- Tác giả: Phan Cẩm Thượng
- Đơn vị xuất bản: NXB Đà Nẵng
“Nghệ thuật ngày thường” là tập hợp những bài viết trên các báo từ năm 2000 – 2007 của Phan Cẩm Thượng nêu lên những nhận định của ông về nghệ thuật và vị trí của nó trong lòng xã hội Việt Nam hiện đại.
Đọc Phan Cẩm Thượng, có thể thấy rõ ông là một người có chiều sâu văn hoá và kiến thức nghệ thuật rất rộng, rất bao quát. Các bài viết của ông, có khi tập trung nói về một vật nhỏ bé như cái bát, có khi đặt vấn đề thế nào là nghệ thuật đỉnh cao, nhưng tựu trung lại có ba vấn đề đáng quan tâm:
- Hội hoạ, hay nghệ thuật Việt Nam nói chung, đang ở đâu?
- Nghệ thuật Việt Nam đang có những vấn đề nào?
- Và chúng ta nên hội nhập như thế nào ra thế giới?
MỘT CUỐN SÁCH VỀ NGHỆ THUẬT BỔ ÍCH CHO MỌI GIỚI
Đối với người ngoài nghề tò mò về nghệ thuật thì sách giúp họ phát hiện và hiểu được nguồn gốc của rất nhiều loại hình nghệ thuật tồn tại quanh mình mà trước đây không nhận ra. Còn dân trong nghề có được cái nhìn rộng hơn, chuyên môn hơn, có khi thấy được cái thiếu và cái con đường trước mắt trong nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi.
Vì là những bài viết đơn lẻ nên người đọc có thể bắt đầu từ đâu cũng được. Đối với người mới lần đầu tìm hiểu, tôi khuyên bạn có thể bắt đầu bằng một bài viết khá thú vị “Ngũ quan và nghệ thuật”. Trong đó, tác giả khuyên bạn nên “đọc” một bức tranh, chứ không phải xem nó; và tập cảm nó từ nhiều hướng. Hay bài viết về Graffiti Art (nghệ thuật vẽ tranh tường), Window shopping (cách bày trí cửa hàng cũng là một nghệ thuật), những chiếc bát gốm đen thời Lý Trần,… hẳn sẽ khiến bạn phát hiện nhiều điều mới lạ. Hay nếu bạn tò mò về giá trị của nghệ thuật đương đại trong cuộc sống hiện nay, tác giả cũng đã lý giải phần nào qua bài viết “Trước những ngưỡng cửa".
“Người ta thấy ở đây những vấn đề bức xúc xã hội, thấy được sự quan tâm đối với cuộc sống thường nhật, thấy sự đối thoại cụ thể trực tiếp giữa khán giả với hoạt động nghệ thuật, thậm chí khán giả được coi là một phần của hoạt động nghệ thuật".
Cần nói thêm là, loại hình nghệ thuật đương đại (Sắp đặt, Trình diễn và Video Art) vẫn còn là loại hình nghệ thuật rất mới lạ và kén người xem ngay cả đối với dân chúng ngoại quốc. Năm 2015, khi đang ở Pháp, tôi vẫn thấy người dân Pháp hay Châu Âu nói chung nhận xét đây là loại hình nghệ thuật “kỳ lạ" và “quái đản" đối với họ. Cũng không tránh khỏi những nhận xét như vậy vì nghệ thuật đương đại chỉ mới ra đời lần đầu trên thế giới khoảng từ cuối những năm 50. Và khi đến Việt Nam, loại hình này vẫn còn được đón nhận rất dè dặt.
Còn đối với người có chuyên môn, những bài viết như “Một ngày phẳng lặng”, “Nồi kê chín dở”, “Phê bình nghệ thuật”, “Họa sĩ tài năng” hay “Cái đẹp trong mắt ai” lại là cơ hội để họ tự suy ngẫm. Chúng ta đã mất đi cái nền tảng nghệ thuật đồng đều và khá cao trước chiến tranh mà chưa có một nền tảng nghệ thuật mới vững chắc sau đó. Các trường đại học, hay cao hơn là Hội, Vụ Mỹ thuật nước nhà vẫn còn e dè, chưa dám tiếp cận một nền nghệ thuật mới ngoài Cổ điển. Các nghệ sĩ trẻ thì nỗ lực (hay loay hoay?) tìm cách thể hiện mình qua các trường phái nghệ thuật đương đại của thế giới nhưng chưa được công nhận và/hoặc chưa có chiều sâu văn hoá tự thân.
MỘT CÁI NHÌN CHO HƯỚNG ĐI CỦA NGHỆ THUẬT VIỆT NAM
Đọc “Nghệ thuật ngày thường”, ta nhìn vào bức tranh Nghệ thuật Việt Nam như một bức tranh sơn dầu nhợt nhạt và hỗn loạn, những màu sắc bên dưới thì không đủ làm nền tảng, những con người nổi bật thì hoặc đã mất, hoặc đã cũ, những nghệ sĩ mới, những lớp màu mới chồng lên trên thì nhợt nhạt thiếu dấu ấn riêng do chưa được ủng hộ từ chính môi trường trong nước, thiếu nền tảng văn hoá vững vàng. Một tổng thể khiến cho người trong cuộc lẫn ngoài cuộc đều không khỏi âu lo. Trong tình hình như vậy, tác giả đã nêu những điều cần làm ngay cho nghệ thuật nước nhà.
Về chiều sâu văn hoá, tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nền tảng văn hoá cho cả giới chuyên môn lẫn người dân, cần phải dạy “thẩm mỹ nghệ thuật, chủ yếu nâng tình yêu và kiến thức thưởng ngoạn" cho mọi giới, và dạy từ trong nhà trường.
“Tác phẩm lớn là hàng trăm con người đang trò chuyện với ta. Muốn quán xuyến được tác phẩm phải có khả năng vấn đáp với từng ấy con người, lần theo họ trong từng mối quan hệ" hay “tác phẩm giống như bữa tiệc, nhưng liệu ta có đủ lịch lãm để dự tiệc không?”
Về việc mang nghệ thuật Việt Nam ra thế giới, tác giả quay lại nêu cao tầm quan trọng của việc cần có nghệ thuật hoàn toàn đặc thù dân tộc và khu vực. Muốn được vậy thì phải quay về cội nguồn mà xem lại. Vì lẽ khi ra nước ngoài, họ chỉ quan tâm đến cái đặc sắc nhất của dân tộc mình. Đừng để tiếp tục những trường hợp một số tác phẩm mới có giá trị nhưng không được công nhận trong nước, phải đem bán tháo ra nước ngoài, rồi được người nước ngoài trưng trang trọng trong bảo tàng của họ, sau này nhận ra rồi thì lại khó mà lấy về được.
Để kết thúc, tôi xin trích dẫn lại câu trả lời của một giáo sư Mỹ, khi một sinh viên Mỹ thuật ở Việt Nam sang du học đã hỏi rằng có nên thực hành cho nhiều vào, lý thuyết ít thôi như lời dạy của các giáo sư nước nhà:
“Chúng tôi không đào tạo những nghệ sĩ ngu”.
Vậy, chúng ta có đang đào tạo những nghệ sĩ ngu?
Tài liệu tham khảo:
- Phan Cẩm Thượng: Ông là hoạ sỹ, nhà nghiên cứu nghệ thuật, nhà giáo, viết các bài báo và sách nghiên cứu về nghệ thuật.
- Silka P - Khúc Minh. (03/05/2016). Cục Mỹ thuật Nhiếp Ảnh và Triển lãm. Nghệ thuật đương đại Contemporary Art là gì?. Tra cứu ngày 29/09/2019 từ http://ape.gov.vn/nghe-thuat-duong-dai-comtemporary-art-la-gi-ds924.th
____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5
Lê Nguyễn Trần Huỳnh
Nguyễn Hoàng Bảo Huy
Phạm Thị Quỳnh Mai
Huỳnh Diệp Mỹ Ngọc
Nguyễn Đình Quý
Trần Minh Dạ Thảo
Với sự hỗ trợ từ Cộng tác viên Nguyễn Trần Khánh Ngọc