lợi nhuận. Cũng theo tác giả, điều cơ bản đối với nhà kinh doanh không phải là “ta muốn trở thành cái gì, có tầm cỡ gì, chiếm lĩnh vị thế nào”, mà chính là “điều ta khao khát mang đến một cách đặc sắc nhất cho đời (...) nhằm làm cho cuộc sống trở thành đáng sống hơn, nhân bản và nhân văn hơn” (tr.43).

Trong thực tế, có không ít doanh nhân vì không hiểu điều ấy, nên lẫn lộn tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp với “những mục tiêu mang tính định lượng” (tr.23) cụ thể và hạn hẹp. Hậu quả là không nhìn ra được những lý tưởng và những chân trời mà lý ra mình cần theo đuổi. “Lý tưởng như một ngôi sao sáng trên biển đêm (...) nhằm định được đúng hướng ta phải đưa thuyền đi” (tr.25). Còn “chân trời là nhằm mở đường dẫn lối chứ chưa bao giờ là nơi hình dung sẽ có ngày đến được” (tr.25).

Thế nên, “ngẫm cho cùng, bi kịch của cuộc đời không phải là không đạt được lý tưởng của bản thân mà chính là sống suốt cả đời người mà không một mảy may lý tưởng nào cả!” (tr.25). Hay như lời thơ của Trần Dần: “Tôi khóc những chân trời không có người bay. Lại khóc những người bay không có chân trời!” (tr.26).

Cuối cùng, nếu dành cả đời người cứ mải miết chạy, nhưng không biết đích đến ở đâu thì làm sao đến đích?

Làm kinh tế, nhưng không hiểu “làm kinh tế để làm gì?” thì làm sao làm kinh tế đúng nghĩa?

Hãy một lần tự hỏi: “làm kinh tế là làm gì, nhân văn trong kinh tế là gì? mối quan hệ giữa chúng ra sao” để bắt đầu có những cái thấy mới về kinh tế, mà sâu xa là nhằm giải quyết những vấn đề nan giải của ngày nay. Bởi lẽ, như Albert Einstein (1879 – 1955) từng nói“Ta không thể giải quyết một vấn đề với cùng một trình độ tư duy đã tạo nên vấn đề đó”

____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Thân Tiến Toàn
Nguyễn Văn Hưng
Nguyễn Ngọc Thùy Trâm
Lộc Quỳnh Như
Phan Hoàng Ngân
Lê Quang Minh