• Tác giả: Alexis De Tocqueville
  • Người dịch: Phạm Toàn (Hiệu đính: Bùi Văn Nam Sơn)
  • Đơn vị xuất bản: NXB Tri thức

Tác giả Alexis De Tocqueville sinh ra ở Paris trong một gia đình quý tộc lâu đời vùng Normandie, là “một hiện tượng nghịch lý” (Sơn, Bùi. p.17), là một người tán thành dân chủ với xuất thân quý tộc. Ông nhìn nhận “nền dân trị là hình thức xã hội duy nhất khả hữu của thời hiện đại” (Sơn, Bùi. p. 18). Cùng với những quan sát trong gần 9 tháng du khảo Hoa Kỳ cùng với Gustave de Beaumont và những nghiên cứu tại nước Pháp, ông xuất bản tập I của Nền dân trị Mỹ  (1835) và dành 5 năm tiếp theo để biên soạn tập II (xuất bản năm 1840) của quyển sách này. 

Quyển sách đồ sộ được nhà giáo Phạm Toàn dày công biên dịch và được nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, nằm trong tủ sách Tinh hoa của nhà xuất bản Tri thức. Bộ sách không dễ đọc, chắc chắn không phải là một cuộc dạo chơi nhẹ nhàng trên nước Mỹ mà đòi hỏi sự chuyên tâm tìm hiểu của người đọc.  

Quyển sách gồm 6 phần, viết cả về những “điểm xấu và tốt của nền dân trị Mỹ” (NovelGuide), với tư cách là một nhà trí thức quý tộc “chấp nhận nền dân trị như một thực tế lịch sử và tìm cách tạo ra những gì tốt đẹp nhất từ nó” (Sơn, Bùi. p.23). Ông dành hai chương đầu tiên để viết về bề mặt nước Mỹ và điều kiện tự nhiên của nó là môi trường lý tưởng để xây dựng một xã hội kiểu mới dựa trên những học thuyết tự do của John Locke, của Montesquieu và những ý tưởng tín ngưỡng Thanh giáo nhấn mạnh tự do, bình đẳng và trách nhiệm. Ông phân tích trật tự xã hội miền Bắc và Nam xóa bỏ mầm mống hình thành giới quý tộc, tạo nên sự bình đẳng về tinh thần và tài sản, kết hợp với trình độ văn minh từ lục địa châu Âu giúp tạo lập nền dân trị mà không đòi hỏi xung đột nội bộ. Bên cạnh đó, chủ quyền nhân dân thực sự hiện hữu trong dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện được kết hợp tài tình thể hiện qua các chính đảng, tự do báo chí, hội đoàn chính trị và trên hết là phổ thông đầu phiếu. Không chỉ nhìn vào những điểm tích cực, ông lo ngại quyền lực tuyệt đối của đa số sẽ dẫn đến sự chuyên chế của đa số đối với thiểu số, đây cũng là mầm mống của cuộc nội chiến sau này. Quan trọng hơn, ông nhấn mạnh đến vai trò của mỗi công dân trong việc xây dựng chính nền dân chủ này. 

Lý tưởng của nền dân trị về một chính phủ “của dân, do dân, và vì dân” như Lincoln diễn đạt trong diễn văn Gettysburg là điều kiện tự nhiên và tiên quyết, trao quyền cai quản trong tay người dân để người dân thực sự là chủ của đất nước. Đây cũng là điều ngày càng nhiều người, nhiều quốc gia khao khát và được Tocqueville quan sát, nhận định từ cách đây 183 năm. Ông quan sát tiến trình này và không quên nhấn mạnh đến dòng chảy của “hiện tại, quá khứ và tương lai”, rằng nhận thức đầy đủ cho sự chuyển đổi thành công không thể “cắt rời khỏi nguồn cội”, “phải kế thừa-…một cách thông minh- những di sản của các xã hội trước đó… để tránh và không lặp lại những sai lầm của quá khứ” (Sơn, Bùi. p.19). 

Vì là một nhà trí thức quý tộc, ông gắn bó với quá khứ huy hoàng của chế độ phong kiến đang lụn bại nhưng không khỏi trầm trồ trước một nền dân chủ. Chính vì thế mà ông không tung hô, cũng không cổ súy mà “phân tích lạnh lùng và phê phán thẳng tay”, cũng như nhận thức rõ ràng về ưu điểm và khuyết điểm của nó. “Tôi nhìn thấy những điều tốt đẹp và những thứ xấu xa được phân bổ khá động đều trên thế giới…chẳng còn nữa những sự thịnh vượng dị thường và cũng chẳng còn nữa cảnh khốn cùng không gì chữa chạy nội. Tham vọng trở thành một tình cảm ai ai cũng có, và có ít tham vọng rất to lớn. Mỗi cá nhân sống cô lập và yếu kém, xã hội thì chuyển động, có tầm nhìn xa và mạnh; những con người cá nhân riêng rẽ thì làm những chuyện nhỏ nhặt và Nhà nước thì làm được những việc mênh mông to tát” (Tocqueville, p. 803). Chính vì vậy, quyển sách là công trình đáng tham khảo với những quốc gia trên con đường hướng đến dân chủ có thể “bảo vệ ưu điểm và khắc phục khuyết điểm của nó” (Sơn, Bùi. p23) khi “các dân tộc thời này không còn cách gì để làm cho trong lòng mình không còn bình đẳng quyền nữa; nhưng tùy các dân tộc đó mà quyền bình đẳng có thể dẫn tới nô lệ hoặc dẫn tới tự do, tới sáng láng hay là tới man rợ, tới thịnh vượng hay là tới khốn cùng” (Tocqueville, p. 805).

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tocqueville, A. D. Novelguide. Democracy in America. Tra cứu ngày 30/12/2018 từ www.novelguide.com/democracy-in-america  
  2. Tocqueville, A. D., Phạm, T., & Bùi, V. N. (2013). Nền dân trị Mỹ. Hà Nội: NXB Tri thức.

____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Văn Thị Ngọc Dung
Trần Đỗ Tâm Giao
Phan Duy Khánh
Hoàng Thị Thanh Thảo
Lê Nguyên Thông
Nguyễn Ngọc Trâm